ĐHĐCĐ MBS: Ưu tiên nhà đầu tư chiến lược Hàn Quốc, chia cổ tức cổ phiếu sẽ có lợi cho cổ đông
ĐHĐCĐ MBS: Ưu tiên nhà đầu tư chiến lược Hàn Quốc, chia cổ tức cổ phiếu sẽ có lợi cho cổ đông
Ngày 28/03 vừa qua, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của CTCP Chứng khoán MB (HNX: MBS), nhiều vấn đề quan trong liên quan tới hoạt động kinh doanh của Công ty đã được thông qua. Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo của Công ty cũng đã nhiều trao đổi về định hướng hoạt động với cổ đông.
Năm 2019, MBS đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 1,171 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 11% so với thực hiện năm trước. Về mặt lợi nhuận, Công ty đặt chỉ tiêu lãi trước thuế 360 tỷ đồng, tăng tới hơn 77% so với thực hiện năm trước.
Trong năm, Công ty đặt mục tiêu nằm trong top 5 thị phần trên cả 2 sàn HOSE và HNX trong năm 2019. Đối với thị phần phái sinh, Công ty đặt chỉ tiêu nằm trong top 5.
Cổ tức cổ phiếu sẽ có lợi hơn cho cổ đông
Trong năm 2019, Công ty sẽ thực hiện phát hành cổ phần mới để thực hiện tăng thêm hơn 500 tỷ đồng vốn điều lệ lên mức hơn 1,743 tỷ đồng. Cụ thể, MBS sẽ thực hiện phát hành cổ phần mới cho cổ đông hiện hữu, phát hành ESOP và phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 10%. Giá phát hành của cả 3 phương án trên đều là 10,000 đồng/cp.
Giải đáp thắc mắc về việc không chia cổ tức bằng tiền mặt, MBS cho biết, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ phù hợp hơn trong giai đoạn hiện tại vì nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn hoạt động kinh doanh của Công ty. Hiện tại, Công ty cũng đang trình phương án tăng vốn điều lệ để đáp ứng nhu cầu này. Việc sử dụng nguồn tự có sẽ đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả một phần nhu cầu vốn cho MBS. Với giá cổ phiếu của MBS đang trong đà tăng trưởng, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu sẽ tối ưu hóa lợi nhuận cho cổ đông của Công ty.
Nhằm nâng cao hình ảnh, tính thanh khoản của cổ phiếu, MBS dự kiến thực hiện chuyển niêm yết cổ phiếu lên HOSE trong năm 2019. Đồng thời, Công ty cũng sẽ trình cổ đông thông qua việc các nhà đầu tư chiến lược khi nhận chuyển nhượng cổ phần từ cổ đông hiện hữu dẫn đến việc sở hữu từ 25% trở lên cổ phiếu có quyền biểu quyết sẽ không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.
Ưu tiên cổ đông chiến lược Hàn Quốc
Một trong những vấn đề nổi bật tại đại hội là việc lựa chọn đối tác chiến lược của Công ty, Đoàn chủ tịch của MBS đã có lời trao đổi với cổ đông như sau.
Làn sóng toàn cầu hóa và hợp tác về tài chính với các tập đoàn tài chính lớn từ nước ngoài là xu hướng tất yếu và sẽ chi phối hướng đi sắp tới của thị trường tài chính cũng như chứng khoán của Việt Nam. Cạnh tranh do đó cũng ngày càng trở nên gay gắt về vốn, về công nghệ, về cơ sở khách hàng. Nhận thức được điều đó, MBS đã và đang triển khai tìm kiếm và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nhằm củng cố vị thế và mục tiêu định vị hoạt động công ty cho trung và dài hạn.
Do đó, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trước tiên cần phải phù hợp với chiến lược phát triển của MBS, định hướng của Ngân hàng mẹ MB và cấu trúc cổ đông nhằm đảm bảo tận dụng hiệu quả lợi thế từ các nhà đầu từ tài chính nước ngoài vừa củng cố được vị thế của MBS. Cấu trúc cổ đông sau khi có sự tham gia của các nhà đầu tư cần đảm bảo cho cổ phiếu của MBS luôn thực sự là một cổ phiếu mang tính đại chúng, thanh khoản cao.
Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của MBS như sau: Có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, với lợi thế riêng có từ thị trường chứng khoán Hàn Quốc; có nền tảng công nghệ tốt; giúp MBS khai thác hiệu quả tệp khách hàng hiện tại từ MB, Viettel cũng như tiệm cận và mở rộng tệp khách hàng đa dạng từ thị trường quốc tế.
Không phá giá phí giao dịch
Về mức phí giao dịch tối thiểu, MBS cho biết đã tham khảo mức phí và chính sách ở các thị trường đã bỏ mức phí giao dịch tối thiểu trước Việt Nam như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và đánh giá, ảnh hưởng của việc Bộ Tài chính bỏ mức phí giao dịch tối thiểu là tất yếu, phù hợp với xu thế vận động chung.
Điều này sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh, chủ yếu với các công ty chứng khoán không có lợi thế cạnh tranh về sản phẩm, tư vấn nhưng đồng thời sẽ tạo sức ép để tất cả các công ty chứng khoán cải tiến hoạt động. Về lâu dài, chính sách này sẽ đem lại lợi ích tốt hơn cho các nhà đầu tư, do đó sẽ khuyển khích nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán với mục tiêu đưa số lượng tài khoản chứng khoán từ 2% dân số lên mức 5% dân số vào năm 2025 như định hướng của Chính phủ.
Công ty cũng đưa ra nhiệm vụ cơ bản để cạnh tranh, bao gồm: Nâng cao chất lượng tư vấn, chăm sóc Khách hàng; Tối ưu hóa và nâng cấp công nghệ; Không theo hướng hạ thấp phí bằng mọi giá, duy trì một biểu phí cạnh tranh so với các công ty top đầu cung cấp giải pháp giao dịch và đầu tư toàn diện.
FILI