Nhịp đập Thị trường 17/01: Tâm lý lạc quan lại bị thử thách

17/01/2019 15:30
17-01-2019 15:30:18+07:00

Nhịp đập Thị trường 17/01: Tâm lý lạc quan lại bị thử thách

VN-Index hồi phục một chút đầu phiên chiều rồi sau đó giảm dần đều về 905,8 điểm. Đến đợt ATC thì giảm luôn 4 điểm nữa xuống 901.9 điểm. Chỉ số quan trọng nhất của thị trường đóng cửa giảm 6.8 điểm, tức khoảng 0.75%. Mọi chỉ số phụ sàn HOSE cũng chìm trong sắc đỏ. Tâm lý lạc quan của phiên sáng đã bị thử thách mạnh trong phiên chiều, nhất là đợt ATC, vì trước đó rất nhiều quan điểm cho rằng phiên hôm qua chỉ là điều chỉnh. Vậy hôm nay tiếp tục là phiên điều chỉnh thứ 2?

Chỉ số nhóm Large Cap sàn HOSE, VN30-Index giảm mạnh tới -1.27%, trong đó bất ngờ nhất là GMD giảm tới 5.3%. VRE nới đà giảm từ hơn 2% trong phiên sáng lên 4.3% cuối phiên chiều. VPB cũng vậy. Ngược lại, chỉ có 3 mã tăng giá là DPM (+2.9%), MBB (+1.5%) và DHG (quay đầu từ giảm sang tăng 0.6%).

Nhóm ngân hàng vẫn còn phân hóa, nhưng sự chuyển biến trở nên tiêu cực hơn khi nhiều mã vốn hóa lớn đều đỏ như VCB, BID, CTG hay VPB. MBB, EIBACB may mắn vẫn giữ được sắc xanh.

2 sàn HNX và UPCoM chịu không nổi nhiệt từ HOSE. Chỉ số HNX-Index cầm cự trên sắc xanh suốt gần hết thời gian phiên chiều, nhưng đến ATC thì cũng chúc xuống dưới tham chiếu. Chỉ số UPCoM-Index thì sớm giảm từ thời điểm gần 14h, về khoảng 53.18 điểm cuối ATC, và dù có hồi vào những phút cuối (sàn UPCoM còn tiếp tục giao dịch đến 15h) nhưng cũng dừng lại ở 53.29 điểm, giảm nhẹ 0.05% dưới tham chiếu.

DBC có lẽ là cổ phiếu gây bất ngờ nhất trong nhóm Large Cap sàn HNX khi tăng 4-5% suốt ngày, nhưng đến ATC thì bỗng dưng giảm 3%.

Đã hơn 3 tháng rồi FLC mới có lại 1 phiên khớp lệnh tới hơn 127 tỷ đồng. Cổ phiếu này tăng mạnh hơn 3.4% trong phiên sáng, duy trì mạch tăng cao nhờ lực cầu treo khủng đến sau 14h thì bỗng dưng… bên mua hủy lệnh và giá giảm dần về khoảng 5,410 đ/cp. Cuối phiên ATC, FLC chốt lại ở 5,500 đ/cp, tiếp tục chuỗi tăng giá khoảng 10% kể từ đầu năm. Tuy nhiên với những ai đang mua FLC với giá cao hơn mức đóng cửa thì có lẽ cũng hơi lo, do yếu tố thanh khoản tăng vọt.

HPG lại bị khối ngoại bán ròng hơn 500,000 cp, có lẽ vì thế giảm giá 1.9%. Cổ phiếu này tiếp tục loay hoay tại vùng đáy 1 năm, và chỉ còn cao hơn 200 đồng so với mức đáy thiết lập ngày 04/01 năm nay.

Dệt may vẫn là nhóm may mắn chiều nay, dù thị trường chung suy giảm, chưa kể có chuyên gia trong ngành dự báo năm nay chưa chắc thuận lợi hơn năm 2018 dù vào CPTPP. May10, M10 tăng giá 13.7% chỉ với 1 lô khớp duy nhất. STK, GMC, VGG vẫn tăng giá suốt ngày.

Hôm nay là ngày Thứ 5 tuần thứ 3, tức là ngày giao dịch cuối cùng của hợp đồng tương lai VN30F1901. Giá hợp đồng đóng cửa ở con số chẵn 850 điểm, thấp hơn khoảng 3 điểm so với điểm số chỉ số VN30. Giao dịch bắt đầu chuyển qua hợp đồng “kế tiếp” là VN30F1902, với giá đóng cửa còn thấp hơn, chỉ 841.5 điểm. Liệu đây là chỉ báo chỉ số VN30-Index ngày mai còn giảm?

Phiên sáng: Lạc quan thì… thị trường vẫn đang điều chỉnh!

Diễn biến giao dịch sáng nay gây thất vọng khá lớn, khi mà VN-Index bất ngờ suy giảm dù không có thông tin xấu, dù chứng khoán Mỹ tăng đêm qua và châu Á sáng nay (trừ Nhật), dù nhóm ngân hàng vẫn có diễn biến tích cực, dù giá dầu vẫn ở giai đoạn hồi, dù nhóm bất động sản kỳ vọng cao vào mùa BCTC quý 4 này… nói chung là dù nhiều thông tin hỗ trợ. Large Cap, nhất là nhóm VN30 đang là tác nhân dìm chỉ số chính, với mức giảm tới 0.46%.

20/30 mã của nhóm VN30 giảm giá, trong đó giảm mạnh nhất là KDC và VRE (cùng -2.2%). HSG giảm 2.1%, là phiên thứ 2 giảm sau kỳ họp ĐHCĐ, và sau 1 chuỗi phiên tăng giá trước kỳ họp này.

Diễn biến HNX và UPCoM dễ thở hơn HOSE, dù cũng chịu tác động tâm lý. HNX-Index xanh hầu hết thời gian phiên sáng, nhưng cũng giảm dần và chạm tham chiếu vào gần cuối. May thay đã tăng trở lại lên 102.27 điểm (+0.28%) lúc nghỉ trưa. Trên sàn này, số mã tăng (33) ít hơn số mã giảm (56), nhưng đa số cổ phiếu đứng giá cũng là yếu tố giúp chỉ số sàn này tích cực hơn so với HOSE.

UPCoM giữ được sắc xanh có lẽ nhờ VEAVTP. Đối với VTP, đây là cổ phiếu được nhiều công ty chứng khoán dự báo sẽ tăng trưởng tốt nhờ đặc điểm của ngành giao nhận tại các thành phố lớn. Trên báo chí, người đọc thường được nhắc tới những cái tên như Grab, lalamove, ahamove, giaohangnhanh…, có lẽ Viettel Post (VTP) ít được nhắc đến hơn, tuy nhiên đơn giản mấy tên tuổi kia chưa lên sàn, nên chưa so sánh được hiệu quả.

Nhóm ngân hàng vẫn có diễn biến tích cực, nhưng có vẻ lẻ loi so với nhiều nhóm ngành khác. VIB đã nâng đà tăng lên hơn 3.3% (đầu phiên chỉ tăng hơn 2%). MBB dao động quanh +2%. VCB dao động xung quanh tham chiếu, lúc tăng lúc giảm và hiện tạm dừng ở tham chiếu.

Nhóm bảo hiểm bỗng dưng có 2 mã nổi loạn, PVI tăng 6.2% còn PTI giảm 6.9%. Thanh khoản trên PVI tăng vọt, cho thấy có khả năng cổ phiếu này tăng giá vì có tin gì đó. BVH cũng tăng nhẹ 2.2%, mang lại tín hiệu hồi phục sau hơn 1 tháng giảm giá rồi đi ngang.

Nhóm cao su cũng gây chú ý với PHR bất ngờ giảm đến 4.7% và HNG giảm 1.7%. Có lẽ thông tin và nhận định từ 1 bài báo, đại ý rằng giá cao su tăng nhưng chưa chắc doanh nghiệp trong nước được hưởng lợi tương ứng, đã tác động lên giá những cổ phiếu này. Tuy nhiên TRC tăng 2.2%.

Khối lượng khớp lệnh tại FLC đã tăng gấp 1.7 lần cả ngày hôm qua, và gấp nhiều lần mức bình quân gần đây. Rõ ràng thông tin về BambooAir đã khiến nhà đầu tư, đúng hơn là traders chú ý trở lại với FLC, nhưng lượng khớp khủng hôm nay lại cho thấy dấu hiệu chốt lời sớm.

Chưa thể nói BambooAir có thể đe dọa đến VietjetAir, nhưng so sánh diễn biến giá 2 cổ phiếu FLC và VJC, lại cho thấy 2 “con đường” trái ngược nhau. Sáng nay VJC giảm 1.3%, giảm phiên thứ 3 liên tiếp và ở vùng đáy kể từ cuối tháng 5 năm ngoái.

10h30: Từ ảm đạm chuyển sang thất sắc

VN-Index co giật dưới tham chiếu, dưới tác động tiêu cực từ các Large Cap như VRE, VNM, VJC, ROS… MBB tăng trở lại 2% và là cổ phiếu tăng giá tốt nhất trong VN30, nhưng không đấu lại các cổ phiếu kia do vốn hóa nhỏ hơn. Diễn biến trên HOSE đang khiến nhiều người tự hỏi điều gì ngăn cản đà tăng của chỉ số, khi đang vào mùa BCTC quý 4 và không có tin gì xấu. Liệu đây có phải phiên điều chỉnh… thứ 2 liên tiếp?

Nhóm ngân hàng nổi lên là nhóm hỗ trợ tốt nhất cho chỉ số lúc này, với đa số mã tăng giá, trong đó nổi bật là VIB và MBB. VCB cũng đã tăng nhẹ trở lại 0.2% sau khi mở cửa trong sắc đỏ.

Diễn biến trên HNX đang xấu dần, dù chỉ số vẫn xanh. Ảnh hưởng từ HOSE là thấy rõ. DBC vẫn tăng giá gần 5%, nhưng trong nhóm Largec Cap sàn này, số mã giảm đang tăng lên.

HPG lại quay lại với sắc đỏ với mức giảm 0.5%, có lẽ do khối ngoại bán ròng. Như vậy HPG vẫn đang ngụp lặn quanh vùng đáy 1 năm, dù dự báo kết quả kinh doanh cả năm 2018 vẫn rất tích cực. Xung quanh HPG, hầu hết cổ phiếu tôn thép cũng giảm giá, kể cả HSG. Riêng TVN tăng 4% nhưng chỉ có 200 cổ phiếu được khớp.

FLC đã tăng hơn 3% với hơn 13 triệu cổ phiếu được khớp. Về góc độ kỹ thuật, FLC đang tạo 1 chart khá đẹp với mức tăng giá liên tục từ đầu năm. Thông tin về hãng hàng không Bamboo có vẻ đang hỗ trợ tốt cho giá cổ phiếu FLC, hơn nữa cũng cần lưu ý rằng kết quả kinh doanh trong mảng hàng không này, có lẽ phải chờ qua 31/03 mới được công bố và phản ánh lên giá cổ phiếu.

Nhóm dầu khí có vẻ hồi lại chút so với đầu phiên sáng. GAS vẫn giảm 0.33%, PVS giảm 0.,6% như PVD đã tăng trở lại tới 1.6%, BSR cũng đã quay lại tham chiếu.

PLX ước lãi 5,000 tỷ 2018, chưa rõ là lãi trước hay sau thuế. Dù gì đó cũng là mức lãi lớn tăng hơn năm 2017. Tuy nhiên điều đáng nói là giá cổ phiếu này cũng hầu như không chịu xê dịch gì với thông tin trên. Sáng nay PLX tăng nhẹ 0.2%.

Mở cửa hơi ảm đạm

Diễn biến giao dịch trên sàn HOSE có phần ảm đạm, bất chấp thông tin tích cực đến từ thị trường Mỹ. Đúng ra, sau phiên điều chỉnh hôm qua, những thông tin như vậy sẽ có vai trò hỗ trợ tâm lý tích cực cho VN-Index, tuy nhiên mở cửa sáng nay, chỉ số này giảm rất nhẹ so với tham chiếu (-0.02%). ROS như thường lệ, vẫn hay giảm ngay từ đầu phiên, và đang là Large Cap tác động tiêu cực nhất lên VN-IndexVN30-Index (dù mức giảm giá còn thấp hơn KDC và DHG).

Diễn biến trên HNX và UPCoM thì sáng sủa hơn nhiều so với sàn HOSE. 2 chỉ số chính hai sàn này luôn giữ sắc xanh ngay từ 15 phút trước khi HOSE mở cửa, và duy trì cho đến sau ATO. Một số trụ đỡ chính cho HNX phải kể đến như DBC (bất ngờ tăng gần 5%), PLC, VPI… tương tự cho UPCoM là SDI hay VIB.

Nhóm ngân hàng hiển nhiên đang được coi là lời nhất so với các nhóm ngành khác trên sàn chứng khoán, tuy nhiên câu hỏi kiểu như mức lời đó đã phản ánh vào giá hay chưa, có lẽ vẫn treo lơ lửng trước mắt các nhà đầu tư. Sáng nay, nhóm này có sự phân hóa khi VCB giảm nhẹ, BID đứng yên còn CTG và nhiều mã nhỏ khác lại tăng nhẹ. Nhà đầu tư có lẽ vẫn kỳ vọng vào nhóm này là trụ cột của thị trường trong sáng nay, bởi vì đơn giản là các nhóm khác vẫn chưa “kịp” ra tin quý 4.

Cổ phiếu dầu khí đang giảm nhẹ, từ đầu tàu GAS, BSR, PVS… đến nhiều mã nhỏ như CNG, PGD… Giá khí trên thế giới gần đây cũng tăng khá mạnh, nhưng có lẽ chưa “kịp” phản ánh vào kết quả của doanh nghiệp, trừ GAS vốn luôn có vị thế độc quyền tự nhiên. POW mới chuyển sàn HOSE, nhưng sáng nay giá giảm nhẹ 0.6% và dường như không thể lấy “cớ” chuyển sàn này để bứt phá.

Bamboo bay, nhưng FLC vẫn chỉ chạy đà trên đường băng. Cổ phiếu này sáng nay tăng khoảng 2% với thông tin dồn dập đến từ chuyến bay đầu tiên của hãng. Dấu hiệu bay rõ nhất ở FLC là thanh khoản tăng vọt. Có lẽ nhiều người cũng muốn đón đầu cơ hội bay cùng cổ phiếu, nhưng vẫn phải kiên nhẫn chờ thêm.

Dệt may vẫn đang sáng. PPH và STK tăng tới 9.7% và 6.1%. Đại gia Việt Tiến (VGG) cũng tăng tới 4%. TCM đang đứng yên sau 3 phiên tăng mạnh, nhưng lực cung cũng đâu có lớn.

Hoàng Nam

FILI







MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (44)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Nhịp đập Thị trường 28/03: Khối ngoại nối dài chuỗi bán ròng 13 phiên liên tiếp

Chốt phiên 28/03, khối ngoại bán ròng xấp xỉ 1,000 tỷ đồng, đưa số phiên bán ròng lên 13 phiên liên tiếp với tổng giá trị hơn 9.6 ngàn tỷ đồng. Nhóm này bán mạnh...

Thị trường chứng quyền 28/03/2024: Tốt xấu đan xen

Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/03/2024, toàn thị trường có 46 mã tăng, 85 mã giảm và 36 mã tham chiếu. Khối ngoại tiếp tục bán ròng với tổng mức bán ròng đạt...

Chứng khoán phái sinh ngày 28/03/2024: Tín hiệu lạc quan dần xuất hiện

Các hợp đồng tương lai đồng loạt tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 27/03/2024. VN30-Index tăng điểm nhẹ đồng thời xuất hiện mẫu hình nến Doji với bóng nến dưới...

Vietstock Daily 28/03/2024: Duy trì thế trận giằng co

VN-Index tăng nhẹ kèm theo xuất hiện mẫu hình nến gần giống Spinning Top cho thấy tình trạng giằng co đang hiện diện. Bên cạnh đó, khối ngoại bán ròng gần 2 ngàn tỷ...

Nhịp đập Thị trường 27/03: Tiền về, VN-Index hồi trong phiên chiều

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0.88 điểm (0.07%), lên mức 1,283.09 điểm; HNX-Index tăng 0.82 điểm (0.34%), lên mức 242.85 điểm. Độ rộng toàn thị trường...

Thị trường chứng quyền 27/03/2024: Sắc xanh quay trở lại

Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/03/2024, toàn thị trường có 100 mã tăng, 38 mã giảm và 29 mã tham chiếu. Khối ngoại tiếp tục bán ròng với tổng mức bán ròng đạt...

Chứng khoán phái sinh ngày 27/03/2024: Thiếu sự ủng hộ từ dòng tiền

Các hợp đồng tương lai đồng loạt tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 26/03/2024. VN30-Index tăng điểm trong bối cảnh phân kỳ giá xuống (Bearish Divergence) ở chỉ...

Vietstock Daily 27/03/2024: Nhiều tín hiệu trái chiều xuất hiện

VN-Index và HNX-Index sắc xanh lan tỏa nhưng khối lượng giao dịch chưa có sự ổn định khi nằm dưới mức trung bình 20 ngày thể hiện tâm lý của nhà đầu tư đang thận...

Nhịp đập Thị trường 26/03: Lấy lại điểm số đã mất hôm qua

Chỉ sau một phiên đánh rơi 14 điểm, VN-Index đã lấy lại tất cả điểm số trong phiên hôm nay. Kết phiên 26/03, VN-Index tăng 14.35 điểm lên 1,282.21 điểm, đồng hành...

Thị trường chứng quyền 26/03/2024: Khối ngoại bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm 2024

Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/03/2024, toàn thị trường có 39 mã tăng, 107 mã giảm và 21 mã tham chiếu. Khối ngoại quay lại bán ròng với tổng mức bán ròng đạt...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98