DN xăng dầu lãi khủng nhờ xả quỹ bình ổn: “Người tiêu dùng đang thành con nợ”
DN xăng dầu lãi khủng nhờ xả quỹ bình ổn: “Người tiêu dùng đang thành con nợ”
Không đồng tình với việc Bộ Tài chính cho doanh nghiệp xăng dầu được lãi hàng tỉ đồng mỗi ngày nhờ xả quỹ bình ổn, TS Nguyễn Ngọc Sơn, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - luật TP.HCM, cho rằng bộ này phải có trách nhiệm giải trình với người tiêu dùng. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Sơn nói:
Quỹ bình ổn giá xăng dầu là một trong những công cụ pháp luật cho phép thực hiện để điều tiết giá. Nó được trích ra từ giá bán lẻ xăng dầu. Đây thực chất là một hình thức người dân gửi tiết kiệm, tích lũy tiền để điều tiết giá trong những tình huống đặc biệt.
Việc điều hành quỹ bình ổn xăng dầu hiện nay đang khiến người tiêu dùng bị thiệt thòi
|
Như vậy, rõ ràng tiền từ quỹ bình ổn là tiền của dân, không phải của Nhà nước, cũng không phải của doanh nghiệp. Cho sử dụng như thế nào, mức bao nhiêu, thời gian bao lâu toàn quyền do Nhà nước quyết định. Do đó trách nhiệm của Nhà nước là phải làm sao hiệu quả nhất từ việc mang lại lợi ích cho dân, chứ không phải doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Người tiêu dùng cho rằng vận hành quỹ bình ổn giá xăng dầu đang không minh bạch, minh chứng rõ nhất là điều hành quỹ trong những ngày qua. Theo ông, phương án điều hành như thế nào là hợp lý?
- Có thể Bộ Tài chính cho rằng trước ngày 26-2 khi cho sử dụng quỹ bình ổn giá xăng 2.000 đồng/lít, doanh nghiệp đã bị lỗ nên những ngày qua bộ để doanh nghiệp bù lại. Tuy nhiên, như vậy là vô lý vì theo các văn bản pháp luật liên quan đến thị trường xăng dầu, quỹ bình ổn giá chỉ nhằm mục đích bình ổn chứ không nhằm làm cho doanh nghiệp lời. Điều hành như vậy là không sòng phẳng và sai về nguyên tắc. Do đó, tôi cho rằng Bộ Tài chính phải giải trình với dân lý do vì sao bộ làm như vậy. Bộ đã để xảy ra như thế trong bao lâu và mức độ bao nhiêu?
"Không thể nào có chuyện Nhà nước vẫn thu thuế đều đặn, người tiêu dùng trở thành con nợ và doanh nghiệp lấy khoản nợ của dân để làm lời!" TS NGUYỄN NGỌC SƠN |
Đáng ra khi điều hành quỹ bình ổn giá xăng dầu, không những phải minh bạch cơ chế trích lập và xả quỹ, Bộ Tài chính còn phải tính toán đảm bảo tính ổn định, tránh suy giảm, cạn kiệt vì xả quỹ quá đà. Cho xả ào ạt như thế, khi giá xăng tăng lại quỹ có còn sức để bình ổn nữa không? Lúc đó lại tăng giá và người tiêu dùng lại chịu thiệt.
* Doanh nghiệp đầu mối xăng dầu khẳng định tiền trong quỹ bình ổn giá bị cạn nên đã tạm ứng 2.000 đồng/lít xăng, sau này quỹ dương sẽ lấy bù lại. Thực chất điều này cũng khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi?
- Ở phía doanh nghiệp, khi quỹ dương, tiền nằm trong tay doanh nghiệp, nó có thể sinh lời nên khi quỹ cạn, doanh nghiệp ứng trước là bình thường. Nhưng ở góc độ người dân thì quyền lợi của họ bị xâm hại. Bởi dù doanh nghiệp có ứng trước thì trước sau gì cũng vẫn là tiền của dân trích vào quỹ bình ổn bù lại. Nếu hiện nay không xả quỹ lớn, quỹ không âm lớn, thì vài ngày tới khi giá thế giới giảm, giá xăng có thể giảm theo. Nhưng vì hôm nay xả quỹ quá nhiều, quỹ âm nhiều nên không thể giảm giá mà phải để trả nợ cho quỹ.
Cách làm như hiện nay rất nguy hiểm! Làm như vậy là đang dùng cơ chế ghi nợ cho dân. Dân đã trở thành con nợ một cách rất hồn nhiên và không biết. Ai được quyền biến dân thành con nợ? Không thể nào có chuyện Nhà nước vẫn thu thuế đều đặn, người tiêu dùng trở thành con nợ và doanh nghiệp lấy khoản nợ của dân để làm lời!
Theo tôi, đáng ra cơ quan điều hành giá xăng dầu phải bám sát diễn biến giá thị trường, điều hành quỹ bình ổn giá thật minh bạch và đảm bảo quyền lợi cho người dân, tránh dẫn đến mất niềm tin. Với tình hình này, mức xả quỹ bình ổn giá phải giảm xuống phù hợp mức lỗ của doanh nghiệp, hoặc có thể cân đối giảm giá và giảm xả quỹ.
* Bộ Công thương đang trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu. Theo ông, cần sửa những điểm nào trong nghị định này để thay đổi cục diện thị trường hiện nay?
- Hiện các đề xuất của Bộ Tài chính vẫn chỉ dừng ở thay đổi chi phí kinh doanh định mức, giới hạn mức chiết khấu cho đại lý xăng dầu và rút bớt thời gian tính giá cơ sở từ 30 ngày xuống còn 15-20 ngày. Nhưng đó chỉ là sửa những điểm lặt vặt, tập trung vào vấn đề giá. Về cơ bản sẽ không thay đổi được bản chất của ngành xăng dầu so với hiện nay. Trong khi đó, điều hành giá xăng dầu đang như “con kiến trong chảo”. Mỗi khi giá xăng thế giới có biến động, cơ quan điều hành lại lúng túng, quanh quẩn với hai phương án “nên - không nên”.
Để thay đổi cục diện thị trường, cần phải thay đổi bản chất của nó. Nhà nước khẳng định xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nhưng tôi tìm mãi không thấy thị trường đâu cả. Vì thế, giải quyết những cái quẩn quanh của thị trường xăng dầu cần phải xác lập được hai yếu tố, đó là tạo dựng cấu trúc thị trường và xây dựng các văn bản luật, cơ sở pháp lý để điều tiết hành vi. Có một thời chúng ta từng lo sợ nếu mở cửa ngành viễn thông sẽ ảnh hưởng đến an ninh, rồi ngành này còn độc quyền trong tay hai ông lớn thời đó là VNPT và Viettel. Nhưng hiện chúng ta đang được hưởng cái lợi rất lớn từ cạnh tranh ở thị trường viễn thông. Chúng ta sợ Petrolimex độc quyền, chi phối nhưng chúng ta đã bao giờ trao quyền được cạnh tranh giá bán cho doanh nghiệp xăng dầu chưa?
Thay vì dùng các mệnh lệnh hành chính, áp đặt với doanh nghiệp và cả người tiêu dùng, Nhà nước nên tạo dựng một môi trường mà ở đó tính thị trường được nảy nở và phát triển. Doanh nghiệp tự chịu về khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế của mình. Cơ quan nhà nước giám sát doanh nghiệp bằng luật.
Bạch Hoàn thực hiện
Tuổi trẻ