Biến tướng trong cắt giảm điều kiện kinh doanh
Biến tướng trong cắt giảm điều kiện kinh doanh
Dù đã cắt bỏ nhiều điều kiện kinh doanh, nhưng việc gây khó khăn cho doanh nghiệp vẫn còn, thậm chí cắt điều kiện kinh doanh nhưng biến tướng thành quy chuẩn, tiêu chuẩn...
Hiện các bộ, cơ quan còn nợ đọng 16 văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có hiệu lực từ 1/1/2019.
|
"Trong lô hàng kiểm tra chuyên ngành, chọn cái áo tốt nhất, đắt nhất để lấy mẫu, lấy rồi không trả lại, hay đáng ra chỉ lấy đủ mẫu theo quy định thì lại lấy vượt", Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nêu ví dụ về sự "hành" doanh nghiệp tại cuộc kiểm tra 12 bộ.
Đây là cuộc kiểm tra về việc xây dựng, trình ban hành và ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 và nội dung không thể thiếu trong đó là về tình hình cắt giảm các điều kiện kinh doanh, bởi "nếu không làm quyết liệt thì tiêu cực sẽ quay lại", Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng nói.
"Bộ Công Thương từng được nhắc đến là bộ tiên phong trong cắt giảm điều kiện kinh doanh, nhưng giờ nếu sinh ra việc kiểm tra chuyên ngành gây khó khăn cho doanh nghiệp thì rất nguy hiểm", Tổ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định. "Vừa qua chúng ta đã cắt bỏ nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhưng việc gây khó khăn cho doanh nghiệp vẫn còn, hay cắt điều kiện kinh doanh nhưng biến tướng thành quy chuẩn, tiêu chuẩn".
Về tình hình "trả nợ" văn bản pháp luật của các bộ, theo ông Dũng, các bộ được giao chủ trì xây dựng các luật, pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn đã tích cực hoàn thành nhưng Thủ tướng nhắc các bộ trưởng phải xem xét kỹ, tránh việc khi ban hành có những nội dung không thực tiễn, không đi vào cuộc sống, có sự chồng chéo, gây phiền hà, khó khăn hơn, thủ tục trói buộc hơn, không quản được thì trói, không quản được thì buộc.
Thủ tướng nhắc đây là vấn đề rất quan trọng. Một số văn bản được ban hành tính khả thi chưa cao. Một số văn bản gây tranh cãi, thậm chí phản ứng mạnh mẽ vì những nội dung nhạy cảm không được đánh giá hết tác động. Tổ trưởng Tổ công tác dẫn chứng về Thông tư 08, 09 năm 2018 liên quan đến nhập khẩu phế liệu gây ách tắc, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xử lý rất nhanh, nhưng Thủ tướng phải ra văn bản yêu cầu hủy bỏ.
Ông Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Tư pháp phải có cách thức hiệu quả, sâu sát và thẳng thắn hơn trong việc kiểm tra đối với các thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương; kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý văn bản có quy định trái pháp luật hoặc cài cắm bảo vệ lợi ích của ngành, địa phương, không vì lợi ích chung, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện các bộ, cơ quan còn nợ đọng 16 văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có hiệu lực từ 1/1/2019, gồm 14 nghị định, 1 quyết định và 1 thông tư. Ngoài ra, từ 1/7/2019, có thêm 16 luật, pháp lệnh sẽ có hiệu lực, nếu không đẩy nhanh tiến độ xây dựng thì sẽ tiếp tục có thêm các văn bản hướng dẫn bị nợ đọng.
Tình hình cụ thể về một số Luật có hiệu lực từ 1/1/2019 như luật An ninh mạng, Luật Công an nhân dân, Luật Đặc xá, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ còn nợ 8 nghị định liên quan đến các luật này. Bộ Công an được phân công chủ trì xây dựng 3 văn bản quy định chi tiết Luật An ninh mạng, gồm nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật; nghị định quy định chi tiết về trình tự, thủ tục áp dụng một biện pháp bảo vệ an ninh mạng và quyết định của Thủ tướng ban hành danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Theo yêu cầu, các văn bản này phải trình Chính phủ trước 1/10/2018. Tuy nhiên tiến độ thực hiện hai nghị định chậm, dự kiến trong tháng này sẽ gửi Bộ Tư pháp để thẩm định.
Theo lý giải của ông Vương, khi triển khai xây dựng những văn bản trên phát sinh nhiều khó khăn vướng mắc vì đây là lĩnh vực mới, đối tượng chịu điều chỉnh của các quy định gồm nhiều bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nên việc xin ý kiến được thực hiện nhiều lần, nhiều địa chỉ. Bộ Công an đã có 216 văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp xin ý kiến.
Việc tiếp thu, giải trình cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, vì vậy mà tiến độ bị chậm so với quy định. Đặc biệt, phải đảm bảo cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành; công tác bảo đảm an toàn an ninh mạng cũng còn có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có ý kiến khác nhau giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông nên cần có thời gian trao đổi kỹ. Bộ Công an đã báo cáo Thủ tướng trình hai dự thảo nghị định trên vào cuối quý 1/2019; dự thảo Quyết định của Thủ tướng trình trong quý 2/2019.
Hàng chục dự án "tắc đường" Món nợ "gay cấn" nhất là về các văn bản pháp luật liên quan đến Luật Quy hoạch. Luật này có hiệu lực từ 1/1/2019 nhưng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch và Thông tư hướng dẫn định mức kinh tế kỹ thuật thẩm định công bố điều chỉnh quy hoạch đến nay vẫn chưa thấy đâu. "Hiện các ngành đều kêu rất vướng. Những quy hoạch đang làm dở có làm tiếp không, làm rồi có phê duyệt không, đã phê duyệt rồi có được điều chỉnh bổ sung không?", Tổ trưởng Tổ công tác nêu thực tế. "Các cơ quan tham mưu phải chủ động, lẽ ra khi ban hành Luật Quy hoạch phải có nghị định kèm theo nhưng không có. Bây giờ Luật có hiệu lực rồi, giở nghị định ra thì vướng không làm được. Hiện nay Bộ Công Thương đang có mấy chục dự án không làm được vì bị vướng". Ông Dũng cũng chỉ ra Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trình từ tháng 1/2018 đến nay đã hơn một năm chưa ban hành được. |
LINH TÂM