“Siêu dự án thép ven biển”: Lo môi trường ven biển bị tàn phá

28/08/2016 10:56
28-08-2016 10:56:00+07:00

“Siêu dự án thép ven biển”: Lo môi trường ven biển bị tàn phá

Dù chủ đầu tư “siêu” dự án thép tại Cà Ná (Ninh Thuận) cam kết sẽ không để xảy ra ô nhiễm môi trường, nhưng các chuyên gia cho rằng khó tránh khỏi những nguy cơ đối với môi trường, nhất là sau sự cố Formosa.


Nhiều người dân tại hai xã Phước Diêm và Cà Ná (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) lo lắng siêu dự án thép có thể gây ô nhiễm môi trường, việc mưu sinh từ nghề biển sẽ bị ảnh hưởng - Ảnh: TRUNG TÂN

Có mặt tại khu vực được quy hoạch cho Công ty CP Tập đoàn Tôn Hoa Sen (HSG) làm “siêu dự án thép”, khung cảnh trước mặt vẫn là những ngôi nhà tạm bợ, đồng muối trắng mênh mông.

Khi được hỏi có biết gì về dự án nhà máy luyện cán thép tại khu vực này, nhiều người dân cho biết “dự án treo lâu rồi”. Theo ông Nguyễn Văn Sỹ (thôn Lạc Nghiệp 1, xã Cà Ná), vào năm 2008 Vinashin đã tổ chức thu hồi đất để làm dự án cảng biển, nhà máy luyện thép. Một số hộ dân đã được nhận 60% số tiền bồi thường nhưng đến nay dự án “giậm chân tại chỗ”, người dân phải sống tạm bợ.

Phải xem xét kỹ dự án ngay từ đầu

Sau khi nghe thông tin HSG lập siêu dự án cán thép tại khu vực này, ông Sỹ bày tỏ lo lắng nguy cơ tái diễn thảm họa đối với môi trường như thép Formosa gây ra ở Hà Tĩnh, nếu không được kiểm soát kỹ.

“Người dân sẵn sàng nhường đất cho dự án nếu được thông tin rõ ràng, được hỗ trợ bồi thường thỏa đáng và công ty phải cam kết đảm bảo môi trường... Bởi chất thải nhà máy tràn ra biển và đồng muối, cuộc sống chúng tôi sẽ gặp nguy hiểm, mất kế sinh nhai” - ông Sỹ lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Rớt (xã Cà Ná) cũng cho biết người dân ở đây chủ yếu sống dựa vào ba nghề chính là đi biển, làm cá hấp và muối. Do đó, chính quyền địa phương và chủ đầu tư phải cam kết và thực hiện nghiêm việc bảo vệ môi trường, tránh nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Theo ông Mười Xinh (thôn Thương Diêm 1, xã Phước Diêm), bài học từ vụ Formosa cho thấy việc ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng ngay lập tức đến đời sống người dân và môi trường, mà tác hại của nó còn kéo dài nhiều năm sau. “Chính quyền cần xem xét kỹ từ đầu, không thể để thảm họa xảy ra” - ông Mười Xinh nói.

Một lãnh đạo xã Phước Diêm cho biết địa phương cũng mới biết thông tin ban đầu về “siêu dự án thép” này, sau khi HSG vừa mời lãnh đạo UBND các xã Phước Diêm, Cà Ná và một số người dân đi Vũng Tàu “tham quan mô hình nhà máy” của tập đoàn này. Cũng theo vị này, sự lo lắng của người dân là chính đáng và có cơ sở, nhưng do dự án chưa triển khai nên “chưa biết nói thế nào”.

Quá vội vàng và hấp tấp?

Trong khi đó, theo một chuyên gia lâu năm trong ngành thép, công nghệ dập cốc khô và xây dựng hồ chứa sinh học (để thu hồi toàn bộ khí thải và chất thải) mà HSG dự kiến sử dụng không có gì đặc biệt về công nghệ. “Đã luyện thép thì không thể nào không thải ra cacbon. Và các hóa chất sau khi xử lý vẫn còn chứ không thể hết hẳn” - vị này khẳng định.

Cũng theo vị này, vấn đề quan trọng là HSG phải nói rõ dùng thiết bị, công nghệ của nước nào sản xuất. Nếu công nghệ và thiết bị của châu Âu, những vấn đề còn lại sau quá trình xử lý nước sẽ thấp đi rất nhiều, nhưng vẫn không thể làm sạch hoàn toàn để trở thành nước có thể tái sử dụng. “Với những gì HSG vừa tuyên bố, có thể sẽ không có chuyện xả thải thẳng ra biển. Nhưng nói môi trường không ảnh hưởng thì chưa chắc” - vị này phân tích.

Bình luận về việc ông Lê Phước Vũ - chủ tịch HĐQT HSG - tuyên bố “sẽ giao hết tài sản cho Nhà nước nếu để xảy ra sự cố như Formosa”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) cho rằng thế giới cũng chưa có cơ sở pháp lý hoặc cơ chế nào để thực hiện được điều này.

Theo ông Tuấn, trong trường hợp xảy ra sự cố và Nhà nước (căn cứ vào lời cam kết) lấy tài sản của doanh nhân để xử lý, chắc chắn thế giới sẽ nhìn nhận Nhà nước tước đoạt tài sản của doanh nghiệp. “Nhà đầu tư cũng không nên cam kết như vậy vì có thể gây hiểu lầm cho cộng đồng đầu tư quốc tế” - ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, nếu tiếp tục làm theo cơ chế hiện tại, rất khó ràng buộc trách nhiệm sau này cho các bên liên quan (thẩm định, đánh giá, cấp phép...) do quy trình không khác với cách đã áp dụng với Formosa.

Và trong thực tế, đến nay vẫn chưa có cơ quan cụ thể nào nhận trách nhiệm trong sự cố của Formosa. Với tuyên bố của chủ đầu tư là sẽ bắt tay thực hiện dự án vào đầu năm tới, nghĩa là chỉ còn bốn tháng để “chạy đua” trước khối lượng công việc quá đồ sộ, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng nhà đầu tư và cả chính quyền tỉnh Ninh Thuận đã “quá vội vàng, hấp tấp”.

Ông Trần Hồng Hà (Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường):

Không chấp nhận “ăn vào giá môi trường”

Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh “siêu dự án thép ven biển” Ninh Thuận do HSG làm chủ đầu tư, theo ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường, Bộ sẽ kiểm tra lại xem HSG đã gửi hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án hay chưa.

Theo ông Hà, các nước vẫn xem xét cho xây dựng các nhà máy thép, nhưng vấn đề chính là công nghệ nhà máy đó có cao không. Tại VN, sau sự cố Formosa, việc đánh giá tác động môi trường trước hết là xem xét về công nghệ, phải chọn công nghệ tương đương với những nước có công nghệ cao nhất như Nhật. Muốn đầu tư phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn như với công nghệ của Nhật. Quan điểm dứt khoát là không chấp nhận cho nhà đầu tư “ăn vào giá môi trường”.

Chủ đầu tư đã xác định lộ trình năm 2017 sẽ triển khai dự án, việc thẩm định sơ bộ báo cáo đánh giá tác động môi trường có đảm bảo?

Việc đánh giá tác động môi trường sơ bộ chỉ đặt ra những tiêu chí xem nhà đầu tư có làm được không. Ví dụ nước thải ra phải loại A, cốc phải dập khô, nước thải phải xử lý trong hồ sinh học... Ngoài ra, việc đánh giá này để chọn địa điểm và xác định cho nhà đầu tư có chấp nhận được giá chi trả đầu tư cho môi trường không.

Chắc chắn tới đây phải sửa luật, sau đánh giá môi trường sơ bộ phải có đánh giá từng bước rất chi tiết và thực hiện trong nhiều giai đoạn. Và từ khi chấp thuận chủ trương đầu tư đến khi lập dự án có thiết kế cơ sở (đã nắm rõ công nghệ), phải đánh giá thêm tác động môi trường chi tiết. Tóm lại, nếu có thẩm định sẽ phải xem xét nhiều giai đoạn, đặc biệt là công nghệ khi có thiết kế cơ sở, có công nghệ rõ ràng.

Xuân Long ghi

Ông Nguyễn Ngọc Đức (Chánh văn phòng T.Ư Hội Nghề cá VN):

Sợ nhất là sự cố

Chúng tôi mới biết dự án nhà máy thép ở Ninh Thuận qua báo chí. Nếu dự án đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường, không ảnh hưởng đến nguồn lợi hải sản thì tốt. Nhưng sợ nhất là có sự cố.

Trải qua vụ việc Formosa, cơ quan quản lý nhà nước phải hành động mạnh mẽ hơn trong kiểm tra quy trình, quá trình vận hành, xây dựng, trong đó cần có sự giám sát của ngư dân. Ở vụ Formosa vừa rồi, chính những ngư dân đã tìm ra ống xả thải ngầm. Do đó, nếu có sự giám sát của ngư dân sẽ hiệu quả hơn...

Người dân đều mong muốn phát triển kinh tế nhưng phải gắn với bảo vệ môi trường, còn phát triển kinh tế mà gây ảnh hưởng đến ngư dân, đến biển thì không nên.

L.Anh ghi

Trung Tân - Trần Vũ Nghi

tuổi trẻ





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Chủ tịch Phan Văn Mãi: TP.HCM là nơi có nhiều cơ hội, dư địa để khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định TP.HCM có nhiều dư địa, cơ hội, nhiều đơn đặt hàng để các nhà khởi nghiệp nghiên cứu.

Vụ Tập đoàn Phúc Sơn: Bắt tạm giam nguyên Bí thư Quảng Ngãi Lê Viết Chữ và Phó Bí thư Tỉnh Vĩnh Phúc

Ngày 27/3/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam với nguyên Bí thư Quảng Ngãi Lê Viết Chữ và ông Phạm Hoàng...

Chợ Bến Thành, Tân Định... có lợi thế phát triển nhờ metro

Các Sở An toàn thực phẩm (ATTP), QHKT TP.HCM, Phòng kinh tế quận 6…đều nhìn nhận chợ truyền thống đang dần bị thu hẹp nhưng không hề mất đi.

Quý 1, TP.HCM dẫn đầu cả nước về số dự án có vốn đầu tư nước ngoài

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 42 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư. Còn, TP.HCM dẫn đầu về số dự án mới, điều chỉnh vốn và...

Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng nhận án 8 năm tù

TAND TP Hà Nội vừa tuyên phạt Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng mức án 8 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tổng vốn FDI vào Việt Nam 3 tháng đầu năm 2024 đạt 6.17 tỷ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ

Thu hút FDI của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024 tiếp tục khởi sắc khi tăng 13.4% so với cùng kỳ năm 2023. 

Đề nghị truy tố 254 bị can trong ‘đại án đăng kiểm’

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố 254 bị can liên quan đến đại án tiêu cực ngành đăng...

Thị trường 'ấm dần', xuất khẩu ngành hàng dệt may đón cơ hội để tăng tốc

Để đẩy mạnh xuất khẩu, ngành dệt may tiếp tục đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường... nhằm đáp ứng nhu cầu ngày...

Thu hút vốn FDI: Góc nhìn từ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện

Việc tăng cường các quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đã mở ra một chương mới, gia tăng hình ảnh và vị thế của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Chính phủ đồng ý cho EVN được điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần

Quyết định mới nhất đề xuất rút ngắn thời gian tối thiểu giữa 2 lần điều chỉnh giá từ 6 tháng xuống 3 tháng. Song điều này không có nghĩa là cứ 3 tháng điều chỉnh...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98