Chậm trả cổ tức, cổ đông nhà nước sẽ phạt doanh nghiệp

05/09/2012 09:36
05-09-2012 09:36:20+07:00

Chậm trả cổ tức, cổ đông nhà nước sẽ phạt doanh nghiệp

Cổ đông nhà nước được phép phạt các DN chậm nộp cổ tức trong vòng 3 tháng, thậm chí được áp dụng biện pháp cưỡng chế nếu sau 4 tháng DN vẫn không trả cổ tức.

Trong tình hình nhiều công ty chậm trả cổ tức, không ít cổ đông khác bày tỏ băn khoăn, liệu quy định mới này có giúp ích gì cho họ trong việc sớm nhận được cổ tức?

Từ ngày 1/7/2012, Quy chế quản lý Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN được ban hành kèm theo Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg bắt đầu có hiệu lực (sau đây gọi tắt là Quy chế 21). Theo đó, Quỹ có nhiều nguồn thu như thu từ CPH, thu từ bán, giao, giải thể, phá sản DNNN, thu sau CPH…, trong đó có lợi nhuận, cổ tức từ việc đầu tư vốn nhà nước.

Để đảm bảo các nguồn thu này chảy về Quỹ đúng hẹn, Quy chế 21 quy định một số chế tài. Cụ thể, nếu chậm nộp trong vòng 3 tháng, DN phải chịu thêm tiền lãi tính theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm gần nhất cho số tiền và thời gian chậm nộp. Nếu tiếp tục chậm nộp, DN phải chịu thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền vay quá hạn cho số tiền chậm nộp của thời gian quá hạn sau 3 tháng. Sau 4 tháng, DN vẫn chưa nộp tiền, thì ngoài việc phải chịu nộp lãi phạt, DN sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng cách trích tiền từ tài khoản tiền gửi về Quỹ.

Để đảm bảo các ngân hàng sẽ trích tiền từ tài khoản DN chuyển về Quỹ, Bộ Tài chính được giao thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế. Các khoản phạt chậm nộp này không được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập DN, DN chỉ được dùng lợi nhuận sau thuế để bù đắp các khoản phạt này sau khi đã trừ đi khoản bồi thường của cá nhân, tập thể liên quan đến việc chậm nộp.

Theo ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng Đổi mới, sắp xếp và phát triển DN - Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), chế tài này áp dụng cho mọi nguồn thu được quy định trong Quy chế 21 mà DN chậm nộp. Như vậy, nếu DN chậm trả cổ tức cũng phải chịu chế tài trên. Bằng chế tài này, những người soạn thảo văn bản nói trên hy vọng sẽ giải quyết được tình trạng DN chậm trễ trả cổ tức đang diễn ra khá phổ biến.

Đó là chuyện của cổ đông nhà nước, còn các cổ đông bình thường khác phải làm thế nào để DN trả cổ tức cho mình khi các công ty, đặc biệt là công ty chưa niêm yết trì hoãn thanh toán, với lý do khó khăn tài chính? Nếu như các công ty niêm yết còn bị dư luận giám sát, thì các công ty chưa lên sàn khiến NĐT sốt ruột nhiều hơn, vì các công ty này có tính thanh khoản thấp và thông tin thường kém đầy đủ.

Theo phản ánh của một số cổ đông, do ngành xây dựng và bất động sản gặp khó khăn, nên CTCP Đầu tư xây dựng và vật liệu Đồng Nai cũng bị ảnh hưởng nặng nề. ĐHCĐ thường niên của Công ty quyết định chi trả mức cổ tức năm 2011 khiêm tốn là 3%, nhưng đến nay Công ty vẫn chưa cân đối được nguồn tiền để trả cho cổ đông. CTCP Nhựa y tế (Mediplast) cũng chưa thanh toán cổ tức năm 2011, tỷ lệ 12% cho cổ đông, dù Công ty đã chốt danh sách cổ đông có quyền hưởng cổ tức.

Không chỉ khiến một số cổ đông thất vọng với lời hứa niêm yết chưa hoàn thành trong năm 2011, CTCP Máy - Thiết bị dầu khí (PV Machino) còn chưa thể trả cổ tức cho cổ đông, dù ĐHCĐ Công ty vào tháng 4/2012 đã quyết định mức cổ tức năm 2011 là 15%.

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Đình Trung, Tổng giám đốc PV Machino cho hay, Công ty rất nỗ lực để có thể trả cổ tức sớm nhất, nhưng cũng mong cổ đông chia sẻ, vì tình hình khó khăn trong năm nay. Ông Trung cho biết, từ nay đến cuối năm, Công ty sẽ trả cổ tức, nhưng khó có khả năng trả hết, phần còn lại có lẽ phải sang năm mới trả.

CTCP Công trình Viettel, công ty con trong Tập đoàn Viettel cũng không thoát khỏi tình cảnh chậm cổ tức. Cổ đông phản ánh, năm 2011, Công ty không những không hoàn thành kế hoạch cổ tức ĐHCĐ đặt ra (chỉ đạt cổ tức 10% so với kế hoạch là 15%), mà còn chậm trả cổ tức. Về việc này, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Công ty cho biết, Công ty đang chuẩn bị làm thủ tục chi trả cổ tức cho cổ đông.

Nhiều cổ đông bày tỏ bức xúc rằng, bên cạnh những DN thực sự gặp khó khăn, khiến nguồn tiền để trả cổ tức bị ảnh hưởng, thì có những DN chưa coi trọng/ý thức đúng mức quyền lợi cổ đông trong việc chia cổ tức. Đối với những DN có vốn nhà nước, trách nhiệm của cơ quan quản lý phần vốn nhà nước và đại diện vốn nhà nước ra sao khi DN chậm trả cổ tức?

Với quy định mới trong Quy chế 21 nêu trên, NĐT kỳ vọng, khi DN trả cổ tức cho cổ đông nhà nước thì sẽ trả luôn cho tất cả các cổ đông khác. Tuy nhiên, NĐT cũng lo ngại, liệu quy định này có tạo ra sự bất bình đẳng giữa cổ đông nhà nước và cổ đông khác ở chỗ cổ đông nhà nước sẽ được lĩnh cổ tức trước, còn cổ đông thường thì dùng áp lực gì để được lĩnh?

Theo luật sư Trần Minh Hải, nếu quy định này tạo ra tình trạng ưu đãi về thứ tự lĩnh cổ tức giữa các cổ đông theo hướng cổ đông nhà nước được ưu tiên trả cổ tức trước thì không hợp lý, bởi đi trái với tinh thần của Luật Doanh nghiệp, tức là biến cổ đông nhà nước thành cổ đông đặc biệt. Còn nếu cơ chế đảm bảo việc trả cổ tức cho cổ đông nhà nước đúng hạn được đưa ra ĐHCĐ và được các cổ đông chấp nhận, thì đây là việc nội bộ của DN. Không có gì đáng bàn khi các cổ đông đều chấp thuận việc ưu đãi trả trước cổ tức cho cổ đông nhà nước. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, đã có những công ty gặp khó khăn thanh khoản và phải “vay tạm” nguồn trả cổ tức để duy trì hoạt động. Khi cổ đông nhà nước được quyền rút tiền (giá trị phần cổ tức được nhận) có thể ảnh hưởng đến tính thanh khoản của công ty, cũng như ảnh hưởng đến các cổ đông khác.

“Cần có quy định về thời hạn trả cổ tức” - Luật sư Nguyễn Vĩnh Ban, Công ty Luật DNAS

Hiện nay, ĐHCĐ của các công ty thường chỉ thông qua tỷ lệ cổ tức, còn thời điểm chi trả cổ tức được ủy quyền cho HĐQT. Chỉ có số ít nghị quyết ĐHCĐ chốt luôn thời điểm trả cổ tức, chẳng hạn như phải trả cổ tức trước ngày nào đó. Ngay cả Quy chế 21 cũng chỉ quy định, sau 5 ngày kể từ ngày thực hiện trả cổ tức theo nghị quyết HĐQT, mà DN không trả cổ tức, thì mới bị phạt. Việc này dẫn đến tình trạng nợ cổ tức: HĐQT trì hoãn ra quyết định trả cổ tức nhiều tháng hoặc đã có quyết định trả cổ tức nhưng vẫn chưa trả cho cổ đông. Đến nay, việc này chưa được giải quyết dứt điểm. Tôi cho là cần có quy định về thời hạn trả cổ tức. Sau khi có nghị quyết ĐHCĐ thông qua tỷ lệ cổ tức, thì chậm nhất trong thời gian nào đó, không nên quá 1 quý, công ty phải thanh toán cổ tức cho cổ đông.

“Quy chế 21 có tác dụng thúc ép DN trả cổ tức” - Luật sư Đỗ Viết Hải, Công ty Luật hợp danh Sự thật

Thực chất, Quy chế 21 trao cho cổ đông nhà nước một số đặc quyền nhất định, chẳng hạn như cùng nợ tiền cổ tức nhưng cổ đông nhà nước có quyền phạt, cưỡng chế thanh toán bằng biện pháp hành chính, trong khi cổ đông khác muốn đòi được lãi suất chậm trả, lãi suất quá hạn thì phải khởi kiện. Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với cổ đông khác là bất khả thi. Tuy nhiên, điều này phù hợp với quy định, nguyên tắc về bảo toàn vốn nhà nước. Ngoài ra, sự phân biệt trong tài sản của Nhà nước và tài sản công dân không phải hiếm lạ, chẳng hạn chiếm đoạt tài sản Nhà nước là tội danh khác, khung hình phạt khác, trong khi chiếm đoạt tài sản của công dân là tội danh khác.

Tôi cho là quy định này có lợi cho cổ đông còn lại, bởi có thể có tác dụng thúc ép công ty trả cổ tức cho cổ đông. Tuy nhiên, do Luật Doanh nghiệp không quy định về thời điểm trả cổ tức, nên có tình trạng DN trì hoãn trả cổ tức. Đây là phần nên sớm sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, cổ đông cần ý thức vấn đề thời điểm trả cổ tức và có thể yêu cầu đưa thời hạn này vào ngay trong nghị quyết ĐHCĐ thường niên.


Hoàng Duy

đầu tư chứng khoán





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Saigonbank chốt quyền chia cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 10%

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank, UPCoM: SGB) thông báo 24/04/2024 là ngày giao dịch không hưởng quyền để chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng cổ...

HAX chốt ngày đăng ký cuối cùng chia cổ tức và cổ phiếu thưởng 2023

HĐQT CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (HOSE: HAX) thông qua ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện chia cổ tức 2023 bằng tiền và nhận cổ phiếu thưởng là 10/05/2024.

Chủ nhà sách Fahasa sắp chia nốt cổ tức 2023, tỷ lệ 12%

CTCP Phát hành Sách Thành phố Hồ Chí Minh (Fahasa, UPCoM: FHS) thông báo chốt quyền thanh toán cổ tức đợt 2/2023 bằng tiền. Ngày đăng ký cuối cùng là 02/05/2024.

HSG quay lại với cổ tức tiền mặt sau 6 năm, dự chi hơn 300 tỷ 

CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) sắp chi gần 308 tỷ đồng cổ tức NĐTC 2022-2023. Lần gần nhất, ông trùm tôn mạ trả cổ tức tiền mặt là từ năm 2018.

Tuần từ 15-19/04: Có doanh nghiệp chốt quyền chi hơn 700 tỷ đồng cổ tức

Trong tuần từ 14-19/04, có 7 doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức bằng tiền. Tỷ lệ cao nhất là 20%, tương đương cổ đông sở hữu 1 cp nhận được 2,000 đồng.

Sonadezi Châu Đức sắp chi 120 tỷ đồng trả cổ tức 2023

CTCP Sonadezi Châu Đức (HOSE: SZC) thông báo chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền. Ngày giao dịch không hưởng quyền 24/04/2024.

Tuần từ 08-12/04: Cổ tức nhỏ giọt

Trong tuần từ 08-12/04/2024, cổ tức diễn ra khá nhỏ giọt khi chỉ 4 doanh nghiệp chốt quyền trả bằng tiền. Trong đó, cao nhất là 30%, tương đương mỗi cổ phiếu sở hữu...

APL sắp chi cổ tức bằng tiền, tỷ lệ 12%

CTCP Cơ khí và Thiết bị áp lực - VVMI (UPCoM: APL) thông báo chốt quyền chi cổ tức bằng tiền. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 15/04/2024.

Doanh nghiệp có cổ phiếu đắt nhất sàn HOSE sắp trả cổ tức 250% bằng tiền

CTCP Vinacafé Biên Hòa (HOSE: VCF) từng có nhiều lần chia cổ tức "khủng" cho cổ đông. Năm 2023, Công ty dự kiến trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ đến 250% (25,000...

Vinamilk sắp nhận thêm tiền tỷ cổ tức từ Mộc Châu Milk

CTCP Giống Bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk, UPCoM: MCM) sắp thanh toán cổ tức đợt 2/2023 bằng tiền với tỷ lệ 10% (1,000 đồng/cp). Theo đó, Vinamilk sẽ hưởng lợi lớn.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98