Nhà đầu tư đánh mất niềm tin trước vị Tổng thống Mỹ “sáng nắng chiều mưa”

15/04/2018 13:43
15-04-2018 13:43:12+07:00

Nhà đầu tư đánh mất niềm tin trước vị Tổng thống Mỹ “sáng nắng chiều mưa”

Bài viết thể hiện quan điểm của biên tập viên Robert Burgess trên Bloomberg Prophets

Tổng thống Mỹ Donald Trump thường đánh đồng đà tăng của thị trường chứng khoán kể từ khi ông đắc cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016 với sự gia tăng niềm tin của nhà đầu tư vào bản thân ông và các chính sách do ông đề xướng. Đúng vậy, chỉ số S&P 500 đã nhảy vọt 22% kể từ thời điểm đó, nhưng khi xem xét kỹ hơn, cổ phiếu, trái phiếu và đồng USD lại thể hiện điều ngược lại: Nhà đầu tư đang dần đánh mất niềm tin vào sự dẫn dắt của ông Trump.

Điểm qua một chút về những dấu hiệu cho thấy sự suy giảm niềm tin của nhà đầu tư, thứ nhất là các công ty Mỹ được định giá thấp hơn tại thời điểm này so với thời điểm trước khi ông Trump đắc cử Tổng thống, bất chấp đà tăng trưởng nóng của cổ phiếu, các đợt cắt giảm mạnh thuế doanh nghiệp, đề xuất nới lỏng quy định và sự bùng nổ của lợi nhuận doanh nghiệp. Thứ hai, chi phí đi vay của Mỹ cũng tăng so với các Chính phủ khác, một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang tỏ ra hoài nghi về khả năng tín nhiệm của nước Mỹ. Cuối cùng là tỷ trọng đồng USD trong dự trữ ngoại tệ cũng giảm mạnh nhất kể từ năm 2002.

Nhà đầu tư đang đánh mất niềm tin bởi ông Trump dần chuyển sang kiểu Tổng thống mà nhiều người luôn luôn lo sợ: Khó lường và hay thay đổi. Những tính cách đó đã thể hiện rất rõ trong năm qua, nhưng dường như nhà đầu tư phần lớn đã bỏ qua các yếu tố tích cực như chính quyền ông Trump đã thông qua các đề xuất thúc đẩy tăng trưởng và hỗ trợ doanh nghiệp là cải cách thuế và nới lỏng quy định. Hiện tại, nhiều quan chức Nhà Trắng được kính trọng như cựu Chủ tịch của Goldman Sachs, Gary Cohn, và cựu Tổng Giám đốc Exxon Mobil, Rex Tillerson, đều lần lượt rời khỏi chính quyền Donald Trump, và tới nay, vẫn còn chưa rõ là còn ai để giữ ông Trump trong tầm kiểm soát về các chính sách quan trọng như những chính sách về thương mại hiện nay.

Với những lo ngại trên, nhiều chuyên gia quản lý tài sản trên toàn cầu cho rằng rủi ro đầu tư ở Mỹ là quá lớn khi xét tới những bất ổn chính trị hiện nay. Nader Naeimi, Chuyên gia quản lý tiền tệ tại AMP Capital Investors ở Sydney, nói với hãng tin Bloomberg rằng: “Đôi lúc, bạn phải chấp nhận sự khó chịu này và nói rằng ‘tôi chỉ cần rút mọi tài sản, tất cả tỷ trọng đầu tư ra khỏi nước Mỹ’”. “Đó là điều quan trọng nhất mà chúng tôi đang suy nghĩ tới”.

Khởi đầu với thị trường chứng khoán Mỹ. Chỉ số S&P 500 đã rớt 9.34% so với mức đỉnh xác lập vào ngày 26/01/2018, một phần là do lo ngại về các hậu quả khôn lường từ cuộc chiến thương mại tiềm ẩn giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhiều đợt bán tháo diễn ra và điều này đã làm giảm hệ số P/E của S&P 500 xuống 16 lần, mức thấp nhất kể từ giữa năm 2016 và thấp hơn nhiều so với 18.5 lần hồi tháng 1/2018. Đà bán tháo vẫn diễn ra khi các chuyên gia phân tích dự báo lợi nhuận doanh nghiệp quý 1/2018 sẽ tăng vọt 17% so với cùng kỳ năm trước. Thật hiếm khi hệ số P/E của S&P 500 lại giảm trong lúc lợi nhuận doanh nghiệp tăng mạnh như thế.

Dĩ nhiên, giá cổ phiếu trên thế giới cũng giảm mạnh, nhưng rất ít thị trường nào lao dốc mạnh như Mỹ. Tại thời điểm cuối năm 2017, hệ số P/E của S&P 500 cao gấp 3.5 lần so với chỉ số Stoxx Europe 600. Nhưng tuần trước, khoảng cách này đã thu hẹp chỉ còn 2 lần.

Ngoài ra, thị trường trái phiếu cũng tỏ ra lo ngại rằng khoản thâm hụt ngân sách liên bang sẽ tăng trưởng lên mức không bền vững vì doanh thu thuế giảm mạnh do chính sách cắt giảm thuế của Donald Trump. Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ dự định bán trái phiếu với quy mô gấp đôi trong năm nay lên 1 ngàn tỷ USD để bù đắp cho sự thiếu hụt trên. Tính tới thời điểm này dưới thời của ông Trump, tổng nợ công của Mỹ đã tăng lên 21.1 ngàn tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức 19.8 ngàn tỷ USD tại thời điểm tháng 9/2017.

Nhu cầu tại các buổi đấu giá trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng giảm sút. Nhà đầu tư chỉ đặt 2.75 USD cho mỗi một đồng nợ Chính phủ Mỹ, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Tính bình quân, Bộ Tài chính Mỹ phải trả cao hơn 2 điểm phần trăm so với các Chính phủ khác, dựa trên các chỉ số trái phiếu của Bank of America Merrill Lynch. Tại năm 2001, chi phí đi vay của Mỹ thấp hơn 1.18 điểm phần trăm so với phần còn lại của thế giới. Thời thế đã đổi thay.

Dĩ nhiên, có nhiều yếu tố được phản ánh vào lợi suất trái phiếu, bao gồm chính sách tiền tệ tương đối, lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Và ở Mỹ, lãi suất chuẩn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lại cao hơn rất nhiều so với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, khi bỏ trái phiếu ngắn hạn ra khỏi công thức tính lợi suất trái phiếu và chỉ tập trung vào những trái phiếu dài hạn – vốn rất ít bị ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ và hướng nhiều hơn vào những thứ như nhận thức của nhà đầu tư về uy tín của nước đó, Mỹ vẫn phải trả lãi suất rất cao. Xét trên trái phiếu với kỳ hạn 10 năm hoặc hơn, Mỹ cũng phải trả nhiều hơn 2%.

Giống với giá cổ phiếu của một công ty, đồng tiền của một quốc gia cũng là chỉ báo tốt nhất về quan điểm của nhà đầu tư về một quốc gia nào đó. Nếu đúng là thế thì có lẽ Mỹ đang gặp rắc rối lớn. Chỉ số Bloomberg Dollar Spot – thước đo diễn biến đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – lao dốc 8.52% trong năm 2017. Hồi tháng 2/2018, chỉ số này chạm mức thấp nhất kể từ cuối năm 2014. Đây cũng là một diễn biến đáng kinh ngạc vì đồng nội tệ thường tăng giá khi lãi suất tăng, nhưng nó không đúng với đồng USD. Fed đã nhiều lần nâng lãi suất và lần gần đây nhất là tháng 3/2018, vậy mà đồng USD vẫn cứ suy yếu.

Tệ hơn nữa, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa cho biết rằng tỷ trọng đồng USD trong dự trữ ngoại hối giảm 2.64% trong năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2002. Với tỷ trọng đồng USD trong dự trữ ngoại hối tổng thể là 62.7%, đây là mức thấp nhất kể từ năm 2013, dù vẫn cao hơn rất nhiều so với mức 20.1% của đồng Euro.

Ông Trump phần lớn được bầu chọn bởi những người dân Mỹ thất vọng với tình hình hiện nay, những người muốn một vị Tổng thống có thể thay đổi hiện trạng và mang lại một vài ý tưởng mới tới Washington. Ông Trump rõ ràng đã thổi một làn gió mới vào nước Mỹ, nhưng thị trường đang báo hiệu rằng ông ấy có lẽ đã đi quá xa.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Các ngân hàng trung ương châu Á chật vật 'chế ngự' đô la

Các ngân hàng trung ương châu Á đang chuẩn bị ứng phó nhiều bất ổn hơn từ sự trỗi dậy của đồng đô la Mỹ khi triển vọng giảm lãi suất không chắc chắn của Mỹ trong...

Đợt tăng vốn lớn nhất cho Ngân hàng Thế giới kể từ năm 2022

Phần lớn khoản cam kết tài trợ mới nhất, khoảng 9 tỷ USD, là của Mỹ dành cho Nền tảng bảo lãnh danh mục đầu tư mới, giúp hỗ trợ các khoản vay tư nhân và đầu tư vốn...

Doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường tích trữ đô la

Các doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng cường tích trữ đô la Mỹ khi họ dự đoán đồng nhân dân tệ (NDT) sẽ mất giá hơn nữa. Thực trạng này càng làm trầm trọng thêm đà...

Bê bối tài chính Wirecard: Kiểm toán EY rất cẩu thả

Theo các nguồn thạo tin liên quan tới cuộc điều tra, cơ quan giám sát kiểm toán Đức (Apas) nhận định hoạt động kiểm toán của EY đối với công ty thanh toán Wirecard...

Nội tệ mất giá, Hàn Quốc phát cảnh báo hiếm thấy

Chính phủ Hàn Quốc đưa ra cảnh báo hiếm hoi đối với những người tham gia thị trường ngoại hối sau khi đồng won nhanh chóng chạm mốc 1,400 won đổi 1 USD lần đầu tiên...

Các đồng tiền ở thị trường mới nổi rơi xuống đáy mới trong năm 2024

Sự trở lại mạnh mẽ của đồng USD đã giáng đòn nặng nề tới các đồng tiền trên toàn cầu trong ngày 16/04, làm suy yếu nhiều đồng tiền châu Á và có thể buộc các quan...

Nhật Bản: Đồng yen giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ năm 1990

Trong bối cảnh đồng USD tăng mạnh sau khi Fed công bố dữ liệu kinh tế, trong phiên giao dịch ngày 15/4, 154,28 yen đổi 1 USD, mức thấp chưa từng thấy kể từ tháng...

Giới chuyên gia nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong năm 2024

Tờ The Wall Street Journal (WSJ) ngày 14/4 dẫn kết quả thăm dò quý mới nhất cho thấy giới lãnh đạo doanh nghiệp và học giả kinh tế đã hạ nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào...

Các nền kinh tế mới nổi và phát triển thận trọng trước đồng USD tăng giá

Trước sức mạnh của đồng USD, ngay cả các nền kinh tế có quy mô như Australia, Canada và EU cũng chứng kiến đồng nội tệ suy yếu với tốc độ mất giá lần lượt là 4,4%...

Triển vọng tín dụng toàn cầu năm 2024 ngày càng tồi tệ

Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội các nhà quản lý danh mục tín dụng quốc tế (IACPM), các nhà quản lý danh mục đầu tư và tài sản tại một số tổ chức tài chính lớn...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98