Đà giảm tốc của Trung Quốc không phải là do hàng rào thuế quan của ông Trump?
Đà giảm tốc của Trung Quốc không phải là do hàng rào thuế quan của ông Trump?
Tổng thống Mỹ Donald Trump hay nghĩ rằng các hàng rào thuế quan của ông đang gây tổn thương cho nền kinh tế Trung Quốc, nhưng một chuyên gia kinh tế hàng đầu cho rằng đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc thực chất phần lớn đều “do họ mà ra”.
“Có áp lực suy giảm đối với nền kinh tế Trung Quốc. Phần lớn đều là do họ mà ra , chủ yếu là từ chiến dịch cắt bớt đòn bẩy. Các hàng rào thuế quan từ Mỹ chỉ làm đà giảm tốc trở nên mạnh thêm nhưng không phải là ngọn nguồn của áp lực suy giảm hiện tại”, Stephen Roach, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Đại học Yale, nói với CNBC trong ngày thứ Sáu (22/03).
Mỹ và Trung Quốc – hai nền kinh tế lớn nhất thế giới – đã kéo nhau vào một cuộc chiến thuế quan từ tháng 7 năm ngoái. Cho tới nay, chính quyền Trump đã áp thêm thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, còn Bắc Kinh áp thêm thuế lên 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Cả hai bên đang cố gắng thương lượng về một thỏa thuận để giải quyết những bất đồng như mất cân bằng thương mại và cáo buộc chuyển giao công nghệ bắt buộc.
Tháng trước, ông Trump cho biết “các hàng rào thuế quan đang gây tổn thương tới Trung Quốc rất mạnh”. Nhận định của ông được đưa ra trong lúc tăng trưởng của Trung Quốc suy giảm: Bắc Kinh cho biết tăng trưởng GDP được dự báo ở mức 6-6.5% trong năm nay, giảm từ mức 6.6% của năm 2018.
Trong lúc các cơ quan chức trách Trung Quốc chuyển hướng sang kích thích kinh tế thông qua các gói cắt giảm thuế và nới lỏng chính sách tiền tệ, nền kinh tế bắt đầu cho thấy những tín hiệu tích cực, ông Roach – người từng là chủ tịch của Morgan Stanley châu Á – cho biết.
“Tôi nghĩ nền kinh tế Trung Quốc sẽ bắt đầu nhích lên từ nửa sau năm 2019 – đâu đó trong phạm vi 6%”, vị Chuyên gia kinh tế này cho hay, đồng thời nói thêm Mỹ sắp đối mặt với nhiều quý giảm tốc về tăng trưởng.
“Thỏa thuận hời hợt”
Đại diện từ Mỹ và Trung Quốc dự kiến gặp ở Bắc Kinh vào ngày 28/03/2019 để đàm phán thương mại cấp cao trong một nỗ lực hoàn tất 1 thỏa thuận.
Roach cho biết có khả năng hai quốc gia rồi sẽ tiến tới một thỏa thuận, nhưng các điều khoản trong thỏa thuận sẽ “khá hời hợt”.
“Có thể sẽ có một thỏa thuận nhưng tôi nghĩ là bạn cần phải rất cẩn thận trong việc đánh giá chất lượng thỏa thuận. Tôi nghĩ thỏa thuận đó sẽ là một thỏa thuận hời hợt chủ yếu được thúc đẩy bởi các nỗ lực làm tình trạng mất cân bằng thương mại giữa hai bên”, Roach nhận định.
“Thế nhưng, vấn đề cấu trúc về công nghệ và các chính sách công nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước, chuyển giao công nghệ - đó là những vấn đề khó giải quyết hơn và tôi nghĩ trong kịch bản tốt nhất là một thỏa thuận để tiếp tục đàm phán về chúng”, ông nói thêm.
Trong ngày thứ Năm (21/03), CNBC ghi nhận rằng ông Trump đang thúc giục các nhà đàm phán kêu gọi Trung Quốc đồng ý mua thêm hàng hóa Mỹ để làm giảm tình trạng mất cân bằng giữa hai bên. Thế nhưng, các cố vấn của Tổng thống Mỹ lại muốn chuyển hướng các cuộc đàm phán sang các vấn đề cấu trúc dài hạn ở Trung Quốc với mục đích tái cân bằng mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia.
Trước đó, ông Trump quả quyết cho rằng ông muốn một thỏa thuận có thể thực thi được chứ không phải một thỏa thuận nhanh chóng. Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer – người dẫn dắt các cuộc đàm phán với Trung Quốc – và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Steven Mnuchin sẽ tới Bắc Kinh để đàm phán vào ngày 28-29/03/2019. Sau đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ đến Washington để tiếp tục đàm phán, dựa trên nguồn tin thân cận.
FiLi