Nhìn lại các chính sách trừng phạt kinh tế của TQ: Ít có khả năng xảy ra với VN

15/06/2014 15:13
15-06-2014 15:13:00+07:00

Nhìn lại các chính sách trừng phạt kinh tế của TQ: Ít có khả năng xảy ra với VN

Trong những năm gần đây, cùng với sự lớn mạnh của nền kinh tế, Trung Quốc đang ngày càng có xu hướng sử dụng công cụ trừng phạt kinh tế trong quan hệ đối ngoại.

Ngay từ năm 2007, Trung Quốc đã có những nghiên cứu về cách thức và biện pháp sử dụng công cụ trừng phạt kinh tế đơn phương trong quan hệ quốc tế (Liu Wei 2007) và các nghiên cứu này đều khuyến cáo Trung Quốc nên có luật nội địa về trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả chính sách thường không như mong muốn.

Đặc điểm của chính sách trừng phạt kinh tế của Trung Quốc

Trước hết, thực tế cho thấy Trung Quốc không bao giờ lựa chọn cấm vận tuyệt đối với một đối tác thương mại nào mà thường lựa chọn các cách thức trừng phạt kinh tế ngắn hạn và có lựa chọn trên từng mặt hàng, các đơn hàng lớn hoặc trên từng công ty. Lựa chọn cấm vận thương mại tuyệt đối là không thể và không khả thi do các nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào mạng lưới sản xuất toàn cầu chằng chịt. Việc cấm vận một đối tác thương mại có thể phá vỡ chuỗi giá trị sản xuất của các nhà đầu tư do đó sẽ tăng rủi ro môi trường đầu tư tại Trung Quốc và có thể gây ra sự chuyển dịch sản xuất sang các nước khác.

Ví dụ mặc dù hàng điện tử xuất khẩu của Philippines sang Trung Quốc chiếm 61% tổng giá trị xuất khẩu của Philippines và việc cấm nhập khẩu hàng điện tử có thể gây thiệt hại lớn cho Philippines nhưng Trung Quốc đã không thực hiện điều này, vì phần lớn nhà nhập khẩu hàng hóa này là các công ty đa quốc gia tại Trung Quốc.

Thứ hai, việc đơn phương cấm vận là bất khả thi do Trung Quốc không đủ sức mạnh để cấm các nước khác quan hệ thương mại với nước bị cấm vận. Do đó, để phá thế cấm vận nước bị cấm vận chỉ cần ký hợp đồng đại lý tại quốc gia thứ ba (ví dụ Mỹ) sau đó việc xuất nhập khẩu với Trung Quốc sẽ thông qua các đại lý này.

Hàng hóa vẫn đi thẳng từ Trung Quốc sang nước bị cấm vận còn chứng từ sẽ đi qua đại lý và từ đại lý về nước bị cấm vận và ngược lại. Cách thức này làm tăng không đáng kể chi phí cho nước bị cấm vận. Ví dụ đất hiếm và chuối được bàn dưới đây sẽ minh chứng cho nhận định này.

Thứ ba, Trung Quốc không sở hữu hệ thống tài chính thanh toán toàn cầu mạnh như Mỹ (Visa, Master, American Express...) do đó, Trung Quốc không có khả năng phát hiện và ngăn chặn những vụ vi phạm lệnh cấm.

Đặc điểm thứ hai là các chính sách trừng phạt kinh tế của Trung Quốc thường không có văn bản chính thức mà được thực hiện một cách bất thành văn. Điều này cho thấy Trung Quốc không thực sự tự tin vào các chính sách này và vẫn chừa một lối thoát ngoại giao khi các chính sách này không đạt kết quả mong muốn và Trung Quốc buộc phải gỡ bỏ.

Đặc điểm thứ ba là các chính sách trừng phạt kinh tế thường là ngắn hạn, không kéo dài hơn hai năm, khi thị trường chưa kịp điều chỉnh. Trong dài hạn, khi thị trường đã điều chỉnh thì những chính sách này trở nên tốn kém mà không có tác dụng. Mặt khác, các nước bị áp đặt các chính sách này thường lựa chọn giải pháp tránh đối đầu trực diện với Trung Quốc do đó thường có những nhượng bộ hình thức (ví dụ vấn đề Đạt Lai Lạt Ma, vấn đề bán vũ khí cho Đài Loan...) để tạo cho Trung Quốc một sự rút lui trong danh dự.

Hiệu quả của chính sách trừng phạt kinh tế trong tranh chấp lãnh thổ với Nhật và Philippines

a. Xuất khẩu chuối của Philippines

Khi tranh chấp bãi cạn Scarborough với Philippines bùng lên, Trung Quốc đã lựa chọn mặt hàng dễ tổn thương nhất của Philippines là chuối để áp lệnh trừng phạt. Đây là mặt hàng nông sản xuất khẩu lớn thứ hai của Philippines và Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của Philippines. Trung Quốc không chính thức áp lệnh trừng phạt mà chỉ dựng hàng rào kiểm dịch và trì hoãn làm thủ tục nhập khẩu cho chuối của Philippines từ tháng 3-2012.

Đến cuối năm 2012, các biện pháp này được lặng lẽ gỡ bỏ. Trên thực tế, biện pháp này hầu như không có hiệu lực. Xuất khẩu chuối của Philippines vào Trung Quốc năm 2012 vẫn tăng cả về giá trị (22,4%) và số lượng (29,4%). Tốc độ này thấp hơn rất nhiều so với năm 2011 nhưng vẫn là một tốc độ tăng trưởng rất cao.

Biện pháp này đã thúc đẩy Philippines mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác (Trung Đông, Hàn Quốc...).

b. Nhập khẩu đất hiếm của Nhật Bản

Đất hiếm là đầu vào thiết yếu của hầu hết các ngành công nghệ cao. Trung Quốc giữ vị trí độc quyền về xuất khẩu đất hiếm với thị phần hơn 90%. Kim ngạch nhập khẩu đất hiếm của Nhật từ Trung Quốc chiếm hơn 89% tổng kim ngạch xuất khẩu đất hiếm từ Trung Quốc. Nhật gần như phụ thuộc hoàn toàn từ nguồn đất hiếm của Trung Quốc.

Các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc năm 2010 trực tiếp ảnh hưởng đến Nhật Bản. Thị phần từ Nhật giảm từ 89% năm 2009 xuống còn 73% năm 2010 (1). Tổng khối lượng xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc năm 2010 tăng hơn 17% nhưng xuất khẩu sang Nhật chỉ tăng 1,5%.

Cuối năm 2010, Trung Quốc từ bỏ lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm cho Nhật, nhưng bắt đầu áp dụng hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm nói chung bằng cách giảm sản lượng xuất khẩu xuống hơn 48% năm 2011 và 15% năm 2012. Những biện pháp này thực sự gây thiệt hại lớn cho Nhật Bản và thế giới trong năm 2011 khi các nước này chưa tìm được các giải pháp thay thế. Năm 2011 mặc dù sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc giảm 48% nhưng giá trị xuất khẩu tăng thêm gần 238%. Riêng Nhật Bản, khối lượng nhập khẩu giảm 31,2% nhưng chi phí nhập khẩu phải trả cho Trung Quốc tăng 343%.

Tuy nhiên sang năm 2012, khi thị trường đã kịp điều chỉnh, Trung Quốc bắt đầu chịu thiệt hại từ chính sách của họ. Mặc dù tổng khối lượng xuất khẩu đất hiếm chỉ giảm 15% nhưng tổng giá trị xuất khẩu đã giảm 69%.

Tương tự, đối với Nhật Bản, khối lượng nhập khẩu giảm 15% nhưng chi phí nhập khẩu giảm 69,3%. Nếu Trung Quốc tiếp tục áp dụng hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm thì Trung Quốc sẽ tiếp tục bị thiệt hại do các nước sẽ tìm được nguồn thay thế (ví dụ hiện nay Úc đang mở rộng khai thác đất hiếm để thay thế sụt giảm nguồn cung từ Trung Quốc), và hoạt động xuất khẩu lậu sẽ gia tăng.

Như vậy, Trung Quốc đang ngày càng cố gắng sử dụng công cụ trừng phạt kinh tế để áp đặt ý chí trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên hiệu quả của các chính sách này là khá hạn chế, và ngắn hạn. Trung Quốc không có khả năng áp đặt cấm vận thương mại hoàn toàn đối với một đối tác nào khác.

Ngay cả khi Trung Quốc lựa chọn các mặt hàng dễ gây tổn thương nhất cho đối phương thì cũng không có kết quả do sự ràng buộc chằng chịt trong hệ thống thương mại quốc tế và sức mạnh của thị trường thế giới trong việc tìm kiếm nguồn thay thế sự hạn chế từ phía Trung Quốc.

Sức mạnh đáng kể nhất của Trung Quốc trong việc sử dụng công cụ kinh tế gây sức ép trong quan hệ quốc tế đó là sử dụng các hợp đồng mua hàng khổng lồ của chính phủ để gây sức ép lên những đối tác muốn có những hợp đồng đó.

Xét tất cả các khía cạnh trên, nếu căng thẳng trong quan hệ Việt - Trung có xảy ra thì rất ít có khả năng Trung Quốc áp dụng các chính sách trừng phạt kinh tế với Việt Nam, và nếu có thì chúng cũng ít có khả năng có hiệu lực.

(1) Số liệu trong bài này tác giả lấy từ nguồn UNcomtrade. Và đất hiếm là nhóm hàng có mã HS là 280530.

Nguyễn Tú Anh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương)

Không có nhà thầu Trung Quốc cũng sẽ không ảnh hưởng đáng kể

Việc các nhà thầu Trung Quốc không vào Việt Nam như các thông tin gần đây sẽ không có ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế Việt Nam. Thực tế nhà thầu Trung Quốc thường vào Việt Nam theo những dự án do chính phủ Trung Quốc tài trợ và họ không mang lại các hiệu quả không thể thay thế tại Việt Nam.

Ảnh hưởng nếu có là thông tin trên có thể ngụ ý Trung Quốc sẽ ngừng cấp vốn vay cho Việt Nam. Tuy nhiên tỷ lệ vốn vay của Việt Nam với Trung Quốc cũng không cao, và hiệu quả các đồng vốn này đang là câu hỏi lớn. Do đó Việt Nam tự tin có thể bù đắp hiệu quả nguồn thiếu hụt này.


tbktsg



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Bộ trưởng Công Thương: Mua giá 0 đồng điện mặt trời mái nhà dư thừa để ngăn trục lợi chính sách

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong giai đoạn hiện tại, trong bối cảnh điều kiện của hệ thống truyền tải và phân phối, cân bằng cơ cấu nguồn, biện pháp chống...

Doanh nghiệp giảm được gần 15% tiền điện từ việc điều chỉnh phụ tải

Một số doanh nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện đã tiết giảm được 25-30% tổng công suất tiêu thụ điện từ đó tiết kiệm được gần 15% tiền điện.

Việt Nam chỉ có 18 tháng để tham gia cuộc đua bán dẫn

Đây là phát biểu của ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT tại “Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn”, tổ chức vào chiều ngày...

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đào tạo nhân lực bán dẫn là "đột phá của đột phá"

Kết luận tại “Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn” tổ chức vào chiều ngày 24/04, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm phải coi...

Đề xuất 'gói' giải pháp gỡ khó cho dự án BOT giao thông triển khai trước khi có Luật PPP

Đây là kiến nghị của một số bộ, ngành tại cuộc làm việc về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ...

Đối tượng nào được tham gia trao đổi trên thị trường carbon?

Ở Việt Nam, thị trường trao đổi tín chỉ carbon đã có nhiều hoạt động giao dịch dưới hình thức thỏa thuận, trong khi thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà...

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng: 'Các nhà thầu không lo thiếu tiền'

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cam kết các nhà thầu thi công đến đâu, tiền sẽ thanh toán, giải ngân đủ đến đó, không lo thiếu tiền để thi công “3 ca, 4 kíp”.

Khởi tố và bắt tạm giam Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc

Ông Nguyễn Văn Khước, Phó chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Vĩnh Phúc, bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ liên quan tập đoàn Phúc Sơn.

Bộ Công Thương điều chỉnh kế hoạch cung ứng điện mùa nắng nóng 2024

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 924/QĐ-BCT điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và các tháng cao điểm mùa khô...

NVIDIA tiếp tục sang Việt Nam khảo sát địa điểm đầu tư

NVIDIA, hãng sản xuất chíp trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới, tiếp tục cử đoàn công tác sang Việt Nam khảo sát Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM để bỏ vốn đầu tư.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98