Chính phủ thông tin về 22 tỉ đô la ODA chưa giải ngân

02/06/2016 22:35
02-06-2016 22:35:00+07:00

Chính phủ thông tin về 22 tỉ đô la ODA chưa giải ngân

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời về vấn đề 22 tỉ đô la Mỹ vốn ODA chưa giải ngân; đề xuất thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia; và việc triển khai hai luật Doanh nghiệp và Đầu tư.

Ông Mai Tiến Dũng. Ảnh Chinhphu.vn

- Thông tin về khoản vốn vay ODA 22 tỉ đô la Mỹ đã ký kết nhưng chưa được giải ngân (thống kê của Bộ Tài chính) gây lo ngại về hiệu quả sử dụng vốn vay cho các dự án. Xin Người phát ngôn Chính phủ cho biết ý kiến về vấn đề này?

- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Tổng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã được giải ngân lũy kế đến tháng 5 năm 2016 đạt khoảng 71% tổng vốn ODA ký kết. Hiện còn khoảng 22 tỉ đô la Mỹ đã ký kết đang trong quá trình thực hiện trong đó có 2,15 tỉ đô la Mỹ phải giải ngân trước năm 2016, còn lại là những dự án đã có kế hoạch giải ngân theo lộ trình đến năm 2020 và nhiều dự án sau năm 2020.

Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA phải thực hiện giải ngân theo đúng tiến độ đã cam kết trong hiệp định, bảo đảm sử dụng vốn hiệu quả.

- Về đề xuất thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VNBA), hiện có hai luồng ý kiến: đồng tình bởi cho rằng giúp huy động nguồn lực vàng trong dân (dự tính khoảng 500 tấn); ý kiến khác lại đánh giá việc này là kém khả thi và rủi ro cao, lo ngại sàn vàng nếu hình thành sẽ chỉ như “cái chợ” mua bán trung gian, tạo cơ hội cho các hoạt động đầu cơ, nguy cơ vàng hóa nền kinh tế. Xin cho biết quan điểm của Chính phủ về vấn đề này?

- Sau bốn năm Ngân hàng Nhà nước nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ để quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay thị trường vàng đang diễn biến ổn định, biến động của giá vàng không còn tác động lớn đến tỷ giá, thị trường ngoại tệ cũng như ổn định kinh tế vĩ mô, nhu cầu về vàng miếng đang ngày càng giảm, tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế đã từng bước được ngăn chặn, nguồn vốn bằng vàng đang có xu hướng dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác. Hiện nay, quản lý hoạt động mua, bán vàng miếng đã đi vào nề nếp và cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang nghiên cứu, đánh giá, tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, có đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng hiệu quả hơn trong thời gian tới, theo hướng tiếp tục duy trì sự ổn định thị trường vàng, ngăn chặn tình trạng "vàng hoá" trong nền kinh tế, tạo tiền đề để tiếp tục chuyển hoá nguồn lực vàng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Tất cả các ý kiến đề xuất thành lập hay phản đối thành lập sàn vàng đều là những ý kiến để Ngân hàng Nhà nước phân tích, cân nhắc hết sức thận trọng trước khi đưa ra các biện pháp quản lý thị trường vàng theo đúng chủ trương của Chính phủ.

- Ngày 29-4, tại Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước” ở TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu từ 1-7-2016 phải bỏ hết các quy định cũ trái với tinh thần hai luật đã được Quốc hội thông qua. Xin Người phát ngôn Chính phủ cho biết các bộ, cơ quan chức năng của Chính phủ đã triển khai chỉ đạo nêu trên của Thủ tướng Chính phủ như thế nào để hai luật được triển khai thực hiện đúng thời gian quy định?

- Trước hết, phải khẳng định rằng, không phải bây giờ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới quan tâm chỉ đạo việc thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Ngay sau khi hai luật này được Quốc hội thông qua vào tháng 11-2014, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao công tác thi hành luật, đặc biệt là việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành hai luật này. Do vậy, đến nay, hệ thống các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật đã cơ bản được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo đảm thi hành hai luật này.

Tuy nhiên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục thực hiện và hoàn thành trước ngày 1-7-2016 là phải rà soát các văn bản quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành trước ngày 1-7-2015 không phù hợp với thẩm quyền quy định tại Luật Đầu tư để xem xét loại bỏ hoặc sửa đổi các điều kiện không cần thiết, bất hợp lý, gây cản trở hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, đồng thời đề xuất Chính phủ ban hành nghị định thay thế các văn bản này theo đúng thẩm quyền. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhằm bảo đảm thực hiện nhất quán, đồng bộ những cải cách của hai luật này, tránh tạo ra khoảng trống pháp lý, gây rủi ro, đình trệ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.   

Với mục đích đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan theo lĩnh vực được phân công quản lý, rà soát các thông tư, quyết định của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh để tổng hợp, xây dựng nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, trình Chính phủ ban hành trước ngày 1-7-2016, bảo đảm phù hợp với Luật đầu tư. Đây là hành động quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Có 17 bộ, ngành quản lý về điều kiện kinh doanh đã chủ động đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng trong soạn thảo các văn bản, phối hợp, tổ chức lấy ý kiến tham gia, thẩm định, thẩm tra, trình dự thảo văn bản. Hiện tại, một số nghị định đã được ban hành, các nghị định còn lại đang được gấp rút, tập trung nguồn lực để hoàn thiện các khâu cuối cùng trước khi trình Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động theo dõi, phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu với cơ quan chủ trì soạn thảo, nghiên cứu và xử lý kịp thời các vướng mắc, tập trung nhân lực, rút ngắn tối đa thời gian thẩm định, thẩm tra, chú trọng bảo đảm chất lượng văn bản. Đồng thời, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp đã chủ động, thường xuyên tổ chức các cuộc họp với các bộ để giải quyết những khó khăn vướng mắc và các vấn đề còn ý kiến khác nhau, cùng các bộ tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo, bảo đảm tiến độ ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói trên.

Với quyết tâm cao và chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, tin tưởng rằng, các văn bản quy phạm pháp luật thi hành Luật đầu tư và Luật Doanh nghiệp sẽ được ban hành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.

Tư Hoàng (lược ghi)

tbktsg



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu châu Á về đầu tư cho cơ sở hạ tầng, dành 5,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho các dự...

ADB: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững vàng dù toàn cầu bất ổn

Theo Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) tháng 4 năm 2024 được công bố ngày 11/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữ nguyên dự báo trước đó về tăng trưởng...

Chính phủ yêu cầu nỗ lực hơn nữa để đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024

Chính phủ vừa ban hảnh Nghị quyết số 44/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, trong đó yêu cầu các...

Miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Sáng 8/4, tại kỳ họp thứ 21 (khóa X) nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND tỉnh Quảng Nam đã biểu quyết miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND tỉnh đối với ông Phan Việt Cường và...

Thủ tướng yêu cầu tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Việt Nam lọt tốp 20 nền kinh tế được dự báo tăng trưởng nhanh nhất châu Á

Trong số các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực, Việt Nam xếp thứ 6 với tăng trưởng GDP bình quân đầu người trong năm 2024 dự kiến ở mức 7,41%.

HSBC duy trì dự báo GDP Việt Nam tăng 6%, kỳ vọng NHNN giữ nguyên chính sách tiền tệ đến 2025

Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa phát hành báo cáo "Vietnam at a glance: Bình tĩnh tiến bước" giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam ở mức 6% cho năm 2024...

Điều gì giúp xuất siêu liên tục lập kỷ lục?

Hoạt động thương mại của Việt Nam đạt kết quả tích cực trong 3 tháng đầu năm 2024, với xuất siêu của kỳ quý 1 đã lập mốc kỷ lục mới. Phía sau xu hướng này là gì và...

UBKT Trung ương đề nghị kỷ luật Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung và nguyên Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo 2 kịch bản tăng trưởng cho năm nay

Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, GDP quý 1 tăng 5.66% so với cùng kỳ năm trước...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98