Những thuyền viên đói trên con tàu nát

30/10/2012 16:10
30-10-2012 16:10:01+07:00

Những thuyền viên đói trên con tàu nát

Sau thông tin về 15 thuyền viên tàu New Phoenix bị bỏ rơi tại Trung Quốc, Báo Lao Động lại nhận được đơn kêu cứu của thuyền viên tàu Vinashin Atlantic. Có điều, thuyền viên của con tàu này bị bỏ rơi ngay tại xứ mình.

Núi phế liệu khổng lồ trên biển

Có thể ví con tàu Vinashin Atlantic là một núi phế liệu mọc lên ngoài khơi biển Vũng Tàu. Theo các thuyền viên, trong hàng chục con tàu của Vinashin, thì Vinashin Atlantic thuộc hàng “đại ca”. Nó có chiều dài 265,2m, rộng 47,80m và cao 22,80m. Nhưng đáng tiếc thay, nó là một đống phế liệu sừng sững, là xác một con tàu chết đang ''trơ gan cùng tuế nguyệt''. Mỗi ngày qua đi, nước biển gặm nhấm từng phần còn lại.

Bước lên giữa boong tàu, điều đập vào mắt là một bãi sắt thép hoen gỉ. Các lớp sơn bong tróc, không còn nơi nào nguyên vẹn. Từ phòng thuyền viên đến các phòng máy, cabin tàu đều có chung một tình rạng: “Nát”. Anh Trần Đức Thọ - thuyền viên của tàu - cho biết, Atlantic được kéo về neo đậu ở đây từ tháng 5.2009. Nghe đâu nó được mua cả nghìn tỉ đồng, khai thác được đôi ba lần thì nằm chết từ đó đến nay. Con tàu bị chủ nhân của nó là Cty TNHH MTV vận tải viễn dương Vinashin bỏ bừa ngoài biển.

Tàu không có dầu nên không có điện, tất cả các thiết bị trên tàu đều ngừng hoạt động, một ngọn đèn cũng không thể thắp sáng. Các thuyền viên không kêu được tới ông chủ thì đành kêu người ngoài, cụ thể là nhiều lần gửi đơn cầu cứu khẩn cấp đến Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu.

Trong đơn gửi ngày 7.9 vừa qua có ghi rõ: “Hiện nay tàu chỉ còn một neo, không có nguồn điện để sử dụng trong trường hợp trôi neo hoặc đứt neo, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Về ban đêm, tàu không có điện để chiếu sáng, điều này vô cùng nguy hiểm đối với khu vực có nhiều tàu thuyền thường xuyên qua lại như ở vùng neo Vũng Tàu”.

Sự nguy hiểm mà các thuyền viên cảnh báo thực ra đã từng có trước. Ngày 2.1.2012, tàu Vinashin Atlantic đã bị trôi neo và va chạm với 2 hàng đáy tại vùng biển thuộc Cần Giờ (TPHCM) và mắc cạn cách mũi Vũng Tàu 7 hải lý về phía tây nam. Tai nạn làm hàng đáy bị sập hoàn toàn, ngư dân Trần Văn Hiền đang canh giữ đáy bị rơi xuống biển mất tích đến nay chưa tìm thấy.

Theo kết luận của Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn là tàu Vinashin Atlantic neo đậu đã lâu, nhưng chủ tàu không đầu tư sửa chữa, duy tu máy móc, trang thiết bị trên tàu. Nên khi xảy ra sự cố, thuyền viên và sĩ quan không thể sử dụng được các máy móc, thiết bị phù hợp để ứng phó và khống chế tình trạng tàu bị trôi dạt. Đó là câu chuyện cũ, còn chuyện mới thì sao, thuyền viên Phạm Hùng Trang (SN 1988) cho biết, neo còn lại đã hỏng, tàu có thể trôi dạt bất cứ lúc nào, có thể húc vào bất cứ con tàu nào trên biển.

Tuy nhiên, thuyền viên sẽ hoàn toàn bất lực vì trên tàu không có nổi một “giọt” điện để thông tin liên lạc. Một điều rất rõ khác, chưa cần tàu đứt neo trôi dạt, mà một ''ngọn núi phế liệu'' nằm lù lù giữa biển, ban đêm không có một ngọn đèn thì tàu khác đâm vào là điều không trước thì sau. Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lê Văn Chiến – Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu - nói rằng, cảng vụ đã gửi rất nhiều văn bản đến chủ tàu, đề nghị khẩn trương sửa chữa các trang thiết bị trên tàu.

Phải tổ chức kiểm tra, giám sát, đảm bảo máy chính, máy tời, máy điện sẵn sàng hoạt động. Lắp đặt thiết bị neo bên phải khắc phục hậu quả đứt neo. Có biện pháp ứng phó các tình huống khẩn cấp trong quá trình neo đậu tàu tại vùng neo Vũng Tàu. Nhưng chủ tàu không hề có bất cứ phản hồi nào.

Và đoàn thuyền viên đói rách

Thuyền viên kéo thùng hàng thực phẩm của Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu gửi tặng. Ảnh: Lê Thanh Phong

Phải dùng từ đói rách mới đúng, bởi vì không còn từ nào khác diễn tả chính xác hơn về cuộc sống của 7 thuyền viên trên tàu Vinashin Atlantic. Trừ 2 thuyền viên được đưa từ Cty CP vận tải biển VN (Vosco) là được trả lương, còn 5 thuyền viên của Vinashin thì hoàn toàn trắng tay. Phạm Hùng Trang kể rằng, vào làm từ tháng 1.2012 đến nay chỉ nhận đúng một tháng lương 6 triệu đồng, còn lại là ngồi chờ. Không có một đồng dính túi, đói khát không biết kêu ai.

Nhà của Trang ở ngoài Bắc, bây giờ cũng không biết về quê như thế nào. Còn ở lại, trong túi không có một đồng, nợ nần tiền thực phẩm ở chợ quá nhiều, nay mua thiếu nợ họ cũng không cho nữa. Được hỏi tại sao không đề xuất với lãnh đạo để kiếm cơm ăn. Anh em bảo rằng, từ khi xuống tàu đến nay không biết ai, không gặp ai, không có ông lãnh đạo nào bước lên tàu.

Các thuyền viên tìm cách sống qua ngày bằng câu cá, mua thực phẩm thiếu nợ, cử người vào bờ mượn tiền người quen. Có được đôi đồng, họ gửi ngư dân vào chợ mua cho hai - ba ngày thức ăn. Nhưng gặp lúc biển động, ngư dân không đi đánh cá, họ ngồi chịu đói, ăn mì gói qua ngày là chuyện thường.

Khổ nhất là không có điện, ban ngày nóng nực, ban đêm tối om. Tàu không có điện là con tàu chết. Người không có điện mà phải sống trên đống sắt vụn giữa biển thì coi như chết một nửa.

Không điện đài, không tin tức, báo chí, truyền hình. Tủ lạnh không có để giữ thức ăn, không máy lạnh, máy quạt. Điện không có nên không bơm được nước, phải hứng nước mưa xài qua ngày. Xin lỗi, đi vệ sinh thì cho “bay” xuống biển vì toalét không có nước để giội.

Boong tàu đã hoen gỉ toàn bộ. Ảnh: Lê Thanh Phong

Phạm Văn Phong - từng làm thuyền viên cho tàu Nash Sông Gianh từ năm 2009, đến năm 2012 sang Vinashin Atlantic- tổng cộng bị Cty thiếu nợ thời gian làm trên cả hai con tàu là 17 tháng lương. Phong nói, em vay mượn lung tung để mua thực phẩm chống chọi qua ngày. Đến nay nợ lên đến 40 triệu đồng nhưng chờ mãi Cty không trả lương và tiền ăn, nên không dám ra chợ mua thiếu nợ nữa.

Còn nhiều thuyền viên khác bị nợ lương, nhưng vẫn cố bám vì nuôi hy vọng có ngày được trả. Đào Xuân Nam bị nợ 19 tháng lương, Quân bị nợ 9 tháng lương. Ở trên tàu giữa biển, cách bờ 5 hải lý, ngoài khổ sở vì thiếu thốn, anh em sợ nhất là bị bệnh. Bệnh thì chỉ có chết.

Chia tay nhau ở boong tàu, thuyền viên Thọ nhắn rất thật lòng: “Lần sau các anh ra thăm, ngoài mấy món quà mì tôm, nước ngọt, thuốc lá, nhớ cho tụi em thêm vài ký thịt. Thèm thịt quá anh ạ”.

Còn nhiều con tàu của Vinashin đang trở thành đống phế liệu trên khắp vùng biển, vùng sông VN. Trên những con tàu thê thảm đó có nhiều thuyền viên sống khổ sở và cùng cực. Nhìn con tàu Vinashin Atlantic to lớn giá nghìn tỉ đồng bị mục nát giữa biển khơi, mới thấy tội của những người sắm ra nó.

Lê Thanh Phong

Lao động





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98