Cơ chế đặc thù tạo động lực cho TP.HCM phát triển
Cơ chế đặc thù tạo động lực cho TP.HCM phát triển
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành nghị định 48/2017 quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP.HCM để TP phát triển, thực hiện vai trò trung tâm của khu vực và cả nước.
Vậy cơ chế đặc biệt này có gì khác so với đề xuất của TP? Với cơ chế mới, TP.HCM có những thuận lợi như thế nào?
Nhiều đề xuất chưa được chấp thuận
Theo một chuyên gia tài chính, nghị định 48 chưa thực sự là một cơ chế đặc thù cho TP.HCM trong thời điểm hiện nay và nhiều nội dung đề xuất của UBND TP chưa được Chính phủ chấp thuận. Nhiều quy định trong nghị định 48 TP đã và đang áp dụng, thậm chí một số nguồn tài chính cho TP còn thấp hơn quy định hiện hành.
Cụ thể như về phân cấp nguồn thu thì TP vẫn phải tuân thủ theo Luật ngân sách nhà nước. Trong khi đó, UBND TP đã đề xuất cơ chế đặc thù cho phù hợp với quy mô đô thị lớn.
Cụ thể như cấp lại cho TP một phần số thu các khoản thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu (dự kiến các mức 8 - 10 - 12% tổng thu) trong vòng 10 năm để tạo điều kiện cho TP bổ sung nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống cảng sông, cảng biển; cho phép TP nghiên cứu cơ chế phụ thu đối với một số ngành, lĩnh vực kinh doanh và một số loại phí đối với hoạt động dịch vụ trên địa bàn.
Về cơ chế thưởng vượt thu và bổ sung có mục tiêu cho TP từ số tăng thu ngân sách, theo chuyên gia tài chính trên thì mức thưởng thấp hơn so với cơ chế hiện hành mà TP được hưởng (theo nghị định 124 năm 2004 và nghị định 61 năm 2014).
Quy định hiện hành, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho TP tương ứng 70% số tăng thu ngân sách so với dự toán được Thủ tướng giao và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%. UBND TP đề xuất giữ nguyên mức “tương ứng 70%” này nhưng nghị định 48 lại thu hẹp chỉ còn “không quá 70%” số tăng thu ngân sách.
UBND TP đã đề xuất thời gian ổn định tỉ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và TP là hai thời kỳ ổn định ngân sách (tức 10 năm theo Luật ngân sách nhà nước). Tuy nhiên, nghị định 48 chỉ quy định thời gian ổn định này trong vòng 5 năm. Quy định hiện hành thì thời gian này do Chính phủ trình Quốc hội quyết định.
Cũng theo phân tích của một số chuyên gia, nghị định 48 chỉ thống nhất với kiến nghị của TP nội dung về sử dụng quỹ dự trữ tài chính. Đó là TP được chủ động quyết định mức bố trí quỹ dự trữ tài chính địa phương phù hợp với nhu cầu dự trữ tài chính và khả năng cân đối thực tế của ngân sách TP.
Ngoài ra, TP được tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính để đầu tư cho các dự án hạ tầng quan trọng, cấp bách thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách TP nhưng chưa bố trí vốn trong phạm vi kế hoạch đầu tư công trung hạn và thời gian tạm ứng không quá 36 tháng kể từ ngày tạm ứng.
Và thêm nữa, theo Luật ngân sách nhà nước, hạn mức dư nợ vay của ngân sách TP không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được giữ lại. Tuy nhiên, nghị định 48 cho phép TP được hưởng hạn mức dư nợ vay không vượt quá 70% số trên, cao hơn quy định của luật...