Boeing khủng hoảng nhưng không lép vế trước Airbus
Boeing khủng hoảng nhưng không lép vế trước Airbus
Giới chuyên gia cho rằng doanh số bán 737 MAX sẽ bình thường trở lại, sau khi Boeing hoàn tất nâng cấp phần mềm trong vài tuần tới.
Sau 2 tai nạn chết người trong vài tháng, dòng máy bay bán chạy nhất của Boeing - Boeing 737 MAX đã bị cấm bay cách đây 2 tuần. Hôm thứ Hai, các hãng hàng không Trung Quốc còn đặt hàng 300 máy bay Airbus. Đây là chiến thắng lớn cho Airbus, khi 737 MAX cạnh tranh trực tiếp với A320 - máy bay được Trung Quốc mua chủ yếu trong đơn hàng lần này.
Tuy vậy, phần lớn chuyên gia cho rằng Boeing và 737 MAX cuối cùng cũng sẽ ổn. Doanh số bán 737 MAX sẽ bình thường trở lại, sau khi Boeing hoàn tất việc nâng cấp phần mềm trong vài tuần tới. Boeing tin rằng việc này sẽ khắc phục được lỗi trong hệ thống tự động đang là tâm điểm điều tra của hai vụ tai nạn.
Airbus hiện còn tới 6.000 đơn hàng chưa hoàn thành với A320, còn Boeing có khoảng 5.000 với 737. Sự cạnh tranh giữa hai dòng máy bay thân hẹp này rất gắt gao và Airbus đang dẫn trước không nhiều, nhà phân tích tại Cowen - Cai von Rumhor cho biết. "Đây là cuộc đua song mã. Cả hai đều đang làm tốt. Cả hai đều có đơn hàng chưa thực hiện rất lớn", ông cho biết.
Một chiếc 737 MAX 8 của hãng sản xuất máy bay Mỹ - Boeing. Ảnh: AFP
|
Boeing và Airbus luôn cạnh tranh dữ dội để giành đơn hàng. Tuy nhiên, một khi hãng hàng không đã chọn được nhà sản xuất máy bay, họ không dễ thay đổi. Việc đào tạo phi công, hỗ trợ kỹ thuật, nguồn cung các linh kiện để duy trì hoạt động cho máy bay cũng đồng nghĩa các hãng bay phải chịu chi phí phát sinh rất lớn khi chuyển sang loại khác. Bên cạnh đó, số đơn hàng khổng lồ chưa thực hiện của A320 cũng sẽ khiến khách hàng hiện tại của 737 MAX phải cân nhắc nếu muốn đổi.
Kể từ sau vụ tai nạn của Ethiopian Airlines ngày 10/3, chỉ một khách hàng của 737 MAX là hãng hàng không Indonesia - Garuda hủy đơn. 50 máy bay đó có giá khoảng 4,9 tỷ USD. Cai von Rumhor thì cho rằng việc này chủ yếu do vấn đề riêng của Garuda. Hãng bay này đang thua lỗ và cần hoãn đơn hàng này lại.
Hiện tại, Boeing vẫn đang tiếp tục sản xuất 737 MAX với tốc độ 52 chiếc một tháng. Còn Airbus cũng sản xuất 60 chiếc A320 mỗi tháng.
Các hãng hàng không sẽ trả 60% tiền mua máy bay khi nhận được hàng. Vì vậy, việc ngừng giao 737 MAX có thể khiến doanh thu Boeing hụt 5 tỷ USD trong quý I, von Rumhor cho biết. Dù vậy, ông dự báo con số này sẽ được bù đắp trong các quý sau.
Chi phí khắc phục sự cố và đền bù cho các hãng bay vì máy bay phải ngừng hoạt động vào khoảng 2 tỷ USD sau khi trừ bảo hiểm. Dù vậy, ông cũng cho rằng Boeing sẽ không chịu thiệt hại trong dài hạn từ cuộc khủng hoảng hiện tại.
Von Rumhor cũng tin rằng động thái của Trung Quốc liên quan đến chính trị nhiều hơn. Nước này có thể muốn gây sức ép lên Mỹ trong đàm phán thương mại. Trung Quốc cũng là nước đầu tiên cấm bay 737 MAX sau tai nạn của Ethiopian Airlines. Họ cũng rút chứng nhận an toàn của dòng máy bay này hôm qua, dù nó đã bị cấm bay từ trước.
Hà Thu (theo CNN)