SASCO muốn “lấn sân” đường sắt, đặt mục tiêu đạt 370 tỷ đồng lãi trước thuế năm 2018
SASCO muốn “lấn sân” đường sắt, đặt mục tiêu đạt 370 tỷ đồng lãi trước thuế năm 2018
Sau hàng không, CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO, UPCoM: SAS) - công ty do ông ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch HĐQT muốn “lấn sân” sang các hoạt động liên quan đến hỗ trợ cho vận tải đường sắt và đường bộ. Nội dung bổ sung ngành nghề này vào Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của SAS sẽ được trình ĐHĐCĐ thường niên 2018 sắp tới xem xét và thông qua.
Theo tài liệu đại hội, trong năm 2018, SAS sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh phòng khách CIP tại nhà ga quốc tế Cam Ranh (T2), tiến hành cung cấp suất ăn cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, thí điểm cung cấp dịch vụ suất ăn cho 6 đoàn tàu SE gồm bữa chính và bữa phụ. SAS cũng hợp tác với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cải tạo mặt bằng ga Sài Gòn phù hợp với mục đích kinh doanh phục vụ nhu cầu hành khách đi tàu (bao gồm các cửa hàng ăn uống, cửa hàng bán lẻ và phòng khách).
Trước đó, thông tin SAS đề nghị cùng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cải tạo toàn bộ mặt bằng nhà ga Sài Gòn đã được ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiết lộ với báo giới hồi cuối tháng 2/2018.
Được biết, toàn bộ tầng 1, tầng 2 ga Sài Gòn sẽ được cải tạo thành một trung tâm kinh doanh phục vụ nhu cầu của khách đi tàu với các cửa hàng bán lẻ, cửa hàng cà phê, nhà hàng ăn uống, phòng khách, các khu bán vé, khu vực đợi tàu... Thời gian khởi công dự kiến vào cuối quý 1/2018 và kết thúc quý 2/2018 với tổng kinh phí khoảng 15 tỉ đồng.
SAS sẽ trả cho Tổng công ty Đường sắt khoảng 2 tỷ đồng/năm để được sử dụng toàn bộ mặt bằng nhà ga trong thời gian 5 năm kể từ khi hoàn tất việc sửa chữa.
Ga Sài Gòn
|
Kế hoạch 2018 thận trọng
Với định hướng lấn sân sang lĩnh vực đường sắt song song với ngành nghề truyền thống là dịch vụ hàng không, SAS kỳ vọng thu về 2,625 tỷ đồng tổng doanh thu trong năm 2018, trong đó doanh thu sản xuất kinh doanh thuần ước đạt 2,499 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 370 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này đều chỉ tăng nhẹ 4-6% so với thực hiện 2017.
Kế hoạch thận trọng được đưa ra dựa trên những đánh giá về tính cạnh tranh của thị trường kinh doanh và chi phí khai thác mặt bằng tăng. Kế hoạch này được xây dựng chưa tính tới nội dung thay đổi tỷ lệ hợp tác với Cảng Hàng không quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất.
Cụ thể hơn, Công ty xây dựng kế hoạch dựa trên các căn cứ:
Thị trường Tân Sơn Nhất: Năm 2017, lượng hành khách qua cảng sân bay Tân Sơn Nhất ước đạt 35.9 triệu khách. Dự báo năm 2018, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ phục vụ 37.4 triệu lượt khách, tăng 4.1% so với năm trước; trong đó khách quốc nội dự kiến 22.9 triệu lượt (tăng 2.8%), khách quốc tế dự kiến 14.5 triệu lượt (tăng 6.2%).
Thị trường Phú Quốc: Dự báo năm 2018, số khách du lịch tiếp tục tăng, có thể đạt 3.6 triệu lượt khách. Thị trường Phú Quốc tiếp tục chứng kiến mức tăng trưởng mạnh về nguồn cung khách sạn, do vậy, mức độ cạnh tranh sẽ càng trở nên gay gắt. Trong năm 2018, SAS sẽ triển khai dự án HOP ON - HOP OFF, cung cấp dịch vụ tham quan các danh lam thắng cảnh, điểm lịch sử văn hóa địa phương; cải tạo các cơ sở dịch vụ lưu trú, khách sạn tại Phú Quốc để tăng doanh thu.
Mở rộng sang thị trường, sản phẩm: Như đã đề cập bên trên, trong năm 2018, SAS sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh phòng khách CIP tại nhà ga quốc tế Cam Ranh (T2), tiến hành cung cấp suất ăn cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, thí điểm cung cấp dịch vụ suất ăn cho 6 đoàn tàu SE gồm bữa chính và bữa phụ. SAS cũng hợp tác với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cải tạo mặt bằng ga Sài Gòn phù hợp với mục đích kinh doanh phục vụ nhu cầu hành khách đi tàu (bao gồm các cửa hàng ăn uống, cửa hàng bán lẻ và phòng khách).
"Ông vua hàng hiệu" trên thị trường Việt Nam - Johnathan Hạnh Nguyễn chính thức giữ chức Chủ tịch HĐQT SAS từ tháng 4/2017. Trong khi đó, vợ ông là bà Lê Hồng Thủy Tiên đã gia nhập Công ty này từ cuối năm 2014 và hiện là của SAS. Ngoài ra, bà Tiên còn là Tổng giám đốc Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (IPP Group) - cổ đông lớn thứ hai của SAS với tỷ lệ sở hữu gần 25%, chỉ xếp sau Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với 49.07%. |
Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch năm 2017, dự chi cổ tức tiền mặt 21.2%
Năm 2017, tổng doanh thu của SAS đạt 2,515 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch. Trong đó, doanh thu từ các hoạt động sản xuất kinh doanh chính đạt 2,369 tỷ đồng, vượt 7% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt 349,862 tỷ đồng, vượt 58% kế hoạch.
Công ty dự kiến chi gần 283 tỷ đồng từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2017 chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 21.2% (2,120 đồng/cp). Trong đó, SAS đã tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 6%, dự kiến chi trả cổ tức đợt cuối tỷ lệ 15.2%.
Trong năm 2017, SAS tiếp tục kế thừa làm chủ đầu tư một số dự án từ giai đoạn trước cổ phần hóa. Các dự án này vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư theo kế hoạch được phê duyệt với giá trị thực hiện đạt 7.2 tỷ đồng. Hiện SAS đang thực hiện đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và mua sắm trang thiết bị phục vụ kinh doanh thường xuyên theo kế hoạch được phê duyệt với giá trị thực hiện đạt 27.5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, SAS đã hoàn nhập dự phòng khoản đầu tư tại CTCP Xăng dầu Tân Sơn Nhất do trong năm Công ty này đi vào hoạt động ổn định và không còn lỗ lũy kế. Các công ty khác đang hoạt động kinh doanh bình thường và có lãi. Tổng số tiền cổ tức thu được đạt 58 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 21.2% trên giá trị đầu tư tài chính dài hạn.
FILI
Tài liệu đính kèm: |
1.SAS_2018.3.21_18331b5_sas_2.rar |
2.SAS_2018.3.21_9eaeaef_sas_1.rar |