Ngân hàng lãi lớn nửa đầu năm
Ngân hàng lãi lớn nửa đầu năm
Năm 2017 vừa mới đi qua nửa chặng đường nhưng nhiều nhà băng đã báo lãi lớn, tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý cơ cấu lợi nhuận đang thay đổi theo hướng dịch chuyển mạnh về dịch vụ.
Những nhà băng báo lãi trước thuế ngàn tỷ bao gồm BIDV (3,708 tỷ đồng), Vietcombank (5,255 tỷ đồng), MBB (2,524 tỷ đồng), VPBank (3,200 tỷ đồng). Đa số các kết quả này đều thực hiện vượt phân nửa kế hoạch lợi nhuận cả năm, ngoại trừ BIDV chỉ đạt gần 48% kế hoạch do trích lập dự phòng rủi ro tăng mạnh khiến lãi quý 2 giảm sút.
VietinBank mặc dù chưa công bố BCTC nhưng lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 12% so với cùng kỳ và đạt 54% kế hoạch ĐHĐCĐ giao, ước tính vượt 4,700 tỷ đồng. Sau Agribank và BIDV, VietinBank đồng thời là ngân hàng thứ ba trong hệ thống có tổng tài sản vượt 1 triệu tỷ đồng tính đến cuối quý 2/2017.
LNTT và tăng trưởng LNTT so với cùng kỳ tại một số ngân hàng tiêu biểu
Đơn vị tính: Tỷ đồng, %
|
Tại đại hội bất thường diễn ra hồi đầu tháng 6/2017, ông Dương Công Minh – khi đó đang là Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank ước tính đến hết quý 2/2017 Ngân hàng sẽ đạt mức lợi nhuận trước thuế khoảng 900 tỷ đồng, hứa hẹn vượt con số kế hoạch 1,500 tỷ đồng đặt ra đầu năm. Năm 2016 trước đó là năm đánh dấu mốc lợi nhuận ngàn tỷ của LienVietPostBank sau 4 năm trượt dốc, ghi nhận cao nhất trong 9 năm kể từ khi thành lập (1,062 tỷ đồng).
OCB, TPBank, Sacombank và VIB công bố lợi nhuận trước thuế trong khoảng 400-500 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ, riêng OCB và TPBank còn ghi nhận mức tăng gấp hơn 2 lần.
Khiêm tốn hơn về con số tuyệt đối, nhưng lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm của KienLongBank gấp tới 5 lần cùng kỳ năm 2016, cán mốc 140 tỷ đồng. Với BacABank và Saigonbank, hai ngân hàng ghi nhận lãi lần lượt 237 và 160 tỷ đồng.
Thời gian gần đây cũng có khá nhiều thông tin tích cực đến với ngân hàng 0 đồng OceanBank. 6 tháng đầu năm, Tổng Giám đốc Ngô Anh Tuấn cho biết OceanBank tiếp tục kinh doanh có lãi. Trong đó, hoạt động cho vay bán lẻ đạt kết quả cao nhất, đạt 85% kế hoạch năm.
Có một điểm đáng chú ý với đa số các ngân hàng báo lãi lớn trong 6 tháng đầu năm là đều ghi nhận lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh.
Trước đó, một chuyên gia trong ngành có nhận định lợi nhuận ngân hàng đang thay đổi theo hướng dịch chuyển mạnh hơn về dịch vụ, bớt ỷ lại vào tín dụng, và xu hướng này ngày càng rõ nét. Trong khi tín dụng ngân hàng bộc lộ nhiều rủi ro thì lãi từ dịch vụ bền vững hơn.
Hai quý vừa qua, các ông lớn như Vietcombank, BIDV đều có mức tăng trưởng thu dịch vụ đạt hơn 20%. Sacombank cũng có lãi thuần từ dịch vụ tăng 23% so với cùng kỳ và đạt gần 830 tỷ đồng. Hoạt động này tăng từ 70-80% tại VPBank, VIB và KienLongBank; hay gấp đến 2.5 lần cùng kỳ với MBB, TPBank, đóng góp mạnh mẽ vào sự tăng trưởng của lợi nhuận. BacABank cho biết, nhờ mảng dịch vụ mang lại lợi nhuận đột biến với 64 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 1.8 tỷ đồng nên kết quả kinh doanh được cải thiện rõ nét.
Tín dụng tăng trưởng hai con số, nợ xấu giảm
Nửa đầu năm chứng kiến tốc độ tăng trưởng tín dụng khá nóng lên mức cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Theo Tổng Cục thống kê, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2017 đạt 7.54%, cao hơn cùng kỳ năm 2016 (đạt 6.2%) và 2015 (đạt 6.28%) cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp cùng với thu nhập lãi của các ngân hàng có sự cải thiện đáng kể.
Hầu hết các nhà băng đề cập bên trên đều có dư nợ tín dụng tăng trưởng ở mức hai con số: VietinBank là 10%, VPBank 12%, Vietcombank và TPBank 14%, VIB và KienLongBank 16%.
Thêm vào đó, quyết định giảm 0.25%/năm các mức lãi suất điều hành và 0.5%/năm lãi suất trần cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên của NHNN từ 10/07/2017 trước mắt sẽ tạo định hướng chung cho thị trường, với kỳ vọng dần giảm mặt bằng chung về lãi suất cho vay ở mọi lĩnh vực, đồng nghĩa với tạo đà cho tăng tưởng tín dụng ngân hàng thời gian sắp tới đây.
Huy động vốn của nhiều ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 6/2017 cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, đáng chú ý như VPBank đạt 13%, NamABank 12%, KienLongBank 12%, Vietcombank và VietinBank 10%.
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) nhận định, huy động 6 tháng đầu năm toàn hệ thống ước tăng 6.1% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ là 10.2%). Nửa cuối năm 2017, lãi suất huy động có thể biến động mang tính cục bộ tại một số ngân hàng cân đối nguồn vốn để đáp ứng quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 40% kể từ đầu năm 2018.
Có một điểm đáng chú ý với đa số các ngân hàng báo lãi lớn trong 6 tháng đầu năm là đều ghi nhận lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh. |
Còn về phía nợ xấu, mặc dù tỷ lệ nợ xấu tại một số ngân hàng có dấu hiệu tăng như TPBank tăng lên 0.54%, trong khi mức đầu năm là 0.42%; NCB tăng từ 1.48% đầu năm lên 2.21%. Nhưng nhìn chung, theo BCTC quý 2/2017, tỷ lệ nợ xấu tại nhiều ngân hàng gần như giữ ổn định hoặc giảm so với đầu năm.
Nợ xấu tại Vietcombank, BIDV, VIB không thay đổi nhiều (ở mức 1.5-2.5%); VPBank giảm xuống 2.81%, MBB 1.28%, KienLongBank 0.97%. Còn tại BacABank, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 0.91% xuống mức 0.79%, khá thấp so với mặt bằng chung.
Với DongABank, ngân hàng này đã thu hồi 1,260 tỷ đồng nợ xấu nửa đầu năm 2017. Còn Sacombank, Ngân hàng đã tự xử lý được 845 tỷ đồng nợ xấu, thu hồi 247 tỷ nợ bán VAMC. Đối với tài sản nhận cấn trừ nợ, gán nợ, Sacombank cũng đã xử lý và thu hồi 1,039 tỷ đồng. Tân Chủ tịch Dương Công Minh (sau khi rút khỏi LienVietPostBank, ông Minh đã trúng cử vị trí Chủ tịch HĐQT Sacombank vào cuối tháng 6/2017) cũng đặt mục tiêu và định hướng phải đảm bảo xử lý 20,000 tỷ đồng nợ xấu đến cuối năm 2017 cho toàn hệ thống Sacombank.
Trước đó, UBGSTCQG kỳ vọng, nút thắt xử lý nợ xấu đã có cơ chế pháp lý thuận lợi khi Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu của các TCTD có hiệu lực từ ngày 15/08/2017, sẽ tạo cú hích hỗ trợ xử lý nợ xấu và kỳ vọng tạo kết quả thực chất và nhanh hơn.
CTCK Bảo Việt (BVS) cũng nhận định, Nghị quyết được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình mua bán nợ, kỳ vọng giúp giải phóng phần nào 600,000 tỷ đồng nằm trong các khoản nợ xấu, thông qua các quy định mới về việc cho phép bán tài sản dưới giá trị sổ sách, mở rộng đối tượng tham gia mua bán nợ, cùng với việc ngân hàng được phép thu giữ tài sản đảm bảo trong một số trường hợp và thời gian giải quyết tranh chấp tòa án được rút ngắn./.