Đề xuất huỷ quyết định giao đất sân vận động Chi Lăng
Đề xuất huỷ quyết định giao đất sân vận động Chi Lăng
Việc huỷ quyết định giao đất sai phạm được kỳ vọng gỡ nút thắt trong tiến trình lấy lại sân vận động Chi Lăng.
Ngày 29/3, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã làm việc với với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, để thông qua dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại thành phố thời gian qua.
Chiếm nhiều thời lượng là các ý kiến về việc thu hồi tài sản trị giá gần 4.000 tỷ đồng ở Đà Nẵng liên quan đến đại án Phạm Công Danh (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh), trong đó có sân vận động Chi Lăng mà Đà Nẵng đang xin chuộc lại để phục vụ mục đích công cộng.
Sân vận động Chi Lăng từng là "chảo lửa" một thời của người hâm mộ bóng đá sông Hàn. Ảnh: Nguyễn Đông.
|
Phó thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết, chính quyền thành phố giai đoạn 2010-2015 đã sai phạm trong quá trình kêu gọi đầu tư, lập thủ tục giao đất sân vận động Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh.
Sai phạm lớn nhất và phức tạp nhất là trong khi Tập đoàn Thiên Thanh chưa triển khai dự án, chưa làm thủ tục đăng ký đầu tư, Đà Nẵng đã cho phép tách sân vận động thành 10 lô đất để các công ty con của tập đoàn này thế chấp vay ngân hàng, làm phát sinh giá trị nợ và lãi vay.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nói chủ trương chuộc lại sân vận động đang gặp nhiều vướng mắc về pháp lý. Phương án khả dĩ nhất là cấp có thẩm quyền huỷ quyết định hành chính về việc giao đất cho Tập đoàn Thiên Thanh, từ đó thành phố sẽ thoả thuận hoàn trả số tiền 1.200 tỷ mà doanh nghiệp đã nộp.
Theo ông Nguyễn Thái Học, Phó ban Nội chính Trung ương, quá trình thi hành án liên quan sân vận động Chi Lăng gặp nhiều khó khăn về mặt dân sự. Đề nghị của UBND thành phố Đà Nẵng là thỏa thuận, thương lượng để nhận lại sân vận động nhưng không thể nào đưa 1.200 tỷ đồng để lấy lại, vì thỏa thuận là phải có sự đồng ý của tất cả các bên.
Đồng quan điểm với Chủ tịch Đà Nẵng, ông Học cho rằng cơ quan chức năng nên đề nghị Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao kháng nghị bản án đã có hiệu lực pháp luật, xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm. "Trước đây UBND thành phố Đà Nẵng cấp đất không đúng thì giờ phải huỷ", ông nói.
Vẫn theo Phó ban Nội chính, khi huỷ quyết định sai phạm trước đây, các bên sẽ có nghĩa vụ hoàn trả "những gì mình làm không đúng". "Nếu không hủy bản án thì mọi hướng giải quyết tiếp theo sẽ không làm được", ông Học nói thêm.
Đánh giá việc thu hồi sân vận động Chi Lăng có ý nghĩa rất quan trọng, vì là nguyện vọng của nhân dân Đà Nẵng, tuy nhiên Phó thủ tướng Trương Hoà Bình cũng cho rằng mọi thủ tục phải được thực hiện theo đúng quy định, trình tự và thẩm quyền.
Phó thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp báo cáo đề xuất việc thi hành án. Các cơ quan của Trung ương và Đà Nẵng cũng phải cùng nhau xem xét, đánh giá bản án tuyên đã đúng pháp luật hay chưa. "Nếu việc cấp đất, giao đất của UBND thành phố trước đây không đúng thì tòa phải xem lại cách giải quyết vụ án", ông Trương Hoà Bình nói.
Sân vận động Chi Lăng vốn là công trình gắn liền với đời sống tinh thần của nhiều thế hệ người dân Đà Nẵng. Một thời, đây là "chảo lửa" tạo khí thế cho đội bóng sông Hàn giành thứ hạng cao trong làng bóng đá nước nhà. Năm 2010, UBND TP Đà Nẵng dưới thời cựu Chủ tịch Trần Văn Minh đã giao sân vận động Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh để làm dự án khu phức hợp thương mại - dịch vụ. Chính quyền hoàn tất thủ tục chuyển nhượng gần 6 ha đất một năm sau đó, thu về ngân sách khoảng 1.400 tỷ đồng. Giá đất được tính là 24,3 triệu đồng/m2. Chủ đầu tư sau đó đã "xẻ" sân vận động thành 14 dự án để thế chấp ngân hàng. Tháng 7/2014, ông Phạm Công Danh bị bắt vì nhiều tội. Sân vận động Chi Lăng trở thành tài sản liên quan vụ đại án. Tháng 8/2018, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ giao các sở tìm phương án thu hồi sân vận động phục vụ mục đích chung của thành phố. Đà Nẵng đã tính đến việc sẽ chuyển trả toàn bộ số tiền sử dụng đất mà Tập đoàn Thiên Thanh đã nộp, kèm lãi suất. |
Nguyễn Đông