Metro sắp hết khát vốn

17/11/2018 11:10
17-11-2018 11:10:00+07:00

Metro sắp hết khát vốn

Ba dự án đường sắt đô thị sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản đều tăng vốn nhiều nghìn tỉ đồng, đang thiếu vốn, có nguy cơ đình trệ.

Nhà ga Bến Thành của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: Quang Định

 

Ba dự án gồm: tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Hà Nội), hai tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và metro số 2 Bến Thành - Tham Lương (TP.HCM).

Cơn khát vốn của 3 dự án này phần nào được giải khi mới đây Quốc hội đã quyết định nâng trần vay ODA thêm 60.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, thủ tục tăng vốn cho cả 3 dự án này khá phức tạp, nhanh nhất phải tới tháng 5-2019 các dự án mới có thể điều chỉnh tăng vốn đầu tư.

Ba dự án cần hơn 70.400 tỉ đồng

Báo cáo của Bộ Kế hoạch - đầu tư về tình hình sử dụng vốn vay ODA đã chỉ ra tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư xảy ra đối với nhiều chương trình, dự án, điển hình là các dự án đường sắt đô thị.

Trong khi đó, quy trình, thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư thường mất rất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện dự án do phải tiến hành thẩm định, lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hầu hết các dự án đường sắt đô thị (metro) đều xảy ra tình trạng trên.

Cụ thể, tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, tại Hà Nội, tổng mức đầu tư dự án được đề xuất tăng từ 19.555 tỉ đồng lên 51.750 tỉ đồng. Sau khi Bộ Kế hoạch - đầu tư thẩm định đã đề nghị điều chỉnh xuống 33.568 tỉ đồng.

Còn với dự án tuyến metro số 1 tại TP.HCM, đoạn Bến Thành - Suối Tiên được đề xuất tăng vốn từ 17.387 tỉ đồng lên 47.325 tỉ đồng. Tương tự, dự án tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương cũng tăng vốn từ 21.116 tỉ đồng lên 47.603 tỉ đồng.

Như vậy, 3 dự án đường sắt đô thị gồm metro số 1, metro số 2 tại TP.HCM và tuyến đường sắt đô thị số 2 tại Hà Nội cần bổ sung thêm khoảng 70.438 tỉ đồng để bảo đảm nguồn vốn giải ngân cho 3 dự án trong những năm tới.

Tình trạng đói vốn đầu tư các dự án đường sắt đô thị thời gian qua đã đẩy các dự án rơi vào tình trạng chậm tiến độ, có thể kể tới tuyến metro số 1, TP.HCM dù đã hoàn thành được 56% khối lượng thi công nhưng đang rơi vào tình trạng đói vốn, đình trệ.

TP.HCM tính toán: để vận hành đúng kế hoạch vào năm 2020, giai đoạn 2016 - 2020, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có nhu cầu vốn khoảng 28.000 tỉ đồng, nhưng đến nay Bộ Kế hoạch - đầu tư mới bố trí được 7.500 tỉ đồng, và dự án còn thiếu khoảng 20.500 tỉ đồng.

Hiện tiến độ giải ngân vốn dự án metro số 1 vẫn hết sức khiêm tốn, phần giải ngân vốn ODA mới đạt 13.969 tỉ đồng (33% tổng vốn), vốn đối ứng trong nước đạt 1.465 tỉ đồng (đạt 27% tổng vốn).

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đoạn qua quận 2. Ảnh: Quang Định

Ngày 12-11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, cho phép tăng mức trần nguồn vốn vay nước ngoài từ 300.000 tỉ đồng lên 360.000 tỉ đồng nhưng yêu cầu giảm tương ứng nguồn vốn vay trong nước để đảm bảo an toàn nợ công. Điều này đồng nghĩa trần vay vốn ODA tăng thêm 60.000 tỉ đồng từ nay tới năm 2020, tăng tiếp cận vốn vay cho 3 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM.

Tháng 5-2019: có cơ chế bố trí tăng vốn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện Bộ Kế hoạch - đầu tư xác nhận 60.000 tỉ đồng vốn ODA được Quốc hội đồng ý điều chỉnh tăng thêm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, sẽ được phục vụ cho một số nhu cầu.

Trong số này đã được tính toán đủ vốn dự kiến tăng thêm cho ba dự án đường sắt trên cao gồm: hai tuyến tại TP.HCM (metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và metro số 2 Bến Thành - Tham Lương), và tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, tại Hà Nội.

Vị này cho biết thêm báo cáo việc điều chỉnh phân bổ vốn cho 3 dự án metro sẽ có các nội dung tổng thể về dự án, nêu lý do tại sao tăng tổng mức đầu tư, số vốn được điều chỉnh cùng toàn bộ các vấn đề liên quan.

Theo quy trình, báo cáo về ba tuyến đường sắt này được Chính phủ giao cho bộ trưởng Bộ GTVT thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ để thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội, xem xét phê duyệt tăng tổng mức đầu tư và cơ chế tài chính cho dự án.

Vị đại diện Bộ Kế hoạch - đầu tư thông tin thêm với 3 dự án metro sẽ có thêm một bước trình Bộ Chính trị xin ý kiến, sau đó mới trình ra Quốc hội.

Do đó, việc sử dụng nguồn vốn 60.000 tỉ đồng tăng thêm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn như thế nào còn phụ thuộc vào việc Bộ Chính trị cho ý kiến. Sau đó, Quốc hội tiếp tục có bước xem xét cụ thể là có đồng ý tăng thêm vốn cho từng dự án hay không và khoản tăng thêm đó đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm bố trí vốn.

Cũng theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, việc phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là thẩm quyền của Quốc hội. Do đó, sớm nhất cũng phải đợi đến kỳ họp tiếp theo, tức là vào tháng 5-2019 mới được đưa ra thảo luận, cho ý kiến và thông qua cơ chế tài chính cho các dự án.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM):

Chắc chắn dự án metro sẽ có thêm vốn

Việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong đó có việc thay đổi danh mục đầu tư, không làm thay đổi tổng mức đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 đã được phê duyệt là 2 triệu tỉ đồng.

Trong điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn có việc nới hạn mức vay ODA để tăng trần giải ngân cho các dự án. Trong việc nâng vốn ODA lên lần này có dành một khoản cho dự án đường sắt đô thị của Hà Nội tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, dự án metro số 2 Bến Thành - Tham Lương của TP.HCM. Tuy nhiên, hiện phải chờ cơ quan chức năng cho ý kiến, sau đó báo cáo Thường vụ Quốc hội để Chính phủ bố trí vốn.

Tôi cho rằng việc nâng trần ODA lần này sẽ khả quan hơn rất nhiều bởi trước đây chưa bố trí nguồn, bây giờ Quốc hội đã bố trí nguồn để giải quyết các dự án ODA. Trước đây, trong kế hoạch đầu tư công chưa bố trí nguồn này, còn bây giờ đã bổ sung nguồn này vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Tôi thấy điều này là khả thi và tới đây sẽ có vốn cho dự án.

Ông Nguyễn Đức Hải (chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội):

Quốc hội mở nguồn, chỉ còn chờ Chính phủ

Trong điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn (2016 - 2020) đã có chủ trương nâng trần vốn vay ODA. Quốc hội đã đồng ý mở nguồn, còn lại quy trình rà soát, thẩm định thế nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ sẽ làm việc cụ thể với Hà Nội và TP.HCM.

Việc phê duyệt phân bổ cụ thể cho các dự án metro là một nội dung điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chính phủ sẽ nghiên cứu, phân bổ cụ thể theo thẩm quyền.

Còn tại kỳ họp lần này, Quốc hội không thể quyết ngay bao nhiêu vốn cho từng dự án metro cụ thể. Quốc hội đã giao Chính phủ lên kế hoạch phân bổ và trình Quốc hội không chỉ với những dự án metro mà cả các dự án khác nữa, trên cơ sở cân đối nguồn lực hiện có.

Về nguyên tắc, khi Quốc hội đã đồng ý nâng trần vay ODA thì Chính phủ phải xử lý ngay việc phân bổ với những dự án đã có danh mục để không ách tắc vốn, đúng cam kết với các nhà tài trợ vay ODA nước ngoài. Chính phủ phải trình kế hoạch, Quốc hội mới quyết. Giờ mức vốn phân bổ cụ thể bao nhiêu còn chưa có đề xuất cụ thể.

Bảo Ngọc - Ngọc An - Thái Bá Dũng

Tuổi Trẻ





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Hà Nội sắp có thêm khu đô thị gần 630ha tại phía Bắc thành phố

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1972/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 1, tỷ lệ 1/2,000, quy mô gần 630ha.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có nguy cơ không còn đơn vị vận hành

Ban Quản lý dự án Thăng Long đã có văn bản báo cáo xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về nguồn kinh phí thực hiện vận hành tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Huyện Cần Giờ đã có kế hoạch sử dụng đất năm 2024

Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện Cần Giờ đã được UBND TP HCM phê duyệt. Huyện có gần 200 ha đất đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất.

5 gói thầu lớn dự án sân bay Long Thành sắp được đấu thầu

Theo chủ đầu tư dự án thành phần 3 sân bay Long Thành, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (UPCoM: ACV), sẽ có thêm 5 gói thầu thuộc dự án được đấu thầu...

Bắc Giang sắp xây dựng thêm khu công nghiệp rộng 170ha

Khu công nghiệp Thái Đào - Tân An ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp có công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Phương án sáp nhập thị xã Cửa Lò vào thành phố Vinh, sắp xếp 94 xã ở Nghệ An

Tỉnh Nghệ An dự kiến sẽ sáp nhập 3 đơn vị hành chính cấp huyện để mở rộng thành phố Vinh và sắp xếp 94 đơn vị hành chính cấp xã còn 45 đơn vị.

Dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng

Dự án xây dựng đường cao tốc đoạn Hòa Liên-Túy Loan, thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông TP. Đà Nẵng có chiều dài 11,5 km, được khởi công từ tháng 9/2023. Tuy...

Ai trúng thầu dự án cao tốc hơn 11 ngàn tỷ đồng tại Lạng Sơn?

Liên danh CTCP Xây dựng Đèo Cả, CTCP Tập đoàn Đèo Cả, CTCP Xây dựng công trình 568 và CTCP Lizen (HOSE: LCG) là nhà đầu tư trúng thầu dự án tuyến cao tốc cửa khẩu...

Đề xuất lấy đất quy hoạch công viên tại Khu đô thị Thủ Thiêm làm sân tập golf

Khu đất đề xuất xây dựng sân tập golf tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm được quy hoạch là đất công viên cây xanh, hiện trạng đã giải phóng mặt bằng, đang để trống.

Chính phủ yêu cầu nghiên cứu phương án tối ưu đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 152/TB-VPCP ngày 9/4/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Trưởng ban Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần...

Cổ phiếu bất động sản

Cổ phiếu xây dựng


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98