Nhặt bánh vụn của những người khổng lồ

25/12/2013 13:31
25-12-2013 13:31:56+07:00

Nhặt bánh vụn của những người khổng lồ

Chỉ sản xuất những sản phẩm rất nhỏ như ốc vít, nút áo, vòng đệm cao su, thậm chí là dây thun..., nhưng các doanh nghiệp (DN) như Lidovit, Tôn Văn, Long Thành , cao su việt lại có một thị trường lớn gắn với nhiều thương hiệu nổi tiếng của thế giới. Nhưng các DN này không làm nên nổi mùa Xuân của ngành công nghiệp phụ trợ đang rất èo uột của Việt Nam.

Đơm nút áo cho adidas

Sản xuất những chiếc nút áo giản đơn giúp DN nhỏ như Tôn Văn tiếp cận các thương hiệu lớn như Polo, Adidas, Hugo Boss... và mua lại các nhà máy lớn nhất nhì tại Anh, Đức.

Khi bước vào lĩnh vực sản xuất cao su công nghiệp, ông Nguyễn Tường Linh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cao su Việt, cho rằng mình đang làm một công việc mà người khác đang cần và thị trường lại đang có khoảng trống.

Đó là sản xuất ra các linh kiện thay thế cho máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất. Theo suy nghĩ của ông Linh, các sản phẩm cao su công nghiệp tuy nhỏ nhưng lại là nhu cầu của rất nhiều DN và hiệu quả mang lại cho cả người đặt hàng và gia công cũng rất lớn.

Chia sẻ giá trị của ngành sản xuất thiết bị phụ trợ, giám đốc một công ty sữa có tên tuổi cho biết: "Đôi khi một dàn máy của chúng tôi nhập về cả tiền tỷ, nhưng chỉ bị hư mỗi một chiếc vòng đệm cao su mà phải dừng hoạt động cả một dây chuyền. Lúc đó, đặt mua một bộ phận thay thế từ nước ngoài mang về sẽ rất lâu, chưa kể chi phí cũng cao hơn đặt làm trong nước".

Tuy nhiên, khó khăn này đã được Cao su Việt hóa giải, ông Linh giải thích: "Sở dĩ chúng tôi nhận làm và không lấy giá cao, vì mục tiêu của Cao su Việt là ban đầu chỉ cần đủ trang trải lương, vật liệu, các chi phí cơ bản... Song, về lâu dài, chỉ cần khách hàng đó quay lại 10 lần là tôi đã khấu hao được máy móc đầu tư và lần thứ 11 là có lãi".

Năm 2013, hơn 3.000 khách hàng DN đã giao dịch đặt hàng với Cao su Việt. Trong đó, rất nhiều DN nước ngoài không chỉ đặt hàng mà còn chuyển sản phẩm linh kiện của Cao su Việt đi nước ngoài.

Từng học ngành cơ khí và là một trong những người xây dựng Công ty Lidovit từ ngày đầu, ông Nguyễn Dương Hiệu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp và Thương mại Lidovit, cũng chia sẻ lý do theo đuổi lĩnh vực sản xuất ốc vít vì mong muốn phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho Việt Nam.

Theo ông Hiệu, sự lúng túng của ngành sản xuất ốc vít nói riêng và ngành linh kiện phụ trợ nói chung nhiều năm nay có lẽ do từ phụ trợ bị "coi thường". Ông khẳng định: "Sản xuất ra các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu là cực kỳ quan trọng.

Chẳng hạn, ngành dệt may xuất khẩu rất nhiều nhưng do phải nhập hầu hết phụ kiện nên kim ngạch có thể cao nhưng giá trị gia công là chủ yếu. Thực tế, sau nhiều năm sản xuất ốc vít, Lidovit đã có những lợi thế nhất định so với nhiều đối thủ, nhất là Trung Quốc. Năm 2013, Công ty đã xuất khẩu 600.000 USD và sản phẩm đã cung cấp cho nhiều công ty trong lĩnh vực chế biến gỗ xuất khẩu, điện - điện tử, cơ khí lắp ráp...

Cùng mong muốn góp sức phát triển cho ngành công nghiệp phụ trợ khi nhận ra ngành may mặc xuất khẩu có nhu cầu rất lớn, nhưng nguyên phụ liệu hầu hết phải nhập khẩu, ông Tôn Thạnh Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Nút áo Tôn Văn đã quyết định "bỏ” nghề phiên dịch tiếng Nhật để trở lại nghề cũ: sản xuất nút áo bằng vỏ ốc.

Tuy nhiên, đúng như nhiều người khuyên can, lô hàng đầu tiên ra mắt vào năm 1997, do khủng hoảng kinh tế nên ông Nghĩa chào hàng khắp nơi nhưng không ai mua, thậm chí mang đến các công ty may cũng bị từ chối. May mắn gặp lại khách hàng cũ là một công ty của Nhật đang có nhu cầu đặt hàng.

Lúc đó, sản phẩm của Tôn Văn liên tục bị chê không đẹp, nhưng thấy ông Nghĩa là người có uy tín, ham học hỏi, cầu toàn nên vị khách hàng này kiên nhẫn chỉ ra từng khuyết điểm để hoàn thiện sản phẩm. Hơn nửa năm sau, doanh số tăng dần và khách hàng cũng bắt đầu mở rộng.

Ông Nghĩa cho biết: "Qua số lượng đặt hàng mới thấy các sản phẩm linh phụ kiện tuy nhỏ nhưng nhu cầu không hề nhỏ. Thực tế, lĩnh vực sản xuất nút áo mang về lợi nhuận khá tốt, trung bình mỗi năm, Tôn Văn tăng trưởng đạt 20%, doanh thu một năm đạt hơn 1,5 triệu USD, gấp ba lần so với cách đây 5 năm. Khách hàng từ Hồng Kông, Nhật, Đức với nhiều thương hiệu lớn như Polo, Adidas, Hugo Boss...".

Hiện nay, Tôn Văn cũng đã làm được trên một ngàn mẫu nút áo, chủ yếu là nút ốc cao cấp. Và để mở rộng sản xuất cũng như đáp ứng nhu cầu khách đặt hàng ngày càng đa dạng như các loại nút bằng sừng, nút bằng colozo (là một loại hạt ở châu Mỹ)..., Tôn Văn đã tham gia đấu giá và mua được toàn bộ máy móc từ một nhà máy lớn nhất, lâu đời nhất của nước Anh vừa ngưng hoạt động, đồng thời, cũng mua thêm nhà máy lớn nhất nhì của Đức.

Số lượng máy móc mua từ hai nhà náy này khoảng hơn 4 container. "Với dàn máy móc này, Tôn Văn đủ sức làm thêm nút nhựa, nút sừng, nút bằng coloz và nhiều loại nút bằng các chất liệu khác nữa", ông Nghĩa khẳng định.

Tuy sản xuất dây thun chỉ là nghề kiếm sống, nhưng ông Lê Văn Thiêm, chủ doanh nghiệp Long Thành, dần nhận ra khoảng trống của thị trường và giá trị của những sản phẩm rất nhỏ nhưng không thể thiếu trong nhiều ngành sản xuất.

Với sản phẩm ban đầu chỉ là các sợi dây thun nhỏ đủ màu, nhưng hiện nay Long Thành đã có thêm những sợi dây thun dùng trong công nghiệp có đường kính hơn một tấc rưỡi.

Hiện tại mỗi tháng, DN Long Thành xuất sang Đài Loan 54 tấn dây thun, chưa kể những lô hàng dây thun "đặc chủng" xuất sang Mỹ cho những người làm nghề phát báo hoặc những loại dây thun đủ loại kích cỡ dùng trong ngành y tế hoặc thực phẩm của Pháp, Nhật, Ý...

Hoặc trong làng công nghiệp hỗ trợ xe máy, DN Mạnh Quang mỗi năm cung cấp gần 8 triệu sản phẩm phụ tùng nhông, đĩa, xích, phụ tùng xe máy các loại, chiếm gần 20% thị phần cung cấp sản phẩm cho các công ty sản xuất và lắp ráp xe máy tại Việt Nam, trở thành đối tác lớn chuyên cung cấp phụ tùng xe máy cho các hãng lớn như Honda, SYM, SuFat, Detech, Lifan...

Những DN như Mạnh Quang góp phần xây dựng được mạng lưới phụ trợ cho công nghiệp xe máy. Từ chỗ phải nhập khẩu 100% từ nước ngoài, ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp xe máy của Việt Nam đã có thể tự sản xuất được khoảng 70% các loại linh kiện, phụ tùng, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm xe máy sản xuất tại Việt Nam.

Hàng nhỏ, đầu tư lớn

Để có doanh thu liên tục tăng trưởng, thực tế các DN "nhỏ” này không chỉ kiên trì mà còn phải có những chiến lược đầu tư, đổi mới tốn kém. "Đã theo ngành sản xuất phụ trợ thì chất lượng phải tốt nhất thì mới giữ được khách hàng bền lâu", ông Nghĩa đúc kết. Vì vậy, 17 năm qua, bí quyết thành công của Tôn Văn là liên tục đổi mới kỹ thuật, máy móc công nghệ. Bởi vì, nếu có kỹ thuật tốt thì năng suất sẽ cao hơn, tỷ lệ hư hỏng giảm, dẫn đến giá thành rẻ, thời gian giao hàng nhanh hơn.

"Lúc đầu khởi nghiệp, do máy nhập khẩu đắt nên tôi làm máy tự chế. Một năm sau, tôi mua máy cũ của Hàn Quốc, khoảng 4, 5 năm sau mua máy của Đức, Đài Loan và có những máy cao cấp gọi là máy cắt chữ bằng laze phải mua mơi công nghệ của Mỹ... Nhờ cải tiến máy móc, nên tôi làm được nhiều mẫu mã hơn, hầu như tất cả mẫu khách hàng yêu cầu là làm được, các mẫu cũng đẹp hơn, chất lượng", ông Văn kể lại.

Tương tự, ông Linh cũng cho rằng, tuy ngành cao su kỹ thuật là một ngành phụ nhưng lại rất cực và phải luôn bám theo sự phát triển của ngành công nghiệp. Vì vậy, dù đầu tư rất tốn kém cho Phòng Thử nghiệm cao su kỹ thuật hợp chuẩn quốc tế mà kết quả còn khá "vô hình" nhưng ông Linh cho biết: "Năm 2013, chúng tôi cũng đã đầu tư hơn 14 tỷ đồng thiết bị hiện đại cho việc sản xuất các sản phẩm cao su Polyurethane bao gồm sản xuất vòng cao su, trục, mài lô và thiết bị sản xuất khuôn mẫu tự động. Nhờ thiết bị có công suất lớn, nên đơn hàng được rút ngắn rất nhanh, thời gian sản xuất giảm được 10 lần. Máy mài trục cao su cũng vậy, thời gian mài chỉ 2 tiếng cho các trục lô có bề mặt phức tạp, thay vì 20 tiếng như trước kia".

Công ty Lidovit cũng đã liên tục cải tiến sản phẩm, thông qua việc đầu tư 6 bộ máy mới vào năm 2012 để tăng sản lượng và chuyên môn hóa sản phẩm, tăng tính đồng bộ, và mang lại chất lượng cao cho sản phẩm. Trong khi đó, nhà máy của Mạnh Quang có 4 phân xưởng sản xuất được trang bị nhiều thiết bị hiện đại của Nhật Bản, Đức, Thụy Sỹ, Đài Loan như máy gia công CNC, máy tiện CNC, máy khoan và taro CNC, máy dập cao tốc 150 tấn... Đây là hệ thống máy móc sản xuất phụ tùng xe máy lớn nhất và quy mô nhất ở Việt Nam hiện nay.


Phụ trợ đón TPP

Việt Nam đang đón nhiều cơ hội lớn, đặc biệt là từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam... Những cơ hội này một lần nữa đặt hàng ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam phải thực sự lớn mạnh.

Canon tìm trăm, chọn một

Đến nay, một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô, xe máy... hầu như chưa có công nghiệp hỗ trợ đi kèm, nên phải phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, khiến sản xuất nhiều khi còn manh mún, bị động, chi phí sản xuất cao.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Tổng giám đốc Maersk Line Việt Nam - Campuchia, nhận định: "Việt Nam tiếp tục là điểm đến gia công sản xuất hấp dẫn với các lợi thế cạnh tranh như chi phí nhân công thấp, vị trí chiến lược, cảng nước sâu thuận lợi, ổn định chính trị...

Tuy nhiên, do thiếu các ngành công nghiệp phụ trợ, một ngành công nghiệp có vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu, nên Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu trong sản xuất hàng hóa".

Ông Marco Civardi, Giám đốc Điều hành Damco tại Việt Nam, Campuchia, cũng cho biết thêm, gần 90% nguyên liệu máy móc được nhập khẩu từ nước khác nên Việt Nam cần xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ nội địa. Điều đó còn giúp cho Việt Nam hưởng những lợi ích từ TPP một cách đầy đủ.

Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da Giày Việt Nam, mỗi năm, các DN trong ngành phải chi từ 170 - 230 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu giả da và từ 80 - 100 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu da từ thị trường Thái Lan, Đài Loan và Hàn Quốc. Việc thiếu chủ động nguyên phụ liệu, cũng có nghĩa khả năng DN Việt Nam tận dụng được lợi thế do Hiệp định TPP mang lại sẽ hạn chế.

Trước tình hình khó khăn hiện nay, theo các chuyên gia, tập trung đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành da giày, túi xách Việt Nam chính là giải pháp quan trọng giúp các DN trong ngành nắm bắt và tận dụng được cơ hội TPP mang lại.

"Công ty của tôi phải nhập 70% nguyên liệu để may hoàn chỉnh từng chiếc túi xách, balô. Có nhiều phụ kiện hoàn toàn có thể sản xuất trong nước với giá rẻ nhưng vẫn phải nhập khẩu do chất lượng không đồng đều", ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty May túi xách Minh Tiến (TP.HCM), cho biết.

"Trên thị trường quốc tế, năm 2009, Canon đã đạt tỷ lệ nội địa hóa các loại máy in là 52% và đến năm 2013 là 67%. Tuy nhiên, Việt Nam chủ yếu vẫn là gia công, nguyên liệu sản xuất và linh kiện vẫn phải nhập khẩu nên tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt 30%. Trong năm 2012, Canon đã tiếp cận với 147 nhà cung cấp linh kiện tại Việt Nam nhưng kết quả chỉ chọn được có 6 doanh nghiệp làm đối tác" - ông Katsuyoshi, Tổng giám đốc Công ty Canon Việt Nam.

Theo thông kê của Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), chi phí mua nguyên liệu, linh kiện chiếm hơn một nửa giá thành sản xuất của các DN Nhật Bản nên việc giảm chi phí nguyên liệu đang là thách thức chung đối với các DN Nhật Bản tại thị trường Việt Nam.

Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, linh kiện của Việt Nam rất thấp, chỉ ở mức 27,9%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung là 47,8% và so với mức 60,8% của Trung Quốc hay 52,9% của Thái Lan, thậm chí Indonesia cũng đã đạt mức 43,3%.

Theo ông Alain Cany, đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, đang có một làn sóng các doanh nghiệp chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để có thể khai thác thị trường mới. Vì thế, sắp tới, một trong những trọng tâm Việt Nam cần tập trung phát triển là những ngành công nghiệp phụ trợ.

Ông Nguyễn Dương Hiệu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp và Thương mại Lidovit, cũng cho rằng: "Giải pháp cho nền kinh tế của Việt Nam chính là sản xuất hàng nội địa thay thế hàng nhập khẩu và tăng giá trị của hàng xuất khẩu. Điều đó sẽ giúp làm giảm nguồn ngoại tệ dành cho nhập khẩu, đồng thời thúc đẩy nâng cấp hàng trong nước".

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Phillip Kim, Chủ tịch Công ty Dongshin Hydraulics, đại diện cho công ty lớn thứ hai Hàn Quốc về các thiết bị, máy móc sản xuất ra linh kiện phụ trợ cho ngành điện tử, điện lạnh, tin học viễn thông: "Các DN Việt Nam trong mảng sản xuất linh kiện, phụ kiện cho ngành điện tử, điện lạnh, tin học, viễn thông hiện mới đang ở giai đoạn đầu của việc phát triển sản xuất, vẫn đang dùng các loại máy móc, thiết bị sản xuất ra linh kiện, phụ kiện có chất lượng thấp hoặc trung bình, không có chất lượng cao về tính chính xác".

Phụ trợ cần hỗ trợ

"Nếu không có một chính sách hỗ trợ đầu tư công nghệ, thiết bị mới cho ngành sản xuất phụ tùng linh kiện, thì ngành công nghiệp hỗ trợ như chúng tôi khó có thể phát triển", ông Hiệu nói.

Ông Hiệu đề xuất Chính phủ phải chọn những điểm nóng để tập trung tháo gỡ, ví dụ, để hạn chế nhập siêu, công ty nào làm ra hàng thay thế được hàng nhập khẩu thì sẽ được ưu tiên hỗ trợ như: cho vay ngoại tệ giá gốc để nhập khẩu máy móc, thiết bị, có chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay, có giải pháp thuế... Để từ đó các công ty này có thể tích tụ vốn trong sản xuất để tăng đầu tư.

"Lãi suất vay ở nước ngoài thấp, tại sao Việt Nam không tranh thủ hút nguồn vốn đó về? Nhưng chúng ta chưa có cơ chế bảo lãnh nhập khẩu máy móc từ nước ngoài với lãi suất thấp.

Đơn cử, hàng hóa chúng tôi bán từ từ, nhưng khi nhập nguyên liệu (trong nước không có) thì nhập cả lô, 1.000 - 2.000 tấn thép mỗi lần, nếu được chậm thì cũng có 7 - 8 tỷ đồng vốn không chịu lãi, cũng đỡ khó khăn hơn", ông Hiệu giải thích thêm.

Hiện tỷ lệ sử dụng các sản phẩm nội địa tại Việt Nam của các DN Nhật chỉ đạt khoảng 28%, đây là điều trở ngại lớn thu hút vốn đầu tư FDI vào Việt Nam. JESTRO cũng lưu ý việc giải quyết các vấn đề về thuế và pháp luật một cách ổn định.

Nhiều DN cũng chia sẻ, trong thời gian qua, mặc dù Nhà nước tuy cũng đã có định hướng ưu đãi cho các DN phụ trợ, nhưng những ưu đãi này chưa rõ ràng và đang dưới hình thức cào bằng. Đối tượng được hưởng nhiều ưu đãi nhất lại không phải là DN nội mà chiếm tới 70% là các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Văn Chấn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Vạn Phong, chuyên sản xuất linh phụ kiện ngành gỗ như bản lề, tay nắm cửa, bàn tủ... cho biết:

"Thực tế, các DN sản xuất linh phụ kiên đều là các DN nhỏ và vừa, song với các cơ sở nhỏ thì áp dụng khoán thuế, trong khi chúng tôi là công ty nên phải đóng thuế rõ ràng, đâm ra tỷ lệ giá thành trong thuế cao hơn cơ sở nên giá bán cao hơn, mất năng lực cạnh tranh. Hoặc hiện nay, tôi rất muốn mở rộng sản xuất vào KCN, tuy nhiên các KCN phù hợp thì không còn chỗ dù vẫn trống vì đã có người... thầu và muốn thuê lại thì giá thuê qua trung gian này rất cao".

Đáng chú ý là đang có nghịch lý trong chính sách, gây cản trở việc phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước. Đó là DN xuất khẩu mua nguyên phụ liệu từ các nhà sản xuất trong nước phải đóng trước khoản thuế VAT 10%, sau khi xuất khẩu thành phẩm mới được khấu trừ.

Trong khi đó, nếu DN làm hàng xuất khẩu, mà nhập khẩu vật tư phụ liệu thì không phải đóng trước thuế VAT và sẽ được Nhà nước cho thiếu trong vòng 90 ngày, sau đó tính theo hình thức tạm nhập tái xuất.

Ông Hiệu đề nghị thêm: "Việc tăng nhu cầu nội địa là một trong những việc quan trọng nhất nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, để đảm bảo có thể thu được lợi nhuận cao nhất, cũng như xây dựng được một thị trường nội địa phát triển, cần quan tâm đến hệ thống phân phối. Hệ thống phân phối có thể cung cấp đầy đủ, dễ dàng những nhu cầu về linh kiện cho những DN có nhu cầu sẽ góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ. Hoặc nếu coi các nhà máy đang sản xuất linh kiện cho sản phẩm lắp ráp xuất khẩu nằm trong quy trình khép kín thì sẽ tránh được tình trạng thuế chồng thuế như hiện nay".

Lữ Ý Nhi - Thảo Minh

dnsg





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện

Sáng 20/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về bảo đảm cung ứng điện năm 2024 và thời gian tới, nhất là trong mùa cao điểm nắng...

14 trạm BOT lọt vào tầm ngắm giám sát công tác quản lý doanh thu thu phí

Có 14 trạm thu phí BOT tại nhiều tuyến đường sẽ lọt vào tầm ngắm giám sát về công tác quản lý vận hành trạm thu phí, công tác thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ.

Đề xuất nhà máy điện mặt trời được phép bán trực tiếp cho khách hàng qua đường dây riêng

Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo sở hữu nhà máy điện gió hoặc mặt trời sẽ được bán điện trực tiếp cho khách hàng sử dụng điện lớn thông qua đường dây riêng hoặc...

Cấp 'tín chỉ xanh' đối với các nhà máy sử dụng năng lượng sạch

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và trình tự, thủ tục cấp "tín chỉ xanh" đối với các nhà máy sử dụng nguồn năng lượng sạch.

Còn khoảng 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ chi tiết

Tính đến cuối tháng Ba, vẫn còn khoảng 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ chi tiết, thậm chí 15 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân là 0%.

Vì sao ngành điện muốn áp giá hai thành phần?

Với cách tính hiện nay, hai khách hàng dùng cùng lượng điện, tiền trả như nhau, nhưng chi phí nhà đèn bỏ ra cho họ chưa được phản ánh chính xác, theo chuyên gia.

Thủ tướng đề nghị Apple mở rộng kinh doanh và xác định Việt Nam là một cứ điểm của Apple trên toàn cầu

Sáng 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple của Hoa Kỳ - công ty công nghệ lớn nhất thế giới và là nhà đầu tư nước ngoài lớn...

Điện mặt trời mái nhà dư thừa: Phát lên lưới giá 0 đồng, không được tính tiền

Điện mặt trời mái nhà chỉ được tự dùng, không được bán cho cá nhân, tổ chức khác. Nếu không dùng hết, phát lên lưới chỉ được ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng...

Chủ tịch Tập đoàn Thuận An bị bắt: DN vài tỷ vốn tăng gấp 200 lần, nổi lên nhờ cầu đường

Từ một doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 3,9 tỷ đồng, trong 10 năm trở lại đây Thuận An đã lớn nhanh như thổi, vốn điều lệ tăng gấp 200 lần lúc mới...

Nhiều tiệm vàng tại TP HCM bất ngờ đóng cửa

Cục Quản lý thị trường TP HCM cho biết sẽ tiếp tục đồng loạt kiểm tra các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh mua bán vàng trên địa bàn thành phố


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98