Dầu WTI sụt gần 4% tuần qua bất chấp đà tăng trong phiên
Dầu WTI sụt gần 4% tuần qua bất chấp đà tăng trong phiên
Tuần qua, giá dầu WTI sụt 3.8%, giá dầu Brent giảm 2.3%
Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng giá vào ngày thứ Sáu (13/07), nhưng vẫn giảm mạnh trong tuần qua, khi nhà đầu tư cân nhắc những lo ngại về sự phục hồi của nguồn cung dầu tại Libya và các xung đột thương mại toàn cầu trong bối cảnh các dấu hiệu cho thấy nguồn cung dầu thô thắt chặt hơn và sản lượng dự phòng thu hẹp, MarketWatch đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8 trên sàn Nymex tiến 68 xu (tương đương 1%) lên 71.01 USD/thùng. Hôm thứ Năm (12/07), hợp đồng này đã đóng cửa tại mức 70.33 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ ngày 25/06/2018. Tuần qua, hợp đồng dầu WTI sụt 3.8%.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 9 trên sàn Luân Đôn cộng 88 xu (tương đương 1.2%) lên 75.33 USD/thùng, nhưng vẫn giảm 2.3% trong tuần qua.
Robbie Fraser, Chuyên gia phân tích hàng hóa tại Schneider Electric, nhận định: “Giá dầu Brent lao dốc 6.9%, hoặc hơn 5 USD/thùng, chỉ trong ngày thứ Tư (11/07), khi lo ngại về thương mại, sự phục hồi của nguồn cung tại Libya và khả năng Mỹ mềm mỏng hơn đối với các lệnh trừng phạt Iran, tất cả kết hợp đã loại bỏ những yếu tố tích cực của thị trường”.
Tuần này, Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Libya đã hoạt động sản xuất trở lại và ước tính có thể đóng góp 700,000 thùng/ngày cho thị trường toàn cầu.
Những người tham gia thị trường cũng lo ngại về căng thẳng thương mại ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngoài ra, Washington cũng tăng khả năng cho các đồng minh có thể mua dầu thô từ Iran mặc dù vẫn áp các lệnh trừng phạt.
Những lo ngại trên đã lấn át báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), vốn cho biết nguồn cung dầu thô tại Mỹ sụt 12.6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 06/07/2018. Một báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào ngày thứ Năm cho thấy năng lực sản xuất dự trữ toàn cầu có thể bị kìm hãm.
Một số nhà phân tích chỉ ra rằng bất kỳ nguồn cung bổ sung nào từ Libya cũng có thể làm dịu bớt sự thiếu hụt nguồn cung từ các quốc gia khác cũng như đà giảm mạnh của kim ngạch xuất khẩu dầu tại Iran sau các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Bên cạnh đó, các chiến lược gia tại ING cho biết những con số mới nhất từ Trung Quốc cho thấy kim ngạch nhập khẩu dầu thô vào nước này chạm mức thấp nhất kể từ tháng 12/2017. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô từ Mỹ lớn thứ 2 trong quý 1/2018, báo cáo từ EIA cho thấy, nhưng hiện nước này vẫn chưa áp thuế quan đối với dầu thô từ Mỹ.
Dữ liệu từ Baker Hughes vào ngày thứ Sáu cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ hầu như không thay đổi tại mức 863 giàn trong tuần này.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 8 tăng 1.7% lên 2.107 USD/gallon, nhưng vẫn mất 0.1% trong tuần qua. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 8 tiến 0.5% lên 2.133 USD/gallon, dẫu vậy, hợp đồng này vẫn giảm 1.6% trong tuần qua.
Trong khi đó, hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 8 lùi 1.6% xuống 2.752 USD/MMBtu, qua đó góp phần nâng tổng mức lao dốc trong tuần lên 3.7%.
Fili