Hàng loạt ông lớn lại xin lùi thời hạn cổ phần hóa, thoái vốn
Hàng loạt ông lớn lại xin lùi thời hạn cổ phần hóa, thoái vốn
Theo Bộ Tài chính, dù thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước trong năm 2017, 2018 quá chậm, chỉ đảm bảo 30% kế hoạch giao nhưng mới đây, một loạt doanh nghiệp Nhà nước có văn bản xin lùi tiến độ thực hiện.
Bộ Tài chính vừa có văn bản thúc Tập đoàn Dầu khí VN thực hiện đúng tiến độ thoái vốn khỏi bất động sản, chứng khoán... Ảnh: T.L.
|
Ngày 28-3, tại họp báo về tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Đặng Quyết Tiến, cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cho biết tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra .
Cụ thể, năm 2018, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cả nước sẽ cổ phần hóa 64 doanh nghiệp, nhưng trên thực tế chỉ có 23 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Còn thoái vốn Nhà nước, năm 2018 chỉ thực hiện thoái vốn 57 doanh nghiệp, trong khi đó theo kế hoạch mà Chính phủ đặt ra là phải thoái vốn tại 181 doanh nghiệp.
Hiện tại, một loạt doanh nghiệp như Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam… xin lùi thời điểm thoái vốn và cổ phần hóa.
Nguyên nhân khiến doanh nghiệp chật vật thoái vốn, cổ phần hóa Nhà nước trong hai năm qua, theo lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, do vướng mắc đất đai, tài chính nên cần thời gian để xử lý.
Mặt khác, tỉ lệ vốn Nhà nước trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư trong mua cổ phần. Bên cạnh đó, có những dự án thua lỗ, khó khăn nên nhà đầu tư không mua.
Chẳng hạn, Tổng công ty Giấy đấu giá 3-4 lần nhưng không có nhà đầu tư tham gia, hay Tổng công ty Thép thoái vốn tại dự án Thép Thái Nguyên nhưng nhà đầu tư không mặn mà.
"Nhìn tổng thể, công tác cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước sẽ rất áp lực trong năm nay và năm sau vì những doanh nghiệp chưa cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2017, 2018 sẽ phải được chuyển sang để thực hiện trong năm nay và năm 2020. Do dó, nếu không có biện pháp quyết liệt thì sẽ không thể thực hiện được kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn như Chính phủ đặt ra giai đoạn 2016- 2020" - ông Tiến nói.
Ông Tiến nói thêm tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm được thì việc quan trọng nhất là phải đảm bảo pháp luật, công khai minh bạch và theo tín hiệu thị trường.
"Nếu đấu giá mà thị trường trả 10 đồng thì không thể đòi 20 đồng được. Thị trường trả giá nào thì phải bán giá đó. Còn việc đầu tư gây thất thoát thua lỗ thì người quyết định đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm", ông Tiến nói.
Lê Thanh