Khuyến nghị VN công bố dịch tả lợn châu Phi là tình trạng khẩn cấp quốc gia
Khuyến nghị VN công bố dịch tả lợn châu Phi là tình trạng khẩn cấp quốc gia
FAO khuyến nghị Việt Nam cần sớm công bố dịch tả lợn châu Phi là tình trạng khẩn cấp quốc gia, áp dụng các biện pháp phân vùng để ngăn chặn dịch lây lan với khoảng cách xa.
Kiểm tra, phun thuốc khử trùng tại chốt kiểm dịch động vật trên QL1 đoạn qua xã Vĩnh Chấp (H.Vĩnh Linh, Quảng Trị). Ảnh: Nguyễn Phúc
Ngày 19.3, thông tin từ Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) tại VN cho biết, đoàn chuyên gia về dịch tả lợn châu Phi đã có chuyến khảo sát về các ổ dịch tại 2 tỉnh Thái Bình và Hải Phòng, thu thập các thông tin thực tế công tác phòng chống dịch, kiểm soát giết mổ và xử lý môi trường.
Các chuyên gia của FAO nhận định, chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, thực hành chăn nuôi an toàn sinh học ở mức độ thấp và thói quen sử dụng thức ăn dư thừa để chăn nuôi... là những nguy cơ khiến dịch lây lan, dù các địa phương đã kiểm soát tốt tiêu hủy lợn bệnh, vận chuyển và giết mổ.
Ngay sau chuyến khảo sát, các chuyên gia của FAO đã có khuyến nghị với Bộ NN-PTNT áp dụng một số biện pháp triển khai ngay lập tức, ngắn hạn và trung hạn để chặn dịch lây lan. Đáng chú ý, FAO khuyến nghị VN cần sớm công bố dịch tả lợn châu Phi là tình trạng khẩn cấp quốc gia, áp dụng các biện pháp phân vùng để ngăn chặn dịch lây lan với khoảng cách xa.
Tăng chốt kiểm soát ngăn chặn dịch
Theo thông tin từ Cục Thú y và các địa phương, đến nay dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 294 xã, phường tại 19 tỉnh, TP các tỉnh phía bắc và Trung bộ. Trong đó, Thừa Thiên-Huế là tỉnh mới nhất ghi nhận có dịch tả lợn châu Phi.
Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết đến chiều qua chưa xảy ra thêm trường hợp lợn chết bất thường ở xã Phong Sơn (H.Phong Điền) và khu vực lân cận, sau khi có ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại thôn Hiền An hôm 18.3 (Thanh Niên đã thông tin). Tuy nhiên, lực lượng chức năng địa phương đã tăng cường phòng chống dịch, lập 2 chốt kiểm soát ở khu vực xảy ra ổ dịch để kiểm tra, tiêu độc khử trùng; những nơi mua bán, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn cũng được kiểm soát. Đáng chú ý, xã Phong Sơn là vùng bán sơn địa, cách QL1 gần 15 km; chủ nuôi phát hiện ổ dịch (gia đình ông Tạ Hồng Uẩn) cũng không cho lợn ăn gì bất thường ngoài thức ăn công nghiệp, rau quanh nhà… nhưng dịch bệnh vẫn “xâm nhập”. UBND H.Phong Điền đang nghi vấn nguồn lây bệnh có thể theo chân du khách đến một địa điểm du lịch sinh thái gần nơi ổ dịch.
Tại Quảng Trị cũng gấp rút thành lập chốt kiểm dịch động vật liên ngành trên QL1 đoạn qua xã Mỹ Chánh (H.Hải Lăng), ngay sau khi có tin xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi ở H.Phong Điền (Thừa Thiên-Huế). Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu H.Hải Lăng lập chốt kiểm dịch động vật ở các xã có tuyến đường giáp ranh với H.Phong Điền. Trước đó, Quảng Trị lập 2 chốt kiểm dịch động vật liên ngành trên đường Hồ Chí Minh tại TT.Bến Quan (H.Vĩnh Linh) và QL1 tại xã Vĩnh Chấp (H.Vĩnh Linh); cả hai chốt hoạt động từ ngày 8.3, mỗi ngày kiểm tra 20 - 30 lượt phương tiện vận chuyển động vật qua địa bàn. Ngoài ra, nhánh đường xuyên Á giáp Lào cũng đang được địa phương giám sát chặt xe chở động vật lưu thông.
Tỉnh Quảng Nam có 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên QL1 được thành lập để phục vụ công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, chính thức hoạt động từ hôm nay (20.3). Chốt ở đầu mối giao thông phía bắc đặt tại thôn Bồ Mưng 1 (xã Điện Thắng Bắc, TX.Điện Bàn), chốt ở đầu mối giao thông phía nam đặt tại thôn Hòa Đông (xã Tam Nghĩa, H.Núi Thành).