Chủ tịch Thái Bình chỉ trích doanh nghiệp 'vượt mặt' mở trạm thu phí BOT
Chủ tịch Thái Bình chỉ trích doanh nghiệp 'vượt mặt' mở trạm thu phí BOT
Trong cuộc làm việc liên quan đến trạm thu phí BOT cầu Thái Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã phê phán doanh nghiệp đang đầu tư BOT ở tỉnh này về hành vi “vượt mặt”, làm sai quy định, sau đó lại báo cáo thiếu trung thực.
Trạm BOT cầu Thái Hà "bỏ quên" ý kiến của tỉnh Thái Bình. Ảnh: Hoàng Long
|
Trong buổi làm việc diễn ra ngày 20/3 giữa tỉnh Thái Bình với Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Tổng cục Đường bộ Việt Nam và đại diện các nhà đầu tư xây dựng tuyến đường bộ Thái Bình - Hà Nam và cầu Thái Hà chạy qua địa bàn huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình), ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã 'chỉ mặt' hành vi không trung thực của Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà trong việc thu phí tại cầu Thái Hà.
Ông Thăng cho biết, Dự án tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chạy qua huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) có chiều dài 26km đầu tư theo hình thức BT do liên danh Công ty TNHH xây dựng và thương mại Phương Anh và Công ty CP đầu tư và phát triển Nam Bắc là nhà đầu tư đang bước vào giai đoạn thẩm tra, phê duyệt quyết toán.
Theo số liệu quyết toán, giá trị thi công dự án là 4.634 tỷ đồng. Đến nay, Chính phủ và tỉnh Thái Bình mới thanh toán cho nhà đầu tư số tiền 2.553 tỷ đồng, còn nợ 2.081 tỷ đồng. UBND tỉnh Thái Bình đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét đưa vào danh mục và bố trí số vốn còn thiếu của dự án để thanh toán cho nhà đầu tư để chuyển giao công trình cho tỉnh Thái Bình quản lý. Do chưa thanh toán, bàn giao cho tỉnh Thái Bình nên hiện nay tuyến đường này vẫn thuộc quyền quản lý của Liên doanh Công ty Công ty TNHH đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh và Công ty CP đầu tư và phát triển Nam Bắc.
Tuy nhiên, dự án cầu Thái Hà vượt sông Hồng cùng nằm trên tuyến đường này lại do một nhà đầu tư khác là Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà thực hiện bằng hình thức hợp đồng BOT. Sau khi hoàn thành thi công, công ty này đã lập trạm thu phí và thực hiện thu phí cầu từ ngày 10/1/2019.
Ông Đặng Trọng Thăng (áo trắng, đứng) chỉ trich đơn vị đầu tư BOT cầu Thái Hà. Ảnh: Hoàng Long
|
Theo Chủ tịch tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng, dù công ty này đã được Bộ GT-VT đồng ý cho lập trạm thu phí, nhưng do đến nay, chủ đầu tư BOT này chưa có sự bàn bạc thống nhất với chính quyền tỉnh, huyện, xã và các cơ quan chức năng địa phương về các vấn đề mức phí, đối tượng miễn giảm, công tác bảo đảm an ninh trật tự nên việc tiến hành thu phí nêu trên là bất hợp lý.
Đáng chú ý là sau khi trạm BOT cầu Thái Hà bắt đầu thu phí, chủ đầu tư tuyến đường là Công ty TNHH đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh đã tiến hành cấm đường, dùng vật cản ngăn không cho các phương tiện lưu thông vì đây là tuyến đường chưa được bàn giao, hệ thống biển báo giao thông chưa được lắp đặt, rất nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. Đáp trả lại, Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà đã gửi công văn báo cáo Chính phủ, Bộ GTVT, Tổng cục đường bộ Việt Nam, UBND tỉnh Thái Bình… với nội dung địa phương gây khó dễ cho doanh nghiệp.
"Tỉnh Thái Bình đã kiểm tra, đúng là tuyến đường chưa đảm bảo toàn bộ điều kiện lưu hành an toàn. Bên cạnh đó, liên danh chủ đầu tư có quyền cấm, cản lưu thông đường vì chưa bàn giao đường cho tỉnh nên họ vẫn đang nắm quyền quản lý. Nhưng việc làm báo cáo như trên của Công ty CP BOT cầu Thái Hà là chưa chính xác, khách quan, làm cho dư luận hiểu nhầm sự việc sang hướng khác, ảnh hưởng đến uy tín của tỉnh", ông Thăng chỉ trích nhà đầu tư cầu Thái Hà.
Vì vậy, cùng với đề nghị Bộ GTVT khẩn trương có văn bản trình Quốc hội, Chính phủ bố trí vốn còn thiếu trả nhà đầu tư để bàn giao tuyến đường, cũng như Bộ này sớm có văn bản chính thức về mức thu phí tại cầu Thái Hà, ông Thăng khẳng định: "Khi chưa có văn bản, tỉnh Thái Bình không chịu trách nhiệm về bảo đảm an ninh trật tự cũng như các vấn đề liên quan khi thực hiện thu phí khu vực cầu Thái Hà".
Hoàng Long