Thêm nhiều "đường băng" cho TP Hồ Chí Minh cất cánh

14/01/2019 08:39
14-01-2019 08:39:48+07:00

Thêm nhiều "đường băng" cho TP Hồ Chí Minh cất cánh

Ngoài những kết quả đạt được sau 1 năm thực hiện Kết luận số 21 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54, buổi làm việc với đoàn công tác trung ương do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng đoàn ngày 12-1 vừa qua đã thực sự hóa giải nhiều vướng mắc để TP HCM bứt phá đi lên

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định việc ban hành Kết luận số 21 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM thực sự là thời cơ để TP đột phá. Thực tế, sau 1 năm thực hiện, TP HCM đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

4 tác dụng lớn

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho hay sau hơn 1 năm thực hiện, nhiều nội dung, đề án liên quan đã được trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai. Theo đó, Ban Cán sự Đảng UBND TP HCM chỉ đạo UBND TP và các sở - ngành xây dựng 23 nội dung, đề án. Đến nay, HĐND TP HCM đã ban hành nhiều nghị quyết để triển khai các nội dung, đề án thực hiện Nghị quyết 54. Đồng thời, Ban Cán sự Đảng UBND TP HCM tiếp tục chỉ đạo UBND TP xây dựng, lấy ý kiến các cơ quan hoàn thiện 10 nội dung, đề án trình HĐND TP trong năm 2019.

Theo nhận xét của Bí thư Thành ủy TP HCM, việc thực hiện các nội dung đề án theo Nghị quyết 54 của Quốc hội đã có 4 tác dụng lớn. Đó là nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của TP HCM trong quyết định phân bổ ngân sách TP, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án đầu tư nhóm A sử dụng ngân sách TP, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp…

UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ - ngành chủ trì, phối hợp với TP để sớm hoàn thành các thủ tục thẩm định, trình phê duyệt tổng mức đầu tư và ưu tiên bố trí vốn cho dự án metro số 1. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Điều này rất có ý nghĩa vì đã tạo điều kiện cho TP HCM giải quyết nhanh, sát thực hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả hơn. Điển hình, việc ủy quyền của chủ tịch UBND TP HCM cho chủ tịch UBND cấp quận - huyện, giám đốc các sở đã giúp các quyết định được thực hiện gần cơ sở hơn, nhanh hơn, vì vậy có hiệu quả thực tế cao hơn. Kế đến, khi TP HCM chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan quản lý nhà nước mà TP đã khuyến khích, tạo thêm động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc sáng tạo, hiệu quả hơn. Việc ban hành mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt đã tạo điều kiện quan trọng để TP HCM thu hút đội ngũ này cho sự phát triển của TP.

Tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng nhìn nhận do thời gian áp dụng các giải pháp mới còn ngắn nên chưa tác động mạnh mẽ đến quá trình xây dựng và phát triển TP HCM. Ngoài ra, năng lực lãnh đạo của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là khả năng phát hiện, đề ra biện pháp giải quyết các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền, trách nhiệm. Trình độ, năng lực chuyên môn, lý luận chính trị của không ít cán bộ vẫn chưa ngang tầm với yêu cầu của tình hình mới.

Thủ tướng thống nhất nhiều kiến nghị của TP

Theo Bí thư Thành ủy TP HCM, để khắc phục tình trạng trên, Ban Thường vụ Thành ủy TP kiến nghị Ban Bí thư cho phép TP HCM được thí điểm chủ động đào tạo lý luận chính trị trình độ cao cấp tại Học viện Cán bộ TP HCM. Đồng thời, chấp thuận mở rộng đối tượng đào tạo cao cấp lý luận chính trị đến cán bộ đương nhiệm bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND phường - xã - thị trấn; phóng viên, biên tập viên; cán bộ thuộc khối nội chính...

Đặc biệt, Bí thư Thành ủy TP HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép TP thực hiện thí điểm quy trình rút gọn trong công tác bồi thường, tái định cư, giao đất theo quy trình mới. Điều này nhằm khắc phục sự chậm trễ trong bồi thường, bàn giao mặt bằng, thúc đẩy tiến độ dự án đầu tư công; đồng thời bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã nêu 13 nhóm nội dung đề xuất, kiến nghị Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gỡ vướng cho TP. Trong đó, đáng chú ý nhất là kiến nghị xem xét, xác định số lượng công chức năm 2015 của TP HCM được HĐND TP thông qua là 13.049 người (năm 2015, Bộ Nội vụ chỉ giao 8.450 biên chế hành chính) cho phù hợp với tình hình thực tiễn và tính chất đặc thù của một đô thị đặc biệt. Kiến nghị cho phép UBND TP thí điểm việc thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp TP. UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ - ngành chủ trì, phối hợp với TP sớm hoàn thành các thủ tục thẩm định, trình phê duyệt tổng mức đầu tư và ưu tiên bố trí vốn giải ngân cho dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

UBND TP HCM còn kiến nghị Thủ tướng ban hành quy định cơ chế phối hợp giữa TP và các bộ - ngành trong việc rà soát, sắp xếp lại và xử lý các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn TP. Xem xét, điều chỉnh điều kiện bố trí vốn khởi công mới cho các dự án. Kiến nghị cho phép UBND TP được chỉ định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại…

Trước những kiến nghị của TP HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản thống nhất và giao các bộ - ngành cùng TP khẩn trương tổ chức thực hiện có kết quả. Đối với những đề xuất có tính chất đặc thù mà quy định pháp luật chưa quy định đầy đủ, TP HCM cần xây dựng đề án, tờ trình cụ thể trình trung ương, Chính phủ xem xét, quyết định để triển khai. Thủ tướng nhấn mạnh: TP HCM có đóng góp lớn vào sự phát triển nền kinh tế quốc gia. Trung ương tạo điều kiện thuận lợi cho TP HCM nhưng TP cũng phải ý thức vai trò, trách nhiệm của mình. "Trung ương, Chính phủ luôn tin tưởng TP HCM sáng tạo, vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Quyết xóa tệ chạy chức, chạy quyền

Nói về nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định TP sẽ kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục thực hiện Quy định 1374-QĐ/TU (năm 2017) của Ban Thường vụ Thành ủy về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước.

"TP HCM sẽ tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực; kiên quyết xóa bỏ tệ chạy chức, chạy quyền…" - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Nguyễn Thiện Nhân còn khẳng định đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền đi đôi với giám sát quyền lực bằng các quy định, quy chế, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra; đề cao trách nhiệm giải trình, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng đơn vị.

Đặc biệt, Ban Thường vụ Thành ủy cũng sẽ lãnh đạo thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2019 "Năm đột phá thực hiện cải cách hành chính và Nghị quyết số 54 của Quốc hội", kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng tới Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI. Trong đó, cải cách hành chính là khâu đột phá, gắn với phân công trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Từng phường - xã, quận - huyện, sở - ngành và UBND TP phải có phương pháp phù hợp để ghi nhận khách quan sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan công quyền này; hằng quý phải công bố được kết quả hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, TP HCM sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài chính, tài sản công, các dự án đầu tư công, giải ngân đầu tư công của các sở - ngành, quận - huyện. 

Năm 2019, giải quyết căn bản 12 vụ khiếu nại kéo dài

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho hay trong năm 2019, TP sẽ nâng cao hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường đối thoại trực tiếp của cán bộ lãnh đạo, của người đứng đầu trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân, không để xảy ra "điểm nóng" về an ninh trật tự.

"Đặc biệt, TP tập trung giải quyết, tạo đột phá trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, trọng tâm là giải quyết căn bản 12 vụ việc khiếu nại kéo dài" - Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Các ý kiến của lãnh đạo trung ương đều đánh giá cao kết quả mà TP HCM đạt được trong năm 2018, trong đó thu ngân sách vượt chỉ tiêu đề ra; đồng thời nhìn nhận TP còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

TRƯỜNG HOÀNG

NGƯỜI LAO ĐỘNG



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Khẩn trương hoàn thiện Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa có ý kiến về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ tướng chỉ đạo đầu tư sớm nhất các tuyến cao tốc 2 làn xe

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẩn trương báo cáo phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến cao tốc đã được đầu tư phân kỳ, đặc biệt...

Tháo gỡ khó khăn cho gói thầu J3-1 cao tốc Bến Lức - Long Thành

Do không có nhà thầu Nhật Bản tham gia gói thầu J3-1 cao tốc Bến Lức - Long Thành nên Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đề xuất bổ sung nhà thầu...

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đề xuất thiết kế 350 km/giờ

Theo báo cáo của Bộ GTVT, tuyến đường sắt tốc độ cao với tốc độ thiết kế là 350 km/giờ, vận tải hành khách và vận tải hàng hoá khi có nhu cầu; còn tuyến đường sắt...

Hà Nội dự kiến lập thêm thành phố mới ở Phú Xuyên, Ứng Hòa

Sau khi hoàn thành sân bay thứ 2, TP Hà Nội sẽ lập thêm thành phố mới khu vực phía Nam thuộc địa bàn huyện Phú Xuyên và Ứng Hòa. Như vậy, trong tương lai, Hà Nội sẽ...

Bình Định xúc tiến đầu tư 8 dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2023-2025

Trong tài liệu chuẩn bị cho Hội nghị Xúc tiến đầu tư sắp tới, UBND tỉnh Bình Định đã nêu ra 8 dự án nhà ở xã hội sẽ được đẩy mạnh trong giai đoạn 2023-2025.

Đề xuất gần 9.300 tỷ đồng nâng cấp 3 quốc lộ ở Đồng bằng Sông Cửu Long

Ba tuyến đường quốc lộ ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nếu được phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an toàn giao...

Chuyển động mới của các đường vành đai

Bên cạnh các đường Vành đai 2, 3 đang có những chuyển biến tích cực, nếu những kiến nghị liên quan đường Vành đai 4 được chấp thuận, TP HCM cùng nhiều địa phương sẽ...

4 dự án nào được Bình Định đặc biệt mang đến Hội nghị xúc tiến đầu tư 2024?

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư 2024 vào ngày 29/03 tới, bên cạnh danh sách 322 dự án sẽ được xúc tiến đầu tư giai đoạn 2023-2025, UBND tỉnh Bình Định công bố thông...

Thông qua nghị quyết thành lập hai thành phố Bến Cát và Gò Công

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 2 nghị quyết thành lập thành phố Bến Cát (Bình Dương) và Gò Công (Tiền Giang).

Cổ phiếu bất động sản

Cổ phiếu xây dựng


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98