Dự trữ ngoại hối trên đà tăng tốc
Dự trữ ngoại hối trên đà tăng tốc
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết một trong những vấn đề trước mắt đang khiến cơ quan quản lý trăn trở hơn cả là ổn định giá trị đồng nội tệ, để đồng tiền Việt không lên giá. Cung ngoại tệ đang rất dồi dào, trạng thái ngoại hối của các ngân hàng thương mại đều đang cân bằng, giá trị giao dịch ngoại tệ của Sở Giao dịch NHNN hiện đã lên tới 2 tỉ đô la Mỹ/ngày và tất nhiên có ngày mua nhiều, có ngày bán nhiều, nhưng nhìn chung ngày mua ròng vẫn nhiều hơn. Hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã vượt 55 tỉ đô la Mỹ và trả lời câu hỏi của người viết bài này “Bao giờ dự trữ ngoại hối của chúng ta đạt 60 tỉ đô la Mỹ?”, ông khẳng định “chắc sẽ nhanh thôi”.
Thống đốc nói năm nay khác với năm trước, đã gần Tết nhưng nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng không tăng mạnh. NHNN đã phải liên tục sử dụng ở tần suất cao các công cụ điều tiết tiền tệ để hút tiền về sau khi đưa tiền đồng ra để mua vào ngoại tệ. Ông kể tại thời điểm Nhà nước thu về 4,8 tỉ đô la Mỹ từ thoái vốn Sabeco, NHNN mua vào ngay 3,8 tỉ đô la Mỹ và để 1 tỉ đô la Mỹ cho thị trường hấp thụ. Tuy nhiên thị trường đã không hấp thụ hết được. Không ngân hàng nào muốn nắm giữ ngoại tệ vượt quá trạng thái quy định khi họ nhìn thấy triển vọng ổn định của tỷ giá đô - đồng, chưa kể đồng đô la Mỹ đang có xu hướng giảm giá so với các ngoại tệ khác trên thị trường tài chính quốc tế. Một đồng đô la yếu đang có lợi cho nước Mỹ và bất chấp các đợt điều chỉnh lãi suất được dự báo “chắc chắn diễn ra” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đồng đô la Mỹ vẫn đang đứng ở mức thấp so với euro, yen Nhật, bảng Anh và đô la Canada.
Cung ngoại tệ cao không chỉ xuất phát từ thặng dư trong cán cân thương mại (năm 2017 thặng dư thương mại đạt 2,9 tỉ đô la Mỹ), mà chủ yếu từ dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và gián tiếp nước ngoài (FII). Đặc biệt trong vòng ba tháng qua, tiền của nhà đầu tư ngoại đổ vào chứng khoán và các doanh nghiệp IPO cao chưa từng có. Riêng việc bán 49% cổ phần cho đối tác chiến lược của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đã có thể mang về 1,6 tỉ đô la Mỹ chỉ tính theo giá đấu giá IPO thành công. Không chỉ một, mà 5-6 tổ chức nước ngoài đang muốn sở hữu “một cục” 49% cổ phần của Bình Sơn.
Còn nếu tính cả việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược của năm doanh nghiệp lớn bao gồm Bình Sơn, PVOil, PVPower, tập đoàn Cao su, Tổng công ty Phát điện 3 ngay trong quí 1-2018, thì số tiền thu về có thể lên tới 5 tỉ đô la Mỹ. Chưa kể hai ngân hàng Vietcombank và BIDV chuẩn bị bán cổ phần cho nước ngoài và thoái vốn nhà nước ở Habeco. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khi trả lời hãng tin Bloomberg khẳng định năm nay Việt Nam sẽ thoái vốn nhà nước gấp 6,5 lần năm ngoái. Năm ngoái, số vốn nhà nước thoái đạt gần 6 tỉ đô la Mỹ (chỉ tiêu Quốc hội giao chưa đầy 3 tỉ đô la Mỹ). Năm nay dự kiến gấp 6,5 lần chỉ tiêu của năm ngoái như Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói, tức có thể lên đến 20 tỉ đô la Mỹ. Việc mua vào ngoại tệ để gia tăng quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, do đó, sẽ thuận lợi. Nhưng cân bằng được lượng tiền đồng khổng lồ bơm ra để mua ngoại tệ quả là không dễ dàng.
“NHNN đã có kinh nghiệm” - Thống đốc nhấn mạnh. Nhớ lại năm 2007-2008 khi tiền đầu tư nước ngoài đổ vào nhiều, NHNN cũng mua ngoại tệ vào mạnh, nhưng đã không cân bằng kịp thời dòng tiền bơm ra - hút vào nên tác động tới lạm phát. “Thời đó chúng ta chưa có kinh nghiệm” - ông Hưng thừa nhận.
Những gì mà nhà điều hành thực hiện được gần đây chứng tỏ lời ông Hưng nói là sự thật. Có tuần NHNN mua vào 1,5 tỉ đô la Mỹ, nhưng thị trường tiền đồng vẫn rất ổn. Lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng đang được điều hành để đảm bảo thanh khoản không quá dư thừa, đồng thời phải làm sao để các chủ thể tổ chức không có ý định đầu cơ ngoại tệ.
Mặt bằng lãi suất đang và sẽ là câu chuyện gắn liền với tỷ giá và ổn định giá trị tiền đồng. Trong định hướng cho cả năm, theo Thống đốc, NHNN sẽ không chạy theo tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, mà là phát triển tín dụng có chất lượng, đưa vốn vào các lĩnh vực ưu tiên. Mục tiêu của nhà điều hành là tăng trưởng tín dụng 17% cho cả năm 2018. Trên thực tế, ông giải thích, tăng trưởng tín dụng năm 2017 thực chất là 17,5%. Con số mà NHNN công bố 18,45% là tính cả các khoản ủy thác đầu tư của các tập đoàn mẹ ở nước ngoài cho các công ty con ở Việt Nam thông qua các ngân hàng nước ngoài. Một số tập đoàn nước ngoài đã ủy thác vốn cho các ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam để cho các công ty con của họ ở Việt Nam vay.
Vốn nước ngoài đang chảy vào Việt Nam, nội lực từ dân cư đang được khai thông, bằng chứng là người dân không còn mặn mà với đô la Mỹ, vàng, và chứng khoán đang tăng trưởng. Cơ hội này không phải lúc nào cũng có và nhất là cơ hội phát triển cho ngành ngân hàng đang mở ra.
Hải Lý