Nâng tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ gây sức ép vĩ mô
Nâng tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ gây sức ép vĩ mô
Nếu tiếp tục yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, nâng tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% nhằm hỗ trợ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP của năm nay sẽ gây sức ép vĩ mô khi mô hình tăng trưởng chưa có dấu hiệu cải thiện.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh.
|
Lo ngại trên đây được Uỷ ban Kinh tế nêu tại báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, dự kiến năm 2018 được Chủ nhiệm Uỷ ban Vũ Hồng Thanh trình bày cuối phiên khai mạc kỳ họp thứ tư, sáng 23/10.
Nợ xấu vẫn cao
Với tình hình 2017, đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra nhất trí với đánh giá của Chính phủ về việc bảo đảm thực hiện mục tiêu tổng quát theo nghị quyết của Quốc hội. Cả 13 chỉ tiêu trong nghị quyết của Quốc hội đều dự kiến đạt và vượt so với kế hoạch là kết quả đáng ghi nhận.
Nhiều ý kiến cho rằng, năm 2017 đã có chuyển biến rõ nét trong công tác phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, giúp giải quyết tích cực nhiều vấn đề còn yếu kém, trì trệ trước đây trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính và phòng, chống tham nhũng.
Cơ quan thẩm tra đánh giá, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, tín dụng... góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2017. Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu với chính sách mới đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết nợ xấu cho các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, báo cáo nợ xấu trong hệ thống ngân hàng ở mức dưới 3% nhưng thực chất nợ xấu toàn nền kinh tế vẫn còn ở mức cao, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém với nợ xấu chưa căn bản và triệt để.
Nếu tiếp tục yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, nâng tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% nhằm hỗ trợ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP của năm nay sẽ gây sức ép vĩ mô khi mô hình tăng trưởng chưa có dấu hiệu cải thiện.
Có ý kiến lo ngại về hiệu quả và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế khi tăng trưởng tín dụng cao sẽ dễ dẫn đến tác động tiêu cực tới lạm phát, gia tăng nợ xấu và tín dụng không đi vào những ngành, lĩnh vực có tác động tích cực tới nền kinh tế. Có những dấu hiệu cho thấy giá bất động sản tăng bất thường ở một số nơi dưới tác động của đầu cơ; đầu cơ cục bộ cũng diễn ra trên thị trường chứng khoán.
Đây là những chỉ báo gây lo ngại và cần được giám sát chặt chẽ - cơ quan thẩm tra cảnh báo.
Liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh phản ánh, một số ý kiến cho rằng, một số cơ chế, chính sách còn bất cập, điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp. Việc các nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển dòng vốn và mở rộng quy mô sản xuất tại Việt Nam là tín hiệu tích cực nhưng cũng đặt ra những khó khăn, thách thức đối với các thành phần kinh tế khác về năng lực cạnh tranh, kể cả tác động chèn lấn sự phát triển mà chưa tạo ra tác động lan toả, thúc đẩy liên kết để cùng phát triển.
Chưa kể việc dịch chuyển vốn nếu không được thẩm định, kiểm soát kỹ cũng kéo theo sự chuyển dịch công nghệ lạc hậu, kém thân thiện môi trường vào nước ta. Có ý kiến cho rằng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng lên nhưng các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và chờ giải thể có xu hướng tăng cao
Dư địa hẹp cho 2018
Dự báo tình hình 2018, báo cáo thẩm tra nêu: các yếu tố liên quan đến tổng cung, dư địa gia tăng các yếu tố đầu vào (lao động, vốn, tài nguyên khoáng sản) để đạt được tăng trưởng cao hơn bị thu hẹp lại đáng kể.
Thứ nhất, tốc độ tăng lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có xu hướng giảm mạnh (các năm 2013, 2014 và 2015 mức tăng tương ứng là 1,71%, 0,94% và 0,44%, thấp hơn đáng kể so với mức trên 2% của thập niên trước).
Thứ hai, yếu tố vốn với tổng đầu tư toàn xã hội khoảng 33-34% là khá cao, không còn nhiều dư địa để tăng vốn đầu tư trong khi khả năng hấp thụ vốn cũng như việc nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực đầu tư vẫn còn nhiều vấn đề.
Thứ ba, ngành công nghiệp khai khoáng vẫn chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế, song trong 2 năm trở lại đây tăng trưởng thấp, thậm chí suy giảm mạnh do khai thác ngày càng khó khăn và phụ thuộc nhiều vào biến động giá và cung - cầu trên thị trường thế giới, tồn kho than lớn (11 triệu tấn).
Tuy vậy, đây sẽ là cơ hội, thời điểm quan trọng để dứt khoát thay đổi chuyển sang mô hình tăng trưởng ít dựa vào khai thác tài nguyên dù sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng trong ngắn hạn - cơ quan thẩm tra nhìn nhận.
Liên quan đến 12 chỉ tiêu chủ yếu do Chính phủ trình, cơ quan thẩm tra cho rằng cần đánh giá rõ các yếu tố tăng trưởng nhất là chỉ tiêu tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội 33-34% GDP (năm 2017, GDP ước đạt 6,7% trong khi tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 33,42% GDP) trong xu hướng, tình hình thế giới và trong nước thuận lợi hơn, bảo đảm tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu gắn với chất lượng, hiệu quả của chỉ tiêu GDP.
Đi kèm với 12 chỉ tiêu dự kiến trình Quốc hội xem xét, Uỷ ban Kinh tế đề nghị báo cáo rõ thêm về các chỉ tiêu điều hành vĩ mô khác như tăng cung tiền M2, tăng trưởng tín dụng, định hướng điều hành lãi suất, tỷ giá, chính sách thuế... nhằm đưa ra thông điệp chính sách với tính ổn định tương đối làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu đưa chỉ tiêu thất nghiệp, thiếu việc làm và giải quyết việc làm thành nhóm chỉ tiêu chính hàng đầu để phản ánh toàn diện, thực trạng nền kinh tế.
Nguyên Vũ