Bình minh gõ cửa sau cơn mộng “lỗ lũy kế”

14/03/2017 13:27
14-03-2017 13:27:40+07:00

Bình minh gõ cửa sau cơn mộng “lỗ lũy kế”

Mỗi ngành mỗi câu chuyện, có sự phục hồi giao thương trong lĩnh vực xuất khẩu trước sự ổn định trở lại của tỷ giá, hay lợi nhuận biên được cải thiện rõ rệt trong bối cảnh giá nguyên liệu biến động khôn lường,… tựu trung lại vẽ nên một bình minh mới tại nhiều doanh nghiệp đã từng ghi nhận lỗ lũy kế tương đối cao.

Theo dữ liệu thống kê báo cáo tài chính (BCTC) các doanh nghiệp niêm yết (HOSE và HNX) của Vietstock, có 10 đơn vị báo cáo xóa sạch lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2016, thậm chí còn bắt đầu có của để dành.

10 doanh nghiệp thoát lỗ lũy kế sau năm 2016 (Đvt: Tỷ đồng)

Sao đổi ngôi tại ngành thép

Trong nhóm các doanh nghiệp đã thoát được lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2016, ngành thép chiếm ưu thế vượt trội với nhiều cái tên quen thuộc như POM, VIS, TLH, SMC và HMC.

Nổi bật nhất phải kể đến là Thép Pomina (POM). Tính đến cuối năm 2015, POM vẫn còn ghi nhận một khoản lỗ lũy kế hơn 212 tỷ đồng nhưng đã đảo ngược tình thế nhờ khoản lãi 301 tỷ đồng trong năm 2016.

Những năm trước 2012, POM được mệnh danh là một doanh nghiệp hùng mạnh trong ngành thép với mức lãi luôn trên mốc 400 tỷ đồng. Đến năm 2013, mặc dù ban lãnh đạo công ty đã dự trù một tương lai không mấy khả quan khi chia sẻ các áp lực từ lãi vay nặng nề, thị trường bất động sản khó khăn tại ĐHĐCĐ. Nhưng thực tế lại đi xa hơn nữa khi Công ty báo lỗ lên đến 219 tỷ đồng kết năm 2013. Tình trạng thua lỗ vẫn tiếp tục đeo bám ông lớn ngành thép này đến năm 2014, chi phí lãi vay và khấu hao vẫn ở mức cao khiến cả năm lỗ 26 tỷ đồng, lỗ lũy kế ghi nhận gần 219 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của POM giai đoạn 2008 – 2016
Đvt: Tỷ đồng

Và bước sang năm 2015, mọi việc bắt đầu sáng sủa hơn ở POM khi lãi vay được tiết giảm đáng kể, cùng với giá nguyên vật liệu giảm, do đó Công ty thu có lãi trở lại với hơn 25 tỷ đồng. Năm 2016, dù doanh thu không đạt kế hoạch đề ra nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất của POM lại vượt kế hoạch gần 21%, ghi nhận đến 301 tỷ đồng, không chỉ xóa lỗ lũy kế mà còn có được khoản lợi nhuận chưa phân phối 89 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực thép cũng “buông bỏ” được lỗ lũy kế trong năm 2016 là Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC). Cả năm 2016, mặc dù chỉ thực hiện 94% kế hoạch doanh thu với kết quả 9,445 tỷ đồng, giảm 6% so với năm trước. Tuy nhiên, chi phí giá vốn giảm mạnh giúp lợi nhuận gộp cao gấp 5 lần so với cùng kỳ, đạt 720 tỷ đồng. Kết quả là, lãi ròng Công ty vượt 6 lần con số chỉ tiêu năm, tương ứng đạt 362 tỷ đồng, trong khi năm 2015 ghi nhận lỗ 196 tỷ đồng.

Giải thích cho nguyên nhân lãi gộp tăng đột biến, SMC chia sẻ, do năm 2016 giá thép biến động mạnh từ giữa tháng 3, đến tháng 6 có chiều hướng giảm sau đó lại tiếp tục tăng, trong bối cảnh này nhờ kiểm soát tốt quá trình nhập hàng (tận dụng mức giá thấp) nên lợi nhuận biên tăng cao. Cùng với công tác giảm mạnh nợ vay, kéo chi phí tài chính  giảm 36%, đã mang về mức lợi nhuận kinh doanh dồi dào hơn 362 tỷ đồng cho Công ty.

Được biết, trong năm 2017, SMC đặt kế hoạch tiêu thụ 1.05 triệu tấn thép, doanh thu 10,550 tỷ đồng và lãi ròng 80 tỷ đồng, một con số tương đối khiêm tốn so với thực hiện năm 2016. Trên sàn, giá cổ phiếu SMC trong 1 năm qua tăng hơn 235%, từ 6,500 đồng/cp để lên mốc 21,800 đồng/cp và khối lượng giao dịch bình quân trong giai đoạn này đạt 115,077 cp/phiên.

Giao dịch cp SMC từ ngày 04/01 – 30/12/2016

Có thể nói, năm 2016 là một năm tăng trưởng mạnh của ngành thép với sự hưởng lợi từ cả hai phía nội và ngoại lực. Theo đó, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã mang về nguồn lợi nhuận kinh doanh dồi dào, chấm dứt được tháng ngày lỗ ròng rã. Không chỉ riêng POM và SMC, Thép Tiến Lên (TLH) cũng là một minh chứng điển hình hưởng lợi từ việc trữ hàng tồn kho giá thấp. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế Công ty lũy kế cả năm 2016 đạt hơn 374 tỷ đồng, xóa bỏ được mức lỗ đến 83 tỷ đồng năm 2015.

Tương tự SMC, TLH đặt kế hoạch kinh doanh khá dè dặt cho năm 2017. Cụ thể, tổng doanh thu dự kiến đạt 4,500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 265 tỷ đồng, chỉ tương đương 57% con số thực hiện trong năm 2016.

Còn như trường hợp tại Thép Việt - Ý (VIS), lãi lớn năm 2016 (gần 73 tỷ đồng) cũng đã giúp Công ty thoát khỏi diện cảnh báo kể từ ngày 24/02/2017, trong khi trước đó Công ty lỗ lũy kế hơn 71 tỷ đồng vào cuối năm 2015.

Thoát lỗ lũy kế đã đeo bám một thời gian dài

Năm 2016 cũng là một dấu mốc đáng nhớ của nhiều doanh nghiệp chính thức thoát lỗ lũy kế sau một thời gian dài đeo đuổi. Chẳng hạn như Ắc quy Tia Sáng (HNX: TSB), lãi ròng năm 2016 tăng gấp đôi cùng kỳ, xấp xỉ 6 tỷ đồng, đã giúp Công ty bù đắp khoản lỗ lũy kế hơn 4.8 tỷ đồng hồi đầu năm.

Thực tế, khoản lỗ lũy kế phát sinh tại TSB vào năm 2012 khi hụt thu trong cả hoạt động kinh doanh chính lẫn hoạt động tài chính, theo đó Công ty phải ghi nhận lỗ hơn 29 tỷ đồng. Tại ĐHĐCĐ năm 2013, với quyết tâm mạnh cắt lỗ, Công ty đưa ra một số giải pháp như đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, phát triển thị trường bằng việc sàng lọc những đại lý hoạt động kém hiệu quả, … Tuy nhiên, phải mất 4 năm, đến nay TSB mới đạt được mục tiêu xóa sạch lỗ.

Kết quả kinh doanh của TSB giai đoạn 2012 – 2016
Đvt: Tỷ đồng

Với Tập Đoàn Hoàng Long (HLG), kinh doanh thắng lợi trong năm 2016 đã giúp Công ty bù đắp khoản lỗ lũy kế phát sinh tại năm 2013.

Trước đó, từ năm 2012, hoạt động kinh doanh của HLG đã suy giảm mạnh bởi khó khăn của toàn ngành xuất khẩu. Bước sang 2013, áp lực lớn từ giá nguyên vật liệu tăng cao khiến Công ty phải kinh doanh dưới vốn, đồng thời hoạt động tài chính sa sút mạnh nên HLG báo lỗ cả 214 tỷ đồng. Năm tiếp theo cũng không mấy cải thiện, HLG tiếp tục báo lỗ hơn 51 tỷ đồng.

Chỉ đến năm 2015, tình hình mới khởi sắc, hoạt động tài chính được cải thiện đáng kể (doanh thu được cơ cấu, dự phòng công ty con được tiết giảm) nên HLG ghi nhận lãi đậm, hơn 128 tỷ đồng. Tiếp nối thành công này, năm 2016 Công ty tiếp tục ăn nên làm ra, đánh dấu sự hồi sinh trở lại của một doanh nghiệp ngành sơ chế và đóng gói thủy sản.

Kết quả kinh doanh của HLG giai đoạn 2012 – 2016
Đvt: Tỷ đồng

Ngoài ra, góp mặt trong số “đổi vận” này còn có Vicem Vật liệu Xây dựng Đà Nẵng (HOSE: DXV), Tập đoàn Dầu Khí An Pha (HOSE: ASP)Đầu tư Phát triển - Xây dựng (DIC) Số 2 (HNX: DC2)./.







MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (8)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Vietnam Airlines tăng trưởng doanh thu hơn 30% trong năm ngoái, quý 1/2024 tiếp tục khởi sắc

Trong năm 2023, Vietnam Airlines báo cáo doanh thu hợp nhất từ hoạt động kinh doanh chính đạt 92,231 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 3,885 tỷ đồng. Các kết quả này đều cải...

Vượt lên tình hình khó khăn thế giới, Viettel Global tăng trưởng bứt phá

Tổng Công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global - VGI) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã qua kiểm toán. Theo đó, cả doanh thu và lợi nhuận...

IDI kế hoạch lãi sau thuế 2024 gấp 3 lần

Sau một năm kinh doanh không như kỳ vọng, CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI (HOSE: IDI) đặt mục tiêu lợi nhuận 2024 tăng trưởng nhảy vọt.

Chủ tịch VNDIRECT gửi tâm thư về sự cố hệ thống bị hacker tấn công

Mới đây, bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch CTCP Chứng khoán VNDIRECT (HOSE: VND) đã gửi đi tâm thư nói về sự cố tấn công mạng làm gián đoạn, ngừng trệ giao dịch tại VND...

Một cổ phiếu bất động sản tăng vọt hơn 20% từ đầu năm, kế hoạch lãi tăng 41%

Hưởng lợi từ hai dự án lớn, giá cổ phiếu CTCP Tập đoàn Nam Mê Kông (HNX: VC3) tăng nóng hơn 20% từ đầu năm. Công ty đặt kế hoạch lãi ròng 2024 đạt 199 tỷ đồng, tăng...

Phó Tổng GVR: Giá cao su vẫn sẽ ở mức cao ít nhất đến tháng 5, 6

Tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 lần 1, ông Trần Thanh Phụng - Phó Tổng Giám đốc GVR đã có những chia sẻ về tình hình giá cao su tăng mạnh gần đây và dự báo về giá cao...

ĐHĐCĐ Nam A Bank: Mục tiêu lãi trước thuế 4,000 tỷ, chia cổ tức 25%

Sáng ngày 29/03/2024, tại Đà Lạt, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank, HOSE: NAB) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 thông qua kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức, tăng...

GVR: Xấp xỉ 25,000ha đất cao su được chuyển đổi, bổ sung 650ha đất cho 3 khu công nghiệp

Ngoài thông qua nội dung các tờ trình, ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 lần 1 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (HOSE: GVR) diễn ra sáng 29/03 còn đáng chú ý...

FPT quyết tâm vươn tầm "world class", mục tiêu 5 tỷ USD từ thị trường nước ngoài vào 2030

CTCP FPT (HOSE: FPT) đặt mục tiêu 5 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài vào năm 2030. Đồng thời thể hiện quyết tâm nâng tầm, vượt...

MBS hé lộ kết quả kinh doanh quý 1 tăng ít nhất 30%

CEO MBS cho biết các chỉ tiêu kinh doanh quý 1 của Công ty đạt được khá tích cực với mức tăng trưởng tối thiểu 30% so với cùng kỳ năm trước.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98