VPB đã đẩy mạnh việc xóa nợ xấu năm 2018 gấp đôi so với 2017
VPB đã đẩy mạnh việc xóa nợ xấu năm 2018 gấp đôi so với 2017
Để giữ được nợ xấu dưới 3% của ngân hàng mẹ, VPBank (HOSE: VPB) đã đẩy mạnh việc xóa nợ xấu trong năm 2018 gấp đôi so với năm 2017.
Theo báo cáo từ CTCK Rồng Việt (VDS), tính đến cuối quý 3/2018, tăng trưởng tín dụng của cả ngân hàng mẹ và FE Credit tương đối khiêm tốn, tuy nhiên tính đến quý cuối năm, tăng trưởng tín dụng này đã tăng đột biến lên 22% ở ngân hàng mẹ và 19% của FE Credit. Sự tăng trưởng đột biến này gây nên mối quan ngại về tăng trưởng tín dụng dài hạn của VPB.
Tăng trưởng tín dụng của FE Credit giảm khá mạnh khi so với giai đoạn mới hình thành vào giai đoạn 2014 - 2015, sự giảm tốc này chủ yếu đến từ sự tăng trưởng cho vay tiền mặt. Theo chia sẻ từ đại diện của FE Credit, tăng trưởng cho vay tiền mặt đã giảm so với năm 2017 và tỷ trọng cho vay tiền mặt từ trên 80% năm 2017 giảm xuống chỉ còn 77% năm 2018. Bù đắp cho việc giảm cho vay tiền mặt, tăng trưởng thẻ tín dụng khá tốt trong năm 2018. Tính đến cuối năm 2018, tỷ trọng dư nợ từ thẻ tín dụng chiếm 7% tổng dư nợ của FE Credit. Đến đầu năm 2019, tỷ trọng này lên đến 10%. Có thể thấy Credit Card đang là đối tượng tín dụng mới đối với FE Credit.
Về cơ cấu cho vay của VPB, tỷ trọng dư nợ không tài sản đảm bảo vẫn xoay quanh mức 35%, bên cạnh đóng góp của FE Credit, còn có sự đóng góp từ cho vay không tài sản đảm bảo của ngân hàng mẹ như Comm.Credit, cho vay tiểu thương. Năm 2018, dư nợ không tài sản đảm bảo tăng 18% và chiếm 16.7% tổng dư nợ ngân hàng mẹ. Riêng Comm.Credit tăng khoảng 21% và chiếm gần 18% cho vay không đảm bảo của ngân hàng mẹ. Việc đẩy mạnh cho vay không tài sản đảm bảo này của ngân hàng mẹ có ưu điểm là giúp NIM của ngân hàng mẹ duy trì tương đối ổn định trong bối cảnh lãi suất biến động trong năm 2018. Tuy nhiên, nợ xấu và chi phí dự phòng tiếp tục tăng mạnh.
Bên cạnh đó, biến động về chất lượng nợ vay cũng là một dấu hỏi lớn của VPB. Đối với ngân hàng mẹ, tỷ lệ nợ xấu vẫn duy trì trên 3%, đây là sự đánh đổi của việc ngân hàng mẹ duy trì tỷ trọng cho vay không tài sản đảm bảo chiếm gần 20% trong tổng dư nợ của ngân hàng. Để giữ được nợ xấu dưới 3% của ngân hàng mẹ, VPB đã đẩy mạnh việc xóa nợ xấu trong năm 2018 gấp đôi so với năm 2017.
Trong khi đó, tỷ lệ hình thành nợ xấu duy trì 19%, đây là đặc thù kinh doanh của việc cho vay tín chấp. Năm 2018, VPB hầu như không trích lập nợ xấu VAMC, thay vào đó ngân hàng thu hồi gần 1,000 tỷ đồng nợ của VAMC.
Năm 2018, tổng thu nhập hoạt động tăng 24%, chủ yếu nhờ hoạt động thu nhập lãi duy trì tăng 21%, còn đến từ thu nhập khác. Năm 2017, VPB đã ký hợp đồng bảo hiểm bancassurance với AIA, đưa về cho ngân hàng 1,600 tỷ đồng, 1 nửa đã trích trong năm 2017, và gần 900 tỷ đồng được trích cho năm 2018.
Năm 2018, chi phí hoạt động được kiểm soát chặt chẽ, nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 41%, khiến cho lợi nhuận trước thuế chỉ tăng 13%, thấp hơn kế hoạch đề ra.
Không chia cổ tức 2018 và kéo dài thời gian IPO FE Credit
Hoạt động của ngân hàng mẹ, VPB tập trung phát triển vào các phân khúc chiến lược (RB, SME, CommCredit) và các công nghệ số như Timo, Yolo… Nhưng hầu hết những phân khúc này chỉ có thể mang lại lợi ích trong dài hạn.
Đối với FE Credit, động lực mới đến từ CreditCard, tuy nhiên rủi ro của sản phẩm này không thấp hơn cho vay tiền mặt. Điều này có nghĩa là tốc độ tăng trưởng của FE Credit trong dài hạn sẽ giảm dần và ngân hàng phải hy sinh phần lớn thu nhập để trích lập dự phòng trong tương lai.
VDS dự báo trong năm 2019, tăng trưởng cho vay khách hàng đạt hơn 17%, đối với ngân hàng mẹ khoảng 17% và FE Credit là 18%. Chi phí dự phòng rủi ro tăng nhẹ và tiếp tục chiếm tỷ trọng cao. Thu nhập dịch vụ chủ yếu đến từ ngân hàng mẹ với các khoản chính từ bancassurance.
Cuối năm 2018, VPB đã xin NHNN cho áp dụng Basel II từ năm 2019, nhưng đến hiện tại vẫn chưa được NHNN phê duyệt. Gần đây, HĐQT của VPB cũng đã ra nghị quyết không chia cổ tức năm 2018.
Hiện tại, FE Credit đang thực hiện chuyển đổi từ Công ty TNHH sang CTCP, sau đó mới có thể tiến hành IPO. Định hướng ban đầu là giảm tỷ lệ sở hữu tại FE Credit, nhưng vẫn duy trì ở mức trên 50% để FE Credit vẫn là công ty con của VPB, nhưng việc này có thể sẽ diễn ra vào giai đoạn 2020-2021.
FILI