Dự thảo Luật Đầu tư công: Sẽ khắc phục được đầu tư dàn trải

27/11/2013 22:33
27-11-2013 22:33:11+07:00

Dự thảo Luật Đầu tư công: Sẽ khắc phục được đầu tư dàn trải

Chiều 27-11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đầu tư công. Các đại biểu (ĐB) đều nhất trí về sự cần thiết việc ban hành Luật Đầu tư công nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải.

Quốc hội làm việc tại Hội trường. Ảnh internet.

Nhiều quy định mới

ĐB Trần Văn (Cà Mau) tán thành với các quy định về việc lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm tại Chương III của dự thảo Luật. “Chúng ta đã có thực tiễn tốt về việc làm kế hoạch đầu tư trung hạn 3 năm 2013 - 2015 và tới đây là kế hoạch 2014 - 2016 đối với các công trình dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ”- ĐB nhận định.

Tuy nhiên ĐB cũng đề nghị xem xét, bổ sung các quy định về kế hoạch đầu tư dài hạn đối với những dự án lớn mang tính chiến lược, thực hiện trong nhiều năm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và lâu hơn nữa. Kế hoạch này có thể nằm riêng hoặc nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn. Kế hoạch đầu tư dài hạn chỉ mang tính định hướng, không cần quá cụ thể, chi tiết và được điều chỉnh theo từng giai đoạn.

ĐB Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) cũng cho rằng, nhiều quy định trong dự thảo Luật hoàn toàn mới so với các quy định hiện hành, nếu thực hiện nghiêm theo quy định sẽ khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí hiện nay. Theo ĐB, đó là các nội dung quy định tại Chương II về chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, phê duyệt các chương trình, dự án đầu tư công, lập kế hoạch đầu tư trung hạn tại Chương III về lập kế hoạch đầu tư công.

Cần quy định chi tiết hơn về hợp tác công tư

Tuy nhiên, các ĐB cũng cho rằng, dự luật cần điều chỉnh, bổ sung một số vấn đề để hoàn thiện, nhằm có tính thực thi cao khi có hiệu lực thi hành.

ĐB Lê Công Đỉnh (Long An) cho rằng, đầu tư công là sử dụng vốn của dân để xây dựng các chương trình, dự án cho dân. Như vậy, vai trò của các cơ quan dân cử, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, người đại diện cho dân rất quan trọng nhưng vai trò của các cơ quan dân cử trong dự thảo rất mờ nhạt mặc dù trong dự thảo Luật có điểm sáng là thực hiện kế hoạch đầu tư công cấp trung hạn.

ĐB đề nghị trong dự thảo Luật Đầu tư công cần được bổ sung làm rõ vai trò, vị trí, chức năng và công cụ của các cơ quan dân cử trong việc xem xét chủ trương, thẩm định, đánh giá và giám sát đầu tư công.

Phát biểu ý kiến, ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) lại đưa ra một mâu thuẫn trong dự Luật. Theo ĐB, Khoản 1, Điều 4 của dự Luật quy định đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đầu tư vào các chương trình, các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Điều này có nghĩa là dự Luật này sẽ điều chỉnh các dự án không mang tính sinh lời.

Tuy nhiên theo quy định tại Khoản 6, Điều 6 về nguyên tắc đầu tư công thì khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư hoặc góp vốn cùng Nhà nước đầu tư vào các dự án đầu tư công, khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn để nhận quyền kinh doanh khai thác thu lợi từ các dự án công tư khi có điều kiện.

“Như vậy, nếu quy định tại Điều 6 thì dự án đầu tư công có thể là dự án sinh lời do các nhà đầu tư tiến hành kinh doanh, khai thác thu lợi. Vậy 2 điều khoản này có mâu thuẫn gì với nhau hay không?”- ĐB nêu ý kiến.

Trao đổi về hợp tác công tư, ĐB Trần Văn cho rằng, do tính chất đặc biệt của hình thức đầu tư này là hợp đồng dài hạn 20 đến 30 năm với sự tham gia của nhiều bên, nhạy cảm về xã hội và tiềm ẩn nhiều rủi ro tranh chấp giữa cơ quan quản lý Nhà nước và nhà đầu tư, ĐB đề nghị dự thảo Luật quy định chi tiết hơn về trình tự thủ tục, nội dung quyết định chủ trương đầu tư theo hình thức hợp tác công- tư thay vì giao cho Chính phủ như quy định ở các Điều 18, Điều 23 và Điều 30 của dự thảo Luật.

“Trong luật cũng cần quy định Nhà nước chủ động nghiên cứu, tính toán khả thi, công bố danh mục các dự án hợp tác công tư thay vì để các nhà đầu tư tư nhân đề xuất. Đồng thời chủ động bố trí vốn ngân sách Nhà nước ngay từ khi lập dự toán ngân sách hàng năm để làm vốn góp hoặc thực hiện các nghĩa vụ của mình trong các dự án hợp tác công- tư”- ĐB đề nghị.

Các ĐB cũng thảo luận về một số vấn đề khác như điều kiện và đối tượng chương trình, dự án đầu tư công được ghi vốn kế hoạch đầu tư hàng năm, chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, phê duyệt các chương trình, dự án đầu tư công...

Hồ Huệ

báo hải quan







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98