Lao dốc 22%, dầu đánh dấu tháng sụt giảm tồi tệ nhất trong 1 thập kỷ
Lao dốc 22%, dầu đánh dấu tháng sụt giảm tồi tệ nhất trong 1 thập kỷ
Trong tháng 11, dầu WTI và dầu Brent đều lao dốc 22%
Các hợp đồng dầu thô tương lai vào ngày thứ Sáu (30/11) đã ghi nhận đà lao dốc 22% trong tháng 11, đánh dấu tháng sụt giảm mạnh nhất trong 1 thập kỷ, khi nhà đầu tư lo ngại về tình trạng dư cung toàn cầu, MarketWatch đưa tin.
Tuy nhiên, giá dầu đã xóa bớt đáng kể đà sụt giảm đầu phiên ngày thứ Sáu khi dự đoán ngày càng tăng về khả năng các nhà sản xuất chủ chốt cắt giảm sản lượng, trước khi cuộc họp cuối cùng trong năm của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) diễn ra vào tuần tới.
Các hành động giao dịch được thực hiện có kiểm soát trước các cuộc họp tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina, nơi mà các cuộc đàm phán về dầu mỏ dự kiến được tổ chức bên lề hội nghị, trước khi cuộc họp chính thức diễn ra vào ngày 06/12 giữa OPEC và các đồng minh.
Vào ngày thứ Sáu, Bloomberg đưa tin rằng một Ủy ban OPEC đã đề nghị cắt giảm 1.3 triệu thùng từ mức sản lượng tháng 10.
Michael Hewson, Giám đốc chiến lược thị trường tại CMC Markets UK, nhận định: “Tại cuộc họp OPEC vào tuần tới, các nhà sản xuất dầu có thể quyết định cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày, với việc Nga cũng bắt đầu bày tỏ lo ngại về đà lao dốc của giá dầu. Tuy nhiên, ngay cả khi sản lượng được cắt giảm, mối lo về nhu cầu suy yếu vẫn gây sức ép lên giá dầu”.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1 trên sàn Nymex lùi 52 xu (tương đương 1%) xuống 50.93 USD/thùng sau khi dao động tại đáy 49.65 USD/thùng. Tuần qua, hợp đồng này đã tiến 1%.
Tuy nhiên, giá dầu WTI đã sụt 22% trong tháng 11, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy, sau khi dao động tại đỉnh 4 năm gần đây hồi đầu tháng 10/2018.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 1 trên sàn Luân Đôn, vốn hết hạn vào cuối phiên ngày thứ Sáu, mất 80 xu (tương đương 1.3%) còn 58.71 USD/thùng, qua đó nâng tổng mức lao dốc trong tháng 11 lên 22%. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 2 hạ 45 xu (tương đương gần 0.8%) xuống 59.46 USD/thùng.
Cả dầu WTI và dầu Brent đồng loạt đánh dấu tháng sụt giảm mạnh nhất trong 1 thập kỷ, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Nhìn về bức tranh lớn hơn, dầu Brent đã sụt 12% từ đầu năm đến nay, khi sản lượng nhảy vọt tại Mỹ, Nga và một số thành viên chủ chốt của OPEC, qua đó dẫn đến tình trạng dư cung trên thị trường toàn cầu.
Bên cạnh đó, Nga có thể nắm giữ chìa khóa cho vấn đề sản lượng sau khi hãng tin Reuters cho biết hôm thứ Năm (29/11) rằng nước này đang ngày càng được tin rằng cần cắt giảm sản lượng, mặc dù Nga vẫn đang thảo luận với Ả-rập Xê-út về chi tiết của bất kỳ động thái cắt giảm phối hợp nào trước khi cuộc họp của OPEC cùng với các đồng minh diễn ra vào tuần tới.
Trong khi đó, Tổng thống Nga, Vladimir Putin, và Thái tử Ả-rập Xê-út, Mohammed bin Salman, được kỳ vọng có cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, và có khả năng 2 nước này cố gắng tìm kiếm cơ sở chung về sản lượng trước khi cuộc họp của OPEC và các đồng minh diễn ra vào tuần tới
Ngoài ra, góp phần cung cấp gợi ý về hoạt động sản xuất tại Mỹ, vào ngày thứ Sáu, dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ cộng 2 giàn lên 887 giàn trong tuần này.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 12 lùi 0.9% xuống 1.441 USD/gallon. Trong khi đó, hợp đồng dầu sưởi giao tháng 12 nhích 0.1% lên 1.846 USD/gallon. Các hợp đồng này đã hết hạn vào cuối phiên ngày thứ Sáu và lao dốc 18% trong tháng 11.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 1 mất 0.7% còn 4.612 USD/MMBtu. Dẫu vậy, hợp đồng này đã bứt phá 41% trong tháng này, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất trong 9 năm.
Fili