Tỉ phú ô tô Trần Bá Dương và chiến lược phát triển đa ngành

02/05/2018 09:50
02-05-2018 09:50:23+07:00

Tỉ phú ô tô Trần Bá Dương và chiến lược phát triển đa ngành

Lấy công nghiệp ô tô làm trụ cột, Trường Hải Thaco (THA) đặt tham vọng trở thành tập đoàn đa ngành có quy mô khu vực.

Sau các tên tuổi Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo, danh sách các tỉ phú Việt Nam mới đây đã xuất hiện thêm 2 gương mặt mới. Điều đặc biệt là cả 2 nhân vật này đều hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao là Trần Đình Long của Tập đoàn Thép Hòa Phát và Trần Bá Dương của Ô tô Trường Hải (Thaco). Hiện tượng này có thể xem là tín hiệu tích cực về vị thế và năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp nội địa khi Việt Nam đang có những tập đoàn tư nhân hùng mạnh, đủ sức gánh vác trọng trách dẫn dắt xu thế của nền kinh tế và cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường thế giới trước ngưỡng cửa của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Riêng đối với “vua ô tô” Trần Bá Dương, cuộc phiêu lưu với nền công nghiệp xe hơi chưa dừng lại. Ở tuổi 58, người đàn ông gốc Huế vẫn cho thấy tham vọng lớn khi cùng các chiến hữu thân cận vạch định chiến lược mới, đưa Thaco trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành hàng đầu khu vực, nhắc nhớ về câu chuyện của Samsung, Hyundai (Hàn Quốc) hay Toyota, Mitsubishi (Nhật). Nhưng giữa áp lực cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt cùng với các đối thủ mới xuất hiện, liệu hoài bão của vị tỉ phú này có trở thành hiện thực?

TỪ NGUY ĐẾN CƠ

2017 là năm đầy thách thức cho các hãng xe. Các chính sách thay đổi liên tục của Chính phủ, nhu cầu mua sắm công bị siết chặt, yếu kém của hạ tầng giao thông, đi kèm tâm lý khách hàng chờ thuế suất nhập khẩu giảm về 0% từ năm 2018 đã khiến thị trường ô tô có một năm khá trầm lắng. Tổng lượng xe tiêu thụ được chỉ đạt 297.000 xe, giảm đến 13,4% so với thời điểm bùng nổ năm 2016. Thaco cũng chịu tác động từ xu thế chung của thị trường.

Nhà máy lắp ráp xe Mazda của Thaco.

Tổng lượng xe mà Hãng bán được chỉ đạt 88.820 chiếc (chiếm thị phần 35,8%). Áp lực giảm giá, chiết khấu mạnh tay khiến cho doanh thu của mảng chủ lực là kinh doanh ô tô chỉ đạt 44.726 tỉ đồng, giảm gần 12.000 tỉ đồng so với đỉnh cao của năm 2016. Nhờ sự hứng khởi của mảng mới là kinh doanh bất động sản (doanh thu tăng gần gấp đôi lên gần 4.922 tỉ đồng) mới giúp Thaco có một năm “tạm chấp nhận được”.

Nhưng trong nguy có cơ. Một loạt các chính sách xuất hiện dồn dập vào cuối năm 2017 mang đến những cơ hội kinh doanh cho Thaco. Điển hình là vào tháng 10, Chính phủ ban hành Nghị định 116 quy định các dòng xe xuất xứ từ ASEAN với tỉ lệ nội địa hóa đạt từ 40% được hưởng thuế suất nhập khẩu còn 0%. Nghị định này cũng bất ngờ yêu cầu các hãng xe nhập khẩu phải có giấy chứng nhận về chủng loại (VTA) từ cơ quan có thẩm quyền của quốc gia xuất khẩu. 

Tiếp đến vào tháng 11, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp lắp ráp nội địa, Chính phủ ban hành Nghị định 125, áp thuế suất còn 0% cho phần linh kiện nhập khẩu cho các hãng đạt đủ mức sàn quy định về sản lượng lắp ráp và các tiêu chuẩn mới về khí thải. Đây là được xem là sự hỗ trợ chưa từng có để bảo vệ ngành công nghiệp ô tô nội địa.

Với những thay đổi mới, cục diện thị trường bắt đầu có sự phân hóa khá rõ. Nhiều dòng xe nhập khẩu của các thương hiệu Toyota, Ford, Nissan, Honda, Mitsubishi đã sụt giảm mạnh ngay khi Nghị định 116 ban hành, do không kịp thay đổi kế hoạch kinh doanh phù hợp với các quy định mới khắt khe hơn.

Ngược lại, không bỏ lỡ cơ hội, Thaco đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất ô tô Thaco Mazda có công suất 100.000 xe/năm, với vốn đầu tư 12.000 tỉ đồng. Nhà máy được đầu tư tự động hóa theo xu hướng công nghiệp 4.0, đảm bảo xe Mazda xuất xưởng tương đương với chất lượng Nhật và được xem là đủ sức cạnh tranh được với các hãng nước ngoài.

Nhà máy lắp ráp xe bus của Thaco

Tập đoàn cũng nhanh chóng thâu tóm Euro Auto và trở thành đại lý phân phối độc quyền của hãng xe hạng sang BMW, giúp chuỗi kinh doanh ô tô của Thaco được phủ đầy các chủng loại, từ xe du lịch, xe bus, xe tải, xe chuyên dụng, xe máy phục vụ khách hàng ở hầu hết các phân khúc từ trung cấp, cao cấp đến hạng sang.

Cùng với động thái tấn công dồn dập của Thaco, Tập đoàn Vingroup cũng bất ngờ khởi động dự án ô tô mang thương hiệu Vinfast trị giá 3,5 tỉ USD. Dự án có công suất lắp ráp sẽ nâng dần lên 500.000 xe/năm vào năm 2025, hứa hẹn sẽ tạo nên những thay đổi đáng kể về thị phần của các hãng xe kể từ năm 2019.

Theo Tiến sĩ Oliver Massmann, CEO của Công ty Tư vấn Duane Morris, sau cuộc chiến về giá trong năm 2017, các đại lý ô tô sẽ rất cân nhắc giữa việc lựa chọn dòng xe nhập khẩu hay lắp ráp trong nước. Nhưng năm nay, nhiều khả năng các dòng xe nội địa sẽ tạo ra bước đột phá quan trọng về mặt thị phần. “Các doanh nghiệp ngoại cũng nên cân nhắc đầu tư vào dây chuyền lắp ráp và sản xuất tại Việt Nam thay vì nhập khẩu. Điều này sẽ đóng góp cho nền kinh tế và nhất là được Chính phủ ủng hộ”, Tiến sĩ Oliver Massmann nhận định.

 

Thực tế, một số hãng xe đã lên kế hoạch đầu tư vào Việt Nam để hưởng lợi từ Nghị định 125. Mitsubishi (Nhật) đã quyết định chuyển sang lắp ráp tại Việt Nam dòng xe Crossover Mitsubishi Outlander từ tháng giêng năm nay. Dự kiến so với phiên bản nhập khẩu, giá thành phẩm của dòng xe lắp ráp tại Việt Nam sẽ thấp hơn tới 200 triệu đồng, nhờ đó kỳ vọng sẽ được thị trường đón nhận.

Theo Công ty Tư vấn Frost & Sullivan, sản lượng tiêu thụ ô tô của thị trường Việt Nam dự kiến phục hồi và tăng 6,8% trong năm nay (khoảng 256.191 chiếc), nhờ sức tiêu thụ nội địa gia tăng và kinh tế duy trì tốc độ lạc quan ở mức 6-7%/năm. Các hiệp định thương mại tự do như CPTPP hay FTA giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu cũng giúp giảm dần các khoản thuế cho các dòng xe du lịch, tác động tích cực đến thị trường.

Hiện tỉ lệ sở hữu xe trên 1.000 người ở Thái Lan lên đến 196 chiếc, Malaysia là 341 chiếc và Indonesia 55 chiếc. Mặc dù còn gặp một số rào cản về hạ tầng giao thông nhưng nhìn chung dư địa để thị trường ô tô Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn là khá lạc quan. “Với tỉ lệ sở hữu xe ô tô hiện khoảng 20 chiếc/1.000 người, thị trường ô tô nội địa có tiềm năng rất lớn để tăng trưởng mạnh hơn nhờ xu thế tiêu dùng của các hộ gia đình có thu nhập trung bình”, báo cáo của Frost & Sullivan nhận định.

GIẤC MƠ TẬP ĐOÀN TỈ USD

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2018 mới đây, Thaco đã khiến nhiều người bất ngờ khi công bố chiến lược phát triển mới kể từ năm 2018, đó là hướng tới một siêu tập đoàn với nhiều mảng kinh doanh khác nhau. Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trần Bá Dương, việc trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành với nhiều lĩnh vực sẽ gây dựng một hệ sinh thái đa dạng, cùng hợp lực bổ trợ cho mảng chủ lực ô tô nhấn ga tăng tốc.

Cụ thể, mảng kinh doanh chiếm vị trí quan trọng thứ hai sẽ là xây dựng hạ tầng - đô thị - khu công nghiệp thông qua thành viên Đại Quang Minh. Hiện quỹ đất của Thaco đang có khá dồi dào. Ngoài Khu đô thị Sala rộng hơn 257ha tại trung tâm tài chính Thủ Thiêm, Thaco còn đang phát triển Khu công nghiệp và đô thị 650ha Chu Lai, cũng như sở hữu 100 showroom có vị trí tốt tại các đô thị lớn. Trong các năm tới, Tập đoàn sẽ phát triển quỹ đất dồi dào này và tích lũy thêm các lô đất mới thông qua các hình thức hợp tác công - tư (PPP) với Chính phủ.

Nhìn chung, tiềm năng đóng góp của mảng bất động sản là khá lớn. Tính đến cuối năm 2017, giá trị tồn kho các dự án bất động sản mà Đại Quang Minh đang phát triển lên đến hơn 10.620 tỉ đồng. Điểm rơi về ghi nhận lợi nhuận có thể sẽ nằm trong giai đoạn 2018-2019 nhờ dự án ở Thủ Thiêm đang tiến triển khá tốt.

Nói về dự án tại Thủ Thiêm, ông Dương nhớ lại: “Nếu Thaco đầu tư thành công vào Thủ Thiêm thì sẽ ghi dấu ấn đóng góp rất lớn vào phát triển Thủ Thiêm nói riêng và thành phố nói chung. Nhưng nếu muốn thành công thì bắt buộc phải đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng giao thông chính trong nội khu Thủ Thiêm và kết nối Thủ Thiêm với trung tâm thành phố hiện hữu và đồng thời xây dựng một khu dân cư đô thị có quy mô đủ lớn, có đầy đủ các dịch vụ giáo dục, y tế và thương mại, dịch vụ.

Đây là một thách thức rất lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ phá sản nếu không thành công.

Thủ Thiêm

Nhờ sự tiên phong của Thaco, tốc độ triển khai các dự án tại Thủ Thiêm đã được đẩy mạnh. “Những gì mà Đại Quang Minh đầu tư xây dựng trong những năm qua ở Thủ Thiêm đã đóng góp rất lớn giúp cho thành phố thu hút được các nhà đầu tư khác vào Thủ Thiêm và đưa giá trị của Thủ Thiêm lên rất cao so với trước đây. Đồng thời Thaco đã có thêm một ngành nghề kinh doanh thứ hai là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông và đô thị thông qua Công ty Đại Quang Minh”, ông Trần Bá Dương cho biết.

Hiện giai đoạn 1 của Khu đô thị Sala đã bàn giao nhà cho người mua. Dự kiến cuối năm nay, Sala cũng sẽ đưa vào vận hành cao ốc Thaco Sala - tòa nhà văn phòng hạng B đầu tiên ở Thủ Thêm để cung cấp một lựa chọn mới về văn phòng làm việc cho các doanh nghiệp muốn tiến về khu Đông.

Chân kiềng thứ ba mà Tập đoàn bước chân vào chính là mảng nông nghiệp công nghệ cao, tương tự với nhiều tập đoàn khác như Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai, T&T Group, Hòa Phát, FPT. Theo ông Trần Bá Dương, từ lợi thế am hiểu về máy móc, Thaco sẽ tập trung cung cấp các giải pháp cơ khí cho tất cả các khâu: từ canh tác, thu hoạch, vận chuyển, bảo quản về chế biến. Để chuẩn bị cho mục tiêu này, mới đây, Thaco đã khánh thành nhà máy sản xuất máy nông nghiệp Thaco tại Quảng Nam.

Trong giai đoạn đầu, nhà máy có công suất thiết kế 2.000 máy kéo một năm, 3.000 bộ thiết bị canh tác và 1.000 máy gặt đập liên hợp. Mục tiêu của nhà máy là từng bước làm chủ công nghệ sản xuất, nâng cao hàm lượng công nghệ, tạo ra các sản phẩm máy kéo có chất lượng cao, phù hợp với địa hình và điều kiện canh tác của từng vùng miền tại Việt Nam.

Sản phẩm máy kéo được đưa ra thị trường trong nước với mục tiêu đạt 7% thị phần vào năm 2018 với 500 máy kéo và 38% thị phần với 2.100 máy kéo vào năm 2026. Ngoài ra, nhà máy sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển thêm các loại máy nông nghiệp khác để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Thị trường trọng điểm xuất khẩu là Lào, Campuchia, Philippines, Myanmar, Indonesia và các thị trường trong hệ thống kinh doanh của đối tác LS Mtron (Hàn Quốc). Cùng với đó, Tập đoàn cũng sẽ đầu tư khu công nghiệp chuyên về nông nghiệp và phát triển nông trường trồng cây ăn trái, cây công nghiệp...

Chân kiềng cuối cùng sẽ nằm ở mảng kinh doanh thương mại và dịch vụ là giải trí, bán lẻ, ăn uống, kinh doanh du lịch để tận dụng lợi thế có sẵn từ các dự án khu đô thị, cụm công nghiệp - nông nghiệp mà Tập đoàn đang sở hữu. 

Nhìn chung, 2018 sẽ là năm bản lề cho tập đoàn 21 tuổi này thay đổi cấu trúc để trở thành một tập đoàn công nghiệp hùng mạnh, trở thành tập đoàn tiên phong không những trong nước mà còn ở xuất khẩu sản phẩm ra thế giới.

“Chiến lược phát triển đa ngành của Tập đoàn dựa trên quan điểm liên doanh liên kết hợp tác cùng phát triển không cạnh tranh lẫn nhau và tạo ra hệ sinh thái doanh nhân - doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có khởi nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập”, ông Trần Bá Dương chia sẻ.

Với nhiều tham vọng mới, Thaco đã đặt ra mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất trong năm nay lên đến 82.953 tỉ đồng, sản lượng tiêu thụ 116.872 xe, tăng 31% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến sẽ tăng mạnh 41% lên 7.075 tỉ đồng và tổng số tiền nộp ngân sách sẽ đạt ngưỡng 1 tỉ USD.

Nhận định về mô hình mới của Tập đoàn, ông Trần Bá Dương cho biết: “Cùng với những thành quả đạt được và sự chuẩn bị trong những năm qua, Thaco đã xây dựng chiến lược phát triển sau năm 2018 với tầm nhìn là trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành, trong đó ô tô là chủ lực”. Chiến lược mở rộng quy mô, trở thành một tập đoàn siêu lớn của Chủ tịch Trần Bá Dương là khá dễ hiểu khi đặt trong bối cảnh Thaco đang chịu áp lực cạnh tranh càng khắc nghiệt hơn với sự góp mặt của nhiều tay chơi mới có tiềm lực mạnh. Thị trường ô tô cũng chịu nhiều biến động rất khó dự đoán do chính sách thường xuyên thay đổi. Dù vậy, chiến lược mới cũng đi kèm với những rủi ro nhất định.

Đó là những thách thức về năng lực quản trị và khả năng bị phân tán nguồn lực. Chỉ tính riêng năm 2017, tổng vốn vay ngắn hạn và dài hạn của Tập đoàn đã tăng thêm 3.600 tỉ đồng, tạo thêm một chút áp lực về chi phí lãi vay trong năm nay. Mặc dù được đánh giá là tiềm năng, thị trường bất động sản luôn được xem là một trong những lĩnh vực chịu nhiều biến động nhất theo chu kỳ của nền kinh tế. Hiệu quả về chiến lược đa ngành mà tỉ phú Trần Bá Dương vạch ra sẽ cần thêm thời gian để trả lời.

Trước mắt, để chuẩn bị cho chiến lược mới, đội ngũ nhân lực chủ chốt của Thaco đã thay đổi một cách khá triệt để với nhiều nhân vật trẻ trung hơn xuất hiện. Theo đó, ông Nguyễn Hùng Minh thôi vị trí CEO, được bổ nhiệm vị trí Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị để quản trị và điều hành các ngành nghề mới của Thaco. 

Nhân vật thay thế ông Minh là Phạm Văn Tài, chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất - kinh doanh ô tô. Đồng thời với CEO mới là sự xuất hiện của ông Trần Bảo Sơn, lãnh đạo thuộc thế hệ 7x. Ông Sơn được bổ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc Thaco và được kỳ vọng sẽ trở thành nhân vật lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn trong tương lai.

Cỗ xe đa ngành của Trường Hải đã có những động cơ và nhiên liệu mới. Đường đua trước mắt đã mở.

Nguyễn Sơn

Nhịp Cầu Đầu Tư





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (4)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Chủ tịch Samsung lần đầu trở thành người giàu nhất Hàn Quốc

Với việc tăng thêm 3,5 tỷ USD, ông Lee Jae Yong lần đầu trở thành người giàu nhất Hàn Quốc với khối tài sản ròng 11,5 tỷ USD.

Các tỉ phú bán lẻ giá rẻ ở châu Á phất lên trong thời kỳ lạm phát

Khối tài sản của các tỉ phú sở hữu các chuỗi bán hàng giá rẻ ở châu Á tăng thêm nhiều tỉ đô la Mỹ khi khách hàng đổ xô đến cửa hàng của họ trong thời kỳ lạm phát...

Khi Tim Cook đến Việt Nam “uống cà phê”!

Ngày 14/04, IDC công bố doanh số bán điện thoại thông minh của Apple đã giảm khoảng 10% trong quý đầu tiên của năm 2024, đồng nghĩa với việc mất vị trí quán quân...

Tiết lộ về cuộc sống kín tiếng của CEO Apple Tim Cook

CEO Apple Tim Cook ngoài đời là một người khá kín tiếng. Ông có thói quen dậy từ 4h sáng, dành một tiếng đọc cả hàng trăm e-mail công việc.

Con đường kinh doanh của doanh nhân Nguyễn Hoài Nam

Nhân tố mới ứng cử vào HĐQT Vincom Retail (HOSE: VRE) - ông Nguyễn Hoài Nam đến từ Tập đoàn Berjaya Việt Nam gây sự chú ý trong bối cảnh Vingroup đang lên kế hoạch...

Forbes: Các tỷ phú dưới 30 tuổi đều nhờ thừa kế tài sản 

Theo nghiên cứu của Forbes, trên toàn cầu có 15 tỷ phú dưới 30 tuổi, nhưng không ai trong số họ là tự tạo ra tài sản của mình mà đều hưởng lợi từ những khoản thừa...

Forbes: Việt Nam có 6 tỷ phú trong danh sách thế giới

Năm nay, danh sách tỷ phú thế giới của Forbes có sự góp mặt của 6 tỷ phú Việt Nam.

Tòa án Montenegro quyết định dẫn độ “cha đẻ” tiền kỹ thuật số Luna về Hàn Quốc

Tòa phúc thẩm Montenegro cho biết đã bác đơn kháng cáo của Do Kwon và giữ nguyên phán quyết trước đó của tòa án cấp dưới quyết định dẫn độ đối tượng này về Hàn Quốc.

Hai đại gia ở Vĩnh Phúc, sở hữu tập đoàn ‘lớn nhanh như thổi’ rồi nhúng chàm

Nguyễn Văn Hậu và Trịnh Văn Quyết - hai đại gia quê Vĩnh Phúc - sở hữu tập đoàn nghìn tỷ, từng phất lên như diều gặp gió và đều nhúng chàm với hàng loạt sai phạm.

Lisa Su, ‘nữ tướng’ AMD khuấy đảo ngành bán dẫn

CEO AMD Lisa Su đạt được những thành tựu chưa từng có: nữ CEO đầu tiên của một công ty bán dẫn lớn, cứu AMD khỏi bờ vực sụp đổ và khuấy đảo ngành công nghệ vốn do...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98