Xuất khẩu gạo 2014: Tương kế tựu kế

28/01/2014 14:04
28-01-2014 14:04:05+07:00

Xuất khẩu gạo 2014: Tương kế tựu kế

Có thể nói, năm 2013, ghi dấu mốc tròn một phần tư thế kỷ xuất khẩu gạo với quy mô lớn của nước ta, là một năm không mấy thành công, mà nguyên nhân vừa khách quan, vừa có phần từ chủ quan. Do vậy, trong điều kiện gần như chắc chắn vẫn khó khăn, chỉ khi bắt nhịp được những động thái của thị trường thì mới có thể hy vọng năm 2014 sáng sủa hơn.

"Hội chứng" lệ thuộc các hợp đồng tập trung

Trước hết, nếu chỉ trên “giấy trắng, mực đen”, năm qua là năm “thất bát” quá lớn của xuất khẩu gạo nước ta. Bởi lẽ, theo số liệu của hải quan, với tròm trèm 6,6 triệu tấn, lượng xuất khẩu đã giảm 17,8%, còn với hơn 2,9 tỉ đô la Mỹ, kim ngạch đã “co lại” 20,4%.

Kim ngạch giảm mạnh hơn nhiều như vậy là do sự cộng hưởng giữa việc giảm về lượng nói trên và giá chỉ đạt 444 đô la Mỹ/tấn, giảm 3,2%.

Theo logic, mức giảm giá này hoàn toàn do nguyên nhân khách quan, bởi theo thống kê của FAO, giá gạo Indica chất lượng cao thế giới năm qua giảm 2,7%, còn giá gạo Indica chất lượng thấp giảm tới 6%.

Thế nhưng trong thực tế, mức giảm giá này còn mạnh hơn nhiều. Bởi lẽ, xuất khẩu gạo thơm năm qua với giá cao khoảng gấp rưỡi so với gạo trắng đã có bước tiến vượt bậc.

Cụ thể, theo VFA, thay vì chỉ đạt khoảng 600.000 tấn và chiếm chưa tới 8% “rổ gạo xuất khẩu” năm 2012, lượng gạo thơm năm qua đã tăng rất mạnh lên 1 triệu tấn và chiếm khoảng 15%. Thế nhưng giá gạo trắng năm 2013 chỉ đạt khoảng 403 đô la Mỹ/tấn, giảm 6,3% so với khoảng 430 đô la Mỹ/tấn trong năm 2012.

Không những vậy, cho dù gạo Indica chất lượng cao trong “rổ gạo xuất khẩu” năm 2013 đã giảm, nhưng tỷ trọng của nhóm hàng (đỡ mất giá hơn nhiều) này vẫn chiếm khoảng 58%, cho nên mức giảm giá gạo xuất khẩu thực tế của nước ta còn lớn hơn.

Có thể nói, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do xuất khẩu của nước ta phụ thuộc quá lớn vào các hợp đồng tập trung, trong khi thị trường nhập khẩu đã thay đổi rất mạnh mẽ.

Các số liệu thống kê cho thấy, cho dù đã trở thành bạn hàng nhập khẩu ngay từ khi nước ta xuất khẩu với quy mô lớn, nhưng trong chín năm đầu tiên ba quốc gia nhập khẩu gạo lớn trong khu vực Đông Nam Á là Philippines, Indonesia và Malaysia bình quân chỉ nhập của chúng ta gần 280.000 tấn/năm, chiếm tỷ trọng khiêm tốn 13,7%.

Sau giai đoạn khởi động này, năm “El’ Nino thế kỷ” 1998, ba thị trường này đã tăng vọt lên và trở thành ba bạn hàng truyền thống lớn của chúng ta trong 14 năm liên tục với lượng nhập khẩu bình quân trên 2 triệu tấn/năm, chiếm 43,3%, và đến năm 2011 đạt kỷ lục gần 3,4 triệu tấn.

Thế nhưng, sau thời kỳ “trăng mật” này, năm 2012 là bước ngoặt với lượng giảm mạnh xuống chỉ còn 2,8 triệu tấn và 35%; còn năm 2013 tiếp tục “rơi tự do” xuống chỉ còn gần 1,13 triệu tấn, cho nên chỉ còn chiếm 17,1%.

Cho dù vậy, điều đặc biệt lại là ở chỗ, liên tục từ năm sốt nóng giá gạo thế giới 2008 trở lại đây chúng ta lại liên tục “thắng” về giá ở ba thị trường này, thậm chí “thắng” quá lớn. Cụ thể, với gần 2,25 triệu tấn và giá bình quân 661 đô la Mỹ/tấn năm 2008, giá gạo xuất khẩu sang ba thị trường này cao hơn tới 16,9% so với giá bình quân của các thị trường còn lại. Đặc biệt là năm 2010 đạt 574 đô la Mỹ/tấn và tỷ lệ cao kỷ lục 39,8%. Nhưng từ năm 2011 đến nay mức và tỷ lệ “thắng” về giá đã giảm, thậm chí “rơi tự do”.

Rõ ràng, không thể phủ nhận rằng, ẩn sau chênh lệch quá lớn về giá như vậy là “căn bệnh mãn tính” của xuất khẩu gạo nước ta. Đó là, nếu nông dân được hưởng lợi thỏa đáng trong xuất khẩu gạo sang ba thị trường truyền thống lớn này thì xuất khẩu sang các thị trường còn lại chắc chắn đã bị đình đốn, đặc biệt là trong những năm chênh lệch về giá cao ngất ngưởng.

Do vậy, việc thị trường xuất khẩu gạo vẫn vận hành như thực tế đương nhiên chứng tỏ điều ngược lại. Đó là, khi xuất khẩu sang các thị trường còn lại vẫn có lãi thì khoản lợi nhuận “khủng” do chênh lệch giá đó chỉ có thể “rơi vào túi” những doanh nghiệp được “chia phần bánh” này mà có lẽ chỉ rất ít những người trong cuộc mới rõ.

Thế nhưng, khi Philippines mở màn bằng việc giảm mạnh lượng nhập khẩu theo hợp đồng tập trung nói riêng và nhập khẩu gạo nói chung vào năm 2011 thì tỷ lệ “thắng” về giá này đã “rơi tự do”, và năm 2012 đến lượt Indonesia “nối gót”, giảm một nửa lượng nhập khẩu của mình, thì tổng lượng nhập khẩu của ba thị trường này đã giảm đáng kể. Đến khi cả ba thị trường này cùng giảm mạnh trong năm qua thì xuất khẩu gạo của chúng ta thực sự “lâm nguy”.

Sức ép từ người Thái

Trong điều kiện như vậy, nếu đổ thừa cho việc giá gạo thế giới giảm sâu, còn các doanh nghiệp lại phải mua lúa với giá cao để nông dân thu lãi 30%, dẫn đến khó cạnh tranh với gạo Thái Lan và Ấn Độ như có ý kiến nêu ra, là không xác đáng.

Các thống kê của chính Ấn Độ cho thấy, giá mỗi tấn gạo trắng xuất khẩu tính chung bảy tháng đầu năm 2013 đạt 416 đô la Mỹ, tăng 19 đô la Mỹ và 5% so với cùng kỳ năm 2012, trong khi phải chấp nhận giảm lượng xuất khẩu mỗi tháng 90.000 tấn.

Hơn thế, nếu so với Thái Lan thì ý kiến đó không khác gì ngụy biện. Bởi lẽ, số liệu thống kê của nước này cho thấy, cho dù hầu như liên tục giảm, nhưng giá gạo 100% B đến tháng 7-2013 vẫn treo ở mức 504 đô la Mỹ/tấn, cao “một trời một vực” so với của Ấn Độ.

Trong khi đó, giá chào xuất khẩu gạo 5% tấm của chúng ta từ chỗ ngang bằng với của Ấn Độ trong tháng 11-2012 đã giảm rất mạnh xuống 413 đô la Mỹ/tấn trong tháng 12, còn ba tháng đầu năm 2013 chỉ dao động xung quanh ngưỡng 400 đô la Mỹ, thậm chí trong hai tháng 5 và 6 chạm đáy chỉ với 377 đô la Mỹ, cho nên đã tạo ra khoảng cách “mênh mông” trên dưới 70 đô la Mỹ so với gạo cùng loại của Ấn Độ và 130 đô la Mỹ so với của Thái Lan.

Có lẽ, với giá chào xuất khẩu đã giảm rất mạnh như vậy trong khi nông dân đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch lớn nhất trong năm thì không có việc các doanh nghiệp đã biết trước sẽ lỗ “khủng” mà vẫn chấp nhận mua lúa với giá cao. Còn việc “đại hạ giá” tiếp sau đó có lẽ không ngoài lý do không kịp chuẩn bị thị trường thay thế khi nhu cầu của cả ba thị trường truyền thống lớn giảm quá mạnh.

Thế nhưng, vấn đề mấu chốt hiện nay là, có nhiều khả năng kịch bản đó sẽ lặp lại trong năm nay.

Bởi lẽ, cho dù nhu cầu năm nay của ba thị trường truyền thống lớn của nước ta theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ tăng vọt, đạt 4 triệu tấn, còn nhu cầu nhập khẩu của tám quốc gia nhập khẩu gạo lớn của châu Á nói chung cũng tăng rất mạnh 20,1% và đạt 9,22 triệu tấn, nhưng không dễ gì để chúng ta tăng thị phần tương ứng ở các thị trường này.

Nguyên nhân chính là ở chỗ, với kho gạo dự trữ khổng lồ ước tính đạt gần 13 triệu tấn hiện nay, trong “cơn hoảng loạn” kéo dài hai tháng cuối năm qua, Thái Lan đã kéo giá chào xuất khẩu các loại gạo trắng của mình xuống thấp hơn giá của chúng ta tới 5-54 đô la Mỹ/tấn; còn trong hơn nửa tháng đầu năm nay cũng chỉ mới đẩy giá gạo 100% B lên cao hơn giá gạo 5% tấm của chúng ta không nhiều, còn giá gạo 25% tấm thì vẫn ngang bằng, thậm chí giá tấm vẫn còn thấp hơn rất nhiều.

Bên cạnh việc kéo giá xuống rất thấp để tăng rất mạnh sức cạnh tranh như vậy, các cơ quan hữu trách của Thái Lan cũng đã liên tục có những động thái nhằm lôi kéo hầu như tất cả các quốc gia có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn ở châu Á.

Trong bối cảnh như vậy, thay vì ngồi chờ các hợp đồng tập trung, phải rất thính nhạy với những động thái của thị trường cả xuất lẫn nhập khẩu để có những đối sách phù hợp mới hy vọng đạt được những kết quả tương thích.

Nguyễn Đình Bích

TBKTSG





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Chỉ số hàng hóa MXV-Index lấy lại đà tăng sau 3 ngày suy yếu

Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá, phản ánh diễn biến giá phân hoá của giá hàng hoá nguyên liệu thế giới...

Giá cà phê trong nước tăng như vũ bão, tiến sát 120.000 đồng/kg

Giá cà phê trong nước và quốc tế đồng loạt tăng từng ngày, phá vỡ mọi đỉnh lịch sử.

Sầu riêng sụt giá mạnh

Ngày 16-4, tại một số tỉnh ở ĐBSCL, giá sầu riêng giảm 45.000 - 50.000 đồng/kg so với cách đây 1 tháng. Thương lái hiện mua sầu riêng xô tại vườn với giá 65.000 -...

Chỉ số hàng hóa MXV-Index trở lại vùng đỉnh 7 tháng

Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc ngày giao dịch 10/4, lực mua chiếm ưu thế trở lại trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới...

Việt Nam có 4 loại hạt tỷ USD: Giá bán cao kỷ lục, sản lượng top đầu thế giới

Trúng thầu lớn, giá cao kỷ lục lịch sử, hàng trong kho sắp cạn, từ chối bớt đơn hàng… là những thông tin được đề cập khi nói đến 4 loại hạt tỷ USD của Việt Nam. Cả...

Giá cà phê tăng cao, nguy cơ đổ vỡ các hợp đồng liên kết

Thực tế hiện nay ngành cà phê Việt Nam đang phải đối mặt là giá tăng quá nhanh, ở mức quá cao, dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán, và có nguy cơ đổ vỡ hợp đồng.

EU chi gần 48 tỷ USD mua cà phê, Việt Nam thành nhà cung cấp lớn thứ hai

Thị trường EU sẽ bùng nổ khi dự tính chi gần 48 tỷ USD nhập khẩu cà phê trong năm 2024. Hiện Việt Nam trở thành nhà cung cấp cà phê lớn thứ hai cho khối thị trường...

Lý do sầu riêng Việt lên ngôi số 1 tại Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm

Riêng trái sầu riêng tươi, hai tháng đầu năm Việt Nam xuất khẩu đạt 172,227 triệu USD; tăng 198,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Singapore hạn chế nhập khẩu trai nghi nhiễm độc của Malaysia

Phó Cục trưởng DOF Wan Aznan Abdullah đã thông báo xuất hiện loại tảo độc hại khiến trai ở vùng nước Port Dickson bị ô nhiễm, dẫn đến một số trường hợp bị ngộ độc...

Vì sao trứng gà, trứng vịt giá rẻ bán tràn lan? 

Trứng gà, vịt giá rẻ đang được bán tràn lan trên xe đẩy, bán xô… nhưng nguồn gốc, chất lượng sản phẩm không được kiểm soát.

Giá vàng và hàng hóa


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98