Chứng khoán châu Á nhuộm đỏ vì đà giảm của lợi suất trái phiếu Mỹ
Chứng khoán châu Á nhuộm đỏ vì đà giảm của lợi suất trái phiếu Mỹ
Các thị trường chứng khoán châu Á hầu hết đều giảm trong ngày thứ Năm (28/03), sau khi Phố Wall giảm nhẹ trong đêm qua vì lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm chạm mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua.
Khép lại phiên giao dịch ngày thứ Năm (28/03), chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1.61% xuống 21,033.76 điểm, vì cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao Fanuc giảm 1.32%. Bên cạnh đó, chỉ số Topix cũng hạ 1.59%.
Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng hòa trong sắc đỏ trong ngày thứ Năm (28/03), cụ thể chỉ số Shanghai Composite rớt 0.92% xuống 2,994.94 điểm và chỉ số Shenzhen Component hạ 0.65% còn 9,546.51 điểm. Đồng thời, chỉ số Shenzhen Composite cũng lùi 0.905% xuống 1,639.72 điểm.
Ngược lại, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông lại tăng nhẹ 0.16% lên 28,775.21 điểm vào cuối phiên giao dịch. Cổ phiếu của Ngân hàng xây dựng Trung Quốc (CCB) niêm yết ở Hồng Kông rớt khoảng 1% sau khi công ty công bố quý giảm lợi nhuận đầu tiên kể từ năm 2015.
Cổ phiếu của hãng sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE được niêm yết ở Hồng Kông lại tăng 10.05% sau khi công ty này dự báo lợi nhuận quý 1/2019 sẽ tăng. ZTE, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ 4 thế giới dựa trên thị phần, bị buộc phải ngưng hầu hết việc kinh doanh vào khoảng tháng 4-7/2018 vì lệnh trừng phạt của Mỹ.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc trượt nhẹ 0.82% và đóng phiên ở mức 2,128.10 điểm khi cổ phiếu của ông lớn công nghệ Samsung Electronics giảm 1.1%. Chỉ số ASX 200 của Australia lại đi ngược xu hướng chung của châu Á, tăng lên mức 6,167.10 điểm (tương đương tăng 0.65%).
Chỉ số MSCI châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) cộng 0.15% lên 523.86 điểm vào lúc 15h28 (theo giờ HK/SIN).
Nguồn: CNBC.
|
Lo ngại về lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ
Đêm qua trên Phố Wall, chỉ số Dow Jones hạ 32.14 điểm xuống mức 25,625.59 điểm và chỉ số S&P 500 kết thúc phiên ở mức 2,805.37 điểm sau khi giảm 0.5%. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 0.6% còn 7,643.38 điểm.
Những chỉ số này sụt giảm sau khi lợi suất trái phiếu thời hạn 10 năm chạm mức thấp nhất kể từ ngày 15/12/2017. Kết thúc phiên ngày hôm qua, lợi suất trái phiếu này ở mức 2.3611 % sau khi dao động ở mức trên 2.4%.
Giới đầu tư đang để mắt đến việc lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm thấp hơn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 3 tháng trong tuần trước, đây cũng là lần đầu tiên tình trạng này xảy ra kể từ năm 2007. Diễn biến này được giới đầu tư gọi là đường cong lợi suất bị đảo ngược và được xem như là một chỉ báo sớm cho thấy suy thoái sắp diễn ra.
“Hiện tượng đường cong lãi suất bị đảo ngược lại có thể dự báo chính xác suy thoái là bởi vì khi lợi suất trái phiếu ngắn hạn vượt mặt lợi suất trái phiếu dài hạn, lúc đó chứng tỏ rằng giới đầu tư đang lo lắng về triển vọng ngắn hạn của nền kinh tế và muốn thu lại lợi suất cao hơn để bù đắp cho khoảng thời gian bất ổn sắp tới”, Kathy Lien, Giám đốc phụ trách bộ phận chiến lược ngoại hối tại BK Asset Management, viết trong một báo cáo đêm qua.
“Giới đầu tư đang trải qua khoảng thời gian khó khăn khi phải đưa ra quyết định việc lợi suất trái phiếu giảm là có lợi hay bất lợi đối với chứng khoán”, bà Lien nói. “Một mặt, lợi suất thấp có lợi cho những người đi vay, nhưng mặt khác, đường cong lợi suất bị đảo ngược cũng là kết quả của lợi suất suy giảm”.
Đàm phán thương mại Mỹ-Trung ở Bắc Kinh
Đối với vấn đề thương mại Mỹ-Trung, Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đang chuẩn bị cho những cuộc đàm phán thương mại tiếp theo với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vào tối ngày thứ Năm (28/03) diễn ra tại Bắc Kinh, theo lời của Bộ Thương mại Trung Quốc.
Trước cuộc họp, hãng tin Reuters cho biết phía Trung Quốc đã đưa ra những đề xuất chưa từng có về vấn đề chuyển giao công nghệ bắt buộc, trích lời từ các quan chức Mỹ.
“Tôi nghĩ rằng trong khoảng thời gian này … nội dung đề xuất sẽ có sự khác biệt”, Chou Chong, Trưởng bộ phận Chứng khoán châu Á tại Ostrum Asset Management Asia, trả lời trên chương trình “Street Signs” của CNBC vào ngày thứ Năm (28/03).
Tiền tệ và dầu
Chỉ số đồng USD – chỉ số theo dõi diễn biến đồng bạc xanh so với những đồng tiền chủ chốt khác – ở mức 96.855 sau khi dao động ở mức 96.976 trong phiên sáng.
Đồng Yên Nhật giao dịch ở mức 110.16 đổi 1 USD, sau khi dao động quanh mức 110.6 đổi 1 USD của phiên trước. Đồng AUD trao đổi ở mức 0.7104 USD sau khi nỗ lực phục hồi từ đà giảm mạnh của ngày hôm qua.
Giá dầu giảm trong phiên giao dịch châu Á, trong đó hợp đồng dầu Brent tương lai giảm 0.31% còn 67.62 USD/thùng và hợp đồng dầu WTI tương lai hạ 0.42% xuống 59.16 USD/thùng.
Fili