Rủi ro gì từ dòng vốn Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam?

16/01/2019 13:45
16-01-2019 13:45:39+07:00

Rủi ro gì từ dòng vốn Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam?

Nhiều phân tích và dự báo gần đây cho rằng dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sẽ dịch chuyển sang Việt Nam để tránh ảnh hưởng và thiệt hại từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra. Tuy xu hướng này có thể mang lại tác động tích cực cho nền kinh tế trong nước, nhưng vẫn còn đó những nỗi lo âu.

Dấu hiệu dòng vốn dịch chuyển

Thực tế là trong năm 2018 vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất lớn đã rút khỏi thị trường Trung Quốc, từ các doanh nghiệp điện tử khổng lồ của Nhật Bản như Panasonic, Sharp, Toshiba, Sony, cho đến các hãng sản xuất điện thoại như Samsung đã đóng cửa vào tháng 6/2018 và gần đây là Apple đang di dời nhà máy sản xuất iPhone.

Ngược lại, Việt Nam với lợi thế về vị trí địa lý, nhiều cảng biển và nằm ngay dưới Trung Quốc, cộng thêm tương đồng về văn hóa và chi phí nhân công giá rẻ, tích cực ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) gần đây, nên nước này đang trở thành một điểm đến thay thế tiềm năng đối với các doanh nghiệp có kế hoạch rút khỏi công xưởng lớn nhất thế giới, không chỉ là các công ty đa quốc gia mà còn đến từ chính những doanh nghiệp nội địa của Trung Quốc cũng đang muốn tháo chạy.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm 2018 đến ngày 20/12/2018 thu hút 3,046 dự án cấp phép mới, với số vốn đăng ký đạt 17.97 tỷ USD, tăng 17.6% về số dự án và giảm 15.5% về vốn đăng ký. Tuy nhiên, giá trị vốn đầu tư từ Trung Quốc (bao gồm cả đặc khu Hồng Kông) trong năm 2018 vẫn duy trì sự tăng trưởng tích cực, khi đạt 2.35 tỷ USD, tăng đáng kể 9.1% so năm 2017 và chiếm tỷ trọng hơn 13%, cao hơn con số tỷ trọng 10% của năm 2017.

Dù dòng vốn đầu tư gia tăng có thể mang lại những ảnh hưởng tích cực, cũng như cho thấy nền kinh tế Việt Nam thể hiện được tiềm năng tăng trưởng ổn định, nhưng cũng không loại trừ khả năng dẫn tới những hệ lụy khó lường nếu như không được chọn lọc và giám sát kỹ.

Rủi ro gì cho nền kinh tế?

Thứ nhất là dòng vốn đầu tư dịch chuyển mạnh có thể kéo theo việc nhập khẩu máy móc, công cụ sản xuất ồ ạt trong ngắn hạn, gây áp lực lên cán cân thương mại của Việt Nam và kéo nền kinh tế đối mặt với tình trạng nhập siêu cao trở lại. Trong 3 năm gần đây, Việt Nam đã duy trì con số thặng dư thương mại hàng hóa tích cực, đặc biệt trong năm 2018 vừa qua ước xuất siêu kỷ lục lên đến 7.2 tỷ USD. Nếu cán cân thương mại thời gian tới đảo chiều trở lại có thể gây nên tình trạng mất cân đối, và ít nhiều gây áp lực lên nền kinh tế nói chung và thị trường ngoại hối trong nước nói riêng.

Thứ hai là đối với các dự án đầu tư của Trung Quốc cũng thường nhập khẩu kèm theo một lượng lớn nhân công của nước này. Điều này không chỉ gây ra mất cơ hội việc làm của người lao động bản địa, mà với lượng người lao động ngoại quốc nhập cảnh quá nhiều có thể gây ra những xáo trộn về mặt xã hội trên địa bàn cũng như tiềm ẩn những rủi ro khó lường khác.

Dòng vốn đầu tư dịch chuyển mạnh có thể kéo theo việc nhập khẩu máy móc ồ ạt trong ngắn hạn, gây áp lực lên cán cân thương mại của Việt Nam và kéo nền kinh tế đối mặt với tình trạng nhập siêu cao trở lại.

Ngoài ra, các dự án đầu tư của nước này từ trước đến nay cũng thường dính vào những tai tiếng về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là khó có thể tránh khỏi việc các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển dịch những nhà máy, công nghệ lạc hậu, không đảm bảo vệ sinh môi trường sang thị trường Việt Nam. Do đó, nếu không có chính sách sàng lọc và lựa chọn các dự án phù hợp, Việt Nam có thể đối mặt với những rủi ro môi trường do các dự án đầu tư nước ngoài gây ra, mà thực tế thời gian qua đã ghi nhận không ít sự vụ nổi cộm.

Thứ ba là có thể làm gia tăng tình trạng bong bóng bất động sản tại các địa phương, đặc biệt đến từ dòng vốn đầu tư gián tiếp của nước này. Diễn biến thời gian qua cho thấy giới nhà giàu, doanh nghiệp Trung Quốc đã tìm cách chuyển dịch tài sản ra khỏi nước này và rót tiền ồ ạt vào thị trường bất động sản nhiều quốc gia khác, mà Việt Nam cũng là một trong những nước thu hút mạnh mẽ dòng vốn trên.

Thống kê cho thấy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào hoạt động kinh doanh bất động sản năm 2018 tại Việt Nam vừa qua lên tới hơn 5.94 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 23.2%, chỉ xếp sau ngành công nghiệp chế biến chế tạo là 55.4% tổng vốn đăng ký. Trong khi đó, đã có số liệu khảo sát thống kê cho thấy, tại TP Hồ Chí Minh lượng người Trung Quốc mua nhà đã tăng đột biến và chiếm tỷ trọng lớn nhất so với các nhà đầu tư nước ngoài có quốc tịch khác.

Bất lợi lên các doanh nghiệp nội địa

Thứ tư là việc đón nhận dòng vốn đầu tư ồ ạt có thể khiến nền kinh tế nội địa ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, các chính sách sẽ bị động và phụ thuộc vào nhóm doanh nghiệp này, làm tăng tình trạng thiếu công bằng, giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa.

Những số liệu thống kê và phân tích gần đây cho thấy nhóm doanh nghiệp nước ngoài như Samsung hay Formosa đã chiếm tỷ trọng đáng kể trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam, trong khi ở hoạt động thương mại, nhóm doanh nghiệp FDI cũng ngày càng gia tăng xuất siêu so với con số thâm hụt thương mại nặng nề của các doanh nghiệp nội địa. Và một khi các doanh nghiệp này rút đi vì một lý do nào đó thì rủi ro mà nền kinh tế trong nước đối mặt cũng là rất lớn.

Thứ năm là việc dòng vốn từ Trung Quốc đổ sang Việt Nam có thể gây ra áp lực tiền Đồng tiếp tục tăng giá so với đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Trong năm 2018 vừa qua, trong khi đồng Nhân dân tệ bị phá giá mạnh so với USD thì tiền Đồng mất giá chưa đến 1.8% so với đồng bạc xanh, khiến vô hình trung tiền Đồng đã lên giá đáng kể so với Nhân dân tệ. Điều này không chỉ làm các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh so với hàng Trung Quốc mà còn tác động tiêu cực lên nhập khẩu và các hoạt động dịch vụ khác như du lịch.

Và cuối cùng là với việc các doanh nghiệp Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam, thì Mỹ có thể áp dụng các hàng rào chính sách và chế tài luôn đối với các hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nhưng sử dụng nguyên phụ liệu của Trung Quốc, nhằm hạn chế tình trạng giả mạo xuất xứ hàng hóa. Điều này sẽ vô tình gây nên bất lợi cho cả hàng hóa của Việt Nam.

Phan Thụy

FILI





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng: 'Các nhà thầu không lo thiếu tiền'

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cam kết các nhà thầu thi công đến đâu, tiền sẽ thanh toán, giải ngân đủ đến đó, không lo thiếu tiền để thi công “3 ca, 4 kíp”.

Khởi tố và bắt tạm giam Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc

Ông Nguyễn Văn Khước, Phó chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Vĩnh Phúc, bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ liên quan tập đoàn Phúc Sơn.

Bộ Công Thương điều chỉnh kế hoạch cung ứng điện mùa nắng nóng 2024

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 924/QĐ-BCT điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và các tháng cao điểm mùa khô...

NVIDIA tiếp tục sang Việt Nam khảo sát địa điểm đầu tư

NVIDIA, hãng sản xuất chíp trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới, tiếp tục cử đoàn công tác sang Việt Nam khảo sát Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM để bỏ vốn đầu tư.

'Không ai muốn đầu tư để bán điện mặt trời mái nhà 0 đồng'

Chuyên gia cho rằng điện mặt trời mái nhà tự dùng nếu bán 0 đồng sẽ khó thu hút người dân, doanh nghiệp vì suất đầu tư không hiệu quả.

Khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội

Ông Phạm Thái Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, bị bắt với cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để...

Xuất khẩu dệt may khởi sắc

Ngành dệt may đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt nhiều thách thức buộc phải vượt qua để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỉ USD trong năm 2024.

Tín chỉ carbon rừng: Nên bán hay để dành?

Có chuyên gia cho rằng nên bán tín chỉ carbon thay vì dự trữ bởi có thời hạn sử dụng, nhưng cũng có ý kiến đề xuất nên thành lập quỹ để có thể mua sớm những tín chỉ...

Ông lớn bán lẻ 190 năm của Nhật sắp mở trung tâm thương mại ở Hà Nội

Takashimaya, ông lớn bán lẻ có tuổi đời hơn 190 năm của Nhật Bản, lên kế hoạch đầu tư 13 triệu USD để xây dựng một trung tâm thương mại tại Hà Nội vào năm 2026.

Loạt đề xuất mới về kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải

Trong giai đoạn đầu, các cơ sở có mức phát thải lớn thuộc 3 lĩnh vực: nhiệt điện, sản xuất sắt thép, sản xuất xi măng sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98