Bao giờ “thấy KDC… lại thấy Tết”?

05/10/2018 09:08
05-10-2018 09:08:31+07:00

Bao giờ “thấy KDC… lại thấy Tết”?

Thông điệp nhẹ nhàng đi vào lòng người một thời "Thấy Kinh Đô là thấy Tết" trên các đoạn phim quảng cáo đã không còn thuộc sở hữu của KDC từ năm 2016, khi đơn vị này nói lời chia tay với mảng bánh kẹo - vốn là “điểm nhấn” trong nguồn thu của KDC trong suốt 23 năm qua. Hiện tại, dường như mọi chuyện đã khác đi rất nhiều!

* Doanh nghiệp ngành thực phẩm và cuộc chiến thị phần

Chuyển mình có là bước đi khôn ngoan?

KDC tiền thân là tập đoàn Kinh Đô, được thành lập vào năm 1993. Trong suốt 23 năm đầu của chặng đường phát triển, KDC đã thiết lập được chỗ đứng khá vững chắc trên thị trường với một số các sản phẩm bánh kẹo, bánh bông lan, bánh mì, bánh trung thu, bánh quy và kem dưới thương hiệu Kinh Đô.

Tuy nhiên, năm 2015, Kinh Đô chính thức chuyển mình khi quyết định nói lời chia tay với mảng bánh kẹo vốn mang lại nguồn sống cho công ty từ những ngày sơ khai. Theo các chuyên gia lúc bấy giờ nhận định, đây là bước rút khôn ngoan của Kinh Đô khi dư địa tăng trưởng của thị trường bánh kẹo không còn nhiều, chỉ còn khoảng trên dưới 10%. Thêm vào đó, số tiền mà đối tác Mondelēz International chi ra để mua mảng này của Kinh Đô cũng không hề nhỏ với hơn 9,800 tỷ đồng.

Quá hời để rời bỏ mảng cũ, KDC quyết định dấn thân vào thị trường thực phẩm và gia vị với ngành hàng lạnh là các sản phẩm kem, sữa, thực phẩm đông lạnh; cùng hàng khô như dầu ăn, mì ăn liền, hạt nêm, nước chấm, cà phê, thực phẩm đóng gói tiện lợi… với slogan mới “Lấp đầy gian bếp Việt”. Đây cũng là thời điểm Kinh Đô đổi tên thành Tập đoàn Kido và ồ ạt tiến hành M&A với loạt tên tuổi khác như Tường An (TAC), Vocarimex, Thực phẩm Đông lạnh Kido, Dabaco (DBC) và đang lên kế hoạch mua Golden Hope Nhà Bè (hiện Vocarimex đang nắm 49%), …

Với bước đi trên, Kido dường như đang muốn làm đối trọng của Masan khi các ngàng hàng khá tương đồng nhau và đặc biệt slogan cũng có ý nghĩa giống nhau “Mỗi gia đình Việt có một sản phẩm của Masan”. Chưa kể, trên thị trường, một rừng các thương hiệu mì gói, dầu ăn, nước chấm khác đã ít nhiều có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng.

Những sản phẩm tiêu biểu thuộc hai ngành hàng khô và lạnh của Kido

Tuy nhiên, cũng phải lưu ý, trong số các nhãn hiệu dầu ăn thuộc Kido sau khi thâu tóm thì chỉ có nhãn hàng Tường An lọt vào top 10 thương hiệu theo ngành hàng được người tiêu dùng sử dụng trong năm 2017, theo thống kê của Kantar Worldpanel. Và nhãn hàng kem cũng khá quen thuộc với người tiêu dùng. Tuy nhiên, sản phẩm mới mì gói và hạt nêm mang nhãn hiệu Đại Gia Đình sẽ phải chật vật xoay vần.

Mặc dù Kido có lợi thế với 450,000 điểm bán lẻ ngành khô, 70,000 điểm bán lẻ ngành lạnh, 281 nhà phân phối... và hiện chiếm khoảng 30% thị phần dầu ăn - cả dầu chai và đông lạnh. Riêng “mắt xích” Tường An, thị phần khoảng 20%, nhưng “việc giữ được thị phần rất khó và Tường An vẫn đang cố gắng để duy trì” – Ban Lãnh đạo Tường An cho biết như vậy tại ĐHĐCĐ thường niên giữa năm 2018.

Top 10 sản phẩm được lựa chọn nhiều nhất năm 2017

Kido đặt mục tiêu lọt vào nhóm 3 công ty có thị phần lớn nhất trong các ngành hàng này trong vòng 2-3 năm tới và doanh thu 1 tỷ USD. Mục tiêu này liệu có dễ dàng đạt được như Kido nói khi mà vị trí của các nhà sản xuất hiện tại đã được duy trì từ 5-6 năm nay. Thậm chí, các doanh nghiệp này đã phải chi hàng trăm đến ngàn tỷ đồng cho khoản mục marketing và quảng cáo mỗi năm.

Top 10 nhà sản xuất được lựa chọn nhiều nhất năm 2017

Nói thế để thấy rằng, để lọt vào bảng xếp hạng 10 nhà sản xuất được chọn mua nhiều nhất ở cả khu vực thành phố và nông thôn, Kido sẽ phải đi một chặng đường rất khó khăn và tốn kém. Dù dưới con mắt của các nhà lãnh đạo Kido thì dư địa phát triển thị trường này còn rất khả quan. Trong đó, giá trị ngành thực phẩm thiết yếu năm 2018 có thể đạt tới 250,000 tỷ đồng, thực phẩm đóng gói là 175,900 tỷ đồng, với mức tăng trưởng khoảng 6.2%; thực phẩm đông lạnh là 18,160 tỷ đồng, với mức tăng trưởng 5.5%.

Những “cú bồi” sau “hào quang”

Sau thương vụ bán mảng bánh kẹo, Kido ghi nhận khoản tiền khổng lồ, nhờ đó, lợi nhuận năm 2015 và 2016 của Tập đoàn này cũng vọt lên mức cao nhất từ trước tới nay với 5,270 và 1,115 tỷ đồng, nhưng doanh thu sụt giảm rất mạnh.

Vậy, Kido đã dùng khoản tiền này như thế nào? Thứ nhất là M&A Vocarimex và đầu tư vào mì gói cùng cà phê; thứ nữa là chia cổ tức bằng tiền mặt tới 200% cho cổ đông và đặc biệt là… mua cổ phiếu quỹ. Thêm vào đó, Kido còn tham gia vào một mảng khá “lạc loài” là đầu tư mua 250 tỷ đồng trái phiếu của Chứng khoán Rồng Việt (VDS) và CEO Trần Lệ Nguyên còn giữ vị trí Chủ tịch tại đây. Ngoài ra, tại thời điểm 30/06/2018, Kido đã tạm ứng cho VDS gần 86 tỷ đồng để đầu tư vào cổ phần mục tiêu, giảm so mức đầu năm là 177 tỷ đồng.

Bộ máy 14 công ty con, liên kết và đồng kiểm soát của Kido

Mải mê M&A, mải mê tiêu tiền, Kido dường như đã quên mất phải trở lại quỹ đạo như thế nào khi cho thấy bước trượt chân đầu tiên từ sau khi chuyển giao lĩnh vực hoạt động. Quý 4/2017 và quý 1/2018, Kido bất ngờ chìm trong thua lỗ, mặc dù sang quý 2/2018 có phục hồi chút ít nhưng lợi nhuận mang về vẫn rất ít ỏi, chỉ vỏn vẹn hơn 800 triệu đồng dù doanh thu đang có dấu hiệu tăng trưởng trở lại nhờ sáp nhập công ty con.

Vậy, Kido sẽ làm như thế nào để đạt được kết quả kinh doanh đề ra cho cả năm 2018 với doanh thu thuần 12,000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng? Trong khi doanh thu 6 tháng chỉ mới 3,781 tỷ đồng và lãi trước thuế vỏn vẹn 71 tỷ đồng, lao dốc thảm hại so mức 539 tỷ đồng của cùng kỳ 2017.

Tình hình lãi lỗ của KDC từ năm 2004 đến 6 tháng 2018 (Đvt: tỷ đồng)

Chưa nói đến những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty dưới quyền Kido kiểm soát, vẫn phải gồng mình để chen chân trong cuộc đua thị phần như thế nào, thì gần đây nhất, CTCP Đầu tư Lavenue (đơn vị do Kido cùng nắm quyền kiểm soát với 50% vốn) đang gặp những rắc rối lớn liên quan đến khu đất vàng tại quận 1, TPHCM.

Phối cảnh dự án Lavenue Crown

Cụ thể, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại, dịch vụ, căn hộ cho thuê tại địa chỉ số 8-12 Lê Duẩn đã vi phạm về giao đất, cho thuê đất, có dấu hiệu cố ý làm trái quy định. Từ đó, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi lại toàn bộ khu đất số 8-12 đường Lê Duẩn (gần 5,000m2) để thực hiện việc đấu giá; đồng thời, xem xét, tính toán để hoàn trả chi phí hợp lý cho CTCP Đầu tư Lavenue.

Được biết, thời điểm năm 2007, lô đất số 8-12 đường Lê Duẩn do Công ty Quản lý Kinh doanh Nhà TPHCM quản lý và cho 4 CTCP thuộc Bộ Công Thương gồm Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Kim khí TPHCM (HMC), Hóa chất Vật liệu Điện TP và Vận tải Xăng dầu thuê làm trụ sở. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án xây khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại, thay vì cho đấu thầu, chọn doanh nghiệp có kinh nghiệm làm chủ đầu tư, TPHCM lại chấp thuận phương án thành lập CTCP Đầu tư Lavenue và cho 4 công ty trên tham gia 50% cổ phần (chia đều mỗi công ty 12.5%), còn lại là của Công ty Quản lý Kinh doanh Nhà TPHCM.

Ngay sau khi được UBND Thành phố ưu tiên cho tham gia cổ phần, 4 công ty trên đã cùng sang nhượng quyền đầu tư phát triển dự án cho Kinh Đô (nay là Kido) để kiếm lời.

Sau khi hoàn tất chuyển nhượng, CTCP Đầu tư Lavenue có vốn 2,100 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông là Công ty Quản lý Kinh doanh Nhà TPHCM (tỷ lệ 20%), Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm (tỷ lệ 30%) và Công ty Kido (tỷ lệ 50%).  Như vậy, các công ty tư nhân chiếm đến 80% cổ phần dự án đầu tư khu đất 5,000 m2.

Trên báo cáo tài chính, tại thời điểm 30/06/2018, giá trị đầu tư của Kido vào Lavenue chiếm 1,072 tỷ đồng.

Cổ phiếu KDC lao đao

Chưa dừng lại ở đó, vừa qua, MV Index Solutions (MVIS) loại cổ phiếu KDC ra khỏi danh mục, rồi Sở GDCK TPHCM loại KDC ra khỏi danh sách chứng khoán cơ sở của Covered Warrant (CW) trong quý 3/2018.

Liên tiếp nhận những “cú bồi” nặng trịch, cổ phiếu KDC đang trên đà xuống dốc với mức giảm gần 29% trong vòng 3 tháng qua, hiện giao dịch quanh mức 27,000-28,000 đồng/cp. Khối lượng giao dịch cũng èo uột với bình quân hơn 250,000 đơn vị/ngày trong tuần qua.

Biến động cổ phiếu KDC từ năm 2014 đến nay

Cũng phải lưu ý, việc dùng một phần tiền từ đợt bán mảng kinh doanh chính để mua cổ phiếu quỹ trước đây của KDC đang khiến bảng cân đối kế toán của đơn vị này ghi âm gần 2,000 tỷ đồng với 51 triệu cổ phiếu quỹ. Tương ứng bình quân mỗi cổ phiếu khi KDC mua vào trên mức 38,000 đồng. Trong khi đó, thị giá hiện tại của KDC chỉ quanh mức 28,000 đồng/cp, như vậy hiện nay khoản đầu tư này nếu tính theo thị giá thì đang lỗ hơn 500 tỷ đồng.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ năm 2017, lãnh đạo KDC cho biết đã có đối tác muốn mua lại số cổ phiếu quỹ trên. Nếu bán 50 triệu cổ phiếu quỹ thì Kido sẽ thu về 2,500 tỷ đồng do mục tiêu bán phải trên 50,000 đồng/cp. Nếu bán thì số tiền đó để chia cổ tức bất thường cho cổ đông như trước đây bán mảng bánh kẹo.

Nhưng liệu với tình hình bây giờ, có đối tác nào chịu chi ra 50,000 đồng để mua 1 cổ phiếu KDC khi giá trên sàn rẻ hơn gần một nửa? Đó là chưa kể những định hướng chiến lược mới cũng như nội tại hoạt động kinh doanh của KDC đang cho kết quả bất ổn thời gian qua.

Và bao giờ nhà đầu tư sẽ thấy lại một KDC… như là thấy Tết - của ngày xưa?

Minh An

Fili







MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (6)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Chủ tịch HĐQT Chứng khoán DNSE: Tỷ lệ khách hàng rời bỏ dịch vụ phái sinh của DNSE gần như bằng 0

Trả lời cổ đông tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2024 diễn ra vào 16/4, Ban lãnh đạo DNSE cho biết dự tính lợi nhuận Quý I, kế hoạch sử dụng vốn sau IPO, giải...

Huy động nhiệt điện tăng, PPC lãi gấp 4 lần cùng kỳ

Theo BCTC quý 1/2024, CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC) có một kỳ kinh doanh tăng trưởng lớn về cả doanh thu lẫn lợi nhuận.

ĐHĐCĐ FPT Retail: Muốn thành công ty healthcare, đóng tiếp cửa hàng không hiệu quả

Đó là chia sẻ của Chủ tịch HĐQT CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HOSE: FRT) tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 được tổ chức chiều ngày 17/04.

Chứng khoán Yuanta báo lãi quý 1 gần gấp đôi, dư nợ cho vay tăng 27%

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) công bố báo cáo tài chính quý 1/2024 thể hiện kết quả khả quan với lãi sau thuế tăng 92%, đạt 37 tỷ đồng.

Một công ty thép thực hiện 50% kế hoạch lãi năm 2024 sau 1 quý

Sau khoảng thời gian lỗ kéo dài, CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco, UPCoM: TIS) đã trở lại mạch báo lãi quen thuộc trong 2 quý gần nhất.

PGBank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 58%, tăng vốn lên 5,000 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank, UPCoM: PGB) vừa công bố tài liệu chuẩn bị cho ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào ngày 20/04 tới.

D2D báo lãi quý 1 giảm 84%, nhưng dự kiến lãi gần 800 tỷ từ khu dân cư Lộc An giai đoạn 2

Ngay quý đầu năm 2024, CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (HOSE: D2D) đã ghi nhận lãi sau thuế giảm 84% so với cùng kỳ. Cùng với đó, lượng tiền mặt giảm gần...

Bidiphar lên kế hoạch doanh thu 2,000 tỷ đồng, tiếp tục chào bán riêng lẻ cho đối tác ngoại

Công ty sản xuất thuốc ung thư duy nhất trên sàn DBD tiếp tục tiến trình chào bán riêng lẻ cho đối tác ngoại, kế hoạch doanh thu 2,000 tỷ đồng.

Chứng khoán Rồng Việt báo lãi trước thuế 138 tỷ đồng trong quý 1/2024, tăng 78% so với cùng kỳ

CTCP Chứng khoán Rồng Việt vừa công bố kết quả kinh doanh (KQKD) quý 1/2024 với doanh thu đạt 283.7 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 138.1 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh...

Đất Xanh Miền Bắc “bốc hơi” 95% lợi nhuận trong năm 2023

Kết thúc năm 2023, lợi nhuận sau thuế Đất Xanh miền Bắc chỉ đạt hơn 14 tỷ đồng, kém 95% so với năm 2022.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98