Thụt lùi tư duy chứng khoán phái sinh

22/02/2019 13:35
22-02-2019 13:35:30+07:00

Thụt lùi tư duy chứng khoán phái sinh

Xin nói ngay sự thụt lùi của chứng khoán phái sinh (hợp đồng tương lai) không liên quan đến quy mô thị trường, quy mô giao dịch của nhà đầu tư cũng như mức độ nhận biết của nhà đầu tư đối với loại hình chứng khoán được xem là non trẻ nhất ở Việt Nam này.

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), năm 2018 là năm “bùng nổ” của loại hình giao dịch hợp đồng tương lai. Dù chỉ có một sản phẩm duy nhất là bốn loại hợp đồng tương lai VN30, nhưng năm ngoái giao dịch chứng khoán phái sinh đã đạt tổng cộng 19,7 triệu hợp đồng, tương đương giá trị danh nghĩa 1,86 triệu tỉ đồng.

Hiện nay mức ký quỹ của giao dịch phái sinh theo quy định là 13%, như vậy số tiền thực giao dịch năm 2018 khoảng 241.800 tỉ đồng. Với 52 tuần và mỗi tuần có 5 ngày giao dịch, trừ các ngày lễ, giá trị giao dịch thực của chứng khoán phái sinh ở tầm 970 tỉ đồng/phiên. Đó là sự thành công đáng khích lệ.

Số công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ chứng khoán phái sinh cũng tăng gấp đôi, từ 7 lên 14 hiện tại. Trong tháng 1-2019, Hnx thông báo số lượng tài khoản phái sinh của nhà đầu tư đã lên tới 61.100 và khối lượng giao dịch bình quân tháng này đã nhảy lên 130.721 hợp đồng/phiên. So với mức bình quân khoảng 78.800 hợp đồng/phiên của năm ngoái, chứng khoán phái sinh đang hút tiền mạnh. Giá trị giao dịch thực đã vượt mốc 1.000 tỉ đồng/phiên. Thậm chí nhiều phiên giá trị giao dịch thực còn cán mốc 2.000 tỉ đồng.

Xuất phát điểm của việc tăng phí này không đơn thuần chỉ là tận thu cho ngân sách từ một thị trường đang trong thời kỳ “trứng nước”, mà gốc rễ của nó dường như là để nhà đầu tư “chán” phái sinh mà quay trở lại với thị trường cơ sở.

Lý do chủ đạo khiến chứng khoán phái sinh hấp dẫn là nhà đầu tư được phép bán khống các hợp đồng tương lai và tỷ lệ ký quỹ thấp. Đặc thù này của phái sinh không chỉ ở Việt Nam, mà ở hầu hết các quốc gia thế giới. Phái sinh còn là một công cụ để cân bằng giao dịch trên thị trường cơ sở. Nếu nhà đầu tư giải ngân vào thị trường cơ sở mà chỉ số VN-Index suy thoái, họ có thể bán khống hợp đồng tương lai trên thị trường phái sinh để bù đắp thiệt hại của cổ phiếu cơ sở.

Bán khống cổ phiếu cho đến giờ vẫn chưa thể thực hiện được trên thị trường chứng khoán Việt và chưa biết bao giờ có thể thực hiện. Bởi thế bán khống khi điều kiện thuận lợi trên thị trường phái sinh là cách để nhà đầu tư làm quen, “rèn luyện” với sự phức tạp của thị trường tài chính. Chưa có thống kê chính thức nào chỉ ra các nhà đầu tư đã trả giá ra sao, lời lỗ thế nào với phái sinh để có được sự trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm. Chỉ có một lãnh đạo cấp cao của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (Hose) đưa ra tỷ lệ nhà đầu tư phái sinh thua lỗ, đến 95%, trên Facebook cá nhân vào tháng 7-2018 - thời điểm chứng khoán cơ sở lao dốc thảm hại.

Nếu tỷ lệ này là chính xác, thì cơ quan quản lý mà cụ thể là Bộ Tài chính, nên có những biện pháp giúp nhà đầu tư giảm thiệt hại. Bên cạnh việc mở các khóa giới thiệu kiến thức, đào tạo phái sinh, nên giảm phí giao dịch cho nhà đầu tư. Chứng khoán phái sinh phải được xem là bước đệm để nhà đầu tư chuẩn bị tư thế sẵn sàng cho chứng khoán cơ sở tầm cao một khi thị trường Việt Nam được nâng hạng và mở cửa hội nhập hơn nữa.

Đáng tiếc, tư duy phát triển chứng khoán của cơ quan quản lý đã không đạt được tầm với cần phải có đó. Thay vào đó từ ngày 15-2-2019, phí giao dịch chứng khoán phái sinh tăng đồng loạt và tăng đột biến. Trước ngày này, nhà đầu tư phái sinh phải trả phí cho công ty chứng khoán và nộp thuế cho Nhà nước bất kể phát sinh thua lỗ hay có lợi nhuận trên từng hợp đồng. Mức phí phái sinh khác nhau tùy thuộc từng công ty chứng khoán, nhưng tựu trung nhà đầu tư phải trả khoảng 30.000-40.000 đồng/hợp đồng phí + thuế.

Theo quy định mới, ngoài phí và thuế phải nộp như trước, giờ nhà đầu tư phải trả thêm phí tuân thủ bao gồm: phí nộp cho Hnx (đơn vị quản lý thị trường phái sinh) 3.000 đồng/hợp đồng; phí quản lý vị thế 3.000 đồng/hợp đồng/ngày; phí quản lý tài sản ký quỹ 0,003% giá trị lũy kế số dư tài sản ký quỹ/tháng, cao nhất không quá 2 triệu đồng/tháng, thấp nhất không ít hơn 400.000 đồng/tháng.

Tài sản ký quỹ là số tiền nhà đầu tư để ở Trung tâm Lưu ký. Thay vì được trả lãi (ít nhất là lãi suất không kỳ hạn như tiền để ở tài khoản ngân hàng), nay nhà đầu tư phải trả phí quản lý. Thế là hàng loạt công ty chứng khoán ngay lập tức khuyến cáo nhà đầu tư rút tiền ký quỹ từ Trung tâm Lưu ký về tài khoản ở công ty chứng khoán ngay sau phiên giao dịch để tránh phí này. Ngày hôm sau nếu có nhu cầu giao dịch, nhà đầu tư lại nộp tiền ký quỹ lên Trung tâm Lưu ký. Rút tiền về và nộp tiền lên Trung tâm Lưu ký, nhà đầu tư phải trả phí bắt buộc 5.500 đồng/lượt.

Một số công ty chứng khoán giảm phí giao dịch để nhà đầu tư có thể bù đắp phí 3.000 đồng/hợp đồng nộp về cho Hnx. Riêng phí quản lý vị thế 3.000 đồng/hợp đồng/ngày, thì công ty chứng khoán khuyên nhà đầu tư tất toán hợp đồng (mua/bán ngay trong ngày) trong ngày, không nên để vị thế qua đêm. Điều này chẳng khác nào “xui” nhà đầu tư đầu cơ thay vì đầu tư dài hạn. Tóm lại, bất chấp xoay xở cách gì, nhà đầu tư phái sinh cũng phải nộp thêm phí cho cơ quan quản lý.

Không biết ngân sách nhà nước sẽ thu thêm được bao nhiêu tiền/ngày từ chứng khoán phái sinh nhờ tăng phí mới? Việc tăng phí có làm nhà đầu tư nản lòng mà từ bỏ thị trường hợp đồng tương lai? Xuất phát điểm của việc tăng phí này không đơn thuần chỉ là tận thu cho ngân sách từ một thị trường đang trong thời kỳ “trứng nước”, mà gốc rễ của nó dường như là để nhà đầu tư “chán” phái sinh mà quay trở lại với thị trường cơ sở. Tiền thật vào phái sinh đang trên 1.000 tỉ đồng/ngày, thì hẳn dòng tiền vào cổ phiếu cơ sở bị san sẻ. Đáng lẽ phải có những giải pháp kỹ thuật và chiến lược để hút tiền vào cả hai thị trường, thì cơ quan quản lý lại muốn ngăn dòng tiền chảy vào phái sinh với hy vọng nó chảy lại vào thị trường cơ sở. Hy vọng đó liệu có thành, chẳng có gì đảm bảo.

Nhưng một khi khai sinh thị trường phái sinh, để rồi lại “bóp nghẹt” nó, thử hỏi thị trường chứng khoán, và rộng hơn là thị trường vốn Việt Nam sẽ đảm đương thế nào chức năng huy động vốn? Tư duy lỗi thời về chứng khoán không thể tồn tại được!

Hải Lý

TBKTSG





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thị phần phái sinh quý 1: DNSE lọt vào top 5

Top 10 thị phần môi giới phái sinh quý 1/2024 có diễn biến bất ngờ.

Giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tăng gần 45% trong tháng 3

Tháng 3/2024, cùng với diễn biến giao dịch sôi động trên thị trường cơ sở, thanh khoản trên thị trường chứng khoán phái sinh cũng tăng mạnh.

Giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 giảm mạnh trong tháng 2

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thị trường chứng khoán phái sinh có giao dịch giảm khá mạnh trong tháng 2/2024.

Top thị phần môi giới phái sinh biến động ra sao năm 2023?

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố 10 công ty chứng khoán (CTCK) có thị phần môi giới phái sinh lớn nhất năm 2023.

Thị trường phái sinh có gần 1.5 triệu tài khoản tại cuối tháng 11

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh tháng 11/2023 có diễn biến tăng nhẹ.

Giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tăng nhẹ trong tháng 10

Thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh tháng 10/2023 không có nhiều biến động so với tháng trước.

Thị phần môi giới phái sinh của Chứng khoán VPS giảm 2 quý liên tiếp

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố top 10 thị phần môi giới lớn nhất trên thị trường chứng khoán phái sinh quý 3/2023.

Khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai VN30 tăng 12% trong tháng 9/2023

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tháng 9/2023, khối lượng giao dịch (KLGD) bình quân của sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đạt 255,845...

Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh tháng 8/2023 tăng 3%, gần 1.4 triệu tài khoản

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh tháng 8/2023 tăng mạnh so với tháng trước. Sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số...

6 năm hoạt động chứng khoán phái sinh: Giao dịch hợp đồng VN30 tăng bình quân 27.5%/năm

Nhìn lại 6 năm hoạt động của thị trường chứng khoán phái sinh, HNX cho biết tăng trưởng bình quân giao dịch HĐTL chỉ số VN30 đạt 27.5%/năm và tính đến cuối tháng 7...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98