Lo dịch bệnh, người tiêu dùng tìm mua thịt heo "có thương hiệu"
Lo dịch bệnh, người tiêu dùng tìm mua thịt heo "có thương hiệu"
Người tiêu dùng hiện nay có xu hướng vào siêu thị, cửa hàng thực phẩm mua thịt heo của các doanh nghiệp có thương hiệu vì tin tưởng sẽ an toàn hơn.
Mặc dù Bộ Y tế đã khẳng định bệnh tả heo châu Phi không lây sang người và hướng dẫn rõ cách phân biệt thịt heo an toàn với thịt heo bệnh nhưng trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, nhiều người vẫn tỏ ra lo ngại về độ an toàn nên giảm hoặc ngưng mua thịt heo.
Tại TP HCM, một số gia đình đã chọn thịt gà, vịt, thủy hải sản… thay thế thịt heo hoặc vào siêu thị, cửa hàng thực phẩm mua thịt heo của các doanh nghiệp có thương hiệu như Vissan, Sagrifood, CP… vì tin tưởng là an toàn hơn.
Theo thống kê của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), mức tiêu thụ thịt heo trong hệ thống bán lẻ của đơn vị này gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food đã tăng khoảng 20%, lên mức trung bình 45-50 tấn trong ngày thường và 60-70 tấn vào cuối tuần. Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho hay nguồn thịt heo đang bán tại hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food trên cả nước chủ yếu nhập hàng trực tiếp từ các đầu mối uy tín hàng đầu Việt Nam, như Vissan, Nam Phong, Anh Hoàng Thy, SagriFood; hầu hết thịt heo từ các nguồn này đều đạt chuẩn VietGAP.
"Ngay khi có thông tin về bệnh dịch, hệ thống đã lập tức áp dụng hàng loạt các biện pháp để kiểm soát nguồn thịt tốt nhất có thể. Bên cạnh việc tăng tần suất kiểm soát, hệ thống Saigon Co.op cũng tổ chức kiểm tra đột xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm bất ngờ tại các siêu thị để bảo đảm an toàn khi bán thịt đến tay khách" – ông Kiên nói.
Người tiêu dùng có xu hướng chọn mua thịt ở các siêu thị hoặc cửa hàng uy tín để được an toàn. Ảnh: Tấn Thạnh
|
Trong khi đó, các sạp thịt ở chợ lẻ, chợ tự phát rơi vào tình trạng ế ẩm, sức mua kém. Ngay cả các sạp thịt của Vissan tại chợ lẻ cũng giảm lượng bán ra so với thời điểm chưa có dịch. Theo ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản – Vissan, về tổng thể, lượng thịt heo Vissan cung ứng ra thị trường trong những ngày gần đây tăng nhẹ.
Tại 2 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, lượng heo nhập chợ trong những ngày gần đây giảm rõ rệt so với trước. Ông Lê Văn Tiển, Phó giám đốc Công ty quản lý chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết 6 ngày nay lượng heo về chợ khoảng 4.350 con/đêm, giảm khoảng 600 con so với trước và khoảng 800 con/đêm so với trung bình năm 2018. Giá heo hơi tại chợ cũng giảm 3.000 đồng/kg, ở mức 48.000 đồng/kg, heo mảnh 58.000 - 60.000 đồng (giảm 5.000 đồng/kg).
Mặc dù vậy, đang có diễn biến trái ngược nhau ở khâu tiêu thụ: sức mua ở kênh phân phối siêu thị, cửa hàng giới thiệu sản phẩm Vissan nhích lên trong khi ở kênh phân phối truyền thống giảm sút. Ở kênh bán sỉ, một số khách đã ký hợp đồng mua hàng từ trước nay thông báo tạm ngưng nhận hàng.
Các doanh nghiệp phân phối thịt cũng xác nhận lượng khách lẻ mua thịt heo tại các siêu thị tăng nhưng khách sỉ là nhà hàng, bếp ăn tập thể… lại có xu hướng giảm. Mặc dù các nhà bán lẻ đã cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng nhận về an toàn thực phẩm, nguồn gốc thịt cũng như quy trình kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm nhưng nhiều khách hàng vẫn lo ngại.
Thanh Nhân