KLF có thực là bức tranh màu hồng?

19/09/2014 13:07
19-09-2014 13:07:24+07:00

KLF có thực là bức tranh màu hồng?

Kết quả kinh doanh tăng theo cấp số nhân trong giai đoạn 2011-2013, cổ phiếu thuộc dạng “nóng” dù mới lên sàn chưa đến 1 năm với thanh khoản gần 2 triệu đơn vị mỗi phiên, trong 3 năm thì vốn từ 5 tỷ đã tăng lên cả 1,480 tỷ…, CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF (HNX: KLF) đang thể hiện một bức tranh màu hồng, nhưng ẩn sâu dưới vẻ bề ngoài này là gì?

Bức tranh hồng!

KLF là đơn vị mới niêm yết trên thị trường chứng khoán vào cuối năm 2013, song sức hút của cổ phiếu này là không thể phủ nhận. Doanh thu và lợi nhuận trong 3 năm gần đây nhất tăng theo cấp số nhân. Cụ thể, doanh thu thuần năm 2011 chỉ ở mức 4 tỷ đồng, lãi ròng 81 triệu đồng; qua đến năm 2013 hai chỉ tiêu này lần lượt là 369 tỷ đồng và 34.5 tỷ đồng. Tiếp đà tăng ấn tượng, trong 6 tháng đầu năm 2014, kết quả kinh doanh của KLF vẫn tiếp tục “kích thích” nhà đầu tư với 273 tỷ đồng doanh thu thuần và 48.9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn toàn bỏ xa khoản lợi nhuận đã tạo ra trong năm 2013.

EPS của KLF cũng tăng trưởng rất nhanh, từ mức 163 đồng vào năm 2011 lên 2,240 đồng vào cuối quý 2/2014.

Bên cạnh đó, cổ phiếu KLF cũng gia tăng dần cấp độ “nóng”, bình quân mỗi phiên có gần 2 triệu đơn vị được chuyển nhượng. Đặc biệt trong thời gian gần đây, thanh khoản gia tăng mạnh và đã có lúc cổ phiếu được giao dịch đến 12.2 triệu đơn vị trong một phiên.

Biểu đồ giá KLF kể từ ngày chào sàn
Sóng cổ phiếu KLF thể hiện sự đầu cơ khá rõ, những con sóng ngắn ngày theo chu kỳ T+ nhưng xét trong chu kỳ dài thì chỉ đi ngang trong biên độ hẹp.

Không những thế, KLF còn có được một hành trình tăng vốn rất “sốc”, vỏn vẹn có 3 năm 2012-2014 vốn điều lệ nhảy vọt từ 5 tỷ lên 740 tỷ đồng và sắp tới nếu thành công sẽ là 1,480 tỷ đồng.

Quá trình tăng vốn của KLF (Đơn vị tính: Tỷ đồng)
(*): Đang thực hiện

Ẩn sau sự “hào nhoáng” của tăng trưởng lợi nhuận

Lĩnh vực hoạt động chính của KLF là kinh doanh sân golf, du lịch lữ hành, đầu tư tài chính và bất động sản. Trong đó, KLF hiện đang quản lý và khai thác hai sân tập là Golfnet 1 và Golfnet 2 tọa lạc tại trung tâm khu vực Mỹ Đình, Hà Nội.

Nguồn thu của công ty đến từ 2 hoạt động, bán hàng cung cấp dịch vụ và tài chính. Trong hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ, bắt đầu từ năm 2012 nhờ mua lại Golfnet 2 và triển khai một số hoạt động kinh doanh mới mà doanh thu thuần tăng mạnh từ vài tỷ (năm 2011) lên vài trăm tỷ vào các năm tiếp theo. Song cùng với đà tăng của doanh thu, giá vốn và các chi phí cũng tăng mạnh. Do vậy, nếu soi kỹ thì lợi nhuận chủ yếu của KLF không đến từ hoạt động kinh doanh chính mà đến từ hoạt động đầu tư tài chính.

Cụ thể, trong nhiều năm, lợi nhuận hoạt động tài chính luôn vượt trội so với lợi nhuận gộp như năm 2012, lợi nhuận tài chính gấp 2.6 lần lợi nhuận gộp và trong 6 tháng đầu năm 2014, lãi tài chính gấp 3 lần lãi gộp.

Nguồn thu tài chính của KLF hầu hết đến từ việc chuyển nhượng các khoản vốn góp, lãi cho vay hay ủy thác đầu tư.

Chi tiết hơn, giai đoạn 2012 và 2013, nguồn vốn của KLF nhảy vọt so với trước nhờ huy động từ Tập đoàn FLC trong 3 đợt tăng vốn từ 5 tỷ lên 260 tỷ đồng. Trong giai đoạn này, KLF sử dụng vốn chủ yếu để cho vay, ủy thác đầu tư lấy lãi cố định với công ty TNHH Newland Holdings Việt Nam (tiền thân là công ty TNHH Bất động sản SGinvest). KLF có khoản lãi ủy thác đầu tư phải thu ngắn hạn tại đây lần lượt 8.5 tỷ (2012) và 18 tỷ đồng (2013), tương ứng với doanh thu tài chính trong hai năm này. Được biết, đây là công ty do ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC làm chủ sở hữu (thông tin vào cuối năm 2013).

Sang nửa đầu năm 2014, hàng loạt khoản chuyển nhượng vốn đã đem về doanh thu tài chính 50 tỷ đồng cho KLF, chuyển nhượng 4.8 triệu cp tại CTCP Decohouse, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại CTCP Giải trí Green Belt (120,000 cp) và CTCP Tập đoàn Thành Nam, chuyển nhượng 50.13% vốn góp tại Công ty TNHH Hải Châu ứng với giá trị 35 tỷ đồng (vẫn còn 34.3 tỷ đồng vốn tại Hải Châu), chuyển nhượng một phần vốn góp tại CTCP FLC Travel (tỷ lệ sở hữu giảm xuống 36.6%), giảm sở hữu tại Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Vân Long xuống 24%.

Chuyển động cổ đông lớn

Khoảng thời gian trước niêm yết vào tháng 9/2013, cổ đông lớn nắm 99.6% vốn của KLF là FLC đã có động thái giảm mạnh tỷ lệ sở hữu xuống còn 21%. Đồng thời, xuất hiện 6 cổ đông cá nhân sở hữu 55% vốn của KLF trước ngày lên sàn.

Ông Nguyễn Văn Mạnh (cổ đông sáng lập) đã có một khoản lợi nhuận lớn khi nhanh chóng thoái vốn tại KLF vào những ngày đầu niêm yết? Bởi giá cổ phiếu KLF liên tục tăng từ 13,600 đồng lên gấp đôi trong khoảng 20 ngày giao dịch đầu tiên, trùng với thời điểm ông Mạnh thoái vốn.

Ngay sau khi chào sàn, điểm đặc biệt, lượng lớn cổ phần nắm giữ từ tất cả cổ đông lớn mới nhận chuyển nhượng kể trên lần lượt được đẩy ra thị trường chứng khoán, thu hồi lại “tiền tươi thóc thật”. Trong đó, ông Nguyễn Văn Mạnh và bà Nguyễn Thị Huyền Trang đã bán ngay trong tuần đầu tiên cổ phiếu KLF niêm yết. Tính đến đầu tháng 1/2014 các cá nhân kể trên đã không còn là cổ đông lớn của KLF và cũng không còn thuộc phạm vi phải công bố thông tin nếu sau đó có giao dịch tiếp.

Riêng FLC thì vào cuối tháng 3/2014, ngay sau khi hết thời gian hạn chế chuyển nhượng (6 tháng) đối với cổ đông có liên quan đến nội bộ**, cũng đã giảm sở hữu tại KLF xuống 2.76 triệu cp, ứng với 10.62% vốn (trên số vốn 260 tỷ đồng). Cũng lưu ý rằng, cổ đông lớn không bị giới hạn chuyển nhượng cổ phiếu khi niêm yết như cổ đông nội bộ.

Trong đợt phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu và riêng lẻ tăng vốn từ 260 tỷ lên 740 tỷ đồng trong năm 2014, FLC không rót vốn thêm nên tỷ lệ sở hữu giảm xuống 3.73%. Hiện tại, có lẽ FLC đã không còn là cổ đông của KLF khi mà tính đến thời điểm 30/06/2014, KLF công bố với số vốn 740 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm cổ đông tổ chức là Đầu tư R.O.R Việt Nam nắm 22.97% vốn và các cổ đông cá nhân nắm 77.03% vốn.

Tổ chức mới xuất hiện thay thế cái tên FLC cũng không mấy xa lạ. Công ty TNHH Hai thành viên Đầu tư R.O.R Việt Nam do ông Nguyễn Văn Mạnh (cổ đông sáng lập KLF) là chủ sở hữu. Cả R.O.R Việt Nam và ông Mạnh cũng là những cái tên quen thuộc trong các hoạt động hợp tác kinh doanh, vay nợ, ủy thác hay góp vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng với FLC.

Giải mã nguồn tiền

KLF tiền thân là CTCP Dịch vụ Thương mại và Đầu tư Tân Mỹ Đình, được thành lập năm 2009 với số vốn điều lệ chỉ 5 tỷ đồng và có 5 cổ đông sáng lập cá nhân. Sau hơn 1 năm hoạt động, vào cuối năm 2010, công ty bị CTCP Tập đoàn FLC (HOSE: FLC) mua lại gần như toàn bộ vốn. Theo đó, KLF được đổi tên thành CTCP FLC Golfnet, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ hoạt động thể thao, vui chơi giải trí, kinh doanh dụng cụ thể dục thể thao…

Dẫu vậy, phải đến tháng 2/2012, Tập đoàn FLC mới tiến hành công cuộc nâng cấp công ty con này thông qua các đợt tăng vốn khủng. Đầu tiên là tăng vốn từ 5 tỷ lên 50 tỷ đồng, 4 tháng sau, công ty một lần nữa tăng vốn lên 80 tỷ đồng. Không dừng ở đó, vào tháng 9/2012 KLF lại tăng vốn lên 260 tỷ đồng, đồng thời đổi tên thành CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế FLC (FLC Global).

Chỉ trong vòng 7 tháng, cùng với động thái chi mạnh tay của Tập đoàn FLC, KLF đã thay da đổi thịt hoàn toàn từ một đơn vị có số vốn ít ỏi 5 tỷ đồng thành một công ty lớn có vốn hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, trong các đợt tăng vốn của KLF, Tập đoàn FLC đã góp gần 255 tỷ đồng gồm 151 tỷ tiền và 104 tỷ góp bằng cổ phần Công ty TNHH Hải Châu. Tính đến thời điểm tăng vốn lên 260 tỷ đồng, FLC là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu đến 99.6%.

Bên cạnh đó, lĩnh vực hoạt động của công ty cũng chuyển sang đầu tư bất động sản, phát triển và khai thác các dự án về du lịch, đầu tư và khai thác sân tập golf... Tuy nhiên, nguồn tiền thu được từ tăng vốn của KLF trong giai đoạn này chủ yếu chỉ sử dụng để cho vay và ủy thác đầu tư như đề cập ở phần trên.

Năm 2013, KLF tạm ngưng việc tăng vốn với sự kiện niêm yết trên HNX, dọn đường cho chặng đường tăng vốn còn “khủng” hơn trước. Vào đầu năm 2014, tiếp tục cần vốn đầu tư vào Công ty TNHH Hải Châu xây dựng Tòa nhà hỗn hợp FLC Tower (tổng vốn đầu tư cho dự án là 700 tỷ) tại thành phố Vĩnh Yên - tỉnh Vĩnh Phúc, công ty huy động vốn lên gấp đôi bằng cách phát hành cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1 giá 11,000 đồng/cp và phát hành riêng lẻ 22 triệu cp giá 11,500 đồng/cp cho nhà đầu tư chiến lược (công ty TNHH Hai thành viên Đầu tư R.O.R Việt Nam mua 17 triệu và bà Lê Thị Thúy mua 5 triệu đơn vị). Vốn điều lệ được tăng từ 260 tỷ lên 740 tỷ đồng.

Chưa dừng lại ở đó, vào tháng 8/2014 vừa qua, KLF lại có kế hoạch tăng vốn lên gấp đôi bằng cách chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá từ 10,000-11,000 đồng/cp. Qua đó, doanh nghiệp sẽ tăng vốn lên 1,480 tỷ đồng, gấp gần 6 lần so với thời điểm đầu năm. Mục đích của đợt chào bán này là huy động vốn góp với Công ty TNHH Đầu tư và Quản lý tòa nhà ION Complex để xây dựng và kinh doanh tòa nhà FLC Complex 36 Phạm Hùng, Hà Nội.

Tháng 9 này là khoảng thời gian mà các cổ đông đăng ký đặt mua. Nếu đợt phát hành tiếp tục thành công, có thể thấy KLF đã có một chặng đường tăng vốn đầy ngoạn mục, đặc biệt là sau giai đoạn niêm yết, khi cơ cấu cổ đông đã có sự dịch chuyển lớn từ FLC ra nhà đầu tư đại chúng trên sàn chứng khoán. Chỉ riêng năm 2014, sàn chứng khoán đã mang lại cho KLF hơn ngàn tỷ đồng huy động mới.

Trần Việt

----------------------

**: Theo quy định, cổ đông là cá nhân, tổ chức có đại diện sở hữu là thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc), Giám đốc tài chính, Kế toán trưởng và cổ đông lớn là người có liên quan đến các thành viên này phải cam kết nắm giữ 100% trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày niêm yết và 50% số cổ phiếu này trong 06 tháng tiếp theo.







MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (2)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Doanh thu tháng 3 của VHC tăng 5%

CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) báo cáo doanh thu tháng 3 đạt 1,089 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Tính trong 3 tháng đầu năm, doanh thu VHC tăng 25%.

ĐHĐCĐ Vinalink: Hợp tác với Amazon sẽ là “mỏ neo” trước biến động khó lường

Tổng Giám đốc Vinalink chia sẻ với tình hình biến động và rất khó lường, nếu không có thương mại điện tử thì sẽ khó duy trì được sản phẩm dịch vụ truyền thống như...

Công ty thành viên Sabeco thay ghế Chủ tịch, lợi nhuận quý 1 lao dốc 93%

Ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Kế hoạch (Ban phụ trách) - Sabeco, sẽ đảm nhận chức Chủ tịch HĐQT CTCP Bia - Nước Giải khát Sài Gòn - Tây Đô (TDBECO) từ ngày...

Vì sao DHA giảm lãi hơn 40% trong quý 1?

CTCP Hóa An (HOSE: DHA) công bố lãi ròng quý 1 giảm đến 43% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 9 tỷ đồng.

Mộc Châu Milk có quý lãi thấp nhất 3 năm

Ảnh hưởng từ việc người tiêu dùng giảm sức mua, CTCP Giống Bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk, UPCoM: MCM) lãi sau thuế quý 1/2024 chưa đầy 50 tỷ đồng, giảm 51% so với...

Nam Sông Hậu lỗ quý thứ 2 liên tiếp, Chủ tịch bị bán giải chấp gần 19 triệu cp

Tài khoản chứng khoán của ông Mai Văn Huy - Chủ tịch HĐQT CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (HOSE: PSH) đang “nóng” như thời tiết Sài Gòn. Theo báo cáo...

ĐHĐCĐ KDH: Đã nộp hồ sơ chào bán riêng lẻ 110 triệu cp

Chiều ngày 23/04/2024, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HOSE: KDH) đã tổ chức ĐHĐCĐ nhằm thông qua phương án phát hành tối đa gần 102 triệu cp cho các hoạt...

Lãi ròng quý 1 của ANV rơi 82%

Theo BCTC hợp nhất quý 1/2024, CTCP Nam Việt (HOSE: ANV) có doanh thu thuần 1,016 tỷ đồng và lãi ròng 17 tỷ đồng, giảm lần lượt 12% và 82% so với cùng kỳ năm trước.

Kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Nhà máy Đạm Phú Mỹ

Thực hiện chủ trương của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (năm 1996) của Đảng Cộng sản Việt Nam về việc “Xây dựng nhà máy phân đạm số 1 từ khí có công suất...

Lãi ròng FPT tiếp tục cao kỷ lục trong quý 1/2024

CTCP FPT (HOSE: FPT) tiếp tục duy trì đà tăng trưởng hai con số trong quý 1/2024, với doanh thu hơn 14 ngàn tỷ đồng và lãi ròng gần 1.8 ngàn tỷ đồng - đây cũng là...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98