Khi nào SGC mới lấy lại phong độ giữa cảnh khó khăn muôn trùng?
Khi nào SGC mới lấy lại phong độ giữa cảnh khó khăn muôn trùng?
CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (HNX: SGC) đã có năm 2018 nhiều nỗi niềm khi các chỉ tiêu đều không đạt kế hoạch đề ra. ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 vào ngày 26/03 sắp tới sẽ đề ra kế hoạch gì cho năm tài chính 2019?
Theo như tài liệu đại hội được công bố, SGC xây dựng chỉ tiêu sản lượng tiêu thụ và doanh thucho năm 2019 lần lượt là 8,500 tấn và 313 tỷ đồng, đều tăng trưởng so với thực hiện năm 2018. Chỉ tiêu về lợi nhuận trước thuế đề ra là 31 tỷ đồng, tăng so với năm 2018 nhưng lại giảm so với thực hiện năm 2017, năm Công ty ghi nhận lãi trước thuế cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Phía Công ty cho hay, giá nguyên liệu chính (tinh bột mì), giá bao bì vẫn giữ ở mức cao như năm 2018, giá điện tăng, mức lương tối thiểu vùng tăng… kéo giá vốn tăng. Mặc dù, Công ty đã tăng giá bán, tiết giảm chi phí, nâng công suất… tuy nhiên giá bán không thể tăng theo kịp giá vốn nên chỉ tiêu lợi nhuận vẫn chưa thể cao hơn kết quả tốt năm 2017.
Trong năm 2019, Công ty dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ tối thiểu 20% bằng tiền mặt. Còn về cổ tức 2018, Công ty sẽ chi trả đợt 2 với tỷ lệ 15%, ngày thanh toán dự kiến là 26/04 và ngày đăng ký cuối cùng dự kiến là 15/04.
Nhìn chung, các chỉ tiêu thực hiện trong năm 2018 như doanh thu thuần, sản lượng tiêu thụ, lợi nhuận của Công ty đều chưa đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, tổng doanh thu của SGC đạt 290 tỷ đồng, đạt 93% kế hoạch, lãi trước thuế đạt gần 29 tỷ đồng, thực hiện được 72% kế hoạch. Riêng sản phẩm từ gạo có sự khởi sắc, bước đầu có lãi, đặc biệt là sản lượng tiêu thụ đã vượt 8.4% so kế hoạch và tăng gần 23% so năm trước.
Kết quả thực hiện năm 2018
Nguồn: SGC
|
Sự sụt giảm về con số lợi nhuận cũng như sản lượng là do giá nguyên liệu chính (tinh bột mì) tăng mạnh (tăng bình quân 20% so với năm trước) từ tháng 3/2018. Ngoài ra, xí nghiệp Sa Giang 2 ngưng sản xuất theo kế hoạch khoảng 50 ngày trong những tháng thấp điểm của mùa vụ năm 2018, trong thời gian này, SGC đã tiến hành nâng công suất lò hơi và nâng tầng mở rộng diện tích để tăng công suất nhà máy bánh phồng tôm Sa Giang 2.
Về hoạt động sản xuất chế biến, SGC đã tập trung đầu tư cải tiến máy móc, thiết bị để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng nâng suất lao động với tổng vốn đầu tư là 8.2 tỷ đồng cho xí nghiệp bánh phồng tôm Sa Giang 2 và phân xưởng thực phẩm.
FILI