Mỹ rơi vào thế khó trước phiên bản mới của TPP
Mỹ rơi vào thế khó trước phiên bản mới của TPP
Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi tháng 1/2017, qua đó khiến thỏa thuận tự do thương mại lớn nhất thế giới rơi vào tình thế khó khăn. Tuy nhiên, những quốc gia thành viên còn lại của TPP đã tiến gần hơn tới một phiên bản mới của TPP là CPTPP (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership, tức Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương).
Các Bộ trưởng thương mại đến từ 11 quốc gia thành viên – vốn bao gồm Nhật Bản, Canada, Mexico và Australia – đã thống nhất về các yếu tố then chốt của thỏa thuận mới hồi cuối tuần qua, nhưng cho biết vẫn còn nhiều việc cần phải thực hiện để tiến tới thỏa thuận đầy đủ.
Được thương lượng bên bề của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), thỏa thuận ban đầu CPTPP là một bước tiến cực lớn, Alexander Capri, Giảng viên cấp cao tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Singapore.
Thỏa thuận CPTPP cho thấy một điều là các quốc gia ở châu Á và châu Mỹ đã sẵn lòng tiền tới một thỏa thuận thương mại tự do trên diện rộng, bất chấp nhận định “Nước Mỹ trước tiên” của Donald Trump.
Việc theo đuổi phiên bản mới của TPP cũng thể hiện mong muốn kìm hãm sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á và cả bên ngoài.
Lỗ hổng trong chính sách của Mỹ
Việc Donald Trump rút Mỹ ra khỏi TPP đã khiến quốc gia này đối mặt với một lỗ hổng rất lớn trong chính sách ngoại giao kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là quan điểm của Sanchita Basu-Das, một thành viên tại Trung tâm Nghiên cứu ASEAN ở Singapore.
Ông Trump đã tỏ ra hứng thú với việc thương lượng thỏa thuận thương mại song phương với các quốc gia khác, đồng thời cho biết ông có thể đảm bảo một thỏa thuận tốt hơn dành cho người dân Mỹ.
Tuy nhiên, những thành viên còn lại của TPP, như Nhật Bản, sẽ có ít động lực để tiến tới thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ, nếu các nước sớm hoàn tất thỏa thuận CPTPP, ông Capri cho hay.
Ông Capri cho hay: “Không đối tác thương mại nào của Mỹ muốn tiến tới thỏa thuận song phương cả”.
Bên cạnh đó, ông Capri dự đoán rằng Donald Trump sẽ đối mặt với áp lực nặng nề ở quê nhà, nếu các công ty Mỹ bắt đầu đánh mất hoạt động kinh doanh ở các quốc gia thành viên TPP vào tay của các đối thủ từ Canada và Australia.
Có khi nào Mỹ quay lại?
Tổng thống Mỹ đã thể hiện rất rõ ràng về các thỏa thuận đa phương ở Việt Nam trong ngày thứ Sáu.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc Mỹ không có mặt trong TPP có lẽ chỉ là tạm thời.
“Tôi dự đoán rằng sẽ có một cơ chế để Mỹ quay lại với TPP ở giai đoạn sau”, Donald Rothwell, Giáo sư luật quốc tế tại Trường Luật thuộc Đại học Quốc gia Australia, cho hay.
Dẫu vậy, vẫn chưa rõ là khi nào sẽ tiến tới thỏa thuận cuối cùng về CPTPP.
Một số thông tin cho rằng điều này có thể diễn ra nhanh chóng – vào đầu năm 2018.
Steven Ciobo, Bộ trưởng Thương mại Australia, cho hay: “Tôi tự tin rằng chúng tôi có thể tiến tới thỏa thuận trong một tương lại không quá xa”.
Thỏa thuận mới sẽ giảm bớt rào cản về hoạt động thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa 11 thị trường thành viên – vốn chiếm tới 15% nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, CPTPP cũng bao gồm các nguyên tắc về môi trường và tiêu chuẩn lao động.
Đối phó với Trung Quốc
Các quốc gia như Nhật Bản rất muốn sử dụng CPTPP để kìm hãm sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực này.
Bắc Kinh đang cố gắng gây sức ảnh hưởng lên khu vực thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative) – một kế hoạch nhằm đẩy mạnh thương mại ở châu Á và châu Âu thông qua các khoản đầu tư lớn vào đường bộ, đường sắt và cảng biển.
“Các cường quốc châu Á lớn sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội để cân bằng với Trung Quốc – cho dù có hay không có Mỹ”, Abraham Denmark, Giám đốc chương trình châu Á tại Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson, cho hay.
FiLi