Ngân hàng ngại cho vay các dự án PPP vì nhiều rủi ro
Ngân hàng ngại cho vay các dự án PPP vì nhiều rủi ro
Các số liệu thống kê cho thấy các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) của TPHCM trong giai đoạn 2011-2015 chỉ chiếm 5% tổng số dự án đầu tư công của thành phố. Các ngân hàng ngại cho vay những dự án loại này vì chứa đựng nhiều rủi ro liên quan đến sự không ổn định của chính sách, các dự án thường được chỉ định thầu và thiếu minh bạch.
Tại hội nghị có 8 dự án được ký kết cho vay giữa ngân hàng và nhà đầu tư.
|
Đây là vấn đề được nêu ra tại hội nghị kết nối nhà đầu tư với ngân hàng tham gia thực hiện các dự án thuộc 7 chương trình đột phá của TPHCM diễn ra ngày 24-8 tại TPHCM.
Dự án đầu tư PPP chưa nhiều
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường, ngập nước, kẹt xe. Đây không chỉ là trở ngại mà còn là rào cản tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, khả năng cạnh tranh của thành phố.
Mặc dù số lượng các dự án thực hiện theo hình thức PPP của TPHCM không lớn, chỉ chiếm 5% tổng số dự án đầu tư công của thành phố, nhưng nguồn vốn huy động từ các dự án này gấp 5 lần nguồn lực đầu tư công thành phố giai đoạn 2011- 2015.
Hiện nay, nhu cầu đầu tư 7 chương trình đột phá của thành phố giai đoạn 2016-2020 cần một số vốn rất lớn, trong đó lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường, chống ngập chiếm tỷ lệ khoảng 60%. Tuy nhiên, ngân sách thành phố hiện chỉ đáp ứng được khoảng 20% tổng nhu cầu vốn đầu tư, đó là một thách thức rất lớn đối với thành phố trong thời gian tới.
Nói thêm về nhu cầu đầu tư của thành phố, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, thành phố ước tính cần khoảng 1.829.385 tỉ đồng; trong đó, khu vực nhà nước là 376.221 tỉ đồng, chiếm 20,6% tổng nhu cầu vốn; vốn khu vực ngoài nhà nước là 1.120.598 tỉ đồng, chiếm 61,2%; vốn FDI là 332.567 tỉ đồng, chiếm 18,2%.
Để thu hút thêm nguồn vốn xã hội hóa, TPHCM đã đề ra nhiều giải pháp, cơ chế chính sách nhằm tăng cường thu hút vốn thông qua các hình thức đầu tư như hình thức PPP, hình thức đầu tư trực tiếp trong và ngoài nước.
Về đầu tư theo hình thức đối tác công tư tính đến thời điểm hiện nay, có 23 dự án đã hoàn tất ký kết hợp đồng với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 71.127 tỉ đồng; trong đó có 17 dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, 3 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, 2 dự án thuộc lĩnh vực môi trường và 1 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa xã hội.
Bên cạnh đó, TPHCM đang tiếp tục triển khai thực hiện 130 dự án khác (hiện đang ở các bước chuẩn bị đầu tư như lập, phê duyệt Đề xuất dự án; lập phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán ký kết hợp đồng dự án) với tổng mức đầu tư dự kiến là 395.847 tỉ đồng; trong đó, lĩnh vực hạ tầng giao thông vận tải, môi trường, chỉnh trang, phát triển đô thị có 93 dự án; lĩnh vực thương mại – dịch vụ có 2 dự án; lĩnh vực giáo dục đào tạo có 4 dự án; lĩnh vực y tế có 14 dự án; lĩnh vực văn hóa - thể thao có 17 dự án.
Rủi ro của dự án PPP
Về phía các ngân hàng, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank cho biết, khó khăn đối với việc cho vay đầu tư các dự án là các văn bản quy phạm pháp luật quy định về hình thức đầu tư PPP hiện chỉ dừng lại ở mức nghị định của Chính phủ nên hành lang pháp lý về hoạt động này vẫn còn phụ thuộc vào một số Luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công,… Những yếu tố này cũng tạo ra mối quan ngại lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Các tổ chức tín dụng trong nước có quy mô nhỏ, nguồn vốn huy động chủ yếu là vốn ngắn hạn nên khả năng cung cấp tín dụng trung và dài hạn cho các dự án còn hạn chế. Theo Thông tư 36 và Thông tư 05 của Ngân hàng Nhà nước, quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn của các tổ chức tín dụng năm 2017 là 50% và từ năm 2018 trở đi là 40% sẽ tạo ra rào cản cho vay trung dài hạn của các tổ chức tín dụng.
Theo ông Thắng, đối với vốn tín dụng thương mại nước ngoài, qua thực tiễn đàm phán triển khai các dự án PPP hạ tầng quan trọng trong lĩnh vực năng lượng và giao thông đều cho thấy, các tổ chức tín dụng nước ngoài luôn yêu cầu có các cơ chế bảo lãnh đặc thù cho các rủi ro về lưu lượng, doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ …
Các dự án PPP có thời gian kéo dài 5 - 10 năm, thậm chí 20 - 30 năm, nên sẽ có những khó khăn nhất định về đàm phán và thu xếp vốn. Hơn nữa, năng lực tài chính của một số nhà đầu tư yếu, không góp đủ vốn chủ sở hữu tham gia vào các dự án theo đúng cam kết, dẫn đến phải dừng dự án. Nhiều phương án tài chính của dự án còn chưa hợp lý, vốn đối ứng tham gia dự án thấp, khi lãi suất tăng do biến động tiền tệ sẽ gây rủi ro lớn đến việc thực hiện dự án.
"Trên thực tế, việc lựa chọn nhà đầu tư còn nhiều bất cập. Hầu hết các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) giao thông thời gian qua đều được chỉ định thầu, trong đó 47 dự án Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định thầu, 1 dự án đấu thầu, 1 dự án đấu thầu sau đó chuyển sang hình thức chỉ định, 21 dự án đấu thầu chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký. Việc này đã hạn chế tính cạnh tranh, làm giảm hiệu quả đầu tư của dự án", ông Thắng nói.
Ngoài ra, năng lực của nhà đầu tư ở một số dự án đã được phê duyệt còn hạn chế như thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, chất lượng thi công không đảm bảo...
Để thu hút đầu tư, ông Thắng đề xuất, cần hoàn thiện các quy định về PPP và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hướng tiếp thu các bài học từ thực tiễn triển khai trong thời gian qua, đồng thời đảm bảo sự phù hợp với thông lệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng là hết sức cấp bách.
Bên cạnh đó, TPHCM cần quyết liệt trong việc bố trí tài chính tối thiểu để làm đối ứng cho các dự án PPP. Các dự án có quy mô lớn, mang tính đột phá như hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao… cần có vốn góp từ ngân sách để đảm bảo dự án khả thi về mặt tài chính.
Đồng thời, hướng đến nguồn vốn tín dụng nước ngoài là giải pháp nhằm bù đắp nguồn lực thiếu hụt cho các dự án PPP trong giai đoạn tới. Kinh nghiệm triển khai thành công ở một số nước như Ấn Độ, Indonesia,Philipines ….cho thấy, trong giai đoạn sơ khai hình thành thị trường và chỉ số tín nhiệm còn thấp, các nhà cung cấp tài chính đều đưa ra những yêu cầu bảo lãnh rủi ro về chuyển đổi ngoại tệ, doanh thu,... Khi đã phát triển được thị trường ở mức tốt hơn thì có thể từng bước gỡ bỏ những ràng buộc này.
Điều quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch trong đầu tư theo PPP hiện nay vẫn chưa được chú trọng. Việc xây dựng Dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức PPP trong thời gian tới cần nghiên cứu quy định về công khai thông tin về đề xuất dự án PPP và các thông tin trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư; về công khai thông tin dự án PPP trong suốt vòng đời dự án, bao gồm cả thông tin về tiến độ thực hiện công trình.
Trước những rào cản mà ngân hàng nêu ra, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, TPHCM sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo bỏ các điểm nghẽn về cải cách hành chính. Bên cạnh đó, đưa đấu giá, đấu thầu thành phương thức chủ yếu nhằm minh bạch, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng các cơ hôi đầu tư trên địa bàn thành phố.
Tại hội nghị, có 8 dự án thực hiện theo hình thức PPP đã được ký kết giữa nhà đầu tư với ngân hàng với tổng số vốn cho vay 26.000 tỉ đồng.
Trong số 8 dự án, đáng chú ý có 2 dự án lớn. Thứ nhất là dự án đầu tư xây dựng đường trục Bắc Nam, quy mô vốn đầu tư 18.000 tỉ đồng. Dự án được ký kết giữa Liên danh Nhà đầu tư Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận hợp tác cùng Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc, Công ty cổ phần An Phú và Ngân hàng Vietinbank. Thứ hai là dự án đầu tư xây dựng đường Nguyễn Tất Thành, quy mô vốn đầu tư 4.669 tỉ đồng, được ký kết giữa Liên danh Nhà đầu tư Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận - Công ty cổ phần Đường Khánh Hội - Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông và các Ngân hàng Agribank, Ngân hàng TMCP Sài Gòn. |