Cắt giảm giấy phép kinh doanh: Làm chưa trúng?
Cắt giảm giấy phép kinh doanh: Làm chưa trúng?
Tại hội nghị kinh tế thường niên do Thời Báo Kinh Tế Việt Nam tổ chức mới đây, 67% số người tham dự đã cho rằng môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn vậy, 7% cho rằng tình trạng tệ đi.
Nhiều doanh nghiệp đang kêu quy định về kiểm tra hàm lượng formaldehyte mới của Bộ Công thương cải lùi so với quy định cũ. Trong ảnh: tại một cơ sở kiểm định hàm lượng formaldehyte - Ảnh: NAM TRẦN
|
Kết quả này nhất quán với xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, theo đó thứ hạng của Việt Nam giảm 1 bậc. Chỉ số năng lực cạnh tranh của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam cũng giảm 3 bậc so với năm 2017.
Quả là những thông tin không vui với nỗ lực cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh. Trong cuộc họp ngày 18-3, người đứng đầu Chính phủ đã cho thấy sự sốt ruột của mình và yêu cầu các thành viên nội các cũng như các cơ quan liên quan tìm các giải pháp quyết liệt hơn.
Để có thể có các kết quả khả quan hơn với việc cắt giảm các điều kiện và thủ tục kinh doanh, có lẽ Chính phủ cần xem xét và điều chỉnh cách làm vì nhìn theo quy luật 80-20 (quy luật Pareto), có thể thấy cách làm hiện tại chưa trúng.
Quy luật 80-20 do Pareto, nhà kinh tế học người Ý, đưa ra vào năm 1896. Nó được hiểu một cách tổng quát rằng 80% kết quả đạt được đến từ 20% nguyên nhân (nguồn). Ví dụ, 80% ngân sách quốc gia đến từ 20% các nguồn thu; 80% rắc rối của một người đến từ 20% các khó khăn.
Nếu theo quy luật Pareto, 80% những khó khăn cản trở kinh doanh của các doanh nghiệp có thể chỉ nằm ở khoảng 20% các điều kiện và thủ tục kinh doanh. Do vậy, Chính phủ cần tập trung vào 20%, nhưng điều không hay là cách làm hiện tại dường như đang theo quy luật Pareto ngược.
Một số điều kiện và thủ tục kinh doanh là cần thiết để có một thị trường hoạt động hiệu quả và lành mạnh. Tuy nhiên, thực tế đang xảy ra là không ít điều kiện, thủ tục kinh doanh có mục đích để tạo "nguồn thu" của cơ quan quản lý và điều tiết bằng cách gây phiền hà cho doanh nghiệp. Chúng thuộc nhóm 20% tạo ra 80% khó khăn nêu trên. Những điều kiện dạng này cần phải loại bỏ.
Cách làm hiện tại, về cơ bản, là giao cho các bộ ngành, cơ quan tự rà soát và cắt giảm một nửa các điều kiện, thủ tục kinh doanh thuộc đơn vị mình. Để đối phó với yêu cầu của cấp trên nhưng vẫn có thể giữ được "nồi cơm" của mình, không loại trừ lựa chọn của các đơn vị là tập trung vào nhóm không tác động nhiều nguồn thu của mình (dễ cắt và ít ảnh hưởng).
Như vậy, nhiệm vụ được giao thì hoàn thành nhưng tác động không đáng là bao. Điều này giải thích tại sao một lượng lớn giấy phép và điều kiện kinh doanh đã được cắt mà cảm nhận chung của số đông vẫn vậy.
Thực tế, quy luật 80-20 nếu làm thuận chiều đã rất hữu hiệu ở Việt Nam. Điển hình là việc cắt giấy phép khi thi hành Luật doanh nghiệp năm 1999. Chỉ có mấy chục giấy phép được cắt mà đã tạo ra "dòng thác" hay sự chuyển biến khủng khiếp. Thậm chí chỉ một hay một vài quy định được "tháo khoán" đã tạo những kết quả không ngờ như: Khoán 10, Khoán 100...
Từ những phân tích nêu trên cho thấy có lẽ Chính phủ nên xem xét và điều chỉnh cách tiếp cận để có được quy luật Pareto thuận chiều. Việc thành lập các tổ đặc nhiệm để rà soát và đề xuất cắt giảm những thủ tục gây tắc nghẽn là một lựa chọn khả dĩ.
Thành phần của tổ nên là những người hiểu việc, có quyết tâm cải cách, có sự độc lập và không bị chi phối bởi những đối tượng có lợi ích từ tình trạng hiện tại.
Đột phá hay những chuyển biến tích cực chỉ có thể tạo ra khi tập trung vào đúng các điểm nghẽn nhằm khơi thông và có thể tạo ra điểm bùng phát.
Cuối cùng, dài hạn và căn cơ hơn là cải cách và thiết kế các cơ chế để cán bộ công chức không thể dựa vào những "nồi cơm" nêu trên, hay nói thẳng ra là tham nhũng và sách nhiễu người dân, doanh nghiệp.
Huỳnh Thế Du