Thực hư chuyện “bóp méo” thị trường cơ sở để kiếm lợi trên thị trường phái sinh

27/06/2018 08:29
27-06-2018 08:29:08+07:00

Thực hư chuyện “bóp méo” thị trường cơ sở để kiếm lợi trên thị trường phái sinh

Trong bối cảnh thanh khoản trên thị trường chứng khoán cơ sở liên tiếp sụt giảm với biến động khó lường, nhiều nhà đầu tư đã chuyển sang giao dịch ở thị trường phái sinh nhằm kiếm lời. Tuy nhiên, vấn đề đang được nhiều nhà đầu tư đặt ra là có hay không việc ép giá trên thị trường cơ sở để kiếm lời trên thị trường phái sinh?

Tháng 5, thanh khoản thị trường phái sinh tăng vọt

Khối lượng giao dịch trên thị trường phái sinh bắt đầu tăng mạnh trong tháng 5 vừa qua, với tổng khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch tăng gấp 5 lần so với tháng 4 với 162.500 tỷ đồng. Với đà tích cực hiện tại, dự báo sẽ có một kỷ lục giao dịch mới được xác lập trên thị trường phái sinh trong tháng 6 này.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chiến lược thị trường Khối Khách hàng cá nhân, CTCK TP.HCM (HSC) cho rằng, hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là sản phẩm phái sinh trên chỉ số VN30, do đó 2 thị trường ảnh hưởng lẫn nhau là điều dễ hiểu. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, thị trường phái sinh có thể dẫn dắt (lead) thị trường cơ sở và ngược lại, thị trường phái sinh cũng có thể đi sau (lag) thị trường chứng khoán cơ sở. Mối quan hệ này mạnh hay yếu, dẫn dắt hay đi sau tùy thuộc vào mỗi sản phẩm cơ sở (hàng hóa, chỉ số, tiền tệ…) và mỗi thời điểm khác nhau.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong các thời điểm hoảng loạn, giá các hợp đồng tương lai (HĐTL) thường thấp hơn rất nhiều so với giá cơ sở, các biến động lớn trên giá các HĐTL thường tác động tiêu cực và kích thích việc bán ra trên thị trường cơ sở. Khi thị trường cơ sở tiếp tục giảm, lại kích hoạt sự chấp nhận các mức giá thấp hơn cho vị thế "short" của các HĐTL. Vòng xoáy này nối tiếp trong các nhịp giảm trong phiên và tạo ra các phiên giảm với biên độ rất lớn.

Hiện tại, khối lượng giao dịch của HĐTL kỳ hạn 1 tháng đạt khoảng 100.000 hợp đồng/phiên, lượng hợp đồng để qua đêm (OI) lúc cao điểm cũng đã ở mức 10.000 hợp đồng (giá trị danh nghĩa 1.000 tỷ đồng), trong khi nhiều cổ phiếu có trọng số lớn trong rổ VN30 có thanh khoản tương đối thấp, việc tác động đến chỉ số cơ sở bằng cách tác động đến 1 số mã cụ thể là có thể tiến hành được.

Tuy nhiên, cần lưu ý đối với HĐTL chỉ số luôn có 2 chiều, chiều "long" và chiều "short". Nếu bên nắm giữ vị thế "long" muốn tác động nâng chỉ số cơ sở, thì bên nắm giữ vị thế "short" cũng có thể tác động làm giảm chỉ số cơ sở. Do đó, việc tác động chỉ số theo hướng có lợi chưa chắc mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Ở giai đoạn hiện tại, theo ông Huy, chiến lược phù hợp với các nhà đầu tư chuyên nghiệp là kinh doanh chênh lệch giá (arbitrage), tận dụng việc giá HĐTL chênh lệch quá xa so với giá trị định giá "fair-value". Trong giai đoạn thị trường giảm, thông thường, giá HĐTL ở mức rất thấp so với mức giá của chỉ số VN30 và giá trị "fair-value", điều này tạo cơ hội kinh doanh chênh lệch giá.

Khi giá HĐTL thấp hơn nhiều so với chứng khoán cơ sở, nhà đầu tư đang nắm giữ sẵn các cổ phiếu trong danh mục chỉ số VN30 có thể thực hiện đồng thời bán giao ngay (các cổ phiếu trong rổ VN30 theo tỷ trọng) và tham gia vị thế "long".

Đến ngày đáo hạn, nhà đầu tư đồng thời thực hiện mua lại danh mục chứng khoán cơ sở và đóng vị thế HĐTL. Bằng nghiệp vụ này, nhà đầu tư thu được tỷ suất sinh lợi chắc chắn từ sự định giá sai của thị trường, bất chấp diễn biến chỉ số VN30 cho đến khi đáo hạn.

Tuy nhiên, trong trường hợp giá HĐTL cao hơn quá nhiều so với giá trị "fair-value", nhà đầu tư có thể thực hiện ngược lại, mua giao ngay (danh mục cổ phiếu VN30) và tham gia vị thế "short".

Chiến lược "arbitrage" thường chỉ những nhà đầu tư chuyên nghiệp, nắm giữ sẵn danh mục cổ phiếu VN30 và các công cụ để mua bán nhanh số lượng cổ phiếu VN30 tương ứng theo tỷ trọng thực hiện. Việc chênh lệch bao nhiêu điểm giữa giá HĐTL và giá trị "fair-value" tùy thuộc vào chi phí vốn và tính toán riêng của mỗi tổ chức thực hiện "arbitrage".

“Sự chênh lệch không hợp lý giữa giá HĐTL và giá cơ sở sẽ là cơ hội cho nhà kinh doanh chênh lệch giá. Do đó, ngoài việc chú ý đến xu hướng của chỉ số VN30 và HĐTL, nhà đầu tư cá nhân cũng cần chú ý đến việc xác định giá trị 'fair-value' khi tham gia giao dịch, tránh việc mua đuổi, bán đuổi, đặt lệnh quá xa giá trị này”, ông Huy khuyến nghị.

Kiếm lợi trên thị trường phái sinh có dễ?

Trên thực tế, dòng tiền thông minh luôn biết “len lỏi” vào thị trường tiềm năng, dễ sinh lời. Nhìn lại diễn biến trên thị trường cơ sở, dù ghi nhận sự hồi phục, nhưng chỉ tập trung vào một số mã bluechips như VCB, HPG, GAS, MSN, VIC… nên không phải nhà đầu tư nào cũng được hưởng lợi. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội sinh lời trên thị trường phái sinh.

Thực tế, trong các phiên gần đây, thị trường cơ sở giao dịch giằng co, tăng giảm mạnh trong phiên, nên với tính chất có thể đóng mở vị thế ngay lập tức của chứng khoán phái sinh, nhiều nhà đầu tư đã thực hiện chiến thuật trading trong ngày, dẫn đến thanh khoản chứng khoán phái sinh tăng mạnh.

Có thể nói, thị TTCK phái sinh đã chứng tỏ vai trò phòng vệ rủi ro hiệu quả, có tác dụng ổn định tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt khi thị trường cơ sở biến động đột ngột. Theo CTCK MB (MBS), có 2 nguyên nhân chính khiến thanh khoản thị trường phái sinh tăng mạnh: Một là sự biến động mạnh của thị trường cơ sở - yếu tố khiến thanh khoản tăng. Biên độ biến động giá chính là yếu tố mang lại sự hấp dẫn cho sản phẩm phái sinh nói chung và hợp đồng tương lai nói riêng.

Hai là thị trường cơ sở không thuận lợi, khiến hợp đồng tương lai được quan tâm. Chứng khoán tăng về chỉ số, nhưng nhiều cổ phiếu lại giảm giá, khiến nhà đầu tư không dễ có lãi. Vì thế, tiền quay sang tìm cơ hội trên thị trường phái sinh để sinh lời.

Về ý kiến một bộ phận nhà đầu tư đang “tác động” vào chỉ số VN30 để phục vụ cho giao dịch phái sinh, MBS cho rằng, lập luận này thiếu cơ sở. Bởi theo MBS, tuy thanh khoản của chứng khoán phái sinh tăng khá mạnh, nhưng lợi nhuận thu về từ giao dịch trên thị trường này còn thấp, thậm chí thấp hơn nhiều chi phí phải bỏ ra cho việc tác động vào chỉ số VN30 để “đánh lên”.

Không thể phủ nhận tính hấp dẫn và các đặc tính vượt trội của HĐTL chỉ số VN30, trong đó tiêu biểu nhất là khả năng mua - bán theo 2 chiều và có thể đóng/mở vị thế ngay trong phiên, nhà đầu tư có thể kiếm tiền ngay cả khi thị trường giảm và đóng vị thế bất kỳ lúc nào trong phiên giao dịch. Đồng thời, HĐTL cũng mang đến công cụ phòng ngừa rủi ro đối với danh mục chứng khoán cơ sở. Do đó, sản phẩm HĐTL được nhìn nhận sẽ ngày càng được đông đảo nhà đầu tư đón nhận.

Khi có nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư lớn tham gia thị trường, các cơ hội kinh doanh chênh lệch giá sẽ được tận dụng triệt để hơn. Do đó, giá các HĐTL sẽ tiền gần về giá trị "fairvalue" hơn, đồng thời sẽ không lệch bất thường với chỉ số cơ sở nhiều như giai đoạn hiện tại. Điều này, theo HSC, cũng sẽ giảm thiểu rủi ro đáng kể cho cả nhà đầu cơ lẫn nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro (rủi ro basis – basis risk) dựa trên hợp đồng tương lai chỉ số. "Rủi ro basis" ở đây được hiểu là rủi ro mà các khoản đầu tư bù đắp vị thế trong một chiến lược phòng ngừa rủi ro không thay đổi theo các hướng đối ngược nhau. Mối tương quan không hoàn hảo giữa các khoản đầu tư bù đắp vị thế đã tạo ra các khoản lỗ hoặc lãi tiềm ẩn trong một chiến lược phòng ngừa rủi ro và do đó đã làm gia tăng thêm rủi ro cho vị thế của nhà đầu tư (nhà phòng ngừa rủi ro). 

 

Việc thị trường cơ sở biến động mạnh như hiện nay là điều kiện thuận lợi để có thể kiếm lợi trên thị trường phái sinh

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta

Sự tương quan giữa thị trường cơ sở và thị trường phái sinh là điều tất yếu. Khi thị trường cơ sở không thuận lợi cho thị trường giá xuống, thì dòng tiền sẽ tìm kiếm lợi nhuận tại thị trường phái sinh. Việc thị trường cơ sở biến động mạnh như hiện nay là điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư có thể kiếm lợi tại thị trường giá xuống trên thị trường phái sinh.

Hoạt động kiểm soát rủi ro danh mục bằng công cụ phái sinh cũng là điều mà nhiều quỹ đầu tư trên thế giới áp dụng và với thanh khoản như hiện nay của thị trường phái sinh, nhiều quỹ đầu tư hoặc các "tay chơi lớn" trên thị trường cũng có thể áp dụng được.

Khi tham gia thị trường phái sinh, nhà đầu tư nên xác định cách trading riêng và ưu tiên quản trị rủi ro danh mục

Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược, CTCK MB (MBS)

Tôi cho rằng, ở  bất kỳ thị trường nào thì cũng có một bộ phận nhà đầu tư lớn, hay còn gọi là "tay chơi lớn" tham gia để tìm kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, việc xác định phần nào đến từ những "tay chơi lớn" trong con số tổng thị trường là điều không dễ dàng. So với các nhà đầu tư cá nhân, các nhà đầu tư lớn có lợi thế hơn, bởi ngoài việc có "hàng" để chi phối, họ còn có tiền, các công cụ trading và nhạy bén với thông tin thị trường.

Vì vậy, khi đã tham gia vào thị trường, rủi ro là không thể tránh khỏi. Nhà đầu tư nên tập làm quen với những hiện tượng như vậy và quan trọng hơn là xác định cho mình cách trading riêng, đồng thời ưu tiên quản trị rủi ro danh mục.

Mặt khác, dòng tiền luôn có xu hướng tìm kiếm cơ hội ở nơi có lợi nhuận hấp dẫn và rõ ràng, nếu so với thị trường cơ sở thì thị trường phái sinh là phần bù đắp những rào cản kỹ thuật như T0 hoặc được bán khống trong phiên. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, thị trường cơ sở thường có những phiên biến động lớn, biên độ tăng/giảm trong phiên lên tới 30-40 điểm, điều này làm cho tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng và không dám giải ngân ở thị trường cơ sở.

Tuy nhiên, đây chính là lợi thế của thị trường phái sinh khi chỉ quan tâm đến độ biến động trong phiên, mà không cần thị trường phải đi theo xu hướng. Vì vậy, dòng tiền đã chuyển một phần từ thị trường cơ sở sang thị trường phái sinh. Chỉ trong thời gian rất ngắn, mức thanh khoản bình quân từ 40.000 – 50.000 hợp đồng/phiên đã tăng lên 100.000 hợp đồng/phiên.

Tóm lại, về nguyên tắc, 2 thị trường này là 2 dạng hàng hóa bổ sung cho nhau. Khi thị trường cơ sở khó tìm kiếm cơ hội đầu tư và độ biến động lớn thì đó là cơ hội cho thị trường phái sinh, bởi những ưu điểm của thị trường phái sinh đã bù đắp cho những hạn chế của thị trường cơ sở.

Hoàng Anh

Đầu tư chứng khoán





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (6)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thị phần phái sinh quý 1: DNSE lọt vào top 5

Top 10 thị phần môi giới phái sinh quý 1/2024 có diễn biến bất ngờ.

Giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tăng gần 45% trong tháng 3

Tháng 3/2024, cùng với diễn biến giao dịch sôi động trên thị trường cơ sở, thanh khoản trên thị trường chứng khoán phái sinh cũng tăng mạnh.

Giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 giảm mạnh trong tháng 2

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thị trường chứng khoán phái sinh có giao dịch giảm khá mạnh trong tháng 2/2024.

Top thị phần môi giới phái sinh biến động ra sao năm 2023?

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố 10 công ty chứng khoán (CTCK) có thị phần môi giới phái sinh lớn nhất năm 2023.

Thị trường phái sinh có gần 1.5 triệu tài khoản tại cuối tháng 11

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh tháng 11/2023 có diễn biến tăng nhẹ.

Giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tăng nhẹ trong tháng 10

Thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh tháng 10/2023 không có nhiều biến động so với tháng trước.

Thị phần môi giới phái sinh của Chứng khoán VPS giảm 2 quý liên tiếp

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố top 10 thị phần môi giới lớn nhất trên thị trường chứng khoán phái sinh quý 3/2023.

Khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai VN30 tăng 12% trong tháng 9/2023

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tháng 9/2023, khối lượng giao dịch (KLGD) bình quân của sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đạt 255,845...

Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh tháng 8/2023 tăng 3%, gần 1.4 triệu tài khoản

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh tháng 8/2023 tăng mạnh so với tháng trước. Sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số...

6 năm hoạt động chứng khoán phái sinh: Giao dịch hợp đồng VN30 tăng bình quân 27.5%/năm

Nhìn lại 6 năm hoạt động của thị trường chứng khoán phái sinh, HNX cho biết tăng trưởng bình quân giao dịch HĐTL chỉ số VN30 đạt 27.5%/năm và tính đến cuối tháng 7...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98