Hạ viện Mỹ không bác được lệnh phủ quyết của ông Trump
Hạ viện Mỹ không bác được lệnh phủ quyết của ông Trump
Hạ viện Mỹ ngày 26/3 không thể bác bỏ được lệnh phủ quyết đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, theo đó buộc phải giữ nguyên tình trạng khẩn cấp quốc gia mà ông Trump công bố hồi tháng 2 để huy động ngân sách cho việc xây dựng bức tường ngăn biên giới Mỹ-Mexico, công trình mà Quốc hội không chịu cấp vốn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trao đổi với báo giới tại tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Capitol Hill, Washington, ngày 26/3. Ảnh: Reuters
|
Theo tin từ Reuters, Đảng Dân chủ, phe nắm quyền kiểm soát tại Hạ viện, đã không tập hợp được đủ sự ủng hộ từ các nghị sỹ Cộng hòa. Vì lý do này, phe Dân chủ thiếu trên 30 phiếu để có thể bác bỏ lệnh phủ quyết của ông Trump. Trong cuộc bỏ phiếu, chỉ có 14 hạ nghị sỹ Cộng hòa gia nhập cùng 234 nghị sỹ Dân chủ phản đối lệnh phủ quyết của ông Trump.
Dù có 248 phiếu chống lệnh phủ quyết của Tổng thống và chỉ có 181 phiếu ủng hộ, số phiếu chống này vẫn chưa đạt tới tỷ lệ 2/3 cần thiết để lệnh phủ quyết bị bác bỏ. Với kết quả như vậy, ông Trump giờ đây hoàn toàn có thể điều chuyển ngân sách liên bang từ các kế hoạch chi tiêu khác sang cho việc xây bức tường biên giới - bức tường mà ông cho là cần thiết để ngăn chặn dòng người nhập cư trái phép và buôn lậu ma túy.
Ngân sách xây tường biên giới là một cuộc đấu giằng co giữa ông Trump và Quốc hội Mỹ, và thậm chí nhiều nghị sỹ cùng Đảng Cộng hòa của ông cũng phản đối Tổng thống.
Cuối năm ngoái, Quốc hội gạt đề xuất của ông Trump về cấp 5,7 tỷ USD cho kế hoạch xây tường trong năm 2019. Tháng 2/2019, ông Trump ban bố tình trạng khẩn cấp để có thể điều động vốn xây tường mà không cần Quốc hội thông qua. Tiếp đó, Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật bác bỏ tình trạng khẩn cấp mà ông Trump ban bố.
Đến lượt mình, ông Trump lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống dùng đến quyền phủ quyết để gạt bỏ dự luật của Quốc hội. Cuối cùng, Quốc hội tìm cách vượt qua lệnh phủ quyết của ông Trump, nhưng bất thành.
Tuy vậy, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, nhân vật cấp cao nhất của Đảng Dân chủ, ngày 26/3 tuyên bố rằng các nghị sỹ sẽ tiếp tục gây trở ngại cho ông Trump về vấn đề ngân sách xây tường thông qua các quy trình thông thường tại Quốc hội. Ngoài ra, tình trạng khẩn cấp mà ông Trump công bố cũng sẽ bị Quốc hội Mỹ rà soát lại sau 6 tháng nữa.
Dù đã vượt qua được một trở ngại ở Quốc hội, ông Trump vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức pháp lý đối với kế hoạch xây tường. Một liên minh gồm 16 bang đã đâm đơn kiện ông hồi tháng 2 về tình trạng khẩn cấp biên giới, và có thêm 4 bang nữa gia nhập vụ kiện này trong tháng 3.
Tổng chưởng lý bang California, ông Xavier Becerra, người dẫn đầu vụ kiện này, nói rằng sau khi Quốc hội thất bại trong việc vượt qua lệnh phủ quyết của ông Trump, các bang "sẵn sàng chiến đấu lâu dài và quyết liệt để chặn lại tình trạng khẩn cấp giả mạo" mà ông Trump công bố.
Vị thế của ông Trump được giới phân tích đánh giá là mạnh lên sau khi công tố viên đặc biệt Robert Mueller kết thúc cuộc điều tra về nghi án chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông có sự thông đồng với Nga. Dự trên báo cáo của ông Mueller, Bộ Tư pháp Mỹ kết luận chiến dịch của ông Trump không hề có sự đồng lõa nào với Moscow.
Thắng lợi chính trị này của ông Trump có thể khiến các nghị sỹ Cộng hòa bất đồng với ông gặp khó khăn nhiều hơn nếu họ muốn cản trở Tổng thống trong nhiều chủ trương, bao gồm kế hoạch xây tường biên giới.
An Huy