Monorail vào Tân Sơn Nhất có giải quyết được ùn tắc?

26/10/2017 06:43
26-10-2017 06:43:01+07:00

Monorail vào Tân Sơn Nhất có giải quyết được ùn tắc?

Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải vừa đề xuất làm 2 tuyến tàu điện một ray (monorail) dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất để giảm ùn tắc ở khu vực này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng giải pháp này vừa tốn kém mà không giải quyết được ùn tắc.

Đường Trường Sơn vẫn tắc nghẽn, trong khi cầu vượt trước cổng sân bay ít xe đi - Ảnh: Lê Anh

Khó khả thi

Theo phương án đề xuất của Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải, cần xây dựng một tuyến monorail đi trên cao bắt đầu từ công viên Gia Định (quận Gò Vấp), đi theo đường Tân Sơn Nhất Bình Lợi, vành đai ngoài vào sân bay.

Tuyến thứ hai chạy từ công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) theo đường Trường Sơn vào sân bay. Hai trạm trung chuyển chính đặt tại công viên Hoàng Văn Thụ và công viên Gia Định.

Tuyến monorail dự kiến chở được 121.500 người/ngày vào sân bay với tần suất hoạt động 4 phút/chuyến. Tổng mức đầu tư dự kiến từ 4.425  đến hơn 7.000 tỉ đồng (tùy theo làm đường ray đơn và ray đôi). Tính trung bình chi phí đầu tư dự kiến 1km đường đôi là 50 triệu đô la Mỹ và đường đơn là 35 triệu đô la Mỹ.

Theo các chuyên gia đề xuất này khó khả thi vì không liên kết với các tuyến khác, hơn nữa tổng mức đầu tư quá cao.

Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Cầu đường, cảng TPHCM, phân tích, tuyến monorail theo đề xuất chỉ chạy vòng quanh khu sân bay, không kết nối với hệ thống monorail trong quy hoạch. Nếu vậy, người đi phải đến nhà ga tại công viên Hoàng Văn Thụ hoặc Gia Định gửi xe rồi đi vào sân bay thì rất bất tiện. Đối với những người có điều kiện thì họ vẫn chọn đi taxi hoặc ô tô cá nhân đến sân bay nên lượng người sử dụng monorail sẽ rất hạn chế và không giải quyết được kẹt xe.

Mặt khác, phương án này chỉ phục vụ riêng cho lượng khách ra, vào sân bay, trong khi TPHCM có tới 95% người dân đi xe máy nên sẽ tạo ra ùn tắc tại các tuyến đường khác. Do đó, cần tính toán đến lượng vận chuyển và đối tượng phục vụ.

Theo ông Trường, việc bố trí 2 điểm tập kết đón, trả khách tại công viên Hoàng Văn Thụ và công viên Gia Định có thể sẽ khiến 2 điểm này tắc nghẽn hơn. Hơn nữa, mức đầu tư 35 - 50 triệu đô la Mỹ/km, là quá lớn trong khi hiệu quả mang lại không cao.

Đánh giá về hiệu quả việc làm monorail vào sân bay Tân Sơn Nhất, ông Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TPHCM (HASCON) cho biết, việc đề xuất làm 2 tuyến monorail không có gì mới và cũng gần giống với 2 giải pháp đã bị loại bỏ trước đó là làm cáp treo từ công viên Gia Định và làm đường trên cao từ công viên Hoàng Văn Thụ.

Ông Phúc phân tích, ngành giao thông cho rằng tắc nghẽn ở đường Trường Sơn hiện nay là do lượng hành khách ra vào Tân Sơn Nhất quá nhiều. Tuy nhiên, đây là nhận định sai vì theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam vào giờ cao điểm nhất, số lượng máy bay lên xuống tại sân bay Tân Sơn Nhất, là 42 chuyến/giờ ở những ngày cao điểm tết.

Nếu tính bình quân mỗi máy bay là 150 hành khách, với mỗi hành khách đi hoặc đến đều có hai người tiễn hoặc đón, thì trong một giờ chỉ có 18.900 người/giờ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất. Trong khi năng lực lưu thông của đường Trường Sơn là 170.000 người/giờ. Như vậy Tân Sơn Nhất lúc tấp nập nhất cũng chỉ có 18.900/170.000 người, chỉ chiếm 11 % năng lực lưu thông của đường Trường Sơn.

“Rõ ràng đường Trường Sơn bị kẹt hoàn toàn không phải do lượng khách ra vào sân bay Tân Sơn Nhất. Thực tế cho thấy, đường Trường Sơn quá tải, là do lượng xe đi lại từ phía Đông-Bắc thành phố đến trung tâm và đến phía Tây đều mượn con đường này để đi. Chính vì xác định nguyên nhân sai, nên các giải pháp đưa ra cũng sai. Phải tìm được nguyên nhân chính xác thì mới có giải pháp đúng”, ông nói.

Mở thêm cổng vào sân bay, ít tốn kém

Để giải quyết ùn tắc các tuyến đường dẫn vào sân bay, ông Nguyễn Bách Phúc cho rằng, hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có một cửa ra vào ở đường Trường Sơn. Một giải pháp rẻ tiền và hiệu quả nhất vẫn là mở thêm nhiều cửa ra vào sân bay.

Phương án tốt nhất, là mở thêm cổng ở đường Trường Chinh, đường Phạm Văn Bạch, đường Tân Sơn, đường Quang Trung. Hiện nay, có khoảng 5 km đường bám theo tường rào sân bay Tân Sơn Nhất nên mở cổng vào ở đây sẽ rất thuận tiện mà ít tốn kém. “Mở cổng vào chỉ tốn vài tỉ đồng mà hiệu quả, còn chi đến 7.000 tỉ đồng mà hiệu quả chưa chắc cao hơn”, ông nói.

Tương tự, ông Phạm Xuân Mai, một chuyên gia giao thông cũng cho rằng, việc tắc nghẽn các tuyến đường vào sân bay là do lượng người đi qua sân bay chứ không phải tắc nghẽn do lượng hành khách ra vào sân bay nhiều. Vì thế, nên kết hợp với các giải pháp khác để tính khả thi cao hơn như mở thêm cửa vào sân bay trên đường Hoàng Hoa Thám, làm đường trên cao…

Sau khi Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải, đề xuất làm monorail vào sân bay Tân Sơn Nhất, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, đây mới chỉ là ý tưởng và cần xem xét kỹ tính khả thi và xem có phù hợp quy hoạch hay không mới làm các bước tiếp theo.

Ông Cường cho rằng, khi nghiên cứu các dự án phải dựa trên việc quy hoạch tổng thể các công trình bên trong và bên ngoài sân bay thì mới giải quyết được ùn tắc.

Lê Anh

Thời báo kinh tế Sài Gòn





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Tháo gỡ khó khăn cho gói thầu J3-1 cao tốc Bến Lức - Long Thành

Do không có nhà thầu Nhật Bản tham gia gói thầu J3-1 cao tốc Bến Lức - Long Thành nên Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đề xuất bổ sung nhà thầu...

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đề xuất thiết kế 350 km/giờ

Theo báo cáo của Bộ GTVT, tuyến đường sắt tốc độ cao với tốc độ thiết kế là 350 km/giờ, vận tải hành khách và vận tải hàng hoá khi có nhu cầu; còn tuyến đường sắt...

Hà Nội dự kiến lập thêm thành phố mới ở Phú Xuyên, Ứng Hòa

Sau khi hoàn thành sân bay thứ 2, TP Hà Nội sẽ lập thêm thành phố mới khu vực phía Nam thuộc địa bàn huyện Phú Xuyên và Ứng Hòa. Như vậy, trong tương lai, Hà Nội sẽ...

Bình Định xúc tiến đầu tư 8 dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2023-2025

Trong tài liệu chuẩn bị cho Hội nghị Xúc tiến đầu tư sắp tới, UBND tỉnh Bình Định đã nêu ra 8 dự án nhà ở xã hội sẽ được đẩy mạnh trong giai đoạn 2023-2025.

Đề xuất gần 9.300 tỷ đồng nâng cấp 3 quốc lộ ở Đồng bằng Sông Cửu Long

Ba tuyến đường quốc lộ ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nếu được phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an toàn giao...

Chuyển động mới của các đường vành đai

Bên cạnh các đường Vành đai 2, 3 đang có những chuyển biến tích cực, nếu những kiến nghị liên quan đường Vành đai 4 được chấp thuận, TP HCM cùng nhiều địa phương sẽ...

4 dự án nào được Bình Định đặc biệt mang đến Hội nghị xúc tiến đầu tư 2024?

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư 2024 vào ngày 29/03 tới, bên cạnh danh sách 322 dự án sẽ được xúc tiến đầu tư giai đoạn 2023-2025, UBND tỉnh Bình Định công bố thông...

Thông qua nghị quyết thành lập hai thành phố Bến Cát và Gò Công

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 2 nghị quyết thành lập thành phố Bến Cát (Bình Dương) và Gò Công (Tiền Giang).

TP HCM trình Thủ tướng Đề án Cảng trung chuyển Cần Giờ

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi vừa ký tờ trình khẩn, trình Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ lên Thủ tướng Chính phủ.

Bộ GTVT thông báo kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường

Theo Bộ GTVT đánh giá, cát biển sử dụng cho đoạn thí điểm có chỉ tiêu cơ lý đáp ứng yêu cầu vật liệu đắp nền đường theo TCVN 9436:2012.

Cổ phiếu bất động sản

Cổ phiếu xây dựng


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98