Công cuộc “lột xác” Sacombank dưới bàn tay Chủ tịch Dương Công Minh

12/10/2017 20:03
12-10-2017 20:03:00+07:00

Công cuộc “lột xác” Sacombank dưới bàn tay Chủ tịch Dương Công Minh

Sacombank đang dần thay đổi từ “bộ mặt” thương hiệu, tên gọi đến “mạch máu” nhân sự…

   * Ông Dương Công Minh mang theo những gì vào Sacombank?

Từ khi tân Chủ tịch Dương Công Minh chính thức ngồi vào ghế nóng Sacombank vào cuối tháng 6/2017, ông được kỳ vọng sẽ mang đến một làn gió mới cho Ngân hàng. Và quả thực, chỉ sau hơn 4 tháng tại vị, Sacombank đang dần "lột xác" dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Dương Công Minh.

Mới chỉ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Sacombank trong thời gian ngắn nhưng ông Dương Công Minh đã để lại nhiều dấu ấn tại Ngân hàng này.

Làm mới gương mặt

Cuối ngày 10/10, thị trường khá bất ngờ khi Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB) công bố lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc đổi mã chứng khoán và chuyển sàn giao dịch. Theo đó, Sacombank định đổi mã chứng khoán từ STB sang SCM, đồng thời chuyển sàn niêm yết từ HOSE sang HNX.

Là ngân hàng đầu tiên niêm yết, Sacombank bước lên sàn HOSE từ năm 2006 với vốn điều lệ 1,900 tỷ đồng. Mã chứng khoán STB đến nay đã gắn liền với Sacombank hơn 11 năm, từ thời của người sáng lập, cựu Chủ tịch Đặng Văn Thành.

Được biết, việc Sacombank thay đổi mã chứng khoán là bước khởi đầu cho kế hoạch thay đổi tổng thể bộ nhận diện thương hiệu ngân hàng dự kiến vào đầu năm 2018. Mã chứng khoán SCM được chọn lọc từ các chữ cái viết tắt của ngân hàng và có hàm ý “Sacombank - Công khai - Minh bạch” theo thông tin từ chính ông Dương Công Minh trả lời báo chí.

“Không chỉ đổi mã chứng khoán, sắp tới đây Sacombank còn thay đổi hàng loạt gồm: Đổi logo, đổi nhận diện thương hiệu, nhưng slogan thì vẫn giữ nguyên là "đồng hành cùng phát triển". Quan điểm là cái gì hay vẫn giữ nguyên, chỉ những gì không phù hợp mới thay đổi” – ông Minh cho biết.

Bên cạnh đó, quyết định chuyển sàn niêm yết từ HOSE sang HNX của Sacombank cũng khiến dư luận xôn xao. Rõ ràng, Sacombank đang “đi ngược” xu hướng khi hầu hết các doanh nghiệp nếu không phải trường hợp rớt hạng đều mong muốn được chuyển niêm yết lên HOSE để nâng cao thương hiệu, uy tín và dễ dàng huy động vốn từ những tổ chức lớn.

Thay máu nhân sự, hào phóng lương thưởng

"Làn sóng" thay đổi dàn lãnh đạo cấp cao tại Sacombank bắt đầu từ ĐHĐCĐ bầu ra Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát mới nhiệm kỳ 2017-2021. Vị trí Chủ tịch HĐQT Sacombank chính thức gọi tên ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT CTCP Him Lam và nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank. Ông Kiều Hữu Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Sacombank làm Phó Chủ tịch.

Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát Sacombank nhiệm kỳ 2017-2021 cũng đón nhận thêm 3 thành viên mới đến từ Vietcombank bao gồm ông Phạm Văn Phong, bà Lê Thị Hoa và ông Trần Minh Triết.

Theo sau đó là hàng loạt chuyển động đáng chú ý, Ban điều hành cùng nhiều lãnh đạo cấp cao tại công ty mẹ và các công ty con bao gồm Sacombank Laos, Sacombank Cambodia và Sacombank-SBR gần như cũng đã được thay mới toàn bộ. Nhiều nhân sự cấp cao của Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) hiện không còn nằm trong hàng ngũ Ban điều hành của Sacombank.

Được biết, một trong những mục tiêu của Chủ tịch Dương Công Minh trong công cuộc tái cấu trúc Ngân hàng là kiện toàn bộ máy lãnh đạo và nhân sự. Gần đây nhất, trong một buổi ký kết hợp tác với VAMC hồi cuối tháng 9/2017, Chủ tịch Dương Công Minh cho biết từ ngày 02/10/2017 sẽ sắp xếp lại toàn bộ nhân sự của Sacombank. Việc sắp xếp lại nhân sự không chỉ ở hội sở mà đến cả chi nhánh, dự kiến Sacombank sẽ hoàn tất sắp xếp nhân sự trong tháng 10.

Bên cạnh việc bổ nhiệm, thay mới nhân sự, Chủ tịch Dương Công Minh cũng “hào phóng” về vấn đề lương thưởng của cán bộ nhân viên (CBNV) ngay từ khi vừa “cầm quyền” tại Sacombank.

Trước đó, tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2017 của Sacombank vào ngày 21/07, nhằm ghi nhận những đóng góp tích cực của đội ngũ CBNV cho hoạt động của Ngân hàng thời gian qua, cũng như tạo động lực trong giai đoạn tới, Chủ tịch Dương Công Minh và HĐQT Sacombank đã thông qua cơ chế thưởng theo kết quả kinh doanh cho các đơn vị đạt thành tích xuất sắc, đồng thời  “thưởng nóng” 1 tháng lương cơ bản và nâng cao chính sách lương, phúc lợi cho hơn 17,000 CBNV trong toàn hệ thống từ tháng 7/2017.

Mới đây, Sacombank cũng vừa xin ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua một số vấn đề về quản trị điều hành, trong đó có bao gồm việc trích thưởng phần vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2017 cho cán bộ nhân viên của Ngân hàng.

Tái cơ cấu toàn diện, giải quyết triệt để nợ xấu

Bên cạnh vấn đề nhân sự, Sacombank cũng vừa thực hiện ký hợp tác với VAMC nhằm tiến tới xử lý triệt để nợ xấu ở Ngân hàng này.

Tại buổi ký kết thỏa thuận hợp tác, ông Dương Công Minh cho biết từ 02/10 Sacombank và VAMC sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng lộ trình và triển khai xử lý nợ xấu cho từng năm, đẩy nhanh công tác xử lý nợ xấu để thu hồi nợ, mục tiêu trước mắt là trong năm 2017 sẽ xử lý và thu hồi nợ từ 15,000-20,000 tỷ đồng. Sacombank sẽ đề xuất danh mục các khoản nợ xấu bán nợ cho VAMC bằng trái phiếu đặc biệt và các khoản nợ xấu để mua bán nợ theo giá thị trường. Trong năm 2017, Sacombank và VAMC sẽ xem xét mua bán nợ xấu theo giá thị trường tối thiểu 1,000 tỷ đồng. Đối với các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt, Sacombank và VAMC sẽ phân loại nợ để đưa ra giải pháp hiệu quả nhất.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, Sacombank tuyên bố đã xử lý được khoảng 2,000 tỷ đồng nợ xấu và lợi nhuận trước thuế khoảng 900 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch đề ra của cả năm.

Cá nhân ông Dương Công Minh cũng vừa gom gần 18 triệu cp STB trị giá khoảng 230 tỷ đồng hồi cuối tháng 9/2017, nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ lên gần 59.4 triệu cp STB, tương đương 3.15% vốn điều lệ của Ngân hàng.

Thu Phạm

FiLi







MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Tổng Giám đốc OCB gửi đơn từ nhiệm 

Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) vừa công bố thông tin về việc ông Nguyễn Đình Tùng gửi đơn từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc.

Bank of America: Châu Á bước vào kỷ nguyên tiền tệ hỗn loạn, dự báo tỷ giá VND lên 25,600 vào cuối quý 2

Bank of America (BofA) tỏ ra bi quan về hàng loạt đồng tiền châu Á, cho rằng đây là điểm khởi đầu của “kỷ nguyên hỗn loạn”. Đáng chú ý, họ dự báo tỷ giá USD/VND sẽ...

Giá USD tự do lao dốc, về mốc 25.700 đồng

Giá USD trên thị trường tự do hôm nay tiếp đà giảm. Giá USD bán ra đã giảm về mốc 25.700 đồng/USD. Giá USD trên thị trường chính thức cũng hạ nhiệt.

Thêm doanh nghiệp xăng dầu bị ngân hàng rao bán nợ

Một loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu bị ngân hàng rao bán các khoản nợ xấu hoặc tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu. Vừa có thêm một doanh nghiệp...

NHNN bơm ròng mạnh nhất trong hơn một năm

NHNN đã bơm ròng 25,550 tỷ đồng trong phiên 23/04, mức cao nhất kể từ cuối tháng 2/2023. Trong đó, nhà điều hành đã cho 9 thành viên vay tổng cộng gần 36,000 tỷ...

Tăng cường đảm bảo an toàn trong mua, bán ngoại tệ

Ngày 23/04/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM vừa có văn bản về việc phối hợp tuyên truyền đến người dân quy định về hoạt động mua bán ngoại tệ.

LPBank triển khai ngay Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 về việc tăng vốn điều lệ

LPBank vừa thông qua Nghị quyết Hội đồng Quản trị (HĐQT) về việc triển khai phương án tăng vốn điều lệ năm 2024.

TPBank đặt kế hoạch lợi nhuận 7,500 tỷ tăng 34% năm 2024, kết quả tích cực ngay từ quý đầu

Sáng 23/4, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - HOSE: TPB) đã tổ chức thành công Đại hội Cổ Đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2024. Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023...

Lạm phát và câu chuyện đánh đổi trong điều hành chính sách tiền tệ

Lạm phát và chính sách điều hành lãi suất từ Fed là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia...

Tỷ giá USD/VND tại ngân hàng và tự do vẫn nóng

Sức nóng của USD trên thị trường quốc tế duy trì ở mức cao khiến tỷ giá USD/VND tại ngân hàng và tự do tiếp tục leo dốc dù Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo sẵn...

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98