Dự trữ ngoại hối Trung Quốc tăng 10 tháng không nghỉ
Dự trữ ngoại hối Trung Quốc tăng 10 tháng không nghỉ
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã tăng tháng thứ 10 liên tục trong tháng 11 vừa qua. Dù mức tăng thấp hơn kỳ vọng của thị trường, đà tăng này cho thấy hiệu quả rõ rệt của việc Bắc Kinh thắt chặt quy chế giám sát dòng vốn và đồng Nhân dân tệ mạnh lên tiếp tục hạn chế sự rút vốn khỏi đại lục.
Hiện tại, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đang ở mức cao nhất kể từ tháng 10/2016 - Ảnh: Reuters.
|
Vào đầu năm nay, sự tháo chạy của các dòng vốn bị xem là một rủi ro tài chính lớn đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa các biện pháp kiểm soát vốn mạnh tay và sự giảm giá của đồng USD đã giúp ngăn đà thoái vốn, theo đó giúp tỷ giá đồng Nhân dân tệ có một cú phục hồi ngoạn mục và củng cố niềm tin vào nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Hãng tin Reuters dẫn số liệu do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) công bố ngày 7/12 cho biết dự trữ ngoại hối của nước này tăng 10 tỷ USD trong tháng 11, so với mức dự báo tăng 11 tỷ USD mà giới phân tích đưa ra trước đó, đạt 3,119 nghìn tỷ USD. Trước đó, trong tháng 10, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng 700 triệu USD.
Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 6/2014 kho dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới có chuỗi 10 tháng tăng liên tiếp. Hiện tại, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đang ở mức cao nhất kể từ tháng 10/2016.
Cơ quan Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc nói rằng sự tăng giá của các đồng tiền dự trữ ngoài USD và các tài sản dự trữ khác là lý do chính phía sau việc dự trữ ngoại hối của nước này tăng liên tục.
Năm nay, tỷ giá đồng Nhân dân tệ đã tăng khoảng 5% so với đồng USD, sau khi giảm 6,5% trong năm 2016 - mức giảm mạnh nhất từ năm 1994.
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã "bốc hơi" gần 1 nghìn tỷ USD từ mức đỉnh 3,99 nghìn tỷ USD vào tháng 6/2014 xuống còn 2,998 nghìn tỷ USD vào tháng 1 năm nay do PBoC phải bán ra USD để hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ và hạn chế đà thoái vốn. Tuy nhiên, kể từ đó, dự trữ này đã hồi phục 121 tỷ USD.
Từ cuối năm ngoái, Trung Quốc đã tung các biện pháp vốn chặt chẽ, bao gồm siết hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư nước này trong các lĩnh vực như bất động sản, khách sạn, giải trí, thể thao, phim ảnh… Giới phân tích cho rằng việc tỷ giá Nhân dân tệ ổn định và áp lực thoái vốn giảm xuống sẽ là cơ sở để Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát vốn.
Đồng Nhân dân tệ tăng giá trong năm nay đã thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài tăng mua cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này có thể nhà chức trách Trung Quốc lo ngại, bởi Bắc Kinh từ lâu tuyên bố muốn đồng Nhân dân tệ biến động linh hoạt theo cả hai hướng.
Trong tháng 10, lượng mua ròng ngoại tệ của cả PBoC và các ngân hàng thương mại Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm, đánh dấu một thắng lợi chính sách của Bắc Kinh sau cuộc chiến dài nhằm ổn định tỷ giá đồng Nhân dân tệ. Tuy vậy, giới phân tích nói rằng các dòng vốn có thể vẫn biến động trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới giảm tốc.
Dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt mức 75,833 tỷ USD vào thời điểm cuối tháng 11, so với mức 75,238 tỷ USD vào cuối tháng 10 - theo dữ liệu của PBoC.