Từ “siêu lừa” Huyền Như đến tiền gửi "bốc hơi": Chốt an toàn nằm ở đâu?
Từ “siêu lừa” Huyền Như đến tiền gửi "bốc hơi": Chốt an toàn nằm ở đâu?
“Yêu cầu về sự chính xác và đặc biệt là sự an toàn trong hoạt động ngân hàng, có thể coi là nguyên tắc kép quan trọng nhất, đã được quy định trong nhiều văn bản", luật sư Trương Thanh Đức bình luận.
"Siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như sẽ tiếp tục hầu toà vào đầu tuần tới.
|
Toà Án Nhân dân (TAND) cấp cao tại TPHCM cho biết, hôm nay (28/5) sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, để xem xét kháng cáo của 5 nguyên đơn yêu cầu Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank, CTG) có trách nhiệm bồi thường hơn 1.000 tỷ đồng.
Trước đó, vào ngày 9/2/2018, TAND TPHCM đã tuyên án chung thân đối với bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên phó phòng Quản lý rủi ro VietinBank Chi nhanh TPHCM và 7 năm tù với Võ Anh Tuấn, nguyên cán bộ VietinBank Chi nhánh Tp.HCM cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Toà cũng buộc bị cáo Huyền Như bồi thường cho các công ty 1.085 tỷ đồng.
Sau bản án sơ thẩm trên, 5 công ty gồm Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS) (thiệt hại 210 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Đầu tư Hưng Yên (125 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông (ORS) (380 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu (150 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại An Lộc (179 tỷ đồng) đã kháng cáo.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên VIAC cho rằng, gần như không có sự tranh cãi về trách nhiệm trong việc xảy ra mất tiền gửi ngân hàng đối với những trường hợp chỉ có lỗi của một bên như do lỗi của khách hàng khi làm mất thẻ ngân hàng, để lộ mật khẩu hoặc những trường hợp hoàn toàn do lỗi của ngân hàng, như tội phạm gian lận lệnh hay giấy tờ rút tiền.
Ông Đức cho rằng, khách hàng tin tưởng khi giao dịch với ngân hàng, thì cũng đồng nghĩa với việc tin vào những nhân viên thay mặt cho ngân hàng. Người gửi tiền có thể mù chữ hay rất lớ ngớ, nên hoàn toàn có thể nhầm lẫn, sai trái như ký giấy rút tiền, giấy uỷ quyền,... theo yêu cầu của nhân viên ngân hàng. Nhưng nhân viên ngân hàng thì phải nắm vững và làm đúng quy định.
“Yêu cầu về sự chính xác và đặc biệt là sự an toàn trong hoạt động ngân hàng, có thể coi là nguyên tắc kép quan trọng nhất, đã được quy định trong nhiều văn bản, trong đó có Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN nêu trên. Chỉ riêng Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 đã nhắc đến 11 lần từ “chính xác” và 54 lần từ "an toàn", ông Đức cho biết.
Theo ông Đức, yêu cầu về mức độ an toàn tiền gửi ngân hàng rất cao. Vì vậy, khách hàng dù có lỗi sai trái đến đâu, nếu ngân hàng làm đúng nguyên tắc, quy định, quy trình thì cũng không mất được tiền gửi. Do đó, trong các trường hợp mất tiền gửi có lỗi hỗn hợp của hai bên, thì ngân hàng phải chịu ít nhất 90% trách nhiệm. Nếu như nhân viên ngân hàng lại còn tham ô, lừa đảo, chiếm đoạt tiền gửi, thì gần như 100% lỗi mất tiền phải là của ngân hàng.
“Cái chốt an toàn tiền gửi nằm trong tay ngân hàng. Khách hàng bị mất tiền oan là vì ngân hàng đã không hành xử đúng pháp luật và bảo đảm an toàn tiền gửi trên thực tế”, ông Đức nhấn mạnh.
Phương Dung