ĐHĐCĐ FPT Retail: Làm sao để tăng 20% lợi nhuận năm 2019 trong khi chuỗi nhà thuốc Long Châu còn lỗ?
Bài cập nhật
ĐHĐCĐ FPT Retail: Làm sao để tăng 20% lợi nhuận năm 2019 trong khi chuỗi nhà thuốc Long Châu còn lỗ?
Sáng 27/03, ĐHĐCĐ thường niên 2019 của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HOSE: FRT) đặt kế hoạch năm 2019 với doanh thu 17,700 tỷ đồng và kế hoạch lãi sau thuế 418 tỷ đồng, tăng lần lượt 16% và 20% so với kết quả đạt được trong năm 2018.
ĐHĐCĐ thường niên 2019 tổ chức sáng ngày 27/03 của FPT Retail
|
Làm sao để tăng trưởng 20% lợi nhuận năm 2019?
Đây là câu hỏi được chính bà Nguyễn Bạch Điệp - Tổng giám đốc FPT Retail đưa ra và phân tích khá cụ thể.
Trong đó, FPT Retail đặt mục tiêu mảng phụ kiện sẽ mang về 1,000 tỷ đồng doanh thu trong năm nay, tăng 67% so với năm trước. Còn lợi nhuận là 483 tỷ đồng, tăng mạnh 110% so năm trước. Để đạt được con số này, bà Điệp cho biết sẽ thay đổi nhà cung cấp và mua tận gốc sản phẩm nên phần trăm tỷ lệ lợi nhuận sẽ tăng thêm 10% so với trước đây.
Còn chuỗi nhà thuốc Long Châu, bà Điệp cho biết, năm 2019 Công ty dự kiến mở 50 cửa hàng mới, nâng tổng số lượng lên 70 cửa hàng. Các năm tiếp theo mục tiêu từ 100-200 cửa hàng/năm để tăng lên con số 700 cửa hàng năm 2022.
Còn chỉ tiêu tài chính cụ thể như doanh thu 2019 dự kiến 500 tỷ đồng và lỗ 20 tỷ đồng; năm 2020 doanh thu 1,910 tỷ và không còn lỗ; năm 2021 doanh thu 4,370 tỷ và lợi nhuận 63 tỷ đồng; năm 2022 là 6,500 tỷ doanh thu và 193 tỷ lợi nhuận.
Theo bà Điệp, dược phẩm là ngành có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn nên Công ty đề ra định hướng phát triển ngành hàng này một cách quy hoạch và có kiểm soát bài bản như trong vận hành hệ thống bán lẻ điện tử của FRT. Bởi theo đánh giá, thị trường ngành hàng dược có giá trị khoảng 4.5 tỷ USD, gần tương đương ngành hàng điện thoại, mặc dù đây còn chưa phải là con số chính thức vì còn quá nhiều hàng nhập lậu, hàng không chính thức. Thêm vào đó, khi đời sống người dân tăng cao thì nhu cầu về thực phẩm chức năng còn nhiều. Ngoài ra, hiện có hơn 30,000 nhà thuốc khắp cả nước, gấp 3 lần số lượng cửa hàng chuỗi di động ngày xưa và đến bây giờ chưa có một chuỗi nào dẫn đầu mảng này. Đó chính là tiềm năng để Công ty có những bước tiếp theo để mở rộng như sản xuất, phát triển nhà máy...
Vì thế, trong thời gian tới, FRT sẽ tập trung xây dựng mảng hậu cần logistics và phát triển đội ngũ nhân sự ngành dược. Công ty kỳ vọng sẽ chiếm 30% thị phần kênh bán dược phẩm qua nhà thuốc trong 3 - 4 năm tới, mảng dược sẽ đóng góp khoảng 40% vào doanh thu của FRT (khoảng 10,000 tỷ đồng).
Về phương thức, năm 2019, FRT sẽ đẩy mạnh phát triển kênh bán hàng online, đồng thời tiếp tục phát triển hệ thống cửa hàng ngoài khu vực trung tâm, tức đi sâu vào các khu dân cư ở huyện, xã chưa khai thác. FRT cũng cho biết sẽ cải tiến hiệu quả quy trình cho dự án F.Friends, phát triển mảng phụ kiện và sim số.
Theo đó, để phục vụ thêm cho các hoạt động này, FRT sẽ xin ý kiến cổ đông bổ sung thêm ngành đại lý dịch vụ viễn thông, xổ số điện toán; bán lẻ sim số, thẻ cào; hoạt động dịch vụ tài chính; bán lẻ qua bưu điện hoặc internet; dịch vụ giá trị gia tăng trên internet...; cung ứng và quản lý nguồn lao động.
Kế hoạch năm 2019 của FRT
|
HĐQT và Ban kiểm soát sẽ không nhận thù lao
Trong năm 2018, FRT đạt 15,298 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 348 tỷ đồng, tăng lần lượt 16% và 20% so với năm trước. Theo giải trình từ phía Công ty, kết quả này là nhờ việc số lượng cửa hàng tăng lên con số 533 (tăng 60 cửa hàng); doanh số chuỗi F-Studio tăng 61% so với năm trước; 2 chương trình bán hàng trả góp F-Friends và trợ giá bán hàng Subsidy được đưa vào hoạt động trở lại; doanh thu online của FRT tăng 21% so với 2017.
Với kết quả đó, FRT thông qua kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ 25%. Trong đó, cổ tức tiền mặt là 10%, tương ứng 68 tỷ đồng.
Công ty cũng dự kiến phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động Công ty dựa trên kết quả kinh doanh năm 2018 và chủ trương phát hành ESOP cho kết quả 2019.
Đáng chú ý, cổ đông thông qua việc HĐQT Công ty và Ban kiểm soát sẽ không nhận bất cứ thù lao bằng tiền nào cho năm 2018 - 2019.
Ngoài ra, cổ đông cũng thông qua các giao dịch với bên liên quan. Cụ thể, trong năm 2018, FRT đã thu hồi lại hết khoản vay gần 71 tỷ đồng của bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty đối với FRT. Bên cạnh đó, FRT cũng đã vay 20 tỷ đồng từ CTCP FPT (HOSE: FPT) trong năm vừa qua.
Thảo luận
Cá nhân Tổng giám đốc đứng ra mua Long Châu để thử nghiệm
Tại sao các doanh nghiệp khác chưa thể lead được chuỗi cửa hàng thuốc? Tại sao FRT mua chuỗi Long Châu?
Bà Nguyễn Bạch Điệp: Vì sao doanh nghiệp khác chưa lead được chuỗi cửa hàng thuốc thì tôi không có bình luận gì vì tùy thuộc vào chính sách của từng đơn vị. Còn vì sao FRT tham gia vào mảng này vì khi đó Công ty đang tìm hướng đi mới để tham gia và phân tích thấy thị trường dược phẩm tốt nên đầu tư vào mảng này.
Và có vấn đề liên quan ở đây là vì sao cá nhân tôi lại vay nợ Công ty và vừa trả xong?
Đó chính là giai đoạn tôi được Công ty cử ra để mua chuỗi cửa hàng Long Châu với tư cách cá nhân để xem thử có an toàn, căn cơ, phù hợp để phát triển hay không, sau đó mới đưa vào FRT. Lúc đó nhiều người thắc mắc vì sao FRT tham gia vào ngành thuốc trong khi không có kinh nghiệm gì trong mảng này và vì sao lại chọn Long Châu? Lúc đó doanh thu các cửa hàng khác chỉ từ 300-600 triệu đồng/tháng/cửa hàng còn Long Châu có 4 cửa hàng với doanh thu trên 3 tỷ đồng/tháng/cửa hàng, một khoảng cách rất xa.
Điểm hòa vốn của cửa hàng dược? Chi phí đầu tư cũng như vận hành, tồn kho của chuỗi Long Châu?
Bà Nguyễn Bạch Điệp: Ngay lúc này có thể chưa nói ngay được con số hòa vốn rõ ràng, do năm 2018 vừa qua bước vào mảng mới này nên Công ty thử nghiệm nhiều mô hình khác nhau, nên thời gian hòa vốn phụ thuộc vào loại hình shop thử nghiệm. Từ 2019 mới áp dụng rộng rãi đồng loạt ở các tỉnh như Biên Hòa, Mỹ Tho, Long An, còn ở TPHCM đã khá ổn định.
Hiện có 3 loại nhà thuốc, loại A, B, C tùy thuộc vào địa điểm, diện tích... nên chi phí đầu tư sẽ khác nhau, tuy nhiên mức đầu tư khoảng tầm 70-80% chi phí của cửa hàng FPT Shop. Còn tồn kho khoảng 1.5 lần so với tổng chi phí đầu tư xây dựng, sửa chữa... Đối với công nợ, FRT đàm phán với khách hàng khoảng 15-30 ngày.
FRT đang thử nghiệp loạt dự án mới
FRT có bán chéo sản phẩm thêm như Thế giới Di Động (MWG) không?
Ở mỗi nhóm ngành nghề cần có nghiên cứu về tương lai. FRT đang có một loạt dự án đang thử nghiệm và khi nào thực sự rất thành công thì mới công bố việc đầu tư. Hiện FRT đang trong quá trình thương lượng với các đối tác. Hướng đi của FRT vẫn là hạn chế mảng đã bão hòa, dành diện tích cho mảng mới tốt hơn.
Từ quý 4/2018 đến nay cổ phiếu FRT giảm mạnh, Ban lãnh đạo có thể đánh giá về cổ phiếu không?
Bà Nguyễn Bạch Điệp: FRT mới lên sàn năm ngoái nên Ban điều hành chưa có nhiều kinh nghiệp về giá cổ phiếu. Nhưng cổ phiếu biến động do thị trường, theo đánh giá, đây là mức giá rất xa so với giá trị thật rất nhiều. Tính đơn giản, hiện giá thị trường FRT đang là 3,500 tỷ đồng chia cho hơn 500 cửa hàng, như vậy giá trị chỉ khoảng 5.5 tỷ đồng/cửa hàng, trong khi so với các đơn vị khác, định giá một cửa hàng của họ hơn 30 tỷ đồng/cửa hàng.
Chưa kể nói về tiềm năng, nhất là mảng thuốc quy mô 4.5 tỷ USD/năm, dù mảng điện thoại bão hòa. Với mức giá bây giờ thì rất khó để hiểu tại sao. Một phần phân tích cũng có thể do thanh khoản, nên Công ty đang thuê tư vấn để có hành động sắp tới nhằm cải thiện vấn đề này cho cổ đông.
F.Friend khác gì với mua trả góp tại shop?
Bà Nguyễn Bạch Điệp: F.Friend chính là mô hình mà FRT sẽ đi đến tận doanh nghiệp và ký hợp đồng, sau đó nhân viên ở đây được mua bất kỳ sản phẩm nào đều được trả góp với lãi suất 0%, tiền nợ hàng tháng sẽ được trừ vào lương. Trong khi mua trả góp bình thường có thể bị từ chối do không đủ điều kiện hoặc có những sản phẩm không được trả góp 0%. Nghĩa là sẽ chuyên nghiệp hơn so với mua trả góp bình thường.
Vay nợ Công ty tăng mạnh vào cuối năm 2018 vì sao?
Thực ra dư nợ vay đều ngắn hạn do tích trữ hàng vào dịp cuối năm, nhất là đối với sản phẩm của Apple, và chưa liên quan đến việc đầu tư vào Long Châu.
Sơ bộ tình hình kinh doanh 3 tháng đầu năm 2019 của FRT?
Bà Nguyễn Bạch Điệp: Mảng Iphone ảnh hưởng khá lớn đến kết quả kinh doanh của tháng 1 và 2, so với năm ngoái không tốt bằng. Đây là một năm đặc biệt kỳ lạ khi sản phẩm Iphone mới không thu hút người tiêu dùng.
Tuy nhiên Công ty ngay lập tức có những cách chuyển hướng xử lý để bù lại sự ảnh hưởng của Iphone trong quý 1 như thử nghiệm một vài ngành hàng mới liên kết với đối tác mới... Từ đó kỳ vọng từ quý 2 chỉ số kinh doanh sẽ tốt hơn.
Fili