Bảo vệ ngành hàng thịt lợn trước dịch tả lợn Châu Phi
Bảo vệ ngành hàng thịt lợn trước dịch tả lợn Châu Phi
Đến ngày 27.3, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 23 tỉnh, TP.
Ảnh: Duy Tính
|
Chiều 27.3, tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch tả lợn châu Phi, họp với các tập đoàn, trang trại chăn nuôi lợn bàn giải pháp kiểm soát an toàn, bảo vệ các cơ sở giống cũng như ngành hàng thịt lợn trước diễn biến dịch đang lan rộng và có xu hướng phức tạp.
Cục Chăn nuôi Bộ NN-PTNT cho biết, sản lượng thịt lợn hơi trong năm 2018 đạt 3,82 triệu tấn, chiếm 72% tổng sản lượng thịt các loại trong ngành nông nghiệp. Cả nước hiện có 10.167 trang trại chăn nuôi lớn với tổng số đầu lợn trên 14,4 triệu con, chiếm gần 50% tổng đàn lợn cả nước. Đối với lợn sinh sản, VN hiện có 3,97 triệu lợn nái và 76.000 lợn đực giống.
Ông Đào Lê Vũ, Phó tổng giám đốc điều hành khu vực bắc sông Hồng - Công ty CP Green Feed VN, cho rằng quy định lấy mẫu xét nghiệm nếu âm tính với dịch tả lợn châu Phi mới cho phép vận chuyển lợn, đang làm khó các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi. Thực tế tùy từng địa phương, việc công nhận kết quả xét nghiệm có thời hạn từ 2 - 3 tuần, DN liên tục phải làm lại xét nghiệm tốn rất nhiều thời gian. Trong khi DN có nhu cầu vận chuyển lợn giống rất lớn, theo quy định thì xe phải vào các trạm kiểm dịch để phun thuốc khử trùng, không khéo đây sẽ là điểm lây lan dịch bệnh. Ông Vũ đề nghị cơ quan thú y cần xem lại biện pháp kiểm soát này cho phù hợp để giúp DN bảo vệ an toàn cho các đàn giống.
Theo ông Đào Mạnh Lương, Tổng giám đốc Tập đoàn Mavin, mỗi tháng DN này vận chuyển khoảng 40.000 con lợn giống. Ngay từ nơi xuất đi cho đến nơi nhận, DN có quy trình kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ nhưng nếu điểm kiểm soát nào cũng đưa xe vào kiểm tra cũng là mối lo dịch lây lan từ đây. Ông Lương cho rằng trong phòng chống dịch hiện nay, VN cũng phải học cách "chung sống" với bệnh dịch này bằng cách áp dụng kinh nghiệm kiểm soát hiệu quả của Tây Ban Nha, Ba Lan là các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học ở các trang trại, chăn nuôi.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Masan Nguyễn Thiều Nam kiến nghị ngoài tập trung giải pháp phòng chống dịch, Bộ NN-PTNT phối hợp với các bộ, ngành tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn để người chăn nuôi không lơ là, chủ quan trước dịch bệnh lây lan nhưng không lo lắng, e sợ tiêu dùng sản phẩm thịt lợn khi đây là bệnh dịch không lây, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng để tránh rơi vào khủng hoảng thịt lợn sau dịch, các DN chăn nuôi cần áp dụng tối đa, ở mức cao nhất các biện pháp an toàn sinh học, bảo vệ bằng được các cơ sở giống phục vụ nhu cầu tái đàn chăn nuôi sau dịch. Thị trường trong nước với 100 triệu dân, nước láng giềng Trung Quốc đang bị dịch tả lợn châu Phi hoành hành, giá lợn đang tăng, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn rất lớn, nếu tổ chức chăn nuôi tốt, đảm bảo an toàn trước dịch bệnh thì đây sẽ là cơ hội cho các DN, ngành chăn nuôi lợn của VN trong tương lai.
Theo thông tin từ Cục Thú y, đến ngày 27.3 dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 23 tỉnh, TP với 73.000 con lợn bị tiêu hủy. Trong đó, Vĩnh Phúc là địa phương mới nhất có ổ dịch tại TP.Phúc Yên với 33 con lợn bị tiêu hủy trong chiều 27.3.
Phan Hậu