“Quả đấm thép” dân doanh

09/07/2012 06:13
09-07-2012 06:13:18+07:00

“Quả đấm thép” dân doanh

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc cần phải phân bổ lại nguồn lực từ các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cho doanh nghiệp tư nhân (DNTN) - thành phần kinh tế vốn dĩ chịu thiệt thòi đủ bề trong thời gian qua. Trao cho họ cơ hội để trở thành “quả đấm thép” của nền kinh tế.

Quá trình tái cấu trúc DNNN, các chuyên gia đều cho rằng, chưa nói đến cách làm và triển khai như thế nào mà vấn đề đầu tiên, xuyên suốt phải xác lập lại vai trò, vị thế của khối DNNN và DNTN.

Cái mà chúng ta cần là trao cho họ các cơ hội ngang bằng với DNNN, ưu đãi đất đai, hạ tầng và cả chính sách thuế để họ phát triển vươn lên tầm khu vực và thế giới

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho thấy, đóng góp của khu vực DNNN vào tăng trưởng GDP đã giảm rất nhanh từ mức 33% trong giai đoạn 2001-2005 xuống chỉ còn 19% trong giai đoạn 2006-2010, trong khi đó đóng góp của khu vực doanh nghiệp dân doanh tăng từ 45% lên 54% trong cùng thời kỳ.

Cần được nhìn bằng con mắt khác

Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nhà nước đang có một suy nghĩ là các dự án lớn, quan trọng DNTN chưa có khả năng làm. Đó là một sai lầm lớn, bởi DNTN chỉ yếu kém vào thời kinh tế mới cải cách, còn hiện nay sau mấy chục năm họ đã trưởng thành, lớn mạnh thực sự. “Nhà nước cứ nói DNTN không có khả năng, không muốn làm nhưng đã bao giờ trao cho họ cơ hội. Bao nhiêu miếng bánh ngon dành hết cho DNNN hoặc ưu ái cho DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ngay cả các dự án hợp tác công tư PPP đang thí điểm cũng chỉ kêu gọi FDI. Các DNTN cần được nhìn bằng con mắt khác”, bà Lan nói.

Những việc cần làm ngay khi tái cơ cấu, theo bà Lan phải giải quyết tình trạng nhà nước “đẻ” ra một loạt tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) đá lấn sân sang các lĩnh vực không phải chuyên ngành của mình, tranh giành với DNTN, hậu quả khối này bị chèn ép, bị đánh bật và không có cơ hội được đầu tư, phát triển. Cuối cùng trong khi DNTN co cụm thì các TĐ, TCT để lại một đống nợ nần, kèm theo tham nhũng, thất thoát trước lúc rút lui.

Thậm chí, ngay cả ngành nghề kinh doanh chính nếu DNNN không làm được thì cũng phải “cắt”, ngoại trừ lĩnh vực thiết yếu đối với nền kinh tế như an ninh năng lượng, quốc phòng, an sinh xã hội. Còn lại, như dệt may, da giày… hiện nay hầu hết doanh số xuất khẩu, đơn hàng đều tập trung tại các công ty tư nhân, kinh tế nhà nước chỉ giữ một thị phần nhất định thì không nhất thiết phải tồn tại TĐ nhà nước tại lĩnh vực này. Hay như cao su, những năm gần đây mở rộng diện tích ra nhiều, nhưng diện tích đất bị mất quá lớn. Cao su xuất khẩu lúc lên, lúc xuống và không thực sự hiệu quả. “Nếu để cho tư nhân làm, chắc gì Trung Quốc đã được thao túng như hiện nay và người trồng cao su đâu phải khổ sở, vất vả”, bà Lan nói. Kể cả với lĩnh vực xây dựng, theo bà Lan, không nên nhất thiết cứ phải duy trì một TĐ như Sông Đà (vừa tổng kết hội nghị 6 tháng, công nợ tính tới hết tháng 6.2011 lên tới 21.000 tỉ đồng, các công trình trọng điểm thì bị tắc nghẽn).

Bỏ cách làm chọn trước khu vực “xương sống”

Những đơn vị được ưu đãi nhiều mà làm ăn thua lỗ cần phải xử lý, thay vào đó là tạo điều kiện tốt hơn để khối DNTN phát triển. Để làm được điều này, bà Phạm Chi Lan kiến nghị vấn đề xuyên suốt là phải “phân bổ lại nguồn lực” theo các tiêu chí hiệu quả, chất lượng, bền vững, năng suất cạnh tranh, không phân biệt tư nhân hay nhà nước.

Thứ nhất, khối tư nhân cũng phải được tiếp cận công bằng các nguồn vốn nhà nước, ODA, tín dụng ngân hàng để có thể có điều kiện đầu tư lớn trong dài hạn. Thứ hai, hiện nay hầu hết những mảnh đất đắc địa đều rơi vào tay DNNN, thế nhưng hoặc bị cho thuê, hoặc bỏ hoang vô cùng lãng phí. Vì vậy, nhà nước cần giải tỏa, thu hồi và phân bổ lại cho các DNTN nếu họ có khả năng thuê để làm tạo ra hiệu quả. Trao cho họ cơ hội được đầu tư, tiếp xúc công trình, dự án lớn nhà nước làm chủ đầu tư, kể cả mua sắm, chi tiêu công. “Cứ nói bình đẳng chung chung, rằng tạo điều kiện cho DNTN và một môi trường kinh doanh bình đẳng trong khi nguồn lực thì không phân bổ, cơ chế thì chưa có. Chúng ta không thể chỉ tuyên bố trên giấy”, bà Lan kiến nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển khi trao đổi với Thanh Niên cũng hoàn toàn ủng hộ quan điểm phải tạo ra sự công bằng, bình đẳng và môi trường cạnh tranh thực sự trong nền kinh tế. Sự ưu đãi nếu có cho DNNN chỉ nên tập trung ở những lĩnh vực tư nhân không thể và không muốn làm như công ích, an ninh quốc phòng, còn lại hãy để các DN tự cọ xát. Ông Hiển nhìn nhận, những TĐ tư nhân hiện nay cũng đang trỗi dậy mạnh mẽ như Hoàng Anh Gia Lai, FPT, Ô tô Trường Hải, Hòa Phát…đóng góp lớn vào ngân sách hằng năm với số nộp thuế cực lớn. “Vì vậy, cái mà chúng ta cần là trao cho họ các cơ hội ngang bằng với DNNN, ưu đãi đất đai, hạ tầng và cả chính sách thuế để họ phát triển vươn lên tầm khu vực và thế giới”, ông nói.

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng ở một nước đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, luôn luôn khát vốn và có áp lực tạo việc làm mới lớn như VN thì năng lực sử dụng vốn một cách hiệu quả, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu là những tiền đề thiết yếu để giúp đất nước phát triển. Để đạt được những điều này, đầu tiên cần từ bỏ quan điểm chọn trước một khu vực nào đó là “xương sống” hay “chủ đạo”, bất chấp kết quả hoạt động của khu vực này. Thay vào đó, nhà nước cần tạo ra một môi trường cạnh tranh công khai và bình đẳng, giúp cho khu vực dân doanh ngày một trưởng thành tương xứng với tiềm năng và những đóng góp của khu vực này cho nền kinh tế quốc dân.

Cần mạnh dạn thay đổi tư duy

Thực tế VN đã tiến hành tái cơ cấu DNNN trong một thời gian dài nhưng hiệu quả chưa cao. Ví dụ những mục tiêu của chương trình cổ phần hóa đến nay đều chưa đạt được như thời gian hoàn thành là năm 2010 đã trôi qua. TCT đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng chưa phải là đại diện phần vốn tại nhiều DNNN có quy mô lớn.

TS Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - nhận xét việc tái cấu trúc DNNN là một quá trình khó khăn. Bản chất vì các DNNN đều có chung một ông chủ nhà nước dẫn đến việc người đại diện cho ông chủ đó cũng không rõ ràng. Theo ông, quan trọng nhất là tư duy. Thứ nhất nếu xem DNNN là nòng cốt thì có mâu thuẫn với hiến pháp hay không? Thứ hai là chúng ta đưa ra khái niệm nhà nước độc quyền trong một số lĩnh vực nhưng không biến độc quyền nhà nước thành độc quyền DN, vậy có làm được hay không? Hướng cải cách DNNN sắp tới là tăng giám sát và minh bạch hóa thông tin nhưng chưa rõ cơ chế giám sát đối với DNNN. Vấn đề nữa là cải tổ người đại diện chủ sở hữu nhà nước và có lộ trình chỉ còn một đại diện (thay vì có nhiều đại diện như hiện nay gồm UBND tỉnh/thành phố, bộ chủ quản, SCIC…). Bản thân SCIC hiện nay thì năng lực, tính chuyên nghiệp chưa đủ để đại diện vốn tại các DNNN lớn. Chẳng hạn đã từng đưa vốn nhà nước ở Vietcombank sang SCIC quản lý nhưng sau đó lại trả về cho NHNN. Những DNNN giữ vai trò bình ổn thị trường thì ai sẽ chịu phí tổn để thực hiện? Đặc biệt trong quá trình tái cơ cấu DNNN, việc cải thiện quản trị DNNN là một điều quan trọng. Bởi hiện nay, Tổng giám đốc (CEO) của DNNN vẫn là một công chức, điều này khác hoàn toàn với CEO của một DNTN. Động lực để thúc đẩy một công chức nhà nước không nhiều bằng động lực thúc đẩy một CEO trên thị trường. Vậy liệu DNNN có tham gia vào việc tuyển dụng CEO với mức lương cao như trên thị trường hay không? Đó là chưa kể CEO của các DNNN không có nhiều thực quyền.

TS Thành cho rằng, trong quá trình cơ cấu lại DNNN, ngoài giải pháp thực hiện CPH còn phải tái cấu trúc những đơn vị đang bên bờ vực phá sản. Cần mạnh dạn cho thực hiện phá sản những đơn vị yếu kém. Do tư duy về phá sản của chúng ta còn cũ kỹ, cho rằng phá sản tức sẽ mất hết thương hiệu nên e ngại. Thế nhưng đây là một nhận thức sai về quá trình phát triển. Ví dụ từ câu chuyện của Tập đoàn General Motors của Mỹ cho thấy sau khi nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào năm 2009, đến nay thương hiệu này vẫn không mất đi mà sau đó vẫn lấy lại vị thế hàng đầu thế giới vào năm 2011. Riêng đối với những nhóm DN mà sở hữu nhà nước còn chi phối thì phải tìm được cổ đông chiến lược tham gia. Điều đó mới góp phần thay đổi được quản trị công ty.

Theo TS Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường ĐH Mở TP.HCM), quan trọng nhất là phải nhanh chóng có khung pháp lý, quy định rõ về việc minh bạch hóa thông tin của DNNN như các công ty đại chúng. Thông qua việc công bố thông tin, toàn xã hội sẽ tham gia giám sát hoạt động của DNNN.

Mai Phương


TS Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường ĐH Mở TP.HCM): Đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN

Dù sẽ khó khăn khi kinh tế chưa khởi sắc và nhà đầu tư không sẵn lòng bỏ tiền mua cổ phần nhưng Chính phủ cũng không thể ngưng việc CPH các DNNN. Chúng ta phải chấp nhận bán giá thấp hơn ở một số DN. Riêng đối với những DNNN có hiệu quả như ngành viễn thông thì dù ở thời điểm này vẫn có thể bán được giá cao. Thực hiện CPH xong với lộ trình giảm dần vốn sở hữu nhà nước thì bộ máy quản trị sẽ thay đổi.

Thực tế cho thấy sau khi thay đổi từ sở hữu nhà nước sang sở hữu tư nhân, nhiều DN đã hoạt động hiệu quả hơn. Ở nhiều lĩnh vực, thông qua hoạt động mua bán sáp nhập với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài cũng là cơ hội để đẩy nhanh việc CPH của nhà nước.

M.Phương (ghi)

Ông Lưu Duy Dần , Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội làng nghề Việt Nam: Hỗ trợ DNTN mạnh hơn

DNTN tập trung vào các làng nghề, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đang quá thiệt thòi, không tiếp cận nổi nguồn vốn; các chính sách hỗ trợ của nhà nước đưa ra dường như quá xa vời với tầm với của họ, trong khi đây là lực lượng giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều lao động, đặc biệt là lao động nông thôn trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, đất đai sản xuất ngày càng bị thu hẹp. Nước ta có thế mạnh về nông nghiệp, vì thế nên có chính sách hướng các DNTN chú trọng đầu tư vào lĩnh vực này bằng chính sách thuế ưu đãi, hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh, LS tín dụng, vừa phát triển mạnh thế mạnh nông nghiệp, từ sản xuất gạo đến chế biến nông lâm, thủy sản, rau quả… đồng thời, có chính sách hỗ trợ tìm đầu ra, thị trường tiêu thụ cho các DN này trong thời gian đầu thành lập, hoạt động.

Bảo Cầm (ghi)

Bà Phạm Thị Loan , Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Việt Á: Các tập đoàn nổi tiếng thế giới đều là DNTN

Chúng ta cần coi DNNN và DNTN là như nhau, bình đẳng, thậm chí DNTN cũng có thể là những quả đấm thép, đem lại lợi ích cho đất nước, tạo ra lợi thế cạnh tranh để phát triển.

Chúng ta thử nhìn các thương hiệu, các tập đoàn nổi tiếng thế giới như Siemens, Microsoft, Coca Cola… họ đều là DNTN. Để đảm bảo DNNN và DNTN đều được tạo điều kiện phát triển trong một môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, trước tiên cần xác định DNNN nào nên giữ lại, không cần thiết thì hoặc bán, hoặc CPH. Với những DNNN được giữ lại, phải giao nhiệm vụ rõ ràng, rành mạch, khoán cơ chế vốn cho họ và cũng giao cả trách nhiệm, nghĩa vụ cho họ, có chế tài kiểm soát, chứ như hiện nay, vấn đề này còn bỏ trống nên có kiểm soát được hiệu quả hoạt động của DNNN đâu?

Nguyệt Minh (ghi)

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành : Thoái vốn đầu tư ngoài ngành

Chính phủ cần kiên quyết bắt buộc các DNNN, các TĐ thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành trong thời gian nhanh chóng. Người làm dầu khí thì lo làm dầu khí, người làm điện thì lo làm điện, không đầu tư linh tinh vào bất động sản, ngân hàng… Song song với việc đó, phải có quy chế hoạt động của Ban kiểm tra, giám sát với vai trò độc lập, không chịu sự chi phối trực tiếp từ Ban điều hành. Khi đó việc giám sát hoạt động của DNNN, giám sát hoạt động của Ban điều hành là những người đại diện phần vốn nhà nước tại DN mới có hiệu quả cao.

Nếu không có quy chế riêng về bộ máy giám sát thì các DNNN lại dễ dàng lập lờ và không thể ngăn chặn kịp thời những hoạt động ngoài ngành.

M.Phương (ghi)

TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM): Chuẩn bị kỹ quy trình tái cơ cấu

Muốn tái cơ cấu DNNN đạt hiệu quả thì khâu chuẩn bị phải được thực hiện kỹ, nhanh và quyết đoán. Có thể nói rằng phải dành 3/4 thời gian cho công tác chuẩn bị và thực hiện chỉ chiếm 1/4 thời gian mà thôi. Chúng ta muốn giảm về số lượng DNNN hay thay đổi về chất lượng? Phải xác định những vấn đề nào cần tái cơ cấu với các điều kiện tiên quyết bao gồm lãnh đạo việc này là ai? Nên tái cơ cấu cái gì? Ví dụ như phải xác định còn để lại bao nhiêu DN mà nhà nước vẫn sở hữu 100% vốn? Hay những DN, lĩnh vực nào nhà nước sở hữu 70% vốn hay 65% vốn… Sau đó chúng ta mới có phương án chi tiết hơn như sắp xếp lại DN nào, tái cơ cấu về quản trị DN, về nhân sự, về quy trình hoạt động…

Đó là chưa kể Chính phủ có dám chấp nhận mất giá để DNNN thực hiện thoái vốn nhanh hay không? Bởi hiện nay nhiều DN không hiệu quả, nhiều khoản đầu tư trái ngành mà nếu bán ra giá chỉ còn lại chưa đến 1/10 so với lúc đầu tư ban đầu...

M.Phương (ghi)


Anh Vũ

Thanh niên





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (3)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Giám đốc Sở Tài chính được bầu giữ chức Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình

Ông Bùi Văn Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính Hòa Bình được bầu giữ chức Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình khóa XVII.

Khởi tố 27 đối tượng trong đường dây khai thác cát trái phép

Chiều 28/03, Công an TPHCM cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC01), Công an TPHCM đã khởi tố và xử lý hình sự 27 bị can về các tội vi phạm quy định về khai thác...

Chủ tịch Phan Văn Mãi: TP.HCM là nơi có nhiều cơ hội, dư địa để khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định TP.HCM có nhiều dư địa, cơ hội, nhiều đơn đặt hàng để các nhà khởi nghiệp nghiên cứu.

Vụ Tập đoàn Phúc Sơn: Bắt tạm giam nguyên Bí thư Quảng Ngãi Lê Viết Chữ và Phó Bí thư Tỉnh Vĩnh Phúc

Ngày 27/3/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam với nguyên Bí thư Quảng Ngãi Lê Viết Chữ và ông Phạm Hoàng...

Chợ Bến Thành, Tân Định... có lợi thế phát triển nhờ metro

Các Sở An toàn thực phẩm (ATTP), QHKT TP.HCM, Phòng kinh tế quận 6…đều nhìn nhận chợ truyền thống đang dần bị thu hẹp nhưng không hề mất đi.

Quý 1, TP.HCM dẫn đầu cả nước về số dự án có vốn đầu tư nước ngoài

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 42 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư. Còn, TP.HCM dẫn đầu về số dự án mới, điều chỉnh vốn và...

Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng nhận án 8 năm tù

TAND TP Hà Nội vừa tuyên phạt Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng mức án 8 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tổng vốn FDI vào Việt Nam 3 tháng đầu năm 2024 đạt 6.17 tỷ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ

Thu hút FDI của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024 tiếp tục khởi sắc khi tăng 13.4% so với cùng kỳ năm 2023. 

Đề nghị truy tố 254 bị can trong ‘đại án đăng kiểm’

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố 254 bị can liên quan đến đại án tiêu cực ngành đăng...

Thị trường 'ấm dần', xuất khẩu ngành hàng dệt may đón cơ hội để tăng tốc

Để đẩy mạnh xuất khẩu, ngành dệt may tiếp tục đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường... nhằm đáp ứng nhu cầu ngày...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98